Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 79/2011/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG NHẬN VÀ CÔNG BỐ CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY TRỒNG PHÙ HỢP QUY CHUẨN KỸ THUẬT

Căn cứ Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 05 tháng 4 năm 2004;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận và công bố chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục chứng nhận, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với giống cây trồng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành;

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh và chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giống cây trồng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 gồm giống lúa, ngô, lạc, đậu tương và khoai tây được ban hành tại Thông tư số 50/2010/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 8 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư 50/2009/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các loại giống cây trồng khác khi được bổ sung theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Mã hiệu lô giống là mã được đặt cho một lô giống theo quy định để nhận biết và truy nguyên nguồn gốc;

3. Tiền kiểm là việc gieo trồng mẫu của lô giống trên ô thí nghiệm đồng ruộng để kiểm tra tính đúng giống và độ thuần, trước khi lô giống đó được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật;

4. Hậu kiểm là việc gieo trồng mẫu của lô giống trên ô thí nghiệm đồng ruộng để kiểm tra tính đúng giống và độ thuần, sau hoặc đồng thời với thời gian lô giống đó được sử dụng;

5. Chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật (gọi là chứng nhận hợp quy) là việc tổ chức chứng nhận đánh giá và xác nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

6. Giống lúa xác nhận 1 (XN1) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng theo quy trình sản xuất hạt giống lúa xác nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo QCVN 01-54 : 2011/TTBNNPTNT;

7. Giống lúa xác nhận 2 (XN2) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống xác nhận 1 theo quy trình sản xuất hạt giống lúa xác nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo QCVN 01-54 : 2011/TTBNNPTNT.

Điều 3. Căn cứ công bố hợp quy và dấu hợp quy

1. Đối với cấp giống siêu nguyên chủng, bố mẹ giống lai, hạt lai F1: Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định.

2. Đối với cấp giống nguyên chủng, xác nhận: Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc kết quả tự đánh giá hợp quy của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

3. Dấu hợp quy thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy.

Điều 4. Chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng

1. Điều kiện, hồ sơ, trình tự chỉ định và quản lý hoạt động tổ chức chứng nhận thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2010/TT-BNNPTNT ngày 17/6/2010 quy định về người lấy mẫu, người kiểm định, tổ chức chứng nhận chất lượng giống, sản phẩm cây trồng và phân bón.

2. Nhân viên đánh giá của tổ chức chứng nhận bao gồm: người kiểm định đồng ruộng, người lấy mẫu, kiểm nghiệm viên.

3. Đối với tổ chức chứng nhận là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải có hệ thống quản lý chất lượng và bộ phận chứng nhận chất lượng bảo đảm hoạt động độc lập, khách quan với các bộ phận sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, tài chính và tổ chức trong cùng đơn vị.

Chương II

CHỨNG NHẬN HỢP QUY VÀ TỰ ĐÁNH GIÁ HỢP QUY

Điều 5. Đăng ký và hợp đồng chứng nhận hợp quy

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cấp giống siêu nguyên chủng, bố mẹ giống lai, hạt lai F1: trước khi tiến hành sản xuất hoặc nhập khẩu phải đăng ký chứng nhận hợp quy với một tổ chức chứng nhận được chỉ định; với các cấp giống khác: đăng ký chứng nhận hợp quy hoặc tự đánh giá hợp quy theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Tờ khai đăng ký chứng nhận hợp quy theo mẫu Phụ lục 1 của Thông tư này áp dụng đối với giống sản xuất trong nước hoặc Phụ lục 2 của Thông tư này áp dụng đối với giống nhập khẩu được gửi đến tổ chức chứng nhận nêu ở khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức chứng nhận sau khi nhận tờ khai đăng ký tiến hành ký hợp đồng chứng nhận hợp quy với tổ chức, cá nhân đăng ký.

Điều 6. Phương thức, trình tự chứng nhận hợp quy

1. Chứng nhận hợp quy được áp dụng theo Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy.

2. Trình tự chứng nhận hợp quy

a) Đối với giống sản xuất trong nước, gồm các bước:

- Kiểm định ruộng giống;

- Lấy mẫu lô giống;

- Kiểm nghiệm mẫu;

- Tiền kiểm (đối với các lô dòng mẹ lúa lai 2 dòng và các lô giống lúa lai F1 có nghi ngờ trong quá trình kiểm định);

- Cấp Giấy chứng nhận hợp quy.

b) Đối với giống nhập khẩu, gồm các bước:

- Lấy mẫu lô giống;

- Kiểm nghiệm mẫu;

- Cấp Giấy chứng nhận hợp quy.

Điều 7. Kiểm định ruộng giống

1. Kiểm định ruộng giống do người kiểm định được chỉ định hoặc có chứng chỉ đào tạo của tổ chức chứng nhận hoặc được tổ chức này hợp đồng thực hiện.

2. Phương pháp kiểm định ruộng giống theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Chỉ những ruộng giống đã được kiểm định phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật mới được thu hoạch làm giống.

4. Biên bản kiểm định theo mẫu Phụ lục 3, 4, 5 của Thông tư này.

Điều 8. Lấy mẫu và lưu mẫu giống

1. Lấy mẫu

a) Việc lấy mẫu do người lấy mẫu được chỉ định hoặc có chứng chỉ đào tạo của tổ chức chứng nhận hoặc được tổ chức này hợp đồng thực hiện.

b) Phương pháp lấy mẫu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Mỗi lô giống lấy một mẫu đúp: một nửa gửi tổ chức chứng nhận, một nửa lưu tại cơ sở sản xuất có lô giống đó.

c) Đối với lô giống yêu cầu tiền kiểm hoặc hậu kiểm phải lấy thêm một mẫu (khối lượng tối thiểu 250g) để tiền kiểm hoặc hậu kiểm.

2. Lưu mẫu giống

Mẫu hạt giống phải được bảo quản trong điều kiện thích hợp ít nhất sáu tháng, kể từ ngày nhận mẫu.

Điều 9. Kiểm nghiệm mẫu giống

1. Mẫu của lô giống sản xuất trong nước có biên bản kiểm định đồng ruộng đạt yêu cầu hoặc lô giống nhập khẩu có tờ khai hải quan mới được tiến hành kiểm nghiệm.

2. Kiểm nghiệm mẫu giống do phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận thực hiện.

3. Phương pháp kiểm nghiệm theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

4. Phiếu kết quả kiểm nghiệm mẫu giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục 6, 7, 8 của Thông tư này.

Điều 10. Tiền kiểm

1. Lô giống dòng mẹ lúa lai 2 dòng của các tổ hợp sản xuất trong nước có kết quả kiểm định đồng ruộng đạt yêu cầu hoặc các lô giống lúa lai F1 có nghi ngờ trong quá trình kiểm định được tiến hành tiền kiểm để đánh giá chính xác tính đúng giống và độ thuần.

2. Phương pháp tiền kiểm theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Báo cáo kết quả tiền kiểm theo mẫu tại Phụ lục 9 của Thông tư này.

Điều 11. Cấp giấy chứng nhận hợp quy

1. Lô giống cây trồng được cấp Giấy chứng nhận hợp quy theo mẫu tại Phụ lục 10, 11 của Thông tư này khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Lô giống sản xuất trong nước có kết quả kiểm định đồng ruộng, kiểm nghiệm mẫu giống, kết quả tiền kiểm (đối với dòng mẹ lúa lai 2 dòng và hạt lúa lai F1 có nghi ngờ khi kiểm định).

b) Lô giống nhập khẩu có kết quả kiểm nghiệm mẫu giống phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

2. Mỗi lô giống được cấp 01(một) giấy chứng nhận hợp quy. Giấy chứng nhận hợp quy được tổ chức chứng nhận đã cấp giấy chứng nhận cho lô giống đó cấp bản sao từ sổ gốc hoặc được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

3. Trường hợp lô giống cây trồng đăng ký sản xuất là cấp giống nguyên chủng hoặc cấp giống xác nhận 1 (đối với giống lúa) nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn ở cấp thấp hơn thì được cấp Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn ở cấp thấp hơn đó, nếu chủ lô giống có đề nghị bằng văn bản.

4. Đối với giống lúa lai, nếu có nghi ngờ về chỉ tiêu hạt khác giống có thể phân biệt được, tổ chức chứng nhận vẫn cấp Giấy chứng nhận hợp quy sau khi có cam kết bằng văn bản của chủ lô giống bảo lãnh về chất lượng và đền bù thiệt hại cho người sản xuất nếu do chất lượng giống gây ra; đồng thời tiến hành hậu kiểm mẫu của lô giống đó.

5. Căn cứ các quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 của Điều này, tổ chức chứng nhận hướng dẫn cụ thể về trình tự, thời gian nộp hồ sơ, đánh giá và cấp giấy chứng nhận lô giống phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 12. Tự đánh giá hợp quy

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống tự đánh giá hợp quy đối với cấp giống nguyên chủng, xác nhận theo trình tự sau:

1. Kiểm định ruộng giống: do người kiểm định được chỉ định hoặc có chứng chỉ đào tạo của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống hoặc hợp đồng thuê thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

2. Lấy mẫu lô giống do người lấy mẫu được chỉ định hoặc có chứng chỉ đào tạo của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống hoặc hợp đồng thuê thực hiện.

3. Mẫu hạt giống được phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc công nhận.

4. Những lô giống có kết quả kiểm định, kết quả kiểm nghiệm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật mới được sử dụng để kinh doanh (mua bán, trao đổi) nhằm mục đích thương mại.

Điều 13. Hậu kiểm

1. Bắt buộc hậu kiểm đối với mẫu giống có nghi ngờ trong quá trình kiểm nghiệm, mẫu giống do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Khuyến khích hậu kiểm đối với các mẫu giống khác.

2. Phương pháp hậu kiểm theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Trường hợp mẫu giống hậu kiểm không đạt yêu cầu chất lượng, đơn vị thực hiện hậu kiểm lập biên bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân có mẫu hậu kiểm và tổ chức đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho lô giống. Trường hợp tổ chức, cá nhân có mẫu hậu kiểm hoặc tổ chức chứng nhận cố tình không xác nhận thì biên bản vẫn có giá trị khi có chữ ký, dấu của đơn vị thực hiện hậu kiểm và là căn cứ để xử lý vi phạm theo quy định.

4. Chậm nhất 15 (mười lăm) ngày sau khi kết thúc hậu kiểm, đơn vị thực hiện hậu kiểm gửi báo cáo kết quả hậu kiểm theo mẫu Phụ lục 9 của Thông tư này về Cục Trồng trọt, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hậu kiểm, chủ sở hữu lô giống và tổ chức, cá nhân đánh giá hợp quy chất lượng lô giống đó.

Điều 14. Mã hiệu lô giống

1. Mỗi lô giống phải có một mã hiệu riêng để theo dõi, thống nhất quản lý, được duy trì trong suốt quá trình từ sản xuất, bảo quản, kinh doanh và sử dụng lô giống đó.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống đặt mã hiệu lô giống theo quy định tại khoản 3 Điều này; sử dụng mã hiệu lô giống để quản lý nội bộ và đăng ký với tổ chức chứng nhận chất lượng.

3. Mã hiệu lô giống gồm 6 nội dung theo trình tự sau: mã tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc Trung ương); mã tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống; mã loài cây trồng; mã cấp giống; mã vụ và năm sản xuất hoặc năm nhập khẩu; mã lô giống được sản xuất hoặc nhập khẩu trong năm.

a) Mã tỉnh, thành phố đặt theo mã vùng điện thoại theo mẫu Phụ lục 12 của Thông tư này.

b) Mã tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân được cấp đăng ký kinh doanh quy định và thông báo về Cục Trồng trọt theo mẫu Phụ lục 13 của Thông tư này.

c) Mã loài cây trồng, mã cấp giống, mã vụ và năm sản xuất hoặc năm nhập khẩu đặt theo mẫu Phụ lục 14 của Thông tư này.

d) Mã lô giống

- Đối với lô giống sản xuất trong nước: mã lô giống là số thứ tự của lô ruộng giống được tổ chức, cá nhân sản xuất giống đặt khi bắt đầu sản xuất giống theo mẫu Phụ lục 14 của Thông tư này.

- Đối với lô giống nhập khẩu: mã lô giống là số thứ tự của lô giống được tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống đặt khi nhập khẩu theo mẫu Phụ lục 14 của Thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ngoài việc thực hiện ghi nhãn hàng hoá theo quy định phải in mã lô giống hoặc mã hiệu lô giống trên bao bì.

Điều 15. Hồ sơ lô giống

1. Đối với lô giống được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận hợp quy bao gồm: tờ khai đăng ký, biên bản kiểm định, tờ khai hải quan, biên bản lấy mẫu, thẻ mẫu giống, phiếu nhận mẫu, phiếu kết quả kiểm nghiệm, kết quả tiền kiểm, bản sao giấy chứng nhận hợp quy theo mẫu Phụ lục 10, Phụ lục 11 của Thông tư này, kết quả hậu kiểm (nếu có) và lưu tại tổ chức chứng nhận.

2. Đối với lô giống do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tự đánh giá hợp quy bao gồm: biên bản kiểm định, biên bản lấy mẫu, phiếu kết quả kiểm nghiệm và lưu tại tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Điều 16. Phí chứng nhận hợp quy

Phí chứng nhận hợp quy do tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chất lượng chi trả theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; trường hợp chưa có quy định thì các bên thoả thuận theo hợp đồng.

Chương III

TIẾP NHẬN BẢN CÔNG BỐ HỢP QUY GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 17. Trình tự tiếp nhận bản công bố hợp quy

1. Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy gửi 01 (một) bộ hồ sơ công bố hợp quy qua bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

a) Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận, hồ sơ bao gồm:

- Bản công bố hợp quy theo mẫu Phụ lục 15 của Thông tư này;

- Bản sao có chứng thực trong trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc bản sao có bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp Giấy chứng nhận hợp quy của 01 lô giống đại diện cho mỗi giống được sản xuất, kinh doanh do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp;

- Bản mô tả tóm tắt về từng giống cây trồng được sản xuất, kinh doanh (tên giống, nguồn gốc, đặc điểm chủ yếu, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu kỹ thuật).

b) Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, hồ sơ bao gồm:

- Bản công bố hợp quy theo mẫu Phụ lục 15 của Thông tư này;

- Bản chính biên bản kiểm định đồng ruộng theo phụ lục 5 của Thông tư này và phiếu kết quả kiểm nghiệm mẫu của 01 lô giống đại diện cho mỗi giống được sản xuất, kinh doanh do phòng kiểm nghiệm được công nhận hoặc chỉ định cấp;

- Bản mô tả tóm tắt về từng giống cây trồng được sản xuất, kinh doanh (nguồn gốc, đặc điểm chủ yếu, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu kỹ thuât);

- Quy trình sản xuất giống và kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng và áp dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư 83/2009/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2009 hướng dẫn về hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc bản sao chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001 trong trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001.

2. Thời hạn giải quyết tiếp nhận bản công bố hợp quy

a) Trường hợp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu:

- Đối với hồ sơ được gửi qua đường bưu điện: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân về những điểm, nội dung chưa phù hợp để hoàn thiện hồ sơ;

- Đối với hồ sơ được gửi trực tiếp: Công chức tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu chưa đầy đủ thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

b) Trường hợp hồ sơ đầy đủ: Trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về việc tiếp nhận bản công bố theo mẫu Phụ lục 16 của Thông tư này.

c) Thời hạn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ.

Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy

Thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Thông tư 83/2009/TT-BNNPTNT 25 tháng 12 năm 2009.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Cục Trồng trọt có trách nhiệm:

a) Trình Bộ ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất giống liên quan đến hoạt động chứng nhận hợp quy;

b) Hướng dẫn các tổ chức chứng nhận đã được công nhận hoặc chỉ định bổ sung chức năng, nhiệm vụ; hoàn thiện hệ thống quản lý và năng lực theo quy định. Chỉ định và quản lý hoạt động của phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng trên phạm vi cả nước;

c) Chỉ đạo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ của các tổ chức chứng nhận, đào tạo người lấy mẫu, người kiểm định, kiểm nghiệm và hậu kiểm giống cây trồng; thực hiện nhiệm vụ đầu mối hướng dẫn, giám sát về chuyên môn nghiệp vụ; tổng hợp kết quả kiểm định, kiểm nghiệm, chứng nhận hợp quy trên phạm vi cả nước;

d) Kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực chứng nhận hợp quy trên cả nước;

đ) Chỉ đạo hoạt động chứng nhận hợp quy lĩnh vực giống cây trồng; hàng năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả hoạt động chứng nhận hợp quy.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Quy định mã số của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn và thông báo về Cục Trồng trọt theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 của Thông tư này;

b) Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật trên địa bàn.

c) Tiếp nhận công bố hợp quy và thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn;

d) Tổng hợp báo cáo kết quả tiếp nhận công bố hợp quy hàng quý về Cục Trồng trọt.

3. Tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng có trách nhiệm:

a) Thực hiện chứng nhận hợp quy:

- Cấp giống siêu nguyên chủng giống thuần, bố mẹ giống lúa lai: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia;

- Giống lúa lai F1 sản xuất trong nước: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia và các tổ chức chứng nhận không tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng;

- Các cấp giống khác: Tất cả các tổ chức chứng nhận được chỉ định.

b) Thực hiện hậu kiểm theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này;

c) Định kỳ 6 tháng gửi báo cáo kết quả chứng nhận hợp quy giống cây trồng về Cục Trồng trọt theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 của Thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nhằm mục đích thương mại có trách nhiệm:

- Đăng ký chứng nhận hợp quy hoặc tự đánh giá hợp quy theo quy định tại Thông tư này;

- Lưu giữ hồ sơ lô giống theo quy định tại Thông tư này;

- Thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư này;

- Trả phí chứng nhận hợp quy theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này;

b) Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hộ gia đình nông dân được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sản xuất giống xác nhận và dùng để trao đổi theo kế hoạch của chính quyền hoặc cơ quan khuyến nông, không nhằm mục đích thương mại:

- Kiểm định ruộng giống theo quy định tại Thông tư này;

- Khuyến khích lấy mẫu, kiểm nghiệm, công bố hợp quy, sử dụng dấu hợp quy theo quy định tại Thông tư này;

- Khuyến khích ghi nhãn đầy đủ theo quy định hoặc tối thiểu trên bao bì phải có tên giống; tên hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hộ gia đình sản xuất; dòng chữ “Giống xác nhận” hoặc “Giống lúa XN1” hoặc “Giống lúa XN2” và ngày, tháng, năm đóng bao.

c) Tổ chức, cá nhân bán giống cây trồng phải có sẵn bản gốc hoặc bản sao: Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy; giấy chứng nhận lô giống phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc biên bản kiểm định ruộng giống và phiếu kết quả kiểm nghiệm mẫu hạt giống, củ giống (trường hợp tự đánh giá hợp quy) của từng lô giống.

Điều 20. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 41/2007/QĐ-BNN ngày 15/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn; thay thế khoản 4 Điều 3, Điều 5 của Thông tư 42/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/7/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận, giống lúa bố mẹ lúa lai và hạt lai F1.

2. Giao Cục Trồng trọt làm đầu mối theo dõi, tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) để kịp thời giải quyết.