Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN ĐỐI VỚI CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG Ở MIỀN NÚI

Ngày 12-01-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra thông tư số 15-TTg quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành điều lệ khen thưởng huân chương và huy chương cho những cá nhân, tập thể và địa phương có nhiều công lao thành tích trong thời kỳ kháng chiến.

Những quy định ấy áp dụng chung cho toàn quốc. Riêng với miền núi thì các điều khoản của điều lệ cần được vận dụng thế nào cho thích hợp với những đặc điểm của vùng này. Miền núi ta là căn cứ của cách mạng và là nơi suốt trong thời kỳ kháng chiến đã chiếm giữ một vai trò rất quan trọng. Miền núi có nhiều điểm đặc biệt khác miền xuôi như: Diện tích rộng lớn địa hình hiểm trở nhân dân thưa thớt; có nhiều dân tộc, người ở vùng thấp người ở vùng cao, người ở vùng biên giới người ở hải đảo, mỗi nơi có những phong tục tập quán riêng biệt; cơ sở kháng chiến ở những nơi này phát triển không đều; điều kiện công tác ở một số vùng của cán bộ dân tộc, nhất là của cán bộ thuộc các dân tộc ít người ở các vùng rẻo cao, hẻo lánh và của cán bộ ở miền xuôi, ở vùng thấp đến hoạt động ở các vùng này, có nhiều khó khăn gian khổ và cần được chiếu cố thích đáng.

Vì vậy phương châm tiến hành khen thưởng đối với miền núi là: Áp dụng nguyên tắc chung nhưng đồng thời có sự chiếu cố thích đáng, giải quyết thoả đáng diện khen thưởng và đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc. Căn cứ phương châm này và dựa vào điều 7 của điểu lệ khen thưởng, Phủ Thủ tướng quy định thêm số điểm cụ thể và điều kiện khen thưởng đối với cán bộ hoạt ở miền núi như sau:

A. Về đối tượng khen thưởng.

1. Ở những vùng mà trong giai đoạn đầu của kháng chiến chưa có bộ máy hành chính và kháng chiến:

a) Cán bộ được chỉ định phụ trách công tác một xã cũ được xét thưởng theo tiêu chuẩn quy định cho Chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã.

b). Cán bộ được chỉ định phụ trách công tác một số thôn hoặc trong một phạm vi tương đương thì được xét thưởng theo quy định cho Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã.

c) Cốt cán ở cơ sở và những người đã có công thường xuyên đưa đón, bảo vệ cán bộ, giúp đỡ cán bộ hoạt động về các mặt ăn, ở, làm việc, thì được xét thưởng theo quy định cho nhân viên liên lạc xã.

2. Ở những vùng nói trên đây, sau khi đã thành lập chính quyền và ở những nơi được giải phóng trước ngày 20-07-1954, những Ủy viên thường trực của Ủy ban kháng chiến hành chính xã là những người phụ trách một phần công việc lớn của Ủy ban được xét thưởng theo tiêu chuẩn quy định cho Chủ tịch và phó chủ tịch xã.

3. Những cán bộ dân tộc thuộc các thành phần lớp trên mà có đủ điều kiện quy định thì được xét thưởng, trường hợp trước đây đã có nhiều tội ác với nhân dân mà xét ra khen thưởng không có lợi thì không khen.

B. Về thời gian giữ chức vụ và thời gian chuyển hoạt động phục vụ kháng chiến.

1. Đối với cán bộ người dân tộc và đối với cán bộ miền xuôi hoạt động ở vùng rẻo cao, nếu thời gian giữ chức vụ và thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến thiếu đến 1/6 các niên hạn quy định trong điều lệ, thì cũng được xét thưởng.

2. Đối với cán bộ địa phương và cán bộ nơi khác đến thường xuyên hoạt động ở các vùng rẻo cao, vùng có thổ phỉ quấy nhiễu và vùng biên giới khoặc hải đảo mà điều kiện sinh hoạt công tác thật khó khăn, gian khổ thì được áp dụng tiêu chuẩn khen thưởng quy định cho cán bộ hoạt động ở vùng hậu dịch và có thể được châm trước như quy định ở điểm 1 trên đây.

Cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Trung ương hoặc của khu, tỉnh đóng ở các vùng rẻo cao trong thời kỳ kháng chiến mà không có nhiệm vụ công tác trực tiếp với địa phương thì không được hưởng tiêu chuẩn khen thưởng trên đây.

Ủy ban Hành chính các khu và tỉnh được ủy nhiệm để xác định những vùng nào ở địa phương được coi là vùng rẻo cao vùng có thổ phỉ quấy nhiễu, vùng hoạt động khó khăn ở biên giới hoặc các hải đảo nói ở trên.

3. Đối với cán bộ dân tộc được phép nghỉ vì việc riêng không hưởng lương từ 6 tháng trở xuống sau lại tiếp tục công tác đến ngày 20-07-1954 thì thời gian nghỉ được tính như thời gian chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến.

C. Về điều kiện liên tục công tác đến ngày 20-07-1954.

1. Cán bộ dân tộc vì hoàn cảnh gia đình được phép nghỉ công tác trước ngáy 20-07-1954 từ một năm trở xuống được xét khen thưởng. Thời gian giữ chức vụ để khen thưởng chỉ được tính đến ngày nghỉ việc.

2. Đối với cán bộ thuộc các dân tộc không định cư, vì tập quán làm ăn phải đổi chỗ ở trong khi đang công tác ở một địa phương nào, mà từ khi đến nơi mới cho đến ngày 20-07-1954 chưa được giao nhiệm vụ mới thì cũng được xét thưởng tính đến ngày ngừng công tác được thêm vào thời gian giữ chức vụ cụ để xét thưởng.

D. Về điều kiện không phạm sai lầm lớn.

1. Trừ trường hợp phạm sai lần lớn không được khen thưởng nói trong thông tư số 15TTg ngày 12 -01- 1961 của Phủ Thủ tướng những cán bộ người dân tộc phạm các sai lầm khác, nói chung đều được xét đế khen thưởng theo đúng tiêu chuẩn hoặc theo mức thấp hơn.

2. Những người trong thời kỳ kháng chiến đã tự ý bỏ công tác hoặc khi địch đánh đã nằm im không quá một năm mà sau đó lại được tiếp tục công tác cho đến ngày 20-07-1954 thì nói chung được xét thưởng đúng tiêu chuẩn. Thời gian phục vụ trước khi nghỉ được cộng thời gian phục vụ sau khi nghỉ để tính thâm niên chức vụ.

Những người đương công tác khi bị địch đánh đến, vì bị ép buộc lừa phỉnh, đã ra làm việc cho địch nhưng không làm hại nhân dân, hại kháng chiến, nếu sau đó lại được tiếp tục công tác đến ngày 20-7-1954, và nếu được quần chúng đồng tình, thì có thề được xét thưởng theo tiêu chuẩn nhưng hạ thấp một bậc. Thời gian công tác trước khi ra làm cho địch được cộng vào thời gian sau để tính thâm niên chức vụ.

Ngoài những điều bổ sung vào thể lệ chung trên đây, nếu trong khi thi hành các cán bộ Ủy ban xét thấy có những trường hợp nào đặc biệt nào cần được chiếu cố đặc biệt để thực hiện đoàn kết dân tộc, (thí dụ: Trong một xã có nhiều dân tộc nhưng có một vài dân tộc nào đó cũng tích cực tham gia kháng chiến mà không có hoặc ít người đạt tiêu chuẩn chung để được khen thưởng, hoặc chỉ được khen thưởng thấp), thì xẽ đề nghị lên Thủ Tướng xét định.

Tóm lại trong việc khen thưởng thành tích kháng chiến đối với miền núi phải nắm vững phương châm: làm tốt, làm gọn, đặc biệt là bảo đảm thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kềt giữa cán bộ dân tộc, giữa đồng bào các dân tộc với nhau, giữa cán bộ, đồng bào các dân tộc với cán bộ đồng bào người kinh, muốn được như vậy, cần phải chú ý công tác tư tưởng để tránh sự suy bì, tị nạnh, tránh tư tưởng tự ti, công thần; cần quan tâm đầy đủ đến tình hình thực tế của các địa phương nhưng không nên nhấn mạnh quá đáng những đặc điểm dân tộc. Mặt khác cũng phải đề phòng và ngăn ngừa những luận điệu xuyên tạc chính sách gây chia rẽ dân tộc.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Lê Thanh Nghị