BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số:6-TT | Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 1975 |
Để đảm bảo cho công tác bổ túc văn hoá phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết 22 và chỉ thị 208 của Trung ương Đảng, ngành học bổ túc văn hoá phải có một đội ngũ giáo viên bổ túc văn hoá vững và mạnh. Đặc biệt là ở vùng nông thôn rộng lớn, đội ngũ giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư cũng phải được tiếp tục củng cố, phát triển và không ngừng bồi dưỡng về nghiệp vụ.
Để khuyến khích đội ngũ giáo viên nói trên phát huy hết khả năng và nhiệt tình công tác, ngày 17-5-1961 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 195-TTg quy định chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên bổ túc văn hoá công tác ở cơ quan xí nghiệp, công, nông, lâm trường. Tiếp đó, Liên bộ Giáo dục - Tài chính đã có thông tư số 54-TT/LB ngày 15-12-1961 hướng dẫn thực hiện. Ngày 13-7-1968, Hội dồng Chính phủ lại ban hành chỉ thị số 110-CP quy định: "giáo viên dạy bổ túc văn hoá ở nông thôn, ở cơ quan, xí nghiệp là lực lượng đông đảo những người vừa sản xuất hoặc công tác, vừa tham gia dạy bổ túc văn hoá. Đội ngũ này cần được ổn định không nên thay đổi nhiều và cần được bồi dưỡng về phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy bổ túc văn hoá. Thù lao hàng tháng cho anh chị em do người học đóng góp bằng công điểm hoặc bằng tiền; nếu không có đủ thì cơ quan, xí nghiệp cần trích quỹ xí nghiệp để trả thêm, nơi nào không có quỹ xí nghiệp thì quỹ công đoàn đài thọ, ở nông thôn thì quỹ công ích của hợp tác xã đài thọ...".
Ngày 3-12-1973, Bộ Giáo dục ban hành quy chế trường bổ túc văn hoá tại chức ở nông thôn (quyết định số 1251-QĐ) cũng là nhằm đảm bảo phong trào bổ túc văn hoá ở nông thôn phát triển vững chắc, ổn định.
Nay Bộ Giáo dục có sự thoả thuận của Uỷ ban Nông nghiệp trung ương, căn cứ vào các chế độ, chính sách đối với giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư nông thôn đã được Chính phủ quy định tại các văn bản nói trên, hướng dẫn thêm phần nội dung các chế độ, chính sách đó để các địa phương thực hiện.
I - CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN BỔ TÚC VĂN HOÁ NGHIỆP DƯ NÔNG THÔN
1. Về nguyên tắc: Số ngày giờ dạy bổ túc văn hoá và tham gia lao động sản xuất hàng năm là do yêu cầu của chương trình học và kế hoạch giảng dạy bổ túc văn hoá của từng địa phương quy định. Số ngày công nghĩa vụ của giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư được tính cả số ngày lao động nông nghiệp và số ngày lao động giảng dạy, soạn bài, chấm bài, làm đồ dùng dạy học, dự hội nghị chuyên môn, dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.
2. Về cụ thể:
- Giáo viên cấp I, cứ 1 giờ dạy trên lớp phải có 1 giờ soạn bài, chấm bài, làm đồ dùng dạy học.
- Giáo viên cấp 2, cứ 1 giờ dạy trên lớp phải có một giờ rưỡi soạn bài, chấm bài, làm đồ dùng dạy học. Riêng giáo viên dạy môn văn phải có 2 giờ soạn bài, chấm bài, làm đồ dùng dạy học.
Hàng năm, ngoài số giờ lên lớp giảng dạy, soạn bài, chấm bài, làm đồ dùng dạy học, giáo viên bổ túc văn hoá cấp 1, cấp 2 được 16 buổi (mỗi buổi 4 giờ) để sinh hoạt tổ giáo viên, hội đồng chuyên môn, kiến tập, thực tập, 20 buổi để sơ kết học kỳ, tổng kết năm học, chuẩn bị năm học mới và được từ 15 đến 20 ngày đi dự lớp bồi dưỡng huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ do cấp trên tổ chức.
II - QUYỀN LỢI CỦA GIÁO VIÊN BỔ TÚC VĂN HOÁ NGHIỆP DƯ NÔNG THÔN
1. Quyền lợi về tinh thần.
a) Giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư được dự các buổi hội nghị phổ biến hoặc nghiên cứu học tập các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước do xã tổ chức cho cán bộ xã.
b) Được đào tạo, bồi dưỡng và nghiệp vụ do cơ quan giáo dục cấp trên tổ chức;
c) Nếu trình độ văn hoá còn thấp thì được ưu tiên xét chọn đi học các trường bổ túc văn hoá cấp 2, 3 tại chức trong huyện;
d) Hàng năm được nhận xét thành tích công tác, dự bình bầu các danh hiệu thi đua và xét khen thưởng theo chế độ hiện hành.
2. Quyền lợi về vật chất.
Cần đảm bảo đời sống cho giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư như cán bộ khác trong xã, đãi ngộ cho xứng đáng với nhiệm vụ công tác được giao, tránh tình trạng thu nhập kinh tế, đời sống, sinh hoạt thua kém các cán bộ khác của xã.
a) Các giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư (kể cả giáo viên các trường phổ thông tham gia dạy bổ túc văn hoá ngoài giờ quy định) công tác và giảng dạy được hưởng bằng tiền như sau:
- Mỗi giờ giáo viên lên lớp dạy các lớp cấp 1 được hưởng O,30 đồng;
- Mỗi giờ giáo viên lên lớp dạy các lớp cấp 2 được hưởng 0,60 đồng:
- Giáo viên dạy cấp 1. cứ 2 giờ sinh hoạt chuyên môn và họp bàn các công tác khác của bổ túc văn hoá được hưởng bằng 1 giờ dạy trên lớp cấp 1:
- Giáo viên dạy cấp 2: cứ 3 giờ sinh hoạt chuyên môn hoặc họp bàn các công tác khác được hưởng tiền bằng 1 giờ dạy trên lớp cấp 2.
(Thông tư 54-TT/LB ngày 15-12-1961 của Liên Bộ Giáo dục - Tài chính; chỉ thị số 110-CP ngày 13-7-1968 của Chính phủ; Quy chế ban hành theo quyết định số 1251-QĐ ngày 3-12-1973 và thông tư số 16-TT ngày 14-6-1962 của Bộ Giáo dục).
b) Lương thực.
Dù trả thù lao cho giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư bằng tiền, các cấp chính quyền và hợp tác xã phải đảm bảo cho họ về mặt lương thực như các cán bộ khác trong xã.
3. Các quyền lợi khác.
a) Giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư được mượn sách giáo khoa của lớp mình hoặc môn mình phụ trách sách tham khảo giảng dạy và bồi dưỡng, được mượn chuyên san bổ túc văn hoá để nghiên cứu và được cấp phát giấy mực để soạn bài, phấn để viết bảng, giấy, mực, phấn được dự trù theo tiêu chuẩn bằng cả tiêu chuẩn cấp phát cho giáo viên phổ thông (giấy bút soạn bài cả năm, giáo viên cấp 1: 6,70 đồng, giáo viên cấp 2: 8,30 đồng; cấp phấn viết bảng cả năm: 1 lớp cấp 1: 4,60 đồng; 1 lớp cấp 2: 9,80 đồng). Nếu giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư chỉ dạy bằng nửa (1/2) số giờ tối đa của giáo viên phổ thông thì chỉ được dự trù bằng nửa (1/2) tiêu chuẩn.
b) Giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư nông thôn còn được Nhà nước bồi dưỡng về chính trị, văn hoá, nghiệp vụ và khi đi dự lớp bồi dưỡng được đài thọ tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian học tập theo chế độ hiện hành và do Ngân sách của ngành giáo dục đài thọ.
c) Ngoài ra giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư nông thôn còn được các quyền lợi như một cán bộ xã trong những trường hợp sau đây:
- Được chính quyền và Hợp tác xã trợ cấp khó khăn khi gia đình gặp khó khăn như thiên tai, mất mùa, ốm đau kéo dài;
- Được hưởng chế độ thuốc men, được điều trị, bồi dưỡng khi giáo viên ốm đau, bị tai nạ trong khi đang làm nhiệm vụ bổ túc văn hoá. Nữ giáo viên bổ túc văn hoá khi sinh đẻ được hưởng mọi quyền lợi như nữ xã viên;
- Được Uỷ ban Hoặc xã áp dụng hợp lý hoá chính sách dân công để đảm bảo duy trì các lớp bổ túc văn hoá;
- Được hợp tác xã phân phối các sản phẩm phụ theo chính sách chung đối với cán bộ xã và hợp tác xã.
III- KINH PHÍ THÙ LAO CHO GIÁO VIÊN BỔ TÚC VĂN HOÁ NGHIỆP DƯ NÔNG THÔN
Để thù lao cho giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư, các địa phương cần sử dụng các nguồn kinh phí sau đây:
1. Tiền học phí do học viên đóng góp hàng tháng (thông tư số 195-TTg ngày 17-5-1961 của Thủ tướng Chính phủ);
2. Tiền quỹ công ích của hợp tác xã (chỉ thị 110-CP ngày 12-7-1968 của Chính phủ):
3. Tiền thuốc ngân sách xã (thông tư số 11-TC/TDT ngày 6-10-1972 của Bộ Tài chính).
Về chế độ, chính sách đối với giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư nông thôn được hướng dẫn trong thông tư này là những chính sách đã được quy định tại nhiều văn bản. Nay Bộ Giáo dục tập hợp lại và hệ thống lại để các địa phương thi hành. Trong quý trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, các địa phương nên gửi ý kiến đó về Bộ để Bộ nghiên cứu trình Chính phủ quyết định.
Nguyễn Văn Huyên (Đã ký) |
- 1 Thông tư 32-GD/TT-1976 quy định tạm thời về chế độ công tác của giáo viên và việc bố trí, sử dụng cán bộ, nhân viên phục vụ giảng dạy trong các trường học do Bộ Giáo dục ban hành
- 2 Thông tư 4/TT-1975 quy định tạm thời về chế độ đối với giáo viên giảng dạy trong các Trường Đại học sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành
- 3 Quyết định 1251-QĐ năm 1973 về Quy chế trường bổ túc văn hoá tại chức ở nông thôn do Bộ trưởng Bộ giáo dục ban hành ban hành
- 4 Thông tư 58-TTg-1964 bổ sung và quy định về chính sách đãi ngộ đối với giáo viên dân lập ở các trường Phổ thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Thông tư liên bộ 54-LB/TT năm 1961 hướng dẫn Thông tư 195-TTg về vấn đề tổ chức, lãnh đạo công tác dạy văn hoá ngoài giờ tại các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường do Bộ Giáo dục - Bộ Tài chính ban hành
- 6 Thông tư 195-TTg năm 1961 về vấn đề tổ chức, lãnh đạo công tác dạy văn hóa ngoài giờ tại các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường do Phủ Thủ tướng ban hành
- 1 Thông tư 58-TTg-1964 bổ sung và quy định về chính sách đãi ngộ đối với giáo viên dân lập ở các trường Phổ thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 32-GD/TT-1976 quy định tạm thời về chế độ công tác của giáo viên và việc bố trí, sử dụng cán bộ, nhân viên phục vụ giảng dạy trong các trường học do Bộ Giáo dục ban hành
- 3 Thông tư 4/TT-1975 quy định tạm thời về chế độ đối với giáo viên giảng dạy trong các Trường Đại học sư phạm do Bộ Giáo dục ban hành