Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56-TC/NSNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 56/TC-BTC NGÀY 21 THÁNG 08 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 100 QĐ/TW NGÀY 3/6/1995 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG VỀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG CHÍNH TRỊ CẤP HUYỆN

Căn cứ Quyết định số 100 QĐ/TW ngày 3-6-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, căn cứ các quy định của Luật ngân sách Nhà nước và Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về kinh phí hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện như sau:

1- Nội dung chi của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, bao gồm:

a) Chi đảm bảo các hoạt động thường xuyên của bộ máy Trung tâm:

- Chi lương, phụ cấp lương đối với những cán bộ trong biên chế được duyệt của trung tâm.

- Chi hội họp, công tác phí.

- Chi mua sắm văn phòng phẩm, điện nước của trung tâm.

- Chi mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

- Chi sửa chữa tài sản của trung tâm.

- Các chi phí thường xuyên khác.

b) Chi tổ chức lớp học:

- Trả thù lao cho giảng viên, báo cáo viên kiêm chức với mức tạm thời: 30.000 đ/buổi, 60.000 đ/ngày.

- Chi cho giáo trình, tài liệu phục vụ trực tiếp cho chương trình bồi dưỡng học tập.

- Chi biên soạn tài liệu, giáo trình.

- Các chi phí khác liên quan tổ chức lớp học.

c) Chi hỗ trợ một phần tiền ăn theo mức tạm thời 5.000đ/người/ngày cho các học viên mà khoảng cách từ trụ sở cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn đến trung tâm bồi dưỡng từ 10 km trở lên đối với miền núi, biên giới, hải đảo; từ 20 km trở lên đối với các vùng còn lại.

Học viên do cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn cử đi học, bồi dưỡng được cơ quan cử đi học cấp tiền tàu xe đi và về từ nơi làm việc đến trung tâm bồi dưỡng theo chế độ công tác phí hiện hành; tiền ăn trong thời gian tập trung, do học viên tự tục ngoài phần hỗ trợ trên (trong thời gian tập trung học viên không được hưởng phụ cấp lưu trú).

d) Trung tâm bồi dưỡng chính trị có trách nhiệm bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt, lớp học cho học viên. Uỷ ban nhân dân cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) có trách nhiệm sắp xếp bố trí trên cơ sở nhà cửa, trụ sở hiện có. Trường hợp không sắp xếp bố trí được, lập dự án đầu tư mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

2- Lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí:

Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996, Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra cần chú ý một số điểm sau đây:

a) Lập dự toán ngân sách:

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn lập dự toán ngân sách của cấp có thẩm quyền và chương trình bồi dưỡng chính trị của cấp uỷ, Trung tâm bồi dưỡng chính trị lập chi tiết dự toán ngân sách (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản (nếu có)) trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện duyệt báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng gửi Sở Tài chính - Vật giá đối với phần kinh phí hoạt động thường xuyên, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với phần chi đầu tư xây dựng cơ bản để xem xét tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau khi Hội đồng nhân dân phê duyệt. Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định ngân sách Nhà nước cấp cho từng Trung tâm bồi dưỡng chính trị trong phạm vi ngân sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với phần chi thường xuyên; đối với phần chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (nếu có) nằm trong phạm vi tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh.

b) Quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí:

Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị dự toán thuộc ngân sách cấp tỉnh, kinh phí hoạt động thường xuyên và xây dựng cơ sở vật chất (nếu có) do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo. Kinh phí hoạt động thường xuyên cho trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện thực hiện uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý và cấp phát áp dụng như đối với kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục thuộc cấp huyện quản lý. Quy trình lập dự toán, quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí được thực hiện như quy định đối với sự nghiệp y tế, giáo dục thuộc cấp huyện quản lý. Riêng phần kinh phí tổ chức lớp và hỗ trợ tiền ăn học viên, ngoài quy định nêu trên, quyết toán chậm nhất trong phạm vi một tháng sau khi kết thúc lớp học. Đối với phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản được quản lý, cấp phát theo quy định tại Khoản 11 Mục IV Thông tư số 09 TC/NSNN nêu trên.

3- Tổ chức thực hiện:

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Về kinh phí xử lý từ nguồn ngân sách chi đào tạo được bố trí hàng năm của địa phương. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Tào Hữu Phùng

(Đã Ký)