Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 71/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 71/2005/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG ÔTÔ CAO TỐC TP HỒ CHÍ MINH-TRUNG LƯƠNG

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng; Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Thực hiện Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 06/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án Xây dựng đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương (giai đoạn 1) và Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 5/4/2005 của Văn phòng Chính phủ về các giải pháp xử lý khó khăn tài chính đối với một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán vốn đầu tư cho dự án Xây dựng đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Dự án Đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được quản lý theo đúng quy định tại Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ và Quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ban hành kèm theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ; việc quản lý, cấp phát, thanh toán vốn đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành.

Do đặc thù về nguồn vốn đầu tư của dự án, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm khác về việc quản lý, cấp phát, thanh toán vốn đầu tư cho dự án như sau:

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Về nguồn vốn đầu tư:

Vốn đầu tư cho dự án được đảm bảo từ các nguồn sau:

- Vốn thu được từ công tác chuyển giao quyền thu phí quốc lộ 5, quốc lộ 51 và bản thân đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.

- Vốn ứng trước của ngân sách nhà nước khi vốn thu được từ công tác chuyển giao quyền thu phí chưa đáp ứng đủ.

2. Lập kế hoạch nguồn vốn:

- Hàng năm, theo quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, chủ đầu tư lập kế hoạch vốn đầu tư năm cho dự án theo từng nguồn vốn (có chia ra từng quý) gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.

- Bộ Giao thông vận tải xác định kế hoạch vốn đầu tư của dự án, gửi Bộ Tài chính.

- Bộ Tài chính xem xét, chấp nhận, thông báo kế hoạch thanh toán vốn đầu tư của dự án cho Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước.

- Điều chỉnh kế hoạch: Trong năm kế hoạch, nếu tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn thanh toán thực tế của dự án có thay đổi so với kế hoạch đầu năm, Bộ Giao thông vận tải lập kế hoạch vốn đầu tư điều chỉnh gửi Bộ Tài chính để điều chỉnh kế hoạch thanh toán vốn. Thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là vào tháng 8 hàng năm.

3. Chuyển vốn:

3.1. Đối với nguồn vốn thu được từ chuyển giao quyền thu phí quốc lộ 5, quốc lộ 51 và đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, được nộp vào ngân sách trung ương và chỉ được sử dụng cho đầu tư dự án Xây dựng đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.

3.2. Đối với vốn ứng trước của ngân sách nhà nước, việc chuyển vốn thực hiện như sau:

- Căn cứ chuyển vốn: báo cáo và đề nghị của chủ đầu tư về khối lượng thực hiện của từng quý, luỹ kế từ đầu năm và luỹ kế từ khi dự án khởi công, dự kiến khối lượng thực hiện quý sau; vốn đã chuyển quý này, luỹ kế từ đầu năm và luỹ kế từ khi dự án khởi công; vốn đã giải ngân quý này, luỹ kế từ đầu năm và luỹ kế từ khi dự án khởi công; đề nghị vốn quý sau. Báo cáo của chủ đầu tư được xác nhận của Kho bạc nhà nước cơ sở về giá trị khối lượng thực hiện đã được A-B nghiệm thu và vốn đã được giải ngân.

- Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính đề nghị, Vụ Ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính chuyển vốn sang Kho bạc nhà nước dưới hình thức lệnh chi tiền; Kho bạc nhà nước chuyển vốn về Kho bạc nhà nước cơ sở để thanh toán.

4. Thanh toán:

4.1. Mở tài khoản:

- Chủ đầu tư mở tài khoản cho dự án tại Kho bạc nhà nước theo quy định hiện hành.

- Nhà thầu mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước nơi chủ đầu tư mở tài khoản cho dự án để tiếp nhận vốn thanh toán của chủ đầu tư; có trách nhiệm sử dụng tiền từ tài khoản này cho việc thi công xây dựng dự án, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

- Kho bạc nhà nước hướng dẫn việc mở tài khoản cho chủ đầu tư và nhà thầu.

- Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc chi tiêu của nhà thầu, đảm bảo tiền thanh toán từ dự án được sử dụng cho việc thi công xây dựng công trình, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

4.2. Tạm ứng vốn:

- Tạm ứng hợp đồng: các hợp đồng xây lắp được tạm ứng vốn ngay sau khi ký hợp đồng giao nhận thầu thi công. Mức vốn tạm ứng bằng 20% giá trị hợp đồng.

- Tạm ứng vật tư: các loại vật tư chủ yếu để xây dựng công trình gồm cát, đá, sỏi, sắt thép, xi măng, nhựa đường được tạm ứng 50% giá trị vật tư cấu thành trong hợp đồng xây lắp; các cấu kiện betong đúc sẵn được tạm ứng 70% giá trị vật tư cấu thành trong hợp đồng xây lắp được tập kết tại hiện trường.

4.3. Thanh toán khối lượng hoàn thành: Thực hiện theo quy định hiện hành.

5. Thu hồi vốn ứng trước của ngân sách nhà nước:

Vốn ứng trước của ngân sách nhà nước cho dự án được thu hồi từ nguồn chuyển giao quyền thu phí quốc lộ 5, quốc lộ 51 và đường ôtô cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương. Thời điểm thu hồi ngay sau khi chủ đầu tư đã thanh toán đủ cho nhà thầu theo hợp đồng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

 

Nguyễn Công Nghiệp

(Đã Ký)