BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 584-VH/TC | Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 1961 |
QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ MÁY PHÁT HÀNH SÁCH Ở CÁC HUYỆN
Từ sau khi phân cấp quản lý công tác phát hành sách về tỉnh và chuyển cán bộ phát hành về huyện, bộ máy phát hành ở huyện và đã hình thành. Cấp ủy và chính quyền huyện, bước đầu đã nắm và trực tiếp lãnh đạo công tác phát hành sách. Do đó, công tác phát hành sách ở nhiều huyện đã tiến bộ nhanh chóng.
Tuy vậy nhiệm vụ, quyền hạn bộ máy phát hành sách từ huyện xuống xã chưa được quy định thống nhất, nên có tình trạng mỗi nơi làm một khác. Ở huyện, có nơi gọi là hiệu sách nhân dân, có nơi gọi là phòng phát hành, có nơi vẫn trực thuộc Quốc doanh phát hành sách tỉnh. Ở xã có nơi tổ chức phát hành xã, có nơi tổ chức đội phát hành xã, có nơi không tổ chức phát hành xã mà chỉ dựa vào các tủ sách hợp tác xã nông nghiệp…
Phương châm tích cực sử dụng lực lượng xã hội, đưa lực lượng xuống sát cơ sở sản xuất, tăng cường việc cung cấp vào các tủ sách, câu lạc bộ v.v… nhiều nơi chưa chấp hành nghiêm chỉnh.
Trước tình hình nhiệm vụ mới, khối lượng sách phát hành xuống nông thôn ngày một lớn (mức sách tiêu thụ hàng năm có huyện lên tới 20, 25 vạn bản, bằng mức một tỉnh nhỏ trong những năm 1958, 1959) yêu cầu phục vụ phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống văn hóa mới ở nông thôn ngày một đòi hỏi cao; do đó, bộ máy phát hành sách ở huyện cần được chấn chỉnh, củng cố và tăng cường, Bộ quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn bộ máy phát hành sách ở huyện như sau:
I. TÍNH CHẤT NHIỆM VỤ CHUNG VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC CỤ THỂ
A. Tính chất và nhiệm vụ chung:
Từ nay tổ chức phát hành sách huyện gọi thống nhất là Hiệu sách nhân dân huyện.
Hiệu sách nhân dân huyện là một đơn vị doanh nghiệp của Phòng văn hóa huyện giúp Ủy ban hành chính huyện chỉ đạo, theo dõi công tác phát hành sách trong huyện. Nơi nào chưa có phòng văn hóa huyện thì hiệu sách nhân dân trực thuộc Ủy ban hành chính huyện (thông qua đồng chí cán bộ phụ trách văn hóa huyện).
Hiệu sách nhân dân huyện có hai nhiệm vụ bao quát là phục vụ chính trị, phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời đảm bảo việc quản lý kinh doanh tức là:
1. Đảm nhiệm việc phát hành các loại sách và văn hóa phẩm của các nhà xuất bản, các cơ quan chính quyền, đoàn thể trong nước (cả trung ương và địa phương) và sách quốc văn, ngoại văn nhập của nước ngoài để phục vụ cán bộ và nhân dân trong huyện.
2. Thực hiện mọi chủ trương, đường lối nghiệp vụ và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chế độ, nguyên tắc kinh doanh, tài vụ của Nhà nước và của ngành.
B. Công tác cụ thể
1. Xây dựng chương trình kế hoạch công tác hàng năm, quý, tháng và lãnh đạo thực hiện các chương trình kế hoạch công tác đó.
2. Điều tra nắm yêu cầu độc giả, chuẩn bị sách phục vụ tốt nhiệm vụ, mọi đối tượng được kịp thời, rộng khắp.
3. Tổ chức việc cung cấp sách cho các thư viện, tủ sách và câu lạc bộ đều đặn và chủ động đề ra các kế hoạch, biện pháp tổ chức tiêu thụ sách thường xuyên cũng như đột xuất.
4. Tổ chức lực lượng xí nghiệp mạng lưới phát hành kết hợp chặt chẽ với các ngành các giới, làm cho cơ sở phát hành đi sâu xuống cơ sở sản xuất, có chân rết ở thôn xóm, hợp tác xã, công nông trường, xí nghiệp, doanh trại bộ đội, trường học trong huyện.
5. Chấp hành nghiêm chỉnh mọi chế độ, nguyên tắc tài chính, tích cực góp phần luân chuyển vốn nhanh, phấn đấu giảm giá thành, bảo quản tài sản tốt, chống tham ô lãng phí.
6. Bồi dưỡng nghiệp vụ và quản lý sự hoạt động của cán bộ phát hành xã và lực lượng phát hành khác trong phạm vi phụ trách.
7. Chấp hành nghiêm chính kỷ luật báo cáo, thường xuyên cung cấp tin tức, tình hình hoạt động; phản ảnh dư luận của độc giả về nội dung sách và văn hóa phẩm và tác dụng của sách đã phát hành trong địa phương mình.
1. Căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công tác và khả năng cán bộ, Ủy ban hành chính tỉnh sẽ ra thông tư cho thành lập các hiệu sách nhân dân huyện theo phương hướng:
a) Năm 1961 chưa phân cấp toàn diện về huyện mà chỉ phân cấp về huyện quản lý kế hoạch, quản lý cán bộ, quản lý hoạt động nghiệp vụ, còn kinh doanh vẫn do Quốc doanh phát hành sách tỉnh quản lý.
b) Do tình hình công tác phát triển không đều nên Hiệu sách nhân dân huyện có nơi thành lập trước có nơi thành lập sau.
2. Mỗi Hiệu sách nhân dân huyệt có một chủ nhiệm phụ trách chung, dưới chủ nhiệm tùy theo yêu cầu phục vụ và quản lý kinh doanh sẽ có một số nhân viên từ 3 đến 4 người. Phân công như sau:
Chủ nhiệm: Ngoài phần giải quyết công việc chung, sẽ dành nhiều thời gian xuống cơ sở tổ chức, lãnh đạo, bồi dưỡng các lực lượng, cùng hoạt động với các lực lượng, nghiên cứu yêu cầu độc giả, thu lượm dư luận tác dụng của sách và văn hóa phẩm.
Cửa hàng, kho, kế toán
Quản lý kho sách, phân phối sách cho các lực lượng, làm sổ sách, kế toán, thống kê quản lý tài sản chung và bán hàng.
Đối với những huyện lớn, khối lượng công tác nhiều (doanh thu 1 năm từ 15.000đồng trở lên) thì được 2 người (kho riêng cửa hàng riêng) nếu khối lượng công tác ít thì 4 người làm chung.
Nhân viên phát hành lưu động (không gọi là tổ viên phát hành lưu động như trước).
Mỗi người phụ trách một khu vực từ 5 đến 7 xã. Vừa trực tiếp bán sách lẻ và cung cấp sách vào các tủ sách, vừa tổ chức, sử dụng, bồi dưỡng, hướng dẫn các lực lượng xã hội.
Tùy theo địa bàn hoạt động và khối lượng công tác, mỗi huyện có thể tổ chức từ 2 đến 4 nhân viên phát hành lưu động.
Biên chế hiệu sách nhân dân huyện sẽ nằm chung trong biên chế của Quốc doanh phát hành sách tỉnh (sau này phân cấp toàn diện về huyện, Hiệu sách nhân dân huyện trở thành Quốc doanh phát hành sách độc lập, sẽ quy định lại).
3. Hiệu sách nhân dân là một đơn vị công tác ở huyện, chủ nhiệm hiệu sách nhân dân cũng như các nhân viên khác sẽ được hưởng mọi quyền lợi như cán bộ, nhân viên Nhà nước khác.
Những vấn đề có tính chất riêng biệt của ngành thì căn cứ theo những quy định cụ thể của Bộ (vấn đề thưởng tăng năng suất, phụ cấp trách nhiệm v.v… )
III. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC LƯỚI PHÁT HÀNH SÁCH TỪ HUYỆN XUỐNG XÃ
1. Đối với các cửa hàng quốc doanh, hướng chung vừa củng cố vừa phát triển nhưng lấy củng cố là chính.
Củng cố các cửa hàng đã có (chú ý mặt ý thức phục vụ, chính trị, phục vụ sản xuất, công tác bạn đọ và việc quản lý kinh doanh) phát triển thêm cửa hàng ở những huyện chưa có (chú ý cả những nơi có điều kiện ở miền núi).
2. Tổ chức ở mỗi xã một cán bộ phát hành xã, nằm trong ban văn hóa xã, làm việc có tính chất, nghĩa vụ.
Nhiệm vụ chung của cán bộ phát hành sách xã là:
- Theo dõi việc thực hiện kế hoạch phát hành sách trong xã, tổ chức lực lượng phát hành ở các thôn và trong các hợp tác xã.
- Tuyên truyền giới thiệu sách, kết hợp với câu lạc bộ hướng dẫn đọc sách.
- Tập hợp, phản ánh dự luận tác dụng sách.
- Cộng tác với các lực lượng phát hành huyện khi anh em về xã hoạt động.
Cán bộ phát hành xã sẽ được hưởng quyền lợi về bồi dưỡng nghiệp vụ và các quyền lợi vật chất khác như các cộng tác viên thường xuyên của ngành phát hành sách (Quốc doanh phát hành sách trung ương sẽ đề nghị Bộ Văn hóa ra quy định cụ thể).
3. Ngoài cửa hàng quốc doanh và cán bộ phát hành xã, cần tích cực sử dụng lực lượng hợp tác xã mua bán (nhất là các cửa hàng bán lẻ của hợp tác xã mua bán ở các chợ, khu tập trung đông người) và mở rộng màng lưới cộng tác viên thường xuyên xuống sát cơ sở sản xuất (công, nông trường, xí nghiệp, doanh trại, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp …) thực hiện được khẩu hiệu “ngành nào sách ấy, người nào sách ấy”.
4. Kết hợp chặt chẽ với câu lạc bộ, thư viện và tủ sách tăng cường việc cung cấp sách vào các thư viện, tủ sách, nhất là tủ sách trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp .
Căn cứ thông tư này, các Sở, Ty, Văn hóa có nhiệm vụ giúp đỡ Quốc doanh phát hành sách các tỉnh, chuẩn bị kế hoạch, báo cáo lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành quy định các điểm cụ thể cho thích hợp với tình hình địa phương. Quốc doanh phát hành sách trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương thi hành.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |