Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65-TT-ĐH

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 96-TTG NGÀY 30-9-1963 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ NGHỈ CÔNG TÁC, NGHỈ SẢN XUẤT ĐỂ ÔN TẬP, KIỂM TRA, THI TỐT NGHIỆP CHO HỌC VIÊN HỌC CÁC TRƯỜNG VÀ LỚP TẠI CHỨC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng các Bộ, Các ông Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ
- Các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tiếp theo Nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962 ban hành quy chế chung về tổ chức các trường và lớp học tại chức đại học và trung học chuyên nghiệp. Thủ tướng Chính phủ lại ra Chỉ thị số 96-TTg ngày 20-9-1963 quy định chế độ nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để ôn tập, kiểm tra… cho học viên các trường và lớp học tại chức nói trên.

Để thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị là “ít gây trở ngại cho công tác, cho sản xuất, ít ảnh hưởng đến quỹ tiền lương”. Bộ Giáo dục sau khi hiệp ý với Bộ Tài chính và Bộ Lao động, giải thích rõ dưới đây việc thực hiện các điều quy định của Chỉ thị thuộc phạm vi chức năng của Bộ Giáo dục (về các mặt khác, sẽ do từng Bộ có liên quan giải thích riêng).

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC CHO NGHỈ CÔNG TÁC, NGHỈ SẢN XUẤT CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC THEO HỌC CÁC TRƯỜNG VÀ LỚP TẠI CHỨC ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC:

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ 3, việc học tập tại chức (học buổi tối, học gửi thư…) ngày càng trở thành một phong trào học tập rộng rãi. Để đưa việc học tập tại chức vào nền nếp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 101-TTg ngày 11-10-1962 về quy chế chung tổ chức các trường và lớp tại chức đại học và trung học chuyên nghiệp. Đến nay, để tạo thêm điều kiện cho học viên học các trường và lớp tại chức nói trên là những cán bộ, công nhân, viên chức “vừa làm vừa học” học tập được tốt và công tác tốt, Thủ tướng Chính phủ lại ra Chỉ thị số 96-TTg ngày 30-9-1963 cụ thể hóa điều 14 trong Nghị định chế độ nghỉ công tác, nghỉ sản xuất trong thời gian ôn tập, kiểm tra và thi tốt nghiệp. Với hoàn cảnh nước ta hiện nay, việc cho nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để học viên các lớp tại chức ôn tập, kiểm tra… là một cố gắng lớn của Chính phủ trong lúc cần dồn mọi sức vào việc hoàn thành những kế hoạch Nhà nước. Do đó, các cấp bộ quản lý các trường lớp tại chức cần vận dụng Chỉ thị cho thích hợp với từng loại lớp, theo hướng phấn đấu sử dụng một thời gian nghỉ ít nhất, tiết kiệm nhất nhưng đạt đượt kết quả cao nhất nhằm ít gây trở ngại cho công tác, cho sản xuất, ít ảnh hưởng đến quỹ tiền lương, các nơi mở lớp cần bảo đảm đúng tiêu chuẩn tuyển sinh, nắm vững tình hình giảng dạy và học tập, xét kỹ từng học viên xứng đáng được hưởng chế độ nghỉ, về phía học viên, cần nắm vững tinh thần trên, tự đặt nhiệm vụ cho mình cố gắng phấn đấu học tập tốt, tránh những sự đòi hỏi thực hiện Chỉ thị ở mức tối đa.

II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC ÁP DỤNG:

- Chế độ nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để ôn tập, kiểm tra… chỉ áp dụng cho cán bộ, công nhân, viên chức được cử và xét chọn theo học các trường và lớp tại chức có mục đích đào tạo hoặc bổ túc lên trình độ đại học hay trung học theo đúng Nghị định số 101-TTg ngày 11-10-1962 do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Giáo dục. Số tiết học phải tối thiểu là 360 tiết một năm hoặc 9 tiết một tuần cho 40 tuần thực học hàng năm (năm học cuối cùng làm báo cáo hoặc thiết kế tốt nghiệp có thể ít hơn) và thời gian học toàn khóa nói chung phải dài hơn thời gian của lớp học tập trung tương đương.

- Những cán bộ, công nhân, viên chức đã được hưởng đế độ nghỉ theo Chỉ thị 96-TTg ngày 30-9-1963 quy định, không được nghỉ chiều thứ ba và chiều thứ bảy như quyết định số 76-CP ngày 24-5-1961 của Hội đồng Chính phủ ban hành chế độ tạm thời về giờ giấc làm việc và học tập cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước nói chung. Lớp nào vì học cả chính trị, văn hóa, nghiệp vụ mà sử dụng cả chiều thứ ba và chiều thứ bảy thì thời gian đó phải tính vào tổng số thời gian được nghỉ để ôn tập, kiểm tra… mà Chỉ thị 96-TTg đã quy định.

III. THỜI GIAN NGHỈ VÀ CÁCH TỔ CHỨC NGHỈ:

- Thời gian nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để ôn tập, kiểm tra, thi tốt nghiệp hoặc làm luận án, đồ án thiết kế hay thực tập chuyên khoa (điểm 1 và 2 trong Chỉ thị) tính theo lịch. Trường hợp do sự sắp xếp của nơi mở lớp hoặc do nhu cầu công tác mà học viên phải nghỉ nhiều lần xen kẽ vào các ngày làm việc thì tính 26 ngày lao động và một tháng nghỉ.

- Thời gian nghỉ hàng năm và cuối khóa nhất thiết phải ghi trong kế hoạch học tập và phải được cấp bộ quốc doanh các trường và lớp học tại chức cùng Bộ Giáo dục duyệt y. Nơi mở lớp không được tự ý sửa đổi thời gian nghỉ. Nếu cần sửa, phải có sự thỏa thuận của các cấp bộ duyệt y kế hoạch học tập, căn cứ vào tổng số thời gian nghỉ đã được quy định trong Chỉ thị.

- Cách tổ chức nghỉ (một lần hay nhiều lần) tùy theo sự sắp xếp của nơi mở lớp, sau khi đã thỏa thuận với cơ quan có người đi học, để phù hợp với sự cần thiết của việc ôn tập, kiểm tra của từng năm học, căn cứ trên tổng số thời gian nghỉ đã đựơc cấp bộ quản lý các trường, lớp học tại chức và Bộ Giáo dục duyệt y.

- Đối với các lớp trung học chuyên nghiệp tại chức, thời gian nghỉ để ôn tập, kiểm tra… bằng 2/3 thời gian quy định cho học viên các lớp đại học tại chức. Cụ thể là: mỗi năm được nghỉ từ 20 đến 40 ngày (kể cả chủ nhật) để ôn tập, kiểm tra. Trong năm học cuối khóa, ngoài thời gian nghỉ hàng năm, học viên còn được nghỉ thêm 20 ngày (kể cả chủ nhật) để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Trường hợp cần làm đồ án thiết kế hay thực tập chuyên khoa, học viên có thể được nghỉ thêm từ 20 ngày đến tối đa là 80 ngày (kể cả chủ nhật).

- Thời gian nghỉ được quy định như sau:

Mỗi năm học, học viên các lớp buổi tối được nghỉ từ một tháng đến một tháng rưỡi (đối với đại học) hoặc từ 20 đến 30 ngày (đối với trung học). Đối với học viên các lớp gửi thư được nghỉ từ một tháng đến hai tháng (đối với đại học) hoặc từ 20 đến 40 ngày (đối với trung học). Trường hợp đặc biệt, do điều kiện giảng dạy hoặc do sức khỏe, tuổi của học viên, có lớp buổi tối cần nghỉ thêm thì phải được xét duyệt cụ thể từng lớp.

Cuối khóa học (năm học cuối cùng của toàn khóa) ngoài thời gian nghỉ hàng năm đã được quy định, học viên các trường và lớp tại chức, nói chung, chỉ được nghỉ thêm một tháng (đối với đại học) hoặc 20 ngày (đối với trung học) để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Trừ trường hợp đặc biệt, nhu cầu làm luận án, làm đồ án thiết kế hay thực tập chuyên khoa mới được nghỉ nhiều hơn sau khi được cấp bộ quản lý trường, lớp học và Bộ Giáo dục thoả thuận nhưng tối đa không được quá bốn tháng (đối với đại học hoặc 80 ngày (đối với trung học).

Trường hợp nơi mở lớp cần nghỉ nhiều hơn số ngày đã quy định trên, phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

IV. ĐIỀU KHOẢN THỰC HIỆN:

Để việc thực hiện Chỉ thị được nghiêm chỉnh những trường và lớp tại chức đại học và trung học mở sau ngày ra Chỉ thị cần theo đúng thủ tục như đã quy định trong Nghị định 101-TTg ngày 11-10-1962, Chỉ thị số 96-TTg ngày 30-9-1963, Nghị định số 171-CP ngày 20-11-1963 của Thủ tướng Chính phủ và những văn bản có liên quan đến việc học tập tại chức đại học và trung học chuyên nghiệp do các Bộ ban hành.

Đối với những trường và lớp tại chức đại học và trung học mở trước ngày ra Chỉ thị cần xét lại những thủ tục, căn cứ những văn bản nói trên. Nơi nào thấy chưa đầy đủ điều kiện, nhất thiết phải thực đúng thủ tục.

Chỉ sau khi có sự thỏa thuận của cấp bộ quản lý các trường và lớp tại chức và Bộ Giáo dục về số ngày nghỉ, nơi mở lớp mới có quyền công bố cho học viên để tránh tình trạng cho nghỉ quá nhiều, gây trở ngại lớn cho công tác, cho sản xuất và gây thiệt hại nhiều tới quỹ tiền lương.

Nhận được thông tư này Bộ Giáo dục đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh quản lý các trường và lớp học tại chức đại học và trung học chuyên nghiệp gửi ngay những văn bản cần thiết để Bộ tôi tiện việc xét duyệt, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 96-TTg ngày 30-9-1963 do Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ nghỉ công tác, nghỉ sản xuất để ôn tập kiểm tra, thi tốt nghiệp cho học viên học các trường và lớp học tại chức đại học và trung học chuyên nghiệp mở theo đúng Nghị định 101-TTg ngày 11-10-1962 của Thủ tướng Chính phủ.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên