Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 78/1997/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 78/1997/TT-BTC NGÀY 4 THÁNG 11 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHỮNG ƯU ĐÃI VỀ THUẾ VÀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 15/CP VÀ NGHỊ ĐỊNH 16/CP CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào pháp luật về thuế và tài chính hiện hành;
Căn cứ Nghị định số 15/CP về "Chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã" và Nghị định số 16/CP về "Chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã" của Chính phủ ngày 21 tháng 2 năm 1997;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4166/KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 20 tháng 8 năm 1997 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định 15/CP và 16/CP của Chính phủ cụ thể hoá thi hành Luật Hợp tác xã.
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi về thuế và tài chính đối với Hợp tác xã liên quan đến việc thực hiện các quy định trên như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế và tài chính áp dụng tại Thông tư này là: Các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân (dưới đây gọi chung là Hợp tác xã) mới thành lập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã.

2. Phạm vi áp dụng:

Những quy định về ưu đãi thuế và tài chính tại Thông tư này áp dụng đối với Hợp tác xã thuộc đối tượng quy định tại điểm 1, mục I này có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi ngành nghề, như: sản xuất, xây dựng, vận tải, thương nghiệp, dịch vụ, và các hoạt động kinh doanh khác.

3. Chế độ ưu đãi về thuế và tài chính hướng dẫn tại Thông tư này không áp dụng đối với các Hợp tác xã đã đăng ký và hoạt động trước ngày Luật Hợp tác xã được ban hành và có hiệu lực thi hành nay thực hiện chuyển đổi và đăng ký kinh doanh lại theo quy định của Luật Hợp tác xã và Nghị định số 16/CP ngày 21-2-1997 của Chính phủ về "chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liệp hiệp Hợp tác xã".

II. NHỮNG ƯU ĐÃI VỀ THUẾ

Các Hợp tác xã phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ về đăng ký, kê khai, thu, nộp các loại thuế và phí theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, dưới đây là hướng dẫn những ưu đãi về thuế đối với Hợp tác xã:

1. Về thuế doanh thu và thuế lợi tức.

Các Hợp tác xã mới thành lập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã được coi là cơ sở mới thành lập và được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định đối với cơ sở mới thành lập, như sau:

a. Hợp tác xã hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thuỷ sản, làm muối...) thì không phải nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức;

Những Hợp tác xã ở nông thôn có những hoạt động dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, làm muối như: tưới tiêu nước, làm đất, bảo quan hàng hoá, vật nuôi, cây trồng, bảo vệ thực vật, sản xuất và sửa chữa công cụ làm muối... thì không phải nộp thuế doanh thu và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức từ những hoạt động đó. Những hoạt động dịch vụ phục vụ cho các đối tượng khác, không phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp thì không được ưu đãi về thuế quy định tại điểm này.

b. Những Hợp tác xã mới thành lập hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp (quy định tại Mục I Biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo Nghị định 96/CP ngày 27-12-1995) thì được:

- Giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian 1 năm (12 tháng) kể từ tháng có doanh thu; những Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, năm tiếp sau năm được giảm thuế nếu phát sinh lỗ được giảm thuế doanh thu trong một thời gian tiếp theo, số thuế doanh thu được xét giảm tương ứng với số lỗ nhưng tối đa không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp và tổng số thời gian được xét giảm thuế doanh thu không quá 2 năm (24 tháng); riêng Hợp tác xã sản xuất mới thành lập ở miền núi, hải đảo thì tổng số thời gian được xét giảm thuế doanh thu không quá 3 năm (36 tháng), kể từ tháng giảm thuế đầu tiên.

- Miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức và được giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp trong 2 năm (24 tháng) tiếp theo; riêng Hợp tác xã sản xuất mới thành lập ở miền núi, hải đảo thì thời gian giảm thuế được kéo dài thêm 2 năm nữa.

c. Đối với Hợp tác xã đánh bắt thuỷ sản xa bờ thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã từ ngày 06-3-1997 đến ngày 28-5-1997 được miễn thuế doanh thu 2 năm (24 tháng) kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức.

Hợp tác xã đánh bắt thuỷ sản xa bờ được thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã từ ngày 29-5-1997 trở đi, được hưởng những ưu đãi về thuế theo quy định tại Quyết định số 358/TTg ngày 29-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng biển xa bờ và các văn bản hướng dẫn Quyết định này của Bộ Tài chính.

d. Hợp tác xã bốc xếp thô sơn được giảm thuế doanh thu 2 năm (24 tháng) kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức.

đ. Hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh ở miền núi cao, hải đảo và ở các vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ, được miễn thuế doanh thu 2 năm (24 tháng) kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức.

2. Về thuế môn bài

Các cơ sở kinh doanh hạch toán phụ thuộc, trực thuộc Hợp tác xã, hộ và cá nhân kinh doanh khi là xã viên Hợp tác xã nhận nhiệm vụ của Hợp tác xã giao thì không phải trực tiếp nộp thuế môn bài mà Hợp tác xã có trách nhiệm nộp thay thuế môn bài. Mức thuế môn bài thực hiện theo đúng quy định pháp luật về thuế môn bài áp dụng đối với từng loại đối tượng.

3. Về lệ phí trước bạ

Tư liệu sản xuất của xã viên khi góp vốn vào Hợp tác xã và vốn cổ phần của xã viên, khi làm thủ tục chuyển cho xã viên khác sử dụng trong Hợp tác xã không phải nộp lệ phí trước bạ.

4. Về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

a. Các Hợp tác xã được Nhà nước giao đất để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối thì không phải trả tiền sử dụng đất;

b. Hợp tác xã ở nông thôn miền núi, hải đảo làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối nếu phải thuê đất của Nhà nước để làm trụ sở, làm xưởng sản xuất thì được miễn nộp tiền thuê đất trong thời gian 5 năm (60 tháng) đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã;

c. Các Hợp tác xã khác (không phải đối tượng quy định tại điểm a, điểm b mục này) đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã mà thuộc đối tượng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 2 năm (24 tháng) đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã.

5. ưu đãi về tài chính khác.

Ngoài việc được vay vốn kinh doanh (bao gồm cả vay trung và dài hạn) của hệ thống Ngân hàng Thương mại theo điều kiện và lãi suất của Ngân hàng, các Hợp tác xã còn được vay vốn từ các chương trình kinh tế xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và các Quỹ đầu tư phát triển khác của Nhà nước theo quy định của Chính phủ, được tiếp nhận và thực hiện các dự án đầu tư từ các nguồn vốn, khoản viện trợ của các nước, tổ chức quốc tế khi Hợp tác xã bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước.

III. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ VÀ THẨM QUYỀN XÉT MIỄN, GIẢM THUẾ

Để có căn cứ xác định đúng đối tượng và số thuế được miễn giảm theo quy định, các Hợp tác xã phải có đủ những điều kiện sau đây mới được miễn, giảm thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này:

- Hoạt động đúng đăng ký kinh doanh;

- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về sử dụng chứng từ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính quy định về chế độ kế toán, thống kê, đăng ký nộp thuế và kê khai nộp thuế đầy đủ theo pháp luật hiện hành.

1. Xét miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức.

a. Thủ tục, hồ sơ xét miễn, giảm thuế:

Hồ sơ xin miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức của Hợp tác xã phải gửi đến cơ quan thuế quản lý, bao gồm:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ngày 20-3-1996, xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất, kinh doanh;

+ Giấy đăng ký kê khai nộp thuế và có xác nhận của cơ quan thuế.

b. Thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:

Chi cục trưởng Chi cục thuế được xét miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức cho các Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này sau khi báo cáo Cục trưởng Cục thuế cấp trên trực tiếp xem xét phê duyệt.

2. Xét miễn, giảm tiền thuê đất.

- Hồ sơ xin miễn, giảm tiền thuê đất của Hợp tác xã phải gửi đến cơ quan thuế quản lý, bao gồm:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ngày 20-3-1996, xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất, kinh doanh;

+ Giấy đăng ký kê khai nộp thuế và có xác nhận của cơ quan thuế.

- Cục trưởng Cục thuế được xét và quyết định miễn, giảm thu tiền thuê đất đối với Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này.

3. Xét miễn, giảm lệ phí trước bạ.

- Hồ sơ xin miễn, giảm lệ phí trước bạ của Hợp tác xã phải gửi đến Cơ quan quản lý thu lệ phí trước bạ của địa phương nơi Hợp tác xã đóng trụ sở, gồm:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ngày 20-3-1996, xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất, kinh doanh;

+ Giấy tờ có liên quan về tài sản theo yêu cầu khi đăng ký nộp lệ phí trước bạ.

- Thủ trưởng Cơ quan quản lý thu lệ phí trước bạ có thẩm quyền quyết định miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với các tài sản Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này.

4. Trình tự thủ tục xét miễn, giảm thuế.

Trong mọi trường hợp Hợp tác xã đề nghị xét miễn, giảm thuế phải lập hồ sơ xin miễn, giảm thuế theo đúng quy định gửi cơ quan thuế quản lý Hợp tác xã. Khi nhận được hồ sơ xin miễn, giảm thuế, cơ quan thuế quản lý Hợp tác xã phải kiểm tra hồ sơ nhận được, xác định rõ: có thuộc trường hợp được miễn, giảm thuế theo luật định không, hồ sơ đã lập có đúng, đủ theo quy định hay còn thiếu hoặc sai sót gì, đối chiếu hồ sơ với thực tế, xác định rõ các số liệu, tình hình liên quan tới việc xin miễn, giảm thuế.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có sai sót phải yêu cầu Hợp tác xã bổ sung chỉnh lý kịp thời.

Trường hợp đề nghị của Hợp tác xã không thuộc trường hợp được miễn, giảm thuế theo luật định, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho đơn vị biết rõ lý do không được xét miễn, giảm thuế.

Những trường hợp xét miễn, giảm thuế không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế quản lý Hợp tác xã, cơ quan thuế sau khi kiểm tra xem xét hồ sơ và tình hình thực tế của Hợp tác xã có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan thuế cấp trên xét giải quyết, cơ quan thuế phải gửi toàn bộ hồ sơ của đơn vị đã được kiểm tra xem xét cùng văn bản kiến nghị của cơ quan thuế, đồng thời thông báo bằng văn bản để đơn vị biết hồ sơ đã chuyển tới đâu. Hồ sơ gửi cơ quan thuế cấp trên phải ghi rõ danh mục hồ sơ.

Trường hợp giải quyết cho miễn, giảm thuế, cơ quan thuế quyết định cho miễn, giảm phải ban hành quyết định miễn, giảm thuế gửi cho Hợp tác xã được miễn, giảm thuế và các đơn vị liên quan thực hiện.

Căn cứ vào quyết định được miễn, giảm thuế, cơ quan thuế thực hiện quyết toán với Hợp tác xã số thuế phải nộp và xác định lại kết quả lãi lỗ và các khoản thu nộp Ngân sách Nhà nước khác.

Cơ quan xét quyết định miễn, giảm thuế có trách nhiệm lưu giữ, quản lý hồ sơ miễn, giảm thuế theo đúng chế độ.

5. Thời gian xem xét quyết định miễn, giảm thuế.

Trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ giải quyết những ưu đãi về thuế cho Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này có trách nhiệm: ra quyết định miễn, giảm thuế hoặc thông báo cho cơ sở biết lý do chưa giải quyết hoặc không giải quyết.

6. Về tính chất pháp lý của hồ sơ xin miễn, giảm thuế.

Hồ sơ xin miễn, giảm thuế của cơ sở gửi cơ quan thuế theo các quy định trên đây phải là bản chính có đủ các thủ tục hành chính của văn bản. Trường hợp hồ sơ có các văn bản sao: nếu bản sao là văn bản, chứng từ do các cơ quan, đơn vị khác ban hành, như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập... phải đóng dấu sao công chứng; nếu bản sao là văn bản của cơ sở như: các bản quyết toán hoặc chứng từ liên quan khác, phải đóng dấu sao gửi của cơ sở.

IV. XỬ LÝ NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI KHI THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN ĐỔI VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH THEO LUẬT HỢP TÁC XÃ

1. Về đất đai

- Trường hợp Hợp tác xã đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất trước ngày 9-9-1996 (ngày Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có hiệu lực thi hành), nay thuộc đối tượng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì thực hiện nộp tiền thuê đất như sau:

+ Nếu chưa trả tiền sử dụng đất, hoặc đã trả tiền sử dụng đất nhưng tiền đó có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước (được Nhà nước công trợ trước đây) thì phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1996;

+ Nếu đã trả tiền sử dụng đất mà tiền đó không có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước thì được tính vào tiền thuê đất theo hướng dẫn chung của Bộ Tài chính.

- Trường hợp Hợp tác xã đang sử dụng đất (trước ngày 9-9-1996) có nguồn gốc từ đất ở của hộ gia đình, cá nhân sử dụng hợp pháp sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng diện tích đó để làm văn phòng, nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh thì không phải chuyển sang hình thức thuê đất, Hợp tác xã đó vẫn nộp thuế nhà, đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Về công nợ.

a. Đối với các Hợp tác xã quyết định chuyển đổi, Ban trù bị chuyển đổi phải lập hồ sơ xác định đúng, đủ toàn bộ công nợ của Hợp tác xã, làm rõ các loại nợ, hình thức nợ, nguồn gốc nợ, tính chất nợ và phải thanh toán xong các khoản nợ thì được phép chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã. Trường hợp số công nợ chưa xử lý xong thì phải cam kết nhận nợ (chuyển cho Hợp tác xã mới tiếp tục trả nợ) thì cũng được phép chuyển đổi, đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã.

b. Trường hợp giải thể Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã thì phải làm thủ tục thanh toán hết công nợ. Trường hợp không có khả năng thanh toán hết công nợ thì xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

c. Đối với các khoản Hợp tác xã nợ Nhà nước thì Ban trù bị chuyển đổi phải lập phương án trả nợ, xác định rõ đối tượng có trách nhiệm trả nợ. Trường hợp không có khả năng thanh toán thì xử lý theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp; hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét xoá, giảm hoặc hoãn trả nợ cho từng khoản cụ thể để thực hiện chuyển đổi, đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã, cụ thể như sau:

- Đối với những khoản nợ do Nhà nước đầu tư trước đây thì đề nghị cơ quan Nhà nước đã ra quyết định đầu tư phần vốn đó xem xét xử lý;

- Đối với các khoản nợ doanh nghiệp Nhà nước mà Hợp tác xã không có khả năng thanh toán do nguyên nhân khách quan thì được xử lý như sau:

+ Nếu là những khoản Hợp tác xã nợ thực hiện theo quan hệ kinh tế, thương mại bình thường (trên cơ sở tự nguyện của đôi bên) giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính hiện hành;

+ Nếu là những khoản Hợp tác xã nợ doanh nghiệp Nhà nước thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ (hoặc Hội đồng Bộ trưởng trước đây) thì doanh nghiệp Nhà nước có thể đề nghị cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có thẩm quyền xử lý. Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đối với các khoản Hợp tác xã nợ doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn do tỉnh, thành phố quyết định thành lập theo uỷ quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đối với các khoản Hợp tác xã nợ doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn do Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quyết định thành lập theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

d. Đối với những khoản Hợp tác xã vay các Ngân hàng Quốc doanh trước đây để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng dân cư như đường giao thông, nhà trẻ, trạm xá... được chuyển giao cho chính quyền địa phương để chính quyền địa phương tiếp tục xử lý theo chủ trương chung của Nhà nước được thực hiện như sau:

- Phòng Tài chính huyện, quận có trách nhiệm tiếp nhận tài sản và các giấy tờ liên quan đối với các tài sản được giao cho chính quyền cấp huyện, xã. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tiếp nhận tài sản và các giấy tờ liên quan đối với các tài sản được giao cho chính quyền cấp tỉnh, thành phố hoặc tương đương. Khi tiếp nhận tài sản được chuyển giao, cơ quan Tài chính phải lập biên bản giao nhận, trong đó phải ghi rõ họ tên người đại diện bên giao, bên nhận, đại diện cơ quan Tài chính; số lượng chủng loại, tình trạng, chất lượng, nguồn gốc, số niêm phong (nếu có) của tài sản bàn giao và các giấy tờ, hồ sơ liên quan kèm theo, cùng chữ ký của đại diện bên giao, bên nhận và đại diện cơ quan Tài chính.

- Căn cứ vào số lượng, chủng loại, tình trạng, chất lượng... của tài sản được bàn giao và/hoặc giá cả thị trường tại thời điểm bàn giao, cơ quan Tài chính xác định giá trị tài sản bàn giao của Hợp tác xã và dùng Ngân sách địa phương chi trả theo đúng giá trị của tài sản bàn giao. Trường hợp trong dự toán Ngân sách chưa bố trí khoản chi này thì được lấy từ Quỹ dự phòng hoặc chi trả trong năm Ngân sách sau.

- Các Hợp tác xã có trách nhiệm trả nợ các Ngân hàng khi nhận được thanh toán của cơ quan Tài chính.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Các Hợp tác xã là đối tượng được hưởng những ưu đãi theo quy định tại Thông tư này có thể được hưởng các chính sách ưu đãi khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan thuế, cơ quan Tài chính, cơ quan Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp các địa phương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các Hợp tác xã thực hiện đúng chính sách thuế, tài chính hiện hành và nội dung quy định tại Thông tư này.

- Mọi trường hợp vi phạm những quy định tại Thông tư này sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 3 năm 1997 (ngày Nghị định 15/CP và 16/CP có hiệu lực thi hành). Bãi bỏ những hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với Hợp tác xã trước đây trái với quy định tại Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.

Phạm Văn Trọng

(Đã Ký)