BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1998 |
Căn cứ Luật Thuế lợi tức được Quốc hội khoá VIII thông qua ngày 30/6/1990; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 6/6/1993;
Căn cứ Quyết định số 29/1998/QĐ-TTg ngày 9/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp hỗ trợ phát triển một số lĩnh vực thuộc ngành cơ khí;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện miễn, giảm thuế lợi tức đối với các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 29/1998/QĐ-TTg ngày 09/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Đối tượng được miễn, giảm thuế lợi tức:
Theo Điều 1 Quyết định số 29/1998/QĐ-TTg ngày 09/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ thì các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xe đạp, quạt điện, máy động lực nhỏ 6 - 15 CV và đóng tàu biển thuộc đối tượng được sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi trung và dài hạn của nhà nước từ năm 1998 để đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất các sản phẩm trên là đối tượng được miễn, giảm thuế theo quy định tại Thông tư này.
2. Thời gian và mức được miễn, giảm thuế lợi tức:
Theo quy định tại tiết b Điều 3 Quyết định số 29/1998/QĐ-TTg thì: Các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại điểm 1 trên đây, khi bộ phận đầu tư đi vào hoạt động được miễn thuế lợi tức trong 2 năm đầu kể từ khi có lợi tức chịu thuế và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo; việc miễn, giảm thuế tính theo năm (12 tháng).
Lợi tức được xét miễn, giảm là lợi tức mang lại từ đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ bằng nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước. Doanh nghiệp phải hạch toán riêng khoản lợi tức này để có căn cứ xác định số thuế lợi tức được miễn, giảm.
Trường hợp doanh nghiệp có lỗ phát sinh năm trước, nếu được chuyển lỗ theo Luật định thì khoản chuyển lỗ phải trừ vào lợi tức chịu thuế trước khi xét miễn, giảm thuế lợi tức.
Trường hợp doanh nghiệp đầu tư tại các huyện và các vùng thuộc danh mục B, C - Nghị định số 07/1998/NĐ-CP ngày 15/1/1998 của Chính phủ - Quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì áp dụng các mức miễn, giảm thuế lợi tức theo quy định tại Nghị định số 07/1998/NĐ-CP, không áp dụng theo Thông tư này.
II. THỦ TỤC HỒ SƠ XÉT MIỄN, GIẢM THUẾ LỢI TỨC:
Cơ sở thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế lợi tức phải lập hồ sơ xin miễn, giảm thuế lợi tức của năm miễn, giảm thuế gửi đến cơ quan thuế theo quy định sau:
- Đơn đề nghị miễn, giảm thuế của cơ sở có giải trình rõ lý do xin miễn, giảm thuế lợi tức, có phân tích riêng phần lợi tức của hoạt động sản xuất quạt điện, xe đạp, máy động lực nhỏ 6 - 15 CV và đóng tầu biển.
- Dự án đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ làm căn cứ vay vốn ưu đãi.
- Báo cáo tài chính năm, quyết toán thuế năm;
Hồ sơ xin miễn, giảm thuế của cơ sở theo các quy định trên đây phải là bản chính có đủ các thủ tục hành chính của văn bản. Nếu là bản photocopy thì phải có đóng dấu sao y bản chính của cơ sở.
III. THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ XÉT MIỄN,GIẢM THUẾ LỢI TỨC:
1. Thẩm quyền xét miễn giảm thuế lợi tức:
- Cục trưởng Cục thuế xét và quyết định miễn, giảm thuế đối với các trường hợp có mức miễn giảm thuế đến 100 triệu đồng/năm.
- Tổng cục trưởng Tổng cục thuế xét và quyết định miễn, giảm thuế đối với các trường hợp có mức miễn giảm thuế trên 100 triệu đồng/năm.
2. Trình tự xét miễn, giảm thuế lợi tức:
Hồ sơ xin miễn, giảm thuế lợi tức được gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ theo các điều kiện quy định tại Thông tư này. Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải ra quyết định miễn giảm thuế và thời hạn được miễn giảm thuế lợi tức cho cơ sở hoặc thông báo cho cơ sở biết lý do chưa giải quyết, không giải quyết. Các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết phải có ý kiến và kiến nghị bằng văn bản kèm theo hồ sơ xin miễn, giảm của cơ sở gửi lên cơ quan thuế cấp trên xem xét quyết định. Việc miễn giảm thuế lợi tức thực hiện khi quyết toán thuế hàng năm.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế lợi tức, căn cứ vào số thuế lợi tức dự tính được miễn, giảm trong năm cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp xem xét xác định cho doanh nghiệp được tạm giữ lại một phần thuế lợi tức phải nộp. Mức tạm giữ lại thuế lợi tức không quá 70% số thuế lợi tức dự tính được miễn, giảm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho việc miễn, giảm thuế năm 1998. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, các cơ sở kinh doanh, các ngành phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để giải quyết.
Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |