Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THU, NỘP KHOẢN LỢI NHUẬN, CỔ TỨC ĐƯỢC CHIA CHO PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ TẠI DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 06 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

n cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty Cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết việc thu, nộp vào ngân sách nhà nước:

a) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lặp các quỹ (sau đây gọi là lợi nhuận còn lại) đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Cổ tức và lợi nhuận được chia bằng tiền cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ của tổng công ty nhà nước;

c) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

d) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập;

đ) Tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu.

3. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

4. Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.

Điều 3. Thu vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1. Xác định lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước

Lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này là lợi nhuận được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán sau khi trừ đi các khoản sau đây:

a) Bù đắp lỗ năm trước theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

b) Trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định (nếu chưa được trừ vào chi phí khi xác định lợi nhuận kế toán);

c) Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

d) Các khoản phân phối, trích lập quỹ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ hoặc các khoản phân phối trích lập quỹ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có).

2. Xác định lợi nhuận của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác

a) Lợi nhuận còn lại của các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Công ty mẹ quyết định thu lợi nhuận còn lại của các công ty con và hạch toán doanh thu tài chính của công ty mẹ để nộp ngân sách nhà nước.

b) Cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quyết định chia cổ tức, lợi nhuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm thu cổ tức, lợi nhuận được chia và hạch toán doanh thu tài chính để nộp ngân sách nhà nước.

c) Lợi nhuận còn lại của các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo điểm a, điểm b khoản này được tổng hợp để xác định lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 4. Thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu

1. Cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của Nhà nước được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên quyết định. Phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm tại doanh nghiệp thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ.

2. Cổ tức và lợi nhuận được chia phải nộp ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Số cổ tức, lợi nhuận tạm chia trong năm tài chính (nếu có);

b) Số cổ tức, lợi nhuận của các năm trước được chia trong năm tài chính.

3. Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước phần cổ tức và lợi nhuận được chia cho cổ đông nhà nước.

Điều 5. Phân chia ngân sách nhà nước

1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu nộp 100% vào ngân sách Trung ương đối với khoản lợi nhuận còn lại và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu nộp 100% vào ngân sách địa phương đối với khoản lợi nhuận còn lại và cổ tức, lợi nhuận được chia phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều 6. Khai, nộp và xử lý vi phạm

1. Việc khai, nộp và xử lý vi phạm về khai, nộp lợi nhuận còn lại, cổ tức, lợi nhuận được chia của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Kê khai và nộp ngân sách nhà nước:

a) Đối với khoản lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp kê khai, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế sau khi phát hành báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật kế toán.

b) Đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có trách nhiệm kê khai, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế sau khi có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Quyết định của Hội đồng thành viên.

3. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc đối tượng nộp lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 3 Thông tư này sau khi chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, trường hợp lợi nhuận còn lại chưa nộp ngân sách nhà nước (nếu có) thì doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần lợi nhuận còn lại này vào ngân sách nhà nước.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, áp dụng cho kỳ quyết toán lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước năm 2021 và thay thế Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/04/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc doanh nghiệp thực hiện khai, nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận còn lại, cổ tức, lợi nhuận được chia.

b) Kiểm tra, giám sát doanh nghiệp khai, nộp các khoản thu ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư này.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm:

a) Thực hiện nộp ngân sách nhà nước phần lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp.

b) Đôn đốc, giám sát công ty con, doanh nghiệp có vốn góp thực hiện nộp lợi nhuận còn lại, cổ tức, lợi nhuận được chia theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước có trách nhiệm:

a) Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp mà mình làm đại diện vốn để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

b) Biểu quyết chi trả cổ tức khi có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; đôn đốc, giám sát công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn góp của Nhà nước.

4. Trách nhiệm của cơ quan thuế

a) Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý thu lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thuộc phạm vi quản lý.

b) Hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước và cổ tức, lợi nhuận được chia thực hiện theo nội dung Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.