Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9-TC/TQĐ

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1988

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 9-TC/TQD NGÀY 27-2-1988 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ NỘP THUẾ HÀNG HOÁ ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU MẬU DỊCH

Thực hiện Pháp lệnh ngày 17-11-1987 của Hội đồng Nhà nước bổ sung, sửa đổi một số điều trong Điều lệ thuế công thương nghiệp và Điều lệ thuế hàng hoá, Nghị định số 9-HĐBT ngày 30-1-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh trên. Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại thương, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ nộp thuế hàng hoá đối với hàng nhập khẩu mậu dịch như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ VÀ CÁC TỔ CHỨC NỘP THUẾ

1. Đối tượng chịu thuế

Tất cả hàng hoá do các tổ chức kinh tế được phép nhập khẩu qua biên giới Việt Nam thuộc danh mục trong biểu thuế suất hàng nhập khẩu mậu dịch ban hành kèm theo Pháp lệnh ngày 17-11-1987 của Hội đồng Nhà nước đều phải chịu thuế hàng hoá hàng nhập khẩu mậu dịch (Biểu thuế suất chi tiết kèm theo).

Dưới đây Bộ Tài chính giải thích cụ thể một số danh mục các mặt hàng chịu thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch đã quy định trong biểu thuế suất :

- Hàng bách hoá : bao gồm tất cả các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng (trừ những mặt hàng đã quy định trong mục VII biểu thuế hàng hoá) được gọi chung là hàng bách hoá như va li, đồng hồ, xà phòng, đường, xe đạp, phụ tùng xe đạp và phụ tùng xe máy...

- Văn hoá phẩm : bao gồm tất cả các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu văn hoá, nghệ thuật như các loại nhạc cụ, đĩa hát, băng nhạc, phim chiếu bóng, băng ghi hình, bưu ảnh, các loại lịch, các loại mỹ phẩm...

Đồ uống: bao gồm tất cả các sản phẩm dùng cho nhu cầu uống (trừ rượu,

bia đã quy định trong biểu thuế suất) như nước suối, nước ngọt, si rô đóng chai và đóng gói dưới dạng bột, nước hoa quả các loại ...

2. Đơn vị nộp thuế.

Các tổ chức kinh tế dưới đây khi có hàng nhập khẩu mậu dịch qua biên giới Việt Nam thuộc loại chịu thuế hàng hoá đều phải có nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước:

- Các Tổng công ty. Công ty xuất nhập khẩu do Bộ Ngoại thương quản lý.

- Các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu trực thuộc các Bộ hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu được phép trực tiếp kinh doanh, xuất nhập khẩu với nước ngoài.

- Các Liên hiệp xí nghiệp hoặc xí nghiệp được phép trực tiếp xuất nhập khẩu với nước ngoài (kể cả xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam ).

- Các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế làm gia công, nhận thầu cho nước ngoài được thanh toán tiền công và các chi phí khác bằng hàng hoá.

- Các tổ chức nước ngoài kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam .

- Các tổ chức kinh tế thực hiện hợp đồng, hợp tác kinh doanh với nước ngoài.

Trường hợp nhận hàng uỷ thác thì các tổ chức nhận uỷ thác chịu trách nhiệm nộp thuế thay cho các tổ chức có hàng uỷ thác.

II. MIỄN, GIẢM THUẾ

1. Miễn thuế.

Bộ Tài chính xem xét và ra quyết định miễn thuế các trường hợp :

- Hàng nhập cho mục đích nghiên cứu khoa học của các trường, viện nghiên cứu mà kinh phí của các đơn vị này do ngân sách cấp phát.

- Hàng viện trợ nhân dân, nhân đạo của các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và nhân dân các nước giúp đỡ nhân dân Việt Nam .

- Hàng hoá là nguyên liệu, vật liệu để gia công cho nước ngoài theo hợp đồng, giữa các tổ chức kinh tế Việt Nam với nước ngoài.

- Hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua Việt Nam .

2. Giảm thuế.

Bộ Tài chính xem xét ra quyết định giảm thuế các trường hợp sau :

- Hàng hoá nhập theo hiệp định ký kết giữa chính phủ Việt Nam với nước ngoài khi giá bán lẻ hoặc giá bán buôn vật tư trừ (-) chiết khấu thấp hơn giá vốn hàng nhập cộng (+) phí ngoại thương, cộng (+) thuế nhập.

Các Chi cục Thu quốc doanh và Sở Tài chính xem xét ra quyết định giảm thuế trong trường hợp :

- Hàng hoá do chuyên chở, bốc xếp bị hư hỏng, mất mát có lý do xác đáng được Công ty giám định hàng hoá Việt Nam chứng nhận. Tỷ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất của hàng hoá ghi trong biên bản giám định.

III. THỦ TỤC VÀ BIỆN PHÁP KÊ KHAI THU NỘP

1. Thời điểm nộp thuế

Thuế hàng hoá đối với hàng nhập khẩu mậu dịch do tổ chức xuất nhập khẩu nộp cùng một lúc với thuế nhập khẩu và thành 2 nhóm riêng biệt như ở điều 8. Nghị định số 9-HĐBT ngày 30-1-1988 của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định. Thuế phải nộp xong trước khi đưa hàng từ cửa khẩu vào khâu lưu thông nội địa.

Để chứng minh hàng đã nộp thuế, hàng hoá ra khỏi cửa khẩu phải có biên lai nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch xuất trình cho các cơ quan chức năng. Trường hợp cả lô hàng đã nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch nhưng xuất kho làm nhiều chuyến, để chứng minh hàng hoá đã nộp thuế, cơ quan Thu quốc doanh sẽ cấp trích sao biên lai nộp thuế cho mỗi chuyến rút hàng.

2. Biện pháp kê khai thu nộp.

a) Cách tính thuế

Số thuế hàng hoá hàng nhập khẩu mậu dịch phải nộp bằng (=) lượng hàng hoá chịu thuế, nhân (x) với giá tính thuế, nhân (x) thuế suất. Trong đó :

- Lượng hàng hoá ghi theo đơn vị số lượng, trọng lượng... phù hợp với chủng loại hàng.

- Giá tính thuế là giá bán buôn hàng nhập được xác định theo nguyên tắc lấy giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp do Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Nội thương và các cấp có thẩm quyền quy định, trừ (-) chiết khấu thương nghiệp (đối với hàng tiêu dùng) hoặc giá bán buôn vật tư trừ (-) chiết khấu vật tư (đối với vật tư).

Trường hợp chưa có giá bán buôn hàng nhập thì giá tính thuế được xác định trên cơ sở mặt hàng tương đương.

Giá tính thuế do Bộ Tài chính thông báo khung giá chung : các Sở Tài chính - Chi cục Thu quốc doanh căn cứ vào giá cả ở địa phương, sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan Hải quan, Ngoại thương, Nội thương sẽ quy định cụ thể mức giá sát với tình hình thị trường ở địa phương.

b) Thủ tục kê khai thu nộp

Hàng hoá nhập khẩu mậu dịch chịu thuế hàng hoá, chủ hàng phải làm thủ tục khai báo và nộp thuế tại cơ quan thu quốc doanh trên địa bàn nơi tổ chức xuất nhập khẩu đóng trụ sở hoặc tại cửa khẩu - nơi các tổ chức xuất nhập khẩu nộp thuế nhập khẩu.

Sau khi làm thủ tục kê khai Hải quan, tổ chức xuất nhập khẩu phải lập tờ khai "nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch" thành 3 liên nộp cho cơ quan Thu quốc doanh (trong cùng một ngày làm việc). Cơ quan Thu quốc doanh căn cứ vào liên 4 "tờ khai nhập khẩu hàng hoá mậu dịch" của cơ quan Hải quan đối chiếu với "tờ khai nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch" để xác định mặt hàng phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch, tính thuế phải nộp và thông báo cho tổ chức xuất nhập khẩu.

Sau khi nhận được thông báo nộp thuế, chậm nhất trong thời hạn 3 ngày làm việc, các tổ chức xuất nhập khẩu nộp thuế bằng "séc chuyển khoản" cho cơ quan Thu quốc doanh và nhận biên lai nộp thuế. Trường hợp lô hàng nhỏ, số thuế phải nộp không lớn, tổ chức xuất nhập khẩu có thể nộp thuế bằng tiền mặt.

Cuối mỗi ngày, cơ quan Thu quốc doanh lập bảng kê nộp séc và tiền kèm tờ khai nộp thuế vào ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng sở tại theo chương, khoản, hạng, mục quy định (chương tương ứng với đơn vị nộp, loại 07, khoản 03, hạng 0, mục 04, tài khoản 710 ngân sách Trung ương).

Các tổ chức xuất nhập khẩu được xác định lại định mức vốn lưu động, giá vốn hàng mua để tính vốn bao gồm cả khoản thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch. Ngân hàng Ngoại thương cho tổ chức xuất nhập khẩu vay vốn thanh toán hàng nhập bao gồm cả thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch.

3. Xử lý do vi phạm kỷ luật thu nộp.

Tổ chức nào chậm nộp thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch theo thời hạn đã thông báo thì mỗi ngày chậm nộp phải nộp thêm 0,2% (hai phần nghìn) tính trên số thuế phải nộp.

Các trường hợp trốn thuế, lậu thuế đều phải truy thu và chịu phạt theo quy định tại điều 15 trong Điều lệ thuế hàng hoá.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ Tài chính giao cho các Chi cục Thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp Trung ương tổ chức thu thuế hàng hoá với hàng nhập khẩu mậu dịch của tất cả các tổ chức xuất nhập khẩu do Trung ương và địa phương quản lý.

Ở các địa phương chưa có Chi cục Thu quốc doanh Trung ương, Bộ Tài chính giao cho các Sở Tài chính tổ chức thu thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch trên địa bàn.

Các trạm thu thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch được đặt cùng điểm với trạm thu thuế xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố.

Trạm thu thế hàng hoá được sử dụng con dấu riêng hình tròn theo mẫu thống nhất do Bộ Tài chính quy định. Cục Thu quốc doanh hướng dẫn tổ chức biên chế của các trạm phù hợp với khối lượng công việc ở từng địa phương.

Chi cục Thu quốc doanh, Sở Tài chính phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan, Ngân hàng, Ngoại thương, cơ quan quản lý kho tàng ở cửa khẩu để tổ chức thu thuế đầy đủ và kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

Cơ quan Thu quốc doanh, Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra tờ khai nộp thuế, cấp đầy đủ và kịp thời biên lai nộp thuế, giám sát mọi hoạt động nhập khẩu các mặt hàng chịu thuế để kiểm tra đôn đốc thu nộp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức xuất nhập khẩu thực hiện đúng chế độ nộp thuế do Nhà nước quy định. Các trường hợp nộp quá số thuế phải nộp cơ quan Thu quốc doanh có trách nhiệm làm thủ tục thoái thu ngay cho đơn vị; xử lý nghiêm minh các trường hợp nộp chậm, trốn thuế.

Việc thoái thu trên địa bàn Hà Nội do Bộ Tài chính giải quyết. Còn các địa phương khác thì Bộ Tài chính tạm thời uỷ quyền để đồng chí Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương được thoái trả số tiền thuế hàng hoá nhập khẩu mậu dịch đã nộp thừa. Trước khi thoái trả, Sở Tài chính phải kiểm tra xem xét cụ thể và phải có xác nhận của cơ quan Thu quốc doanh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp phản ánh về Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết.

Trần Tiêu

(Đã Ký)

BIỂU THUẾ SUẤT CHI TIẾT

(Kèm theo Thông tư số 9-TC/TQD ngày 27-2-1988)

STT

Tên nhóm hàng - mặt hàng

Thuế suất

1

Máy tính, máy chữ

10%

2

Hàng bách hoá

20%

- Va li, đồng hồ, xà phòng

- Đường, dầu thực vật, gia vị, thực phẩm khác

- Xe đạp, phụ tùng xe đạp, phụ tùng xe máy

- Hàng tiêu dùng bằng kim khí, bằng điện, nhựa, sành sứ, thuỷ tinh

- Hàng tiêu dùng khác

3

Dụng cụ gia đình

20%

4

Vải các loại

20%

Riêng vải bò sợi bông, len, dạ và các sản phẩm từ

len dạ, lụa tơ tằm các loại

30%

5

Mỳ chính

25%

6

Giấy ảnh các loại, thuốc rửa ảnh

30%

7

Giầy dép các loại

30%

8

Đồ gỗ

30%

9

Quần áo may sẵn, vải trải giường

30%

Riêng quần áo bằng da và giả da, quần áo da có lông thú, quần áo bò và dệt kim

50%

10

Máy khâu, văn hoá phẩm

30%

Các loại nhạc cụ và phụ tùng : đĩa hát, băng nhạc, phim ảnh, phim chiếu bóng, băng ghi hình, bưu ảnh, các loại lịch, các loại mỹ phẩm, văn hoá phẩm khác.

11

Bánh, mứt, kẹo các loại

40%

12

Tủ lạnh, máy giặt, ấm điện, nồi cơm điện, quạt điện, máy xay sinh tố, máy ghi âm, máy ghi băng, các loại máy thu hình đen trắng, máy thu thanh, Rađiô casete

40%

13

Máy thu hình màu Viđiô Casete

55%

14

Ô-tô con, xe du lịch và xe máy

55%

15

Đồ uống : nước hoa quả các loại, nước suối, nước khoáng nước ngọt, sirô đóng chai và đóng gói dưới dạng bột

50%

Bia, rượu các loại

80%

Thuốc lá điếu, xì gà các loại

80%