Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-TBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1976

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 45-CP NGÀY 13-3-1976 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT CỦA THƯƠNG BINH

Ngày 13 tháng 3 năm 1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45-CP sửa đổi quy định về trợ cấp thương tật của thương binh.

Để thi hành Nghị định nói trên, sau khi trao đổi nhất trí với Bộ Quốc phòng, Bộ Thương binh và xã hội giải thích và hướng dẫn cụ thể những điểm sau đây.

1. Nội dung quy định mới về thời gian bắt đầu trợ cấp thương tật của thương binh.

Đoạn mở đầu của điều 9 bản Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết... ban hành kèm theo Nghị định số 161- CP ngày 30-10-1964 của Hội đồng Chính phủ đã quy định : “Kể từ ngày ra viện, thương binh được xếp hạng thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn và được hưởng trợ cấp thương tật như sau”.

Nay điều 2 của Nghị định số 45-CP ngày 13-3-1976 đã sửa đổi và viết lại đoạn mở đầu của điều 9 nói trên thành điều 9 (mới) như sau:

“Sau khi đã chữa lành vết thương, thương binh được xếp hạng thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn và kể từ ngày nhận công tác hoặc phục vụ về địa phương, được hưởng trợ cấp thương tật như sau”.

“Các khoản tiếp theo của điều 9 không thay đổi”.

Điều 3 của Nghị định số 45-CP đã quy định:

“Quy định nói ở đoạn đầu của điều 9 (mới) trong điều 2 nói trên cũng áp dụng đối với như thương binh”.

Những quy định sửa đỗi nói trên được thi hành kể từ ngày ban hành.

Bộ Thương binh và xã hội giải thích và hướng dẫn thi hành quy định mới trên đây đối với thương binh và những người bị thương được hưởng chính sách như thương binh (dưới đây gọi chung là thương binh) như sau:

1. Thương binh được cấp phát trợ cấp thương tật từ ngày nhận công tác hoặc phục viên về địa phương:

- Nhận công tác là đã trở lại làm việc trong quân đội hoặc đã ra ngoài quân đội làm việc ở trong biên chế của các ngành, được cử đi học ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp , trường đào tạo công nhân;

- Phục viên về địa phương là đã được trở lại gia đình, làm việc ở ngoài biên chế của các ngành, hoặc được chuyển vào các trại an dưỡng cuc thương binh có thương tật nặng do ngành thương binh xã hội quản lý, hưởng sinh hoạt phí của trại, hoặc ở các cơ sở sản xuất của thương binh mà đã thôi hưởng nguyên lương hoặc sinh hoạt phí.

Trong thời gian còn đang điều trị, điều dưỡng và còn đang ở các đoàn an dưỡng của quân đội hoặc ở các trạm, trường, cơ sở sản xuất do ngành thương binh và xã hội quản lý, mà vẫn lĩnh nguyên lương hoặc sinh hoạt phí như khi đang công tác trong quân đội, thì thương binh chưa được coi là đã nhận công tác hay là phục viên về địa phương , do đó trong thời gian nói trên không được hưởng trợ cấp thương tật, những người đã được cấp phát trợ cấp thương tật rồi, nay cũng phải thi hành đúng Nghị định số 45-CP của Hội đồng Chính phủ, không được cấp phát thêm nữa.

2. Những quy định sửa đổi nói trên thi hành từ ngày ban hành Nghị định số 45-CP. Đối với thương binh ở các trạm, trường, cơ sở sản xuất do ngành thương binh và xã hội quản lý, mà vẫn hưởng nguyên lương hoặc sinh hoạt phí như khi đang công tác trong quân đội, đã lĩnh trợ cấp thương tật quý II năm 1976 rồi, thì kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1976 không được cấp phát tiền trợ cấp thương tật nữa.

Những quy định trứơc đây trái với Nghị định số 45-CP ngày 13-3-1976 của Hội đồng Chính phủ và trái với thông tư này đều bị bãi bỏ.

2. Thủ tục thi hành

1. Sau khi đã giải thích rõ quy định mới cho thương binh ở các đoàn an dưỡng của quân đội, thương binh ở các trạm, đường và cơ sở sản xuất của thương binh, các cơ quan chính sách của quân đội, các Sở, Ty thương binh và xã hội phải đình chỉ việc cấp phát trợ cấp thương tật đối với những thương binh không được hưởng trợ cấp thương tật theo quy định mới (đã nói trong mục I trên đây). Các đoàn an dưỡng, các Sở, Ty thương binh và xã hội sẽ ghi, ký và đóng dấu và sổ trợ cấp thương tật của những thương binh này: “Thôi lĩnh trợ cấp thương tật từ ngày....vì đang ở đoàn an dưỡng hoặc đang ở trạm , trường, ở cơ sở sản xuất của thương binh mà vẫn còn hưởng nguyên lương hoặc sinh hoạt phí...”.

2. Đối với những thương binh ra khỏi trạm, trường để đi nhận công tác hoặc phục viên thương binh ở cơ sở sản xuất thôi hưởng lương hoặc sinh hoạt phí thì các Sở, Ty thương binh và xã hội ghi, ký, đóng dấu và sổ trợ cấp thương tật của thương binh : “Được lĩnh trợ cấp thương tật từ ngày...tháng...năm”, và lưu vào hồ sơ thương tật một bản quyết định cho thương binh ra trạm, trường đi nhận công tác hoặc phục viên, thương binh ở cơ sở sản xuất thôi hưởng lương hoặc sinh hoạt phí.

3. Đối với thương binh mới xuất ngũ, các cơ quan quân đội chỉ cần có quyết định cho thương binh phục viên hoặc chuyển ngành (không ghi vào sổ trợ cấp thương tật). KHi đến đăng ký lĩnh trợ cấp thương tật ở địa phương nào thì thương binh phải nộp cho Sở hoặc Ty thương binh và xã hội ở địa phương đó giấy chứng nhận đã phục viên hoặc đã nhận công tác (bản chính hoặc bản sao quyết định cho phục viên, chuyển ngành). Nếu không có giấy tờ nói trên thì nộp giấy chứng nhận của đơn vị, cơ quan, xí nghiệp ... nơi thương binh công tác hoặc giấy chứng nhận của Ủy ban hành chính xã, khu phố nơi thương binh cư trứ chính thức sau khi phục viên để có cơ sở làm đăng ký cấp phát trợ cấp thương tật và để lưu vào hồ sơ trợ cấp thương binh tại địa phương. Các Sở, Ty thương binh và xã hội sẽ ghi, ký, đóng dấu vào sổ trợ cấp thương tật của thương binh : “Được lĩnh trợ cấp thương tật từ ngày... tháng .... năm”để cơ quan phát trợ cấp thương tật có căn cứ trả trợ cấp thương tật cho thương binh.

Trong khi thi hành nếu có điều gì vướng mắc hoặc chưa rõ, yêu cầu các cơ quan chính sách của quân đội, các Sở, Ty thương binh và xã hội phản ánh với Bộ Quốc phòng và Bộ Thương binh và xã hội để Bộ nghiên cứu và góp ý giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Kiệm