Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/2011/TT-BCA

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN

Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009;

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2006 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2007 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thủy của lực lượng Cảnh sát nhân dân như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường thủy (sau đây gọi chung là tai nạn giao thông) của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Cảnh sát đường thủy; Cảnh sát điều tra; các lực lượng Cảnh sát khác trong Công an nhân dân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Tổ chức công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông

1. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải nắm vững, tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật và quy trình của Bộ Công an về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông nhanh chóng, kịp thời, tỷ mỷ, chính xác, khách quan, toàn diện. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ lợi dụng nhiệm vụ được giao để sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có hành vi tiêu cực khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Công an cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo, bố trí đủ biên chế cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm điều tra và phải được tập huấn về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông để thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện, kinh phí phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; bố trí địa điểm tiếp dân để tiếp nhận tin báo, giải quyết tai nạn giao thông hoặc các khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác này.

4. Việc điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông là nhiệm vụ chung của lực lượng Cảnh sát nhân dân mà trực tiếp là lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Cảnh sát đường thủy; Cảnh sát điều tra. Các lực lượng phải có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Thủ trưởng Công an các cấp.

Chương 2.

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG

Điều 4. Trách nhiệm của Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công an cấp huyện) có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức điều tra, giải quyết tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn quản lý. Phân công lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra thực hiện công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông như sau:

1. Lực lượng Cảnh sát giao thông:

a) Có mặt ngay sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn để giải quyết ban đầu như: tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, xác định người làm chứng, giải tỏa ùn tắc giao thông;

b) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng, thu thập tài liệu có liên quan về vụ tai nạn giao thông. Trong quá trình giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thụ lý điều tra theo thẩm quyền;

c) Việc giải quyết ban đầu như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng vụ tai nạn giao thông được thực hiện theo Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt; Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy của Bộ Công an.

d) Tiếp nhận những vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm do Cảnh sát điều tra chuyển giao; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các vụ tai nạn giao thông có vi phạm hành chính.

2. Lực lượng Cảnh sát điều tra:

a) Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường; các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên; thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát việc điều tra theo quy định của pháp luật;

b) Tiếp nhận, tổ chức điều tra các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm theo thẩm quyền do lực lượng Cảnh sát giao thông chuyển giao.

c) Thông báo bằng văn bản lực lượng Cảnh sát giao thông cùng cấp đầy đủ thông tin về kết quả điều tra, giải quyết các vụ án tai nạn giao thông được Trưởng Công an cấp huyện giao thụ lý điều tra;

d) Trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng sau đó lại có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc đình chỉ điều tra, nếu hành vi của người có liên quan đến vụ tai nạn có dấu hiệu vi phạm hành chính thì Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện trong vụ tai nạn giao thông cho Cảnh sát giao thông để xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an cấp tỉnh

1. Hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện thực hiện công tác giải quyết tai nạn giao thông.

2. Điều tra ban đầu, giải quyết các vụ tai nạn giao thông do Giám đốc Công an cấp tỉnh giao; phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (khi cần thiết) điều tra các vụ tai nạn giao thông do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thụ lý điều tra.

3. Các đội, trạm Cảnh sát giao thông và tương đương thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát đường thủy trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông nhận được tin báo hoặc phát hiện vụ tai nạn giao thông thì phải tiến hành tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, xác định người làm chứng, bảo đảm giao thông và thông báo ngay cho Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn giao thông đến thụ lý giải quyết.

4. Đối với Công an cấp huyện chưa bố trí lực lượng Cảnh sát đường thủy thì Giám đốc Công an cấp tỉnh giao Phòng Cảnh sát đường thủy tiến hành điều tra ban đầu các vụ tai nạn giao thông đường thủy, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh

1. Hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

2. Điều tra các vụ án tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các vụ tai nạn giao thông có tình tiết phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Cục Cảnh sát đường thủy

1. Hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Cảnh sát đường thủy các cấp thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

2. Phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (khi cần thiết) giải quyết các vụ tai nạn giao thông do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý điều tra.

Điều 8. Trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

1. Hướng dẫn, kiểm tra lực lượng Cảnh sát điều tra thực hiện công tác điều tra các vụ tai nạn giao thông.

2. Trực tiếp điều tra các vụ án tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Điều 9. Trách nhiệm của các lực lượng Cảnh sát khác

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các lực lượng Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát Khu vực, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Kỹ thuật hình sự; Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng Công an có liên quan khác có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra trong quá trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

Điều 10. Tai nạn giao thông liên quan đến người, phương tiện nước ngoài; người, phương tiện của Quân đội nhân dân

1. Đối với vụ tai nạn giao thông do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra thì thực hiện theo quy định của Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 08/9/1988 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao.

2. Đối với vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người, phương tiện của Quân đội nhân dân, sau khi kết thúc điều tra ban đầu được thực hiện như sau:

a) Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định tại Thông tư số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự thì thực hiện theo quy định của Thông tư số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 20/10/2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội.

b) Trường hợp xác định không có dấu hiệu tội phạm thì Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Chế độ thông tin báo cáo tai nạn giao thông

Báo cáo vụ tai nạn giao thông, kết quả điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; báo cáo phân tích thống kê, tổng hợp tình hình tai nạn giao thông được thực hiện theo quy định của Bộ Công an. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra Công an các cấp phải thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ thông tin báo cáo tai nạn giao thông.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 01 năm 2012.

2. Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 20/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm có trách nhiệm tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm) để có hướng dẫn kịp thời.

Nơi nhận:
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản);
- Các Thứ trưởng Bộ Công an;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Các Sở Cảnh sát PCCC;
- Công báo;
- Lưu: VT, C61(C67), V19.

BỘ TRƯỞNG




Trung tướng Trần Đại Quang