Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 1980

THÔNG TƯ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 60-TTG NGÀY 19 THÁNG 2 NĂM 1980 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH BAN HÀNH QUY CHẾ CHO TÀU THUYỀN NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC VÙNG BIỂN CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (IN TRONG CÔNG BÁO 1980 - SỐ 3 - TRANG 65)

Ngày 29 tháng 1 năm 1980, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, các ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan về việc thực hiện nghị định trên như sau:

1. Nước ta có bờ biển dài trên 3200 kilômet và vùng biển rộng lớn gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền về kinh tế giáp giới với nhiều nước láng giềng.

Vùng biển của ta rất quan trọng không những vì giàu tài nguyên quý giá mà còn vì nằm chủ yếu ở biển Đông và trên con đường giao lưu giữa Châu Á và Châu Âu, Châu Phi. Hàng ngày, tàu thuyền nước ngoài ra vào hoạt động trên các vùng biển của ta rất đông, từ các loại tàu thuyền đánh cá, tàu buôn đến các tàu gián điệp, tàu thuyền quân sự của các nước ngoài, nhất là tàu thuyền của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Thái Lan, v.v...

Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 5 năm 1977 đã quy định chủ quyền của ta đối với mỗi vùng biển có khác nhau, do đó việc kiểm soát tàu thuyền nước ngoài vào ra, qua lại, trú đậu cũng khác nhau, không thể làm nhất loạt theo một cách thống nhất.

2. Việc quy định tàu thuyền nước ngoài ra vào, qua lại, trú đậu trên các vùng biển của ta là vấn đề chủ quyền của Nhà nước ta, đồng thời là vấn đề liên quan tới Luật quốc tế hiện hành về biển và hàng hải, và đụng chạm tới quyền và lợi ích của các nước có liên quan. Do đó, trong khi hướng dẫn thi hành, quy định các chế độ cụ thể cũng như khi xử lý, các ngành, các địa phương phải chú ý cả hai mặt: vừa phải bảo vệ chủ quyền các quyền lợi của nước ta, vừa phải tôn trọng công pháp và tập quán quốc tế.

3. Trong nghị định có giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ xử lý các vụ vi phạm của tàu thuyền nước ngoài đối với chủ quyền và quyền lợi của ta trên các vùng biển của ta. Trên văn bản quy định như vậy chủ yếu là để địa phương có danh nghĩa xử lý, và để tàu thuyền nước ngoài phải tôn trọng chính quyền địa phương. Nhưng đây là một vấn đề rất phức tạp có liên quan đến quan hệ đối ngoại của Chính phủ ta, cho nên trước khi xử lý, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tuỳ theo nội dung xử lý, Thủ tướng Chính phủ sẽ bàn với các Bộ có liên quan như Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Hải sản, Giao thông vận tải hoặc các ngành khác. Trong trường hợp khẩn cấp để cứu tính mạnh người trên tàu và an toàn của con tàu, các Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố hữu quan có thể thi hành ngay những biện pháp kịp thời, đồng thời báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

4. Ban Biên giới của Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức việc truyền đạt để các ngành các địa phương nắm được nội dung các quy định trong nghị định và trong thông tư này, phối hợp và đôn đốc các ngành trong việc hướng dẫn các điều chi tiết để thi hành nghị định, thường xuyên theo dõi và báo cáo với Hội đồng Chính phủ tình hình thực hiện nghị định ở các ngành, các địa phương.

Tố Hữu

(Đã ký)