- 1 Nghị định 97/2006/NĐ-CP về việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính
- 2 Nghị định 15/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 97/2006/NĐ-CP quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính
- 3 Nghị định 97/2006/NĐ-CP về việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2010/TT-BCA | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2010 |
Căn cứ Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính; Nghị định số 15/2009/NĐ-CP ngày 13/2/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Để thống nhất thực hiện quy định của pháp luật về áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính (sau đây viết gọn là áp dụng hình thức xử phạt trục xuất), Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số nội dung cụ thể như sau:
Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 15/2009/NĐ-CP ngày 13/2/2009) về kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; đối tượng bị quản lý tại nơi ở bắt buộc; quyền, nghĩa vụ của người bị quản lý tại nơi ở bắt buộc và hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất trong trường hợp bất khả kháng.
Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Điều 3. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
1. Các khoản chi sau đây do ngân sách nhà nước chi trả trong dự toán ngân sách hàng năm của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh Bộ Công an:
a) Lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;
b) Thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
c) Quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
d) Truy tìm người bị trục xuất bỏ trốn.
2. Các khoản chi sau đây do người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất chi trả:
a) Ăn, ở tại nơi quản lý bắt buộc;
b) Khám, chữa bệnh trong thời gian quản lý bắt buộc;
c) Phương tiện xuất cảnh.
3. Trong trường hợp đặc biệt mà người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất không có khả năng chi trả các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này thì Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người đó vào Việt Nam hoặc xin cấp thị thực cho họ chi trả; nếu không thể thực hiện được các yêu cầu đó thì chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 4. Đối tượng thuộc trường hợp bị quản lý tại nơi ở bắt buộc trong thời gian làm thủ tục trục xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 97/2006/NĐ-CP
1. Người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
2. Người đã có quyết định xử phạt trục xuất, đang trong thời gian làm thủ tục thi hành quyết định trục xuất.
Điều 5. Đối tượng không bị quản lý tại nơi ở bắt buộc trong thời gian làm thủ tục trục xuất
1. Người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự;
2. Người bị ốm nặng, đang phải điều trị tại cơ sở y tế.
Điều 6. Nơi ở bắt buộc của người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất
1. Nơi ở bắt buộc của người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất có thể là:
a) Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính của Công an cấp tỉnh;
b) Nơi ở bắt buộc khác do Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ định.
2. Nơi ở bắt buộc phải bảo đảm các điều kiện về ánh sáng, vệ sinh, an toàn phòng cháy, chữa cháy và thuận tiện cho việc bảo vệ.
Điều 7. Trách nhiệm quản lý người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất tại nơi ở bắt buộc
1. Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có trách nhiệm tổ chức quản lý người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất từ khi lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đến khi thi hành xong quyết định trục xuất.
2. Đối với đối tượng được bàn giao theo yêu cầu của Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh Bộ Công an, thì Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức quản lý người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của người bị quản lý tại nơi ở bắt buộc
1. Người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất bị quản lý tại nơi ở bắt buộc được quyền:
a) Hưởng chế độ ăn như chế độ ăn áp dụng đối với công dân Việt Nam trong thời gian bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, nếu không có khả năng tự chi trả;
b) Mang theo các đồ dùng, tư trang cần thiết cho việc sinh hoạt;
c) Được khám, điều trị khi bị ốm;
d) Tiếp xúc với người thân, những người khác khi được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh.
2. Người đang trong thời gian làm thủ tục trục xuất bị quản lý tại nơi ở bắt buộc có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian lập hồ sơ, làm thủ tục trục xuất;
b) Gửi tiền, tài sản tại bộ phận lưu ký của nơi quản lý hoặc tại nơi do Thủ trưởng Cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của nơi quản lý và yêu cầu của cán bộ quản lý;
d) Cung cấp thông tin cần thiết khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
1. Trường hợp bất khả kháng được hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất là trường hợp vì lý do chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do khách quan khác mà người bị trục xuất chưa thể xuất cảnh được.
2. Việc quản lý người được hoãn thi hành quyết định trục xuất thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc thi hành quyết định trục xuất, thì quản lý tại nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính của Công an cấp tỉnh.
b) Quản lý tại nơi ở bắt buộc khác đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
c) Đối với trường hợp không cần thiết phải áp dụng biện pháp quản lý quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này thì có thể áp dụng biện pháp hạn chế việc đi lại, tiếp xúc hoặc tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
2. Các quy định trước đây của Bộ Công an trái với quy định của Thông tư này đều bãi bỏ.
1. Tổng cục An ninh I chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và thống kê việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính.
2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc nảy sinh, các đơn vị báo cáo về Bộ (qua Tổng cục An ninh I, Vụ Pháp chế) để có hướng dẫn kịp thời.