Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8031-DC/CQĐP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN Ở THỊ XÃ

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc và Thái Mèo, khu Hồng Quảng, khu vực Vĩnh Linh;
- Ủy ban hành chính tỉnh

Căn cứ vào Luật số 110-SL/L12 ngày 31/5/1958 về tổ chức chính quyền địa phương, Thông tư số 289-TTg ngày 10/6/1958 về kiện toàn chính quyền địa phương, và để bổ sung Thông tư số 79-CQTT ngày 10/1/1958 của Bộ Nội vụ về tổ chức chính quyền ở các thị xã.

Bộ nêu lên một số điểm sau đây để các Ủy ban nghiên cứu áp dụng:

- Thị xã hầu hết là tỉnh lỵ và hiện nay là một cấp chính quyền cơ sở, dưới Ủy ban Hành chính thị xã không tổ chức chính quyền khu phố hay xã.

Riêng một số ít xã, và có xã ngoại thị, nên dưới Ủy ban Hành chính thị xã, còn Ủy ban Hành chính xã. Trường hợp này, nên nghiên cứu đưa các xã ngoại thị vào thị xã, để thống nhất thành một đơn vị hành chính.

- Tổ chức bộ máy của thị xã cần đảm bảo nguyên tắc tập trung thống nhất vào cấp ủy Đảng và chính quyền tại xã, giảm bớt cấp trung gian chưa cần thiết. Cho nên thị xã lớn, dân số từ một vạn người trở lên (không kể số cán bộ, công nhân viên ở thị xã) mới nên chia khu phố, có Ban Hành chính khu phố. Ban hành chính khu phố là cơ quan đại diện của Ủy ban Hành chính thị xã khu phố, do Ủy ban hành chính xã chỉ định, và Ủy ban Hành chính tỉnh, hoặc Ủy ban Hành chính khu (nơi không có cấp tỉnh) xét duyệt.

Ngoài ra, đối với thị xã vẫn đủ tiêu chuẩn, và cần thiết chia khu phố, có Ban Hành chính khu phố nhưng trước đây gọi là Ủy ban Hành chính khu phố, thì nay thống nhất đổi thành Ban Hành chính khu phố.

- Khi chia khu phố, phải kết hợp tiêu chuẩn dân số với các điều kiện chính trị, kinh tế, địa dư và mỗi khu phố (ở thị xã) chỉ nên khoản từ 2000 đến 4000 người. Nếu để khu phố to hơn nữa, thì chưa thích hợp với khả năng lãnh đạo hiện nay của cán bộ khu phố ở thị xã, mà để nhiều khu phố nhỏ (dưới 2000 người) thì thị xã lại có nhiều Ban Hành chính khu phố, làm cho tổ chức cồng kềnh, và khi bố trí cán bộ, lực lượng sẽ thiếu và bị phân tán.

- Ở những thị xã chia khu phố, thì dưới Ủy ban Hành chính thị xã có các Ban Hành chính khu phố; dưới Ban Hành chính khu phố chỉ có ban bảo vệ và các tổ chức nhân dân. Như vậy là thị xã đã có Ban Hành chính khu phố, thì có thể không tổ chức ban đại biểu nữa. Còn ở những thị xã không chia khu phố, thì dưới Ủy ban Hành chính thị xã không tổ chức trưởng phố, mà trực tiếp là các ban đại biểu, ban bảo vệ và các tổ nhân dân. Nhưng ở đây, nên nghiên cứu tổ chức ban đại biểu và ban bảo vệ thống nhất vào làm một (và có sự phân công làm cả nhiệm vụ của hai tổ chức đó) để thuận lợi cho việc bầu cử, chọn người, và tránh được tình trạng va chạm về quyền hạn nhiệm vụ. Bởi vậy, nơi nào đã có sự thỏa thuận với Ty Công an, thì có thể tiến hành thống nhất để rút kinh nghiệm. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục trao đổi với Bộ Công an để có ý kiến thống nhất giải quyết vấn đề này.

Ở những thị xã nhỏ, hoặc thị xã chưa cần thiết chia khu phố, Ủy ban Hành chính thị xã phải có ủy viên trực tiếp phụ trách theo dõi giúp đỡ các ban đại biểu, mặt khác vì không có Ban Hành chính khu phố giúp việc nên hàng ngày công việc, hành chính, sự vụ của nhân dân ở đường phố sẽ dồn cả lên Ủy ban Hành chính thị xã, do đó, ở những thị xã này phải được căn cứ vào sự cần thiết của lãnh đạo mà tăng cường bố trí cho đủ số ủy viên Ủy ban để phụ trách các mặt công tác, và đủ số cán bộ nhân viên giúp Ủy ban (trong phạm vi luật tổ chức chính quyền địa phương và Thông tư kiện toàn chính quyền địa phương).

- Các thị xã, có thị xã lớn, thị xã nhỏ, và tình hình nhu cầu ở mỗi nơi có khác nhau, nên không nhất thiết thị xã nào cũng tổ chức giống nhau hoặc tổ chức đầy đủ các bộ phận chuyên môn như ở tỉnh, huyện, trừ một số bộ phận có tính chất đặc biệt, tổ chức theo hệ thống dọc như: đồn công an, thị đội,v.v… các bộ phận chuyên môn khác, nếu chưa thực cần thiết phải lập thành phòng, như phòng công thương, phòng tài chính…. thì chỉ cần từ 1 đến 3 cán bộ, nhân viên giúp việc, và do ủy viên Ủy ban Hành chính phụ trách. Thủ tục sửa đổi bãi bỏ các bộ phận chuyên môn cần được theo đúng như đã quy định trong luật tổ chức chính quyền.

Trên đây là một số điểm nói thêm về tổ chính quyền ở thị xã, đề nghị các Ủy ban Hành chính khi nghiên cứu áp dụng nếu thấy cần bổ sung, hoặc có kinh nghiệm gì, yêu cầu báo cáo cho Bộ biết.

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu