Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77-NV/DC

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ VIỆC CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP, NÔNG TRƯỜNG, CÔNG TRƯỜNG THAM GIA BẦU CỬ VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các Khu Tự trị Thái Mèo, Việt Bắc
- Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh
- Ủy ban Hành chính các tỉnh, các thành phố

Việc tham gia bầu cử, ứng cử của cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan, xí nghiệp, nông trường và công trường vào Hội đồng Nhân dân nơi nào và cấp nào sẽ căn cứ vào nơi cư trú chính thức các cán bộ, công nhân viên mà nghiên cứu giải quyết cho thích hợp với hoàn cảnh từng địa phương và từng loại xí nghiệp, cơ quan nói chung.

Về vấn đề cư trú, Thông tư số 31-TT/TC ngày 07-10-1957 của Bộ đã giải thích rõ: "Một người cư trú ở một địa phương khi người đó có chỗ ở chính, làm ăn sinh sống chính, sinh hoạt chính trị chính thức ở địa phương đó và đã được chính quyền xác nhận (như đã đăng ký vào một hổ khẩu chính của địa phương). Nơi mà người công dân được quyền bầu cử và ứng cử phải là nơi mà người đó có nhiều quyền lợi chính trị và kinh tế hơn cả, tức là nơi cư trú đã định nghĩa ở trên"...

Căn cứ vào định nghĩa trên, việc các cơ quan, xí nghiệp, nông trường, công trường tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp giải quyết cụ thể như sau:

1. - ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP VÀ CƠ QUAN DÂN, ĐẢNG

a) Cán bộ, công nhân viên ở tập thể trong hộ công cộng của cơ quan thì sẽ tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương nơi cư trú của hộ công cộng.

b) Cán bộ, công nhân viên không ở trong hộ công cộng của cơ quan, hàng ngày đến cơ quan làm việc rồi lại về nơi cư trú của mình (nơi ở) thì tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương nơi cư trú của người cán bộ, công nhân viên ấy.

c) Cán bộ, công nhân viên các cơ quan đến địa phương khác để dưỡng bệnh, nghỉ phép hay làm một công tác trong một thời gian rồi lại về cơ quan v.v... thì tham gia bầu cử, ứng cử ở nơi cơ quan đóng (nếu ở tập thể) hoặc ở nơi cư trú chính thức của mình, không tham gia bầu cử ở nơi hiện đang dưỡng bệnh, nghỉ phép, làm việc v.v...

d) Cán bộ nằm chờ ở cơ quan nào sẽ tham gia bầu cử, ứng cử như cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan đó.

e) Riêng cán bộ được cử phụ trách xã miền núi, có trách nhiệm về toàn bộ các công tác ở xã thì tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân xã mình công tác.

f) Cán bộ quản trị và trại viên các trại thương binh, cư trú tại địa phương nào thì tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương ấy.

g) Cán bộ, công nhân viên công tác ở các bệnh viện, viện điều dưỡng, đều tham gia bầu cử, ứng cử như cán bộ, công nhân viên các cơ quan khác. Riêng bệnh nhân, nếu là người cư trú tại địa phương có bệnh viện hoặc viện điều dưỡng, thì vẫn tham gia bầu cử ứng cử như các cử tri khác trong địa phương. Còn bệnh nhân ở các nơi khác đến thì không bầu cử ở nơi bệnh viện hoặc viện điều dưỡng mà sẽ bầu cử ở nơi cư trú chính thức.

2. - ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP

a) Cán bộ, công nhân viên cư trú ở trong hộ công cộng của xí nghiệp thì tham gia bầu cử ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương nơi có xí nghiệp.

b) Cán bộ, công nhân viên không ở trong hộ công cộng của xí nghiệp, hàng ngày đến xí nghiệp làm việc rồi lại về nơi cư trú của mình (nơi ở riêng) thì tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở nơi cư trú của cán bộ, công nhân viên ấy.

c) Cán bộ, sinh viên ở nơi khác đến xí nghiệp thực tập hoặc làm một công tác trong một thời gian, thì không tham gia bầu cử ở nơi xí nghiệp mà tham gia ở nơi cư trú chính thức.

3. - ĐỐI VỚI NÔNG TRƯỜNG

a) Cán bộ, công nhân viên cư trú ở hộ công cộng của các nông trường đều tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương có nông trường.

b) Cán bộ, sinh viên và nhân dân các nơi khác đến làm việc ở nông trường một thời gian, hoặc thực tập rồi lại về nơi cư trú thì không tham gia bầu cử ở địa phương có nông trường.

4. - ĐỐI VỚI CÔNG TRƯỜNG

a) Cán bộ, công nhân viên trong hộ công cộng của các công trường có tính chất cố định ở một địa phương (làm việc tương đối lâu dài trên 2 hay 3 năm ở một địa phương) thì tham gia bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương có công trường.

b) Cán bộ, công nhân viên thuộc các công trường có tính chất lưu động sẽ tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp ở nơi cư trú chính thức.

c) Dân công làm việc tại các công trường thì không tham gia bầu cử ở địa phương có công trường, mà tham gia bầu cử, ứng cử Hội đồng Nhân dân các cấp ở nơi cư trú.

d) Cán bộ, sinh viên, học sinh đến công trường để thực tập hay tham gia lao động xã hội chủ nghĩa trong một thời gian thì không bầu cử ở nơi có công trường.

5. - ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CỦA CÁC XÍ NGHIỆP, NÔNG TRƯỜNG, CÔNG TRƯỜNG TO LỚN

Các hộ công cộng của các xí nghiệp, nông trường, công trường nếu to lớn, có đông cán bộ, công nhân viên, số lượng nhân khẩu nhiều hơn số nhân khẩu của xã sở tại, và ở cách xa các xã xung quanh, trong thực tế không có hoàn cảnh tham gia bầu cử Hội đồng Nhân dân xã thì chỉ tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp trên.

Trên đây là hướng giải quyết những trường hợp chung. Trong quá trình thi hành nếu gặp trường hợp cụ thể khó giải quyết thì Ủy ban Hành chính khu, tỉnh một mặt dựa vào ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và cán bộ, công nhân viên mà xét định. Mặt khác cần báo cáo ngay về Bộ Nội vụ để Bộ kịp thời có ý kiến giải quyết.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ




Phan Kế Toại