Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66-TC/TT/SM

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH NHỮNG ĐIỀU SỬA ĐỔI THỂ LỆ CHI TIẾT THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ QUẢN LÝ MUỐI

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu và tỉnh,

- Sở thuế Trung ương,

- Các Chi sở và Phòng muối tỉnh,

Qua ba năm tiến hành công tác quản lý muối, kinh nghiệm cho thấy một số biện pháp quy định trong thể lệ chi tiết thi hành điều lệ về quản lý muối trở nên kém hiệu lực trước biến chuyển của tình hình. Vì vậy, Bộ thấy cần sửa đổi những quy định xét không thích hợp nữa.

Ngày 02-6-1958, Bộ đã ra Nghị định số 133-TC/NĐ/SM bản sao gửi kèm đây, sửa đổi các điều 4, 5 và 8 của Nghị định số 372-TC/NĐ ngày 13-12-1955 về tàng trữ, vận chuyển muối và cấp tiền thưởng cho các người bắt được muối lậu.

Điều 4 mới, quy định trong vùng A (vùng xung quanh đồng muối), nhân dân chỉ được tàng trữ đến 20kg muối để dùng trong gia đình. Kinh nghiệm trước đây trong vùng A cho tàng trữ tới 100kg đã gây nhiều khó khăn cho việc kiểm soát chống muối lậu. Một số người không nhỏ lợi dụng quy định trên để tàng trữ muối lậu đem bán kiếm lời. Trước đây, nhân dân thường có thói quen cứ đến vụ sản xuất muối, giá hạ thì mua một số muối lớn để dự trữ dùng trong suốt mùa lạnh là lúc muối khan hiếm giá cao. Song hiện nay, các Công ty lương thực đảm bảo việc cung cấp muối ở thị trường, lúc nào nhân dân cần dùng muối vẫn có thể mua với giá ổn định. Như vậy, không cần thiết mỗi gia đình phải trữ nhiều muối như trước. Vả lại, nếu mỗi gia đình trữ một số muối khá lớn, sẽ gây thêm khó khăn cho kế hoạch cung cấp muối của Mậu dịch quốc doanh.

Riêng các gia đình làm muối thì tùy theo điều kiện sản xuất ở từng nơi có thể trữ trên 20kg muối, nhưng không được quá 50kg. Hiện nay, ở một số đồng muối, hàng năm nhân dân chỉ sản xuất được từ 4 đến 6 tháng, cho nên sau mỗi vụ sản xuất, thường mỗi gia đình vẫn giữ lại một số muối đủ dùng trong các tháng không sản xuất được. Các cơ quan quản lý muối sẽ căn cứ vào tình hình địa phương mà quy định số muối được tàng trữ.

Điều 5 mới, quy định mang ra đường trên 10 kg muối trong vùng A phải có giấy phép vận chuyển do cơ quan quản lý muối cấp, hoặc hóa đơn của Mậu dịch quốc doanh hay của Hợp tác xã mua bán. Nhưng nếu mang dưới 10kg ở vùng sản xuất ra ngoài phạm vi đồng muối cũng phải có một trong các giấy tờ trên. Sở dĩ phải có một quy định riêng cho việc mang muối ở vùng sản xuất ra ngoài là vì hiện nay muối thâm lậu dưới hình thức vận chuyển từng số lượng nhỏ, hàng ngày một số người khá đông vào đồng muối mua muối lậu rồi mang dần ra từng 2, 3 kg mỗi lần. Người nào mang lọt được 4, 5 lần là đã kiếm được một số lợi vài ba nghìn đồng một cách dễ dàng.

Tùy theo yêu cầu công tác ở từng nơi mà áp dụng điều khoản này. Có thể quy định mang từ 2, 3 kg trở lên phải có giấy phép vận chuyển hay hóa đơn.

Tuy nhiên, muốn thi hành quy định trên có kết quả, cần bố trí cách cấp giấy cho nhân dân được thuận tiện mau chóng, tránh gây phiền phức ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị.

Điều 8 mới, quy định trong việc bắt muối lậu nếu có người tố giác và giúp đỡ cơ quan quản lý muối thì người ấy được hưởng từ 40% đến 70% số tiền phạt sau khi đã trích nộp 30% vào công quỹ. Sở dĩ tăng mức tiền thưởng lên như thế là để khuyến khích phong trào nhân dân chống lậu, vì kinh nghiệm cho thấy số vụ muối lậu do nhân dân phát giác nhiều hơn số vụ mà nhân viên kiểm soát của cơ quan quản lý muối bắt được.

Ngoài những sửa đổi trên, Bộ giải thích thêm một số điểm cụ thể giúp cho công tác chống muối lậu tiến hành có kết quả.

Hiện nay có một số người vừa làm muối vừa làm nghề cá, họ dùng muối của họ làm ra để chế biến và không chịu nộp thuế. Như vậy vừa làm thiệt hại cho công quỹ vừa gây suy tỵ giữa các người làm nghề cá. Từ nay, những người vừa làm muối vừa làm nghề cá, cũng phải xin phép dùng muối của họ làm ra để chế biến. Cơ quan quản lý muối sẽ căn cứ vào nhu cầu của mỗi hộ mà cấp giấy phép. Hàng tháng, họ phải nộp cho cơ quan quản lý muối số thuế được giảm 50% vào số muối thực tế đã dùng để chế biến. Số muối còn thừa phải bán cho cơ quan quản lý muối.

Những hộ này cũng phải giữ một quyển sổ, như đã quy định ở điều 6, Nghị định số 372-TC/NĐ ngày 13-12-1955, ghi số muối đã sản xuất, số muối đem ra dùng, số muối còn lại hay đã bán vào kho Chính phủ. Sổ này phải đóng dấu của cơ quan quản lý muối.

Về cách trừng phạt những vụ phạm vào thể lệ quản lý muối, Bộ nhắc lại nguyên tắc là nghiêm trị bọn chủ mưu, cầm đầu, bọn ngoan cố; khoan hồng đối với những người bị lừa phỉnh, bị ép buộc hoặc chưa hiểu rõ chính sách. Áp dụng những hình phạt cần phân biệt trường hợp nặng nhẹ, phân biệt chính phạm và tòng phạm, phân biệt đối tượng phạm pháp để có những hình phạt thích đáng. Đối với những người phạm pháp lần đầu hay chưa hiểu rõ thể lệ, có khi chỉ cần phê bình, cảnh cáo, hoặc có thể đồng thời thông tri về xã hay đoàn thể của đương sự để nhờ theo dõi giáo dục. Tùy từng trường hợp, bắt nộp thuế định gian lậu cho đem muối về dùng. Nếu gần trạm muối có thể bắt bán số muối lậu vào kho của Chính phủ. Số thuế tính nhất loạt bằng 0kg250 gạo tức là 100đồng đánh vào 1kg muối không phân biệt ở vùng nào.

Trường hợp nặng như khai man trọng lượng để trốn thuế, tích trữ trái phép, ngụy trang muối lậu trong khi vận chuyển, dùng muối được giảm thuế đem bán kiếm lời, vv… thì người phạm pháp ngoài việc bị tịch thu số muối và phải nộp đủ số thuế định gian lậu tính như trên, còn bị phạt tiền bằng:

a) Một lần giá trị số muối gian lậu, nếu số muối lậu trên dưới 20kg.

b) Một lần rưỡi giá trị số muối gian lậu, nếu số muối lậu trên dưới 50kg.

c) Hai lần giá trị số muối gian lậu, nếu số muối lậu trên dưới 100kg.

d) Ba lần giá trị số muối gian lậu, nếu số muối lậu từ 150kg trở lên.

Tuy nhiên, đối với những người ngoan cố hay tái phạm, mặc dầu số muối lậu không nhiều, cũng có thể phạt nặng hơn tức là gấp hai hay ba lần số muối gian lậu.

Giá muối phạt định theo giá bán lẻ của Bộ Thương nghiệp ấn định ở từng tỉnh.

Khi phạt, cần xác định cho đúng số muối định gian lậu. Nếu vận chuyển, tàng trữ quá số muối đã kê khai hay ghi trong giấy phép, thì số muối gian lậu là số thừa. Thí dụ: giấy phép vận chuyển ghi 200kg, chở 300kg thì số muối gian lậu là 100kg. Nếu là trường hợp giả mạo hoặc lạm dụng giấy tờ như dùng giấy phép để vận chuyển muối lần thứ hai, thì số muối gian lậu là 300kg, chứ không phải là 100kg.

Có một trong những hành vi phạm pháp dưới đây thì ngoài việc xử phạt như trên, còn bị truy tố trước tòa án, như đã quy định ở điều 8 của điều lệ về quản lý muối:

- Buôn bán muối lậu có tổ chức,

- Chống nộp thuế,

- Công khai cự tuyệt không để kiểm tra, chống lại nhân viên kiểm soát.

- Giả mạo giấy tờ, con dấu,

- Tích trữ hay vận chuyển muối trái phép từ 1 tấn trở lên.

- Có lệnh đình chỉ mà vẫn tiếp tục sản xuất muối.

- Không thi hành quyết định xử lý của cơ quan quản lý muối.

Số muối lậu và phương tiện tịch thu sẽ xử lý như sau:

a) Muối nhập vào kho Chính phủ, nếu ở gần, và tính theo giá thu mua của người sản xuất.

b) Nếu kho ở xa thì bán cho cơ quan, đoàn thể hay nhân dân dùng theo giá bán buôn ở địa phương.

c) Phương tiện tịch thu cũng đem bán cho cơ quan, đoàn thể hay nhân dân theo giá ở địa phương.

Việc bán muối lậu và phương tiện tịch thu do cơ quan xử lý phụ trách và lập biên bản.

Về quyền xử lý Bộ quy định lại như sau:

Việc xử lý các vụ phạm pháp do cơ quan quản lý muối phụ trách. Nơi nào không có cơ quan quản lý muối thì do cơ quan Thuế vụ phụ trách.

Những vụ phạm pháp nhỏ, số tiền phạt không quá năm vạn đồng (50.000đ), do trạm muối hay phòng thuế huyện hoặc khu phố xử lý. Những vụ to thì chuyển lên cơ quan quản lý muối hoặc cơ quan Thuế vụ tỉnh hay thành phố xử lý.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính