Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG BINH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-TTLB

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ THỂ THỨC THANH TOÁN PHÍ TỔN LÀM CHÂN TAY GIẢ CHO THƯƠNG BINH

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

- Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng dân chủ, Đảng xã hội
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Ban chấp hành Trung ương đoàn thanh niên Lao động Việt Nam
- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
- Uỷ ban hành chính các liên khu, Khu tự trị và các tỉnh
- Các Khu và Ty thương binh;
- Các ông bộ trưởng các Bộ

Tiếp theo thông tư số 32-TN-TG, đề ngày 7-12-1955 của Bộ Thương binh về việc cấp chân tay giả cho thương binh.

Xưởng sản xuất chân tay giả cho anh chị em thương binh của Bộ Thương binh đã được nhân dân và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ Đức viện trợ, giúp sức, thiết bị hoàn toàn bằng máy móc tối tân.

Xưởng đã khánh thành ngày 10-6-1956 và đã sản xuất chân tay giả với các phương tiện mới.

I. ĐỐI TƯỢNG SẢN XUẤT VÀ PHỤC VỤ CỦA XƯỞNG

Xưởng sẽ sản xuất chân tay giả lần lượt cho anh chị em thương binh, cán bộ, công nhân và nhân dân bị cụt chân, cụt tay với thứ bậc ưu tiên trước sau, quy định dưới đây:

1- Anh chị em thương binh được làm trước.

2- Cung cấp cho hết loạt thương binh sẽ sản xuất cho cán bộ Dân, Chính, Đảng và công nhân bị cụt chân, cụt tay… (trừ trường hợp đặc biệt).

3- Cuối cùng sẽ sản xuất cho nhân dân nói chung.

Vì không thể cung cấp chân tay giả cho tất cả thương binh ngay trong một lúc, nên việc cung cấp cho thương binh cũng phải lần lượt theo thứ tự ưu tiên:

1- Thương binh cụt từ hai chi trở lên làm trước.

2- Thương binh hiện còn tại ngũ trong quân đội hoặc hiện còn sinh hoạt trong các trại thương binh thuộc Bộ Thương binh.

3- Thương binh hiện công tác trong các cơ quan, xí nghiệp.

4- Thương binh hiện làm ăn sinh sống ở các địa phương.

II. NGUYÊN TẮC GIỚI THIỆU THƯƠNG BINH ĐẾN LÀM CHÂN TAY GIẢ

Để có đầy đủ số liệu lập kế hoạch sản xuất và bảo đảm chủ động thực hiện kế hoạch, yêu cầu các Bộ, đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, địa phương lập thống kê danh sách những thương binh, cán bộ, công nhân cụt chân, cụt tay, gửi về Bộ Thương binh (theo mẫu của Bộ Thương binh đã phổ biến kèm theo thông tư 32-TN-TG ngày 7-12-1955).

Bộ thương binh dựa trên nguyên tắc thứ bậc ưu tiên vừa nêu trên sẽ ấn định người được gọi đến để lấp chân tay giả. Các Bộ, các cơ quan, xí nghiệp, địa phương chỉ giới thiệu anh em đến xưởng khi có giấy báo của Bộ Thương binh.

Theo kỷ thuật sản xuất mới, để sử dụng chân tay giả được tốt, mỗi anh em phải ở lại xưởng tối thiểu 21 ngày để đo, lắp chân tay giả và luyện tập cách sử dụng. Có thể có anh em phải đi cưa, cắt sửa chữa lại đầu xương, đầu gân, vết xẹo ở chỗ cưa cắt cũ. Do đó khi có giấy báo gọi anh em đến Xưởng làm chân tay giả, cơ quan giới thiệu anh em cần báo anh em thu xếp công việc ở địa phương, ở cơ quan, để anh em yên tâm đến sinh hoạt ở Xưởng.

III. PHÍ TỔN LÀM CHÂN TAY GIẢ

1.Đối với thương binh:

a) Kinh phí lắp chân tay giả do Bộ Thương binh đài thọ.

b) Cơ quan, trại hay địa phương giới thiệu anh em đi thì đài thọ lệ phí và sinh hoạt phí. Khi giới thiệu đi cần ứng trước một tháng sinh hoạt phí cho anh em.

Nếu thương binh ở địa phương thì ngân sách tỉnh đài thọ lộ phí và sinh hoạt phí.

2. Đối với cán bộ, công nhân, nhân dân: (sẽ quy định sau)

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH
BÁC SĨ




Vũ Đình Tụng