Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 77/2014/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN NẠO VÉT, DUY TU TUYẾN LUỒNG HÀNG HẢI HẢI PHÒNG VÀ SÀI GÒN - VŨNG TÀU THEO CƠ CHẾ THÍ ĐIỂM TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 73/2013/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ NẠO VÉT, DUY TU CÁC TUYẾN LUỒNG HÀNG HẢI DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu theo cơ chế thí điểm tại Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, thí điểm theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói bảo đảm duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2016 với kinh phí cố định trên cơ sở phương án nạo vét, duy tu luồng hàng hải và hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh kinh phí thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, thí điểm theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói bảo đảm duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2016 với kinh phí cố định trên cơ sở phương án nạo vét, duy tu luồng hàng hải và hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh kinh phí thực hiện.

Điều 3. Phân công tổ chức thực hiện

1. Cơ quan giao kế hoạch, dự toán: Bộ Giao thông vận tải.

2. Cơ quan quản lý luồng: Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Đại diện cơ quan quản lý luồng: các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải.

Điều 4. Trình tự, thủ tục thực hiện

1. Lập phương án, dự toán thi công công trình.

2. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

3. Tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu.

4. Bàn giao mặt bằng thi công.

5. Triển khai thi công công trình.

6. Nghiệm thu công trình và nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công ích.

7. Thanh, quyết toán công trình và hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 5. Lập phương án, dự toán thi công công trình

1. Cục Hàng hải Việt Nam lựa chọn và ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn lập phương án nạo vét, dự toán thi công công trình nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu thí điểm theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói.

2. Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Phương án nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu cho năm 2015 và năm 2016 thí điểm theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói.

3. Đơn vị tư vấn căn cứ phương án được phê duyệt và các yếu tố liên quan để xác định giá trị dự toán chi tiết thi công công trình, trình Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, phê duyệt theo quy định.

4. Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải lập dự toán kinh phí bảo vệ môi trường theo quy định, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.

Điều 6. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm:

a) Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu thi công nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Sài Gòn-Vũng Tàu.

b) Lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc giao cho các Ban Quản lý dự án trực thuộc giám sát theo quy định.

c) Lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát đo đạc kiểm tra đột xuất (ít nhất 03 lần/tuyến luồng/năm với vị trí, phạm vi đo đạc khảo sát do chủ đầu tư lựa chọn xác suất tại hiện trường công trình, diện tích khảo sát ít nhất 20% mặt bằng tuyến luồng/01 lần đo đạc khảo sát) để kiểm tra khả năng duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng của nhà thầu thi công.

d) Phê duyệt nội dung hợp đồng thi công nạo vét duy tu theo hình thức hợp đồng trọn gói phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm:

a) Lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu thi công nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Sài Gòn-Vũng Tàu, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.

b) Tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu thi công nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Sài Gòn-Vũng Tàu và trình Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công theo quy định.

c) Lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

d) Thương thảo nội dung hợp đồng nạo vét duy tu: phạm vi, quy mô, chuẩn tắc, thời gian thực hiện hợp đồng là 02 năm (năm 2015 và năm 2016), tạm ứng, thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, xử lý vi phạm, trường hợp bất khả kháng và các nội dung cần thiết khác; trình Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận nội dung hợp đồng; tiến hành ký hợp đồng thi công nạo vét theo hình thức hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh kinh phí với nhà thầu thi công.

Điều 8. Bàn giao mặt bằng thi công

1. Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện bàn giao mặt bằng hiện trường thi công (bao gồm cả vị trí đổ bùn đất nạo vét được chấp thuận) cho nhà thầu thi công. Thời gian bàn giao mặt bằng hiện trường được thực hiện khi đo đạc nghiệm thu nạo vét, duy tu của năm 2014 hoặc thời điểm trước khi thi công nạo vét.

2. Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, tư vấn giám sát, tư vấn lập phương án và dự toán nạo vét phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Điều 9. Triển khai thi công công trình

1. Nhà thầu thi công có trách nhiệm:

a) Bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật và phù hợp với hợp đồng trọn gói đã ký kết.

b) Thực hiện thi công nạo vét theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật, bảo đảm luôn duy trì đúng chuẩn tắc thiết kế (chiều dài, bề rộng luồng, cao độ đáy, mái dốc nạo vét...) của toàn tuyến luồng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.

c) Trong thời hạn chậm nhất 02 ngày, kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc theo phản ánh, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, nhà thầu thi công phải khảo sát, lập phương án nạo vét; chậm nhất 05 ngày, kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc theo phản ánh, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành nạo vét các vị trí cạn để đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, thời gian hoàn thành thi công không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được phản ánh, yêu cầu; đồng thời thông báo cho đơn vị tư vấn giám sát để thực hiện giám sát thi công theo quy định.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng (thiên tai, bão, lũ, động đất, sóng thần...) không thực hiện được việc khảo sát, nạo vét các vị trí cạn, nhà thầu thi công phải báo cáo ngay cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải khu vực để được hướng dẫn và chậm nhất 02 ngày, kể từ ngày chấm dứt sự kiện bất khả kháng, phải thực hiện khảo sát, lập phương án nạo vét và tiến hành nạo vét ngay các vị trí cạn đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, thời gian hoàn thành thi công không quá 20 ngày.

d) Lựa chọn đơn vị khảo sát đo đạc nghiệm thu nội bộ kết quả thi công công trình tại hiện trường theo quy định. Thực hiện đo đạc khảo sát kết quả nạo vét các đoạn cạn bằng kinh phí của nhà thầu thi công trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

đ) Trường hợp nhà thầu thi công không hoàn thành việc nạo vét đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng đúng thời gian, tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng và bị nhắc nhở, phản ánh 01 lần nhưng vẫn không hoàn thành việc nạo vét các vị trí cạn đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng theo quy định tại điểm c khoản này thì Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thi công với đơn giá phù hợp tại thời điểm thực hiện. Nhà thầu thi công sẽ phải thanh toán đầy đủ cho nhà thầu được lựa chọn trong vòng 07 ngày, kể từ ngày nhà thầu thi công nhận được kinh phí thanh toán theo hợp đồng đã ký. Nếu nhà thầu thi công chậm trễ trong thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ cho nhà thầu được lựa chọn khi đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục thanh toán theo quy định thì Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam quyết định thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định có liên quan của pháp luật và thỏa thuận của hợp đồng trọn gói đã ký kết để đảm bảo việc thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn.

e) Trường hợp nhà thầu thi công không hoàn thành việc nạo vét đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng đúng thời gian, tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng và bị nhắc nhở, phản ánh lần thứ 03 hoặc bị nhắc nhở, phản ánh 02 lần liên tiếp nhưng vẫn không hoàn thành việc nạo vét các vị trí cạn đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng theo quy định tại điểm c khoản này hoặc có hành vi đổ bùn đất nạo vét không đúng vị trí, chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật thì Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận chấm dứt hợp đồng đã ký kết và thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công khác đủ năng lực theo quy định để tiếp tục thực hiện dự án.

g) Ngoài các biện pháp quy định tại điểm đ và điểm e khoản này, nhà thầu thi công còn phải chịu phạt hợp đồng, khắc phục hậu quả vi phạm, chịu trách nhiệm đối với các sự cố xảy ra đối với tàu thuyền do luồng tàu cạn và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết.

2. Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm:

a) Thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên quá trình thực hiện thi công của nhà thầu và quá trình khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường.

b) Tổ chức thực hiện đo đạc khảo sát thông báo hàng hải theo quy định (định kỳ 02 tháng/01 lần đối với tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, 06 tháng/01 lần đối với tuyến luồng hàng hải Sài Gòn-Vũng Tàu) để kiểm tra khả năng duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng của nhà thầu. Trường hợp phát hiện các vị trí cạn, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải chủ động thông báo yêu cầu nhà thầu tiến hành nạo vét ngay các vị trí cạn đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, đồng thời thông báo cho đơn vị tư vấn giám sát để thực hiện giám sát thi công theo quy định.

c) Công bố thông báo hàng hải trên cơ sở kết quả đo đạc, khảo sát.

d) Định kỳ 02 tháng một lần, báo cáo kết quả đo đạc, khảo sát và kết quả thực hiện nạo vét duy tu cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ hàng hải khu vực.

e) Báo cáo kết quả giám sát chất lượng môi trường trong quá trình thực hiện nạo vét, duy tu cho Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các đơn vị liên quan thực hiện đo đạc, khảo sát định kỳ thông báo hàng hải theo quy định để kiểm tra khả năng duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng của nhà thầu và phục vụ việc nghiệm thu công trình theo giai đoạn hoặc nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng.

b) Chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện đo đạc, khảo sát kiểm tra đột xuất để kiểm tra khả năng duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng của nhà thầu thi công.

c) Kiểm điểm chất lượng, tiến độ nạo vét, duy tu công trình, an toàn hàng hải trong quá trình thi công; đình chỉ thi công và xử lý hành vi vi phạm của nhà thầu và tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nghiệm thu công trình và nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công ích

1. Kết thúc năm thứ nhất (năm 2015), trên cơ sở các thông số, chuẩn tắc của tuyến luồng được đặt hàng, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nghiệm thu hoàn thành nạo vét và duy trì chuẩn tắc thiết kế giai đoạn thi công công trình và khối lượng nạo vét.

2. Kết thúc năm thứ hai (năm 2016) Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình nạo vét và duy trì chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng.

Điều 11. Thanh toán, quyết toán công trình và hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích

1. Hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quyết toán công trình trên cơ sở kết quả hoàn thành theo quy định và hợp đồng đã ký kết; thanh toán, quyết toán với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và các nhà thầu theo hợp đồng do Cục Hàng hải Việt Nam đã ký kết.

2. Hàng năm, các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tạm ứng, thanh toán với các nhà thầu trên cơ sở kết quả hoàn thành theo hợp đồng do các Tổng công ty đã ký kết.

3. Trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán công tác nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định việc thanh toán, quyết toán công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Điều 12. Tổ chức giám sát thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu

Nội dung và tổ chức thực hiện công tác giám sát trong nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu thực hiện theo các quy định tại Chương 3 của Thông tư số 28/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu thực hiện theo quy định tại Chương 4 của Thông tư số 28/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2. Ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này, nhà thầu thi công không hoàn thành hợp đồng đã ký kết và bị chấm dứt hợp đồng còn phải chịu trách nhiệm khắc phục những thiệt hại do mình gây ra, bị cấm tham gia thi công các công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải từ 01 đến 03 năm và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2015.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết kịp thời./.

Nơi nhận:
- Như Điều 15;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT(5).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng