Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61-BT/TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1995

THÔNG TƯ

SỐ 61-BT/TT NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN KẾ HOẠCH SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM NĂM 1991-1995 VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 1996-2000

Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ, ngành chức năng có liên quan đến trẻ em và các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần sơ kết, kiểm điểm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vừa qua xây dựng chương trình kế hoạch hành động vì trẻ em trong thời gian tới,

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ra thông tư hướng dẫn như sau:

VỀ MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Kiểm điểm trách nhiệm của ngành, địa phương, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc quán triệt các quan điểm tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước theo nguyên tắc "hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có" đối với việc thực hiện bảy mục tiêu cơ bản và 15 mục tiêu trung hạn 1995 của chương trình hành động vì trẻ em.

2. Kiểm điểm đánh giá vài trò, trách nhiệm của hệ thống chuyên trách Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Nghị định 118/CP của Chính phủ.

3. Đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và chưa thành công trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đặc biệt chú ý rút ra những kinh nghiệm về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý chương trình mục tiêu trong kế hoạch liên ngành vì trẻ em.

4. Căn cứ vào định hướng của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 1991-2000 và kết quả kiểm điểm kế hoạch năm 1991-1995 mà xây dựng chương trình hành động, điều chỉnh các mục tiêu của ngành, địa phương, đoàn thể và tổ chức xã hội, đặc biệt chú ý đến chương trình cấp quận, huyện và cấp xã, phường.

A- ĐỐI VỚI CÁC BỘ, NGÀNH, ĐOÀN THỂ, TỔ CHỨC XÃ HỘI...THÀNH VIÊN CỦA UỶ BAN

1. Kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ bản và các chỉ tiêu trung hạn (1991-1995) của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Căn cứ vào sự phân công trách nhiệm trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em năm 1991-2000, một số điều khoản đã quy định trong Nghị định 374/HĐBT (nay là Chính phủ) hướng dẫn về việc thi hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Nghị quyết 05, 06 của Chính phủ về phòng chống các tệ nạn xã hội... để kiểm điểm trách nhiệm của bộ, ngành, đoàn thể.

2. Kiểm điểm đánh giá sự chỉ đạo của Bộ, ngành, đoàn thể theo hệ thống dọc của mình và phối hợp liên ngành ở từng cấp để thực hiện mục tiêu chung, nêu rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm làm được và chưa làm được trong việc thực hiện các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em, đặc biệt là một số vấn đề mới phát sinh nổi cộm của trẻ em như trẻ em bị lợi dụng tình dục, trẻ em bị hiếp dâm, trẻ em tảo hôn, trẻ em làm trái pháp luật.

3. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em 1996-2000 của từng Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội (đã có văn bản hướng dẫn đầu năm 1995). Nêu những kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật phổ cập giáo dục tiểu học và các mục tiêu vì trẻ em trong những năm tới của từng Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là "cần nêu một cách rõ ràng những vấn đề bản thân ngành phải tự giải quyết, những vấn đề có tính chất liên ngành, những vấn đề dựa vào cộng đồng dân cư và các vấn đề cần đề nghị Chính phủ..."

B- ĐỐI VỚI ĐỊA PHƯƠNG (CẤP TỈNH - THÀNH,CẤP HUYỆN - QUẬN, XÃ - PHƯỜNG)

1. Căn cứ vào chương trình hành động vì trẻ em của từng tỉnh, thành đánh giá kết quả cụ thể việc thực hiện bảy mục tiêu cơ bản theo 15 mục tiêu trung hạn đã đề ra ở từng cấp. Cụ thể: kiểm điểm đánh giá hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em, chăm sóc về dinh dưỡng; thực hiện tốt Luật phổ cập giáo dục tiểu học; giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh; xây dựng các điểm văn hoá vui chơi cho trẻ em; các biện pháp chủ động ngăn ngừa, đấu tranh chống ảnh hưởng của văn hoá phẩm độc hại đối với trẻ em; Xây dựng và thực hiện chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em đặc biệt khó khăn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm quyền trẻ em hoặc lợi dụng, lôi kéo, xúi giục trẻ em làm trái pháp luật.

2. Đánh giá công tác truyền thông vận động xã hội nhằm tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm về các quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Công ước quốc tế về quyền trẻ em; các mục tiêu vì trẻ em đến năm 2000. Phổ biến, hướng dẫn các kiến thức, phương pháp nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ gia đình, đặc biệt là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để gia đình làm tốt chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

3. Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương về xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động vì trẻ em: các chủ trương chính sách, văn bản và những hoạt động cụ thể của địa phương nhằm tạo điều kiện để Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các ngành, đoàn thể và đặc biệt là gia đình thực hiện chương trình hành động vì trẻ em, nuôi dưỡng và giáo dục con em.

Kiểm điểm việc đầu tư ngân sách của địa phương cho các chương trình mục tiêu vì trẻ em. Kết hợp với việc vận động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của quốc tế và vận động xã hội. Kết quả xây dựng và chỉ đạo hoạt động Quỹ bảo trợ trẻ em của tỉnh, huyện, xã (nêu rõ các mục tiêu, biện pháp huy động, kết quả cụ thể của việc huy động và sử dụng nguồn quỹ, số lượng nguồn vốn và số lượng trẻ em được hỗ trợ, công tác vận động nguồn từ các tổ chức quốc tế.

4. Kiểm điểm công tác chỉ đạo thực hiện của Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Cần tập trung kiểm điểm chức năng giúp các cấp chính quyền quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, việc thực hiện Công ước quốc tế, luật có liên quan đến trẻ em và chương trình hành động vì trẻ em. Đặc biệt là sự phối hợp, lồng ghép để xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm (1996-2000) giữa Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em với Uỷ ban kế hoạch, Cục thống kê, Sở Tài chính và các sở ban ngành có liên quan: Y tế, Giáo dục, Văn hoá thể thao, Lao động Thương binh - Xã hội trong việc khảo sát đánh giá xây dựng các mục tiêu, dự án, huy động nguồn lực, xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát theo dõi, tổng kết việc thực hiện chương trình.

- Các biện pháp tổ chức liên kết các ngành đoàn thể ở địa phương nhằm thực hiện chức năng phối hợp, điều phối của Uỷ ban trong việc thực hiện chương trình hành động vì trẻ em (những ngành nào phối hợp có hiệu quả ngành nào phối hợp chưa được hoặc chưa có hiệu quả, nguyên nhân?).

- Phát huy tính xã hội hoá của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Những bài học kinh nghiệm những mô hình của cơ sở nhằm đúc kết và phát triển rộng rãi phong trào hiệu quả ngay tại địa phương.

- Kết quả việc tổ chức tháng hành động vì trẻ em nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội.

- Kiện toàn hệ thống Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp, nâng cao năng lực tổ chức phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thực hiện chức năng kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu chương trình vì trẻ em của địa phương.

5. Xây dựng chương trình, mục tiêu kế hoạch hoạt động vì trẻ em cấp tỉnh, huyện, cơ sở 1996-2000, đề ra các biện pháp, cơ chế phối hợp các nguồn lực cần thiết thực hiện các mục tiêu của chương trình (theo hướng dẫn đầu năm 1995).

C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Ở Trung ương:

- Tiến hành đợt kiểm tra đánh giá liên ngành tại một số cơ sở, địa phương của 8 vùng trong cả nước.

- Các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai thực hiện việc kiểm điểm đánh giá, chậm nhất là cuối tháng 7-1995 có báo cáo sơ kết để trình Thủ tướng Chính phủ và phục vụ cho Hội nghị tư vấn cấp Bộ trưởng khu vực Nam á - Thái Bình Dương vào tháng 11-1995 và Hội nghị sơ kết toàn quốc vào cuối quý IV-1995.

II- Ở địa phương:

Tỉnh, thành phố tổ chức sơ kết từ cấp xã, phường trở lên.

1. Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cấp tỉnh thống nhất kế hoạch sơ kết đánh giá chung của tỉnh, của từng thành viên và cấp huyện, xã; phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên, các ngành, đoàn thể.

2. Mỗi tỉnh cần chỉ đạo sơ kết một huyện và một số xã để rút kinh nghiệm và đánh giá tình hình của từng địa phương mình.

Cùng với báo cáo chung của tỉnh, các tỉnh cần gửi theo báo cáo của một huyện, một xã điểm và một xã trung bình không phải là xã điểm.

3. Các đoàn thể kiểm tra đánh giá cần có sự phối hợp liên ngành, đoàn thể có liên quan đến bảy mục tiêu của chương trình hành động, đặc biệt là các ngành Kế hoạch, Tài chính, Thống kê, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...

Đợt sơ kết này cần gắn với việc kiểm tra đánh giá thường xuyên các chương trình dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em đặc biệt khó khăn, thu thập số liệu thống kê... để tránh lãng phí về nguồn kinh phí, thời gian và việc tổ chức cán bộ đi đánh giá...

4. Thời gian sơ kết ở xã, huyện tháng 5, 6, 7-1995. Thời gian sơ kết ở tỉnh, thành phố trực thuộc vào tháng 8-1995. Thời gian gửi báo cáo về Trung ương chậm nhất là ngày 30-8-1995.

Trần Thị Thanh Thanh

(Đã ký)