CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/1997/TT-CAAV | Hà Nội, ngày 13 tháng 1 năm 1997 |
CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM SỐ 92-CAAV NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN "QUY CHẾ ĐĂNG KÝ TÀU BAY, ĐĂNG KÝ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU TÀU BAY VÀ ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP TÀU BAY DÂN DỤNG"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 971/TTg ngày 28.12.1996 của Thủ tướng Chính phủ)
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 1995;
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 25.10.1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ Quy chế đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay ban hành kèm theo Quyết định số 971/TTg ngày 28.12.1996 của Thủ tướng Chính phủ;
Để hoạt động đăng ký vào Sổ Đăng bạ tàu bay dân dụng Việt Nam bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và nhanh chóng,
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam hướng dẫn thi hành chi tiết việc đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay dân dụng như sau:
1. Các Đơn xin đăng ký, văn bản hoặc giấy tờ gửi đến Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm mục đích đăng ký theo các quy định của "Quy chế đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay" (dưới đây gọi tắt là Quy chế" đều phải bằng tiếng Việt (ngoại trừ tên riêng); văn bản, giấy tờ là bản sao hoặc bản dịch phải có chứng thực của cơ quan công chứng Việt Nam.
Các Đơn và giấy tờ kèm theo đơn phải đựng trong phong bì và gửi tới Cục hàng không dân dụng Việt Nam theo địa chỉ:
CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM SÂN BAY GIA LÂM - HÀ NỘI - VIỆT NAM
2. Thời điểm nhận Đơn được tính từ khi Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nhận được Đơn và tất cả giấy tờ có liên quan theo các quy định của Quy chế. Trong một số trường hợp cụ thể, sau khi xem xét, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có thể cho phép tiến hành đăng ký khi người làm đơn tạm thời chưa có đủ các giấy tờ theo quy định của Quy chế và quy định một khoảng thời gian cụ thể để người làm đơn nộp nốt các giấy tờ còn thiếu này (thời hạn và các giấy tờ còn thiếu nói trên sẽ được ghi rõ vào phần ghi chú trong Tờ đăng ký trong Sổ Đăng bạ tàu bay dân dụng Việt Nam). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp Đơn sẽ bị coi là chưa nhận được nếu người làm đơn chưa nộp khoản lệ phí theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần các thông tin bổ sung, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam gửi thông báo bằng văn bản cho người làm đơn chậm nhất là trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ có liên quan. Thời hạn tiến hành đăng ký được tính lại từ thời điểm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nhận được thông báo trả lời bằng văn bản của người làm đơn trong đó giải trình hoặc cung cấp các thông tin bổ sung theo yêu cầu của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
3. Văn bản chứng minh địa vị pháp lý của người đứng tên đăng ký theo các quy định của Quy chế bao gồm:
a) Chứng minh thư và Hộ khẩu (nếu có) trong trường hợp người đứng tên đăng ký là công dân;
b) Giấy phép thành lập, Đăng ký kinh doanh và Điều lệ tổ chức và hoạt động trong trường hợp người đứng tên đăng ký là doanh nghiệp;
c) Quyết định thành lập, Giấy phép hoạt động và Điều lệ tổ chức và hoạt động trong trường hợp người đứng tên đăng ký là tổ chức xã hội;
d) Quyết định thành lập trong trường hợp người đứng tên đăng ký là cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.
4. Văn bản chứng minh tình trạng kỹ thuật hiện thời của tàu bay ít nhất phải bao gồm các nội dung chính sau:
- Kiểu loại tàu bay;
- Nơi sản xuất;
- Ngày xuất xưởng;
- Số xuất xưởng;
- Ngày bắt đầu sử dụng;
- Quốc tịch và số hiệu đăng ký (nếu có);
- Ngày cấp và nơi cấp chứng chỉ đăng ký (nếu có);
- Mục đích khai thác;
- Ngày và nơi kiểm tra lần cuối;
- Tổng số giờ bay kể từ đầu;
- Số giờ bay sau lần kiểm tra cuối;
- Kiểu loại, số lượng, số xuất xưởng, nơi sản xuất của động cơ tàu bay;
- Số lượng ghế - khách, tổ lái;
- Trọng lượng rỗng;
- Trọng lượng nhiên liệu tối đa;
- Trọng tải thương mại;
- Trọng lượng cất cánh tối đa;
- Trọng lượng hạ cánh tối đa;
- Độ cao bay tối đa; - Tốc độ bay tối đa;
- Cự ly bay tối đa;
- Quy định các dạng bảo trì;
- Chương trình bảo dưỡng.
Văn bản chứng minh tình trạng kỹ thuật hiện thời của tàu bay có thể dưới dạng hồ sơ, báo cáo hoặc bản thống kê... trong đó có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
5. Khi điền vào các mục trong các Đơn xin đăng ký theo mẫu quy định tại Quy chế, người làm đơn có thể khai bổ sung các đặc điểm của tàu bay, các bộ phận rời đi kèm hoặc động cơ tàu bay vào một tờ giấy riêng có chữ ký của người làm đơn và đính kèm vào Đơn.
6. Ban An toàn Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm lưu giữ, quản lý và tiến hành ghi chép các đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay dân dụng Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Sổ đăng bạ). Đối với các Đơn xin đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu và đăng ký thế chấp tàu bay, Ban An toàn phối hợp với Phòng Pháp chế Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tiến hành xem xét và ghi chép các đăng ký vào Sổ đăng bạ.
1. Đăng ký tàu bay dân dụng Việt Nam:
1.1. Các tàu bay thuộc sở hữu chung của các công dân Việt Nam muốn đăng ký tại Việt Nam thì các đồng sở hữu chủ phải cử ra một sở hữu chủ đại điện cho tất cả những sở hữu chủ còn lại đứng tên làm đơn và tiến hành các việc đăng ký. Người đại diện này khi gửi các văn bản chứng minh địa vị pháp lý của mình đến Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phải kèm theo Giấy uỷ quyền có chữ ký của tất cả các sở hữu chủ tàu bay. Chi tiết của tàu bay thuộc sở hữu chung được ghi ở phần ghi chú trong Chứng chỉ đăng ký tàu bay và Tờ đăng ký trong Sổ Đăng bạ.
1.2. Nội dung thuật ngữ "thuê hoặc thuê lại" nói tại Khoản 3 Điều 1 Quy chế bao hàm việc thuê theo hợp đồng thuê tài chính và thuê theo hợp đồng thuê khai thác theo các quy định tương ứng của pháp luật.
1.3. Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam là người có quyền quyết định:
a) Cho phép các tàu bay của các tổ chức, cá nhân nói tại Khoản 4 Điều 1 Quy chế được đăng ký tại Việt Nam dưới những điều kiện nhất định;
b) Không cho đăng ký một tàu bay với lý do việc đăng ký tàu bay này có thể gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, quốc phòng và lợi ích của Việt Nam theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Quy chế.
Trong trường hợp cho phép đăng ký như quy định tại điểm "a" nói trên thì nội dung các điều kiện đăng ký được ghi ở phần ghi chú của Chứng chỉ đăng ký và Tờ đăng ký trong Sổ Đăng bạ.
1.4. Khi tiến hành việc sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của tàu bay theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế, chủ sở hữu tàu bay hoặc người có quyền khai thác tàu bay phải tuân theo các quy định pháp luật về việc sơn và gắn các dấu hiệu lên tàu bay. Ngoài dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký nếu người đứng tên đăng ký muốn sơn hoặc gắn bất kỳ dấu hiệu nào khác lên tàu bay đều phải xin phép Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
1.5. Nhằm mục đích nói tại Điều 9 Quy chế, văn bản là căn cứ pháp lý chứng minh cho các công việc quy định tại các điểm "a", "b" và "c" Khoản 1 Điều 4 Quy chế bao gồm:
a) Xác nhận của Bộ Công nghiệp về việc tàu bay đang được chế tạo tại Việt Nam;
b) Xác nhận của Bộ Công nghiệp về việc tàu bay đã được chế tạo xong tại Việt Nam và xác nhận của Bộ Thương mại cho phép người chế tạo được phép trưng bày, triển lãm hoặc bán tàu bay này tại nước ngoài;
c) Xác nhận của nhà chế tạo tàu bay nước ngoài về việc tàu bay đã được chế tạo xong tại nước ngoài và bản sao hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay ký giữa nhà chế tạo và người đứng tên đăng ký.
Đối với các trường hợp nói tại Khoản 2 Điều 4 Quy chế, ngoài văn bản đồng ý của Bộ Quốc phòng, người làm đơn cần gửi kèm theo Đơn xin đăng ký tạm thời giấy phép của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho tiến hành các công việc nói tại Khoản 2 Điều 4 này.
1.6. Khi ghi chép các chi tiết của tàu bay được đăng ký tạm thời vào Sổ Đăng bạ, thời hạn và mục đích của việc đăng ký tạm thời này được ghi rõ trong phần ghi chú của Tờ đăng ký trong Sổ Đăng bạ. Thời hạn của việc đăng ký tạm thời được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của người làm đơn và tính chất của các công việc là căn cứ cho việc đăng ký tạm thời này.
Khi hết thời hạn đăng ký tạm thời quy định trong Chứng chỉ đăng ký tạm thời mà các công việc nói tại Khoản 1 và 2 Điều 4 chưa chấm dứt và người đứng tên đăng ký muốn tiếp tục đăng ký tạm thời thì trước khi hết hạn đăng ký quy định trong Chứng chỉ 03 ngày người đứng tên đăng ký phải làm Đơn xin gia hạn đăng ký tạm thời trong đó nêu rõ lý do xin gia hạn gửi cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam kèm theo văn bản chứng minh lý do xin gia hạn chính đáng và nộp khoản lệ phí theo quy định.
Trong trường hợp người đứng tên đăng ký tạm thời muốn chuyển sang đăng ký chính thức tàu bay này tại Việt Nam, người đứng tên đăng ký căn cứ vào các quy định nói tại Điều 8 Quy chế không phải nộp lại các văn bản, giấy tờ mà mình đã nộp nhằm mục đích đăng ký tạm thời.
Chứng chỉ xoá đăng ký tạm thời nói tại Khoản 2 Điều 12 Quy chế là Chứng chỉ xoá đăng ký theo mẫu quy định tại Quy chế có ghi rõ đăng ký bị xoá là đăng ký tạm thời tại phần ghi chú của Chứng chỉ.
1.7. Nhằm mục đích nói tại Điều 8 Quy chế, văn bản chứng minh quyền sở hữu tàu bay nói tại điểm "b" Khoản 1 Điều 8 này có thể là Chứng chỉ đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay dân dụng Việt Nam mà chủ sở hữu được cấp theo các quy định của Quy chế.
Các giấy tờ nói tại điểm "c" Khoản 1 Điều 8 Quy chế chỉ được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam chấp nhận khi giấy tờ đó có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Quốc gia nơi đăng ký trước đó của tàu bay hoặc nơi chế tạo tàu bay.
2. Đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay dân dụng Việt Nam:
2.1. Nhằm mục đích nói tại Điều 15 Quy chế, đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, giấy phép cho chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay được hiểu bao gồm văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thương mại, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) cho phép việc mua hoặc nhập khẩu tàu bay đó.
2.2. Trường hợp chủ sở hữu mới của tàu bay có đủ điều kiện đăng ký theo quy định của Quy chế và muốn tiếp tục đăng ký tàu bày này tại Việt Nam, chủ sở hữu mới đó chỉ phải nộp Đơn xin đăng ký, Chứng chỉ đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay dân dụng Việt Nam và các giấy tờ chứng minh tàu bay không đồng thời có đăng ký tại một Quốc gia khác theo quy định tại điểm "c" Khoản 1 Điều 8 Quy chế và hướng dẫn tại điểm 1.7. Phần II Thông tư này.
3.1. Người nhận thế chấp tàu bay là người làm và nộp Đơn xin đăng ký thế chấp tàu bay, các văn bản, giấy tờ có liên quan và khoản lệ phí theo quy định.
3.2. Ngoài các quy định tại Điều 18 Quy chế, nếu không có thoả thuận gì khác giữa các bên trong hợp đồng thế chấp thì khi người có quyền sử dụng, khai thác tàu bay thay thế hoặc trao đổi các động cơ hoặc các trang thiết bị bảo đảm sự vận hành của tàu bay đem thế chấp thì tàu bay thế chấp được hiểu bao gồm thân tàu bay và các động cơ, trang thiết bị hiện gắn liền với thân tàu bay đó.
Trường hợp người có quyền sử dụng, khai thác tàu bay không tiến hành các việc thay thế hoặc trao đổi như đã nói ở trên thì trong mọi trường hợp động cơ hoặc các trang thiết bị của tàu bay dù để ở đâu vẫn được coi là thuộc tàu bay đem thế chấp.
3.3. Trường hợp người làm đơn xin đăng ký thế chấp không xác định được chính xác giá trị của khoản nợ được bảo đảm bằng việc thế chấp tàu bay thì phải ghi rõ mức tối thiểu và tối đa của khoản nợ. Người làm đơn sẽ phải nộp mức lệ phí cao nhất trong khung lệ phí đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật nếu không xác định được giá trị của khoản nợ này.
3.4. Hiệu lực của đăng ký thế chấp trong Sổ Đăng bạ kéo dài đến thời điểm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nhận được:
a) Thông báo bằng văn bản của người nhận thế chấp trong đó nêu rõ việc đồng ý huỷ bỏ thế chấp;
b) Các văn bản chứng minh rằng khoản nợ hoặc nghĩa vụ được bảo đảm bằng việc thế chấp tàu bay đã được thực hiện. Trong văn bản phải có chữ ký và xác nhận của người nhận thế chấp;
c) Quyết định của Toà án Việt Nam về việc huỷ bỏ thế chấp. Trong trường hợp quyết định huỷ bỏ thế chấp của Toà án nước ngoài thì quyết định đó phải được Toà án có thẩm quyền của Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để có hướng dẫn giải quyết cụ thể.
Nguyễn Hồng Nhị (Đã ký) |
- 1 Thông tư 01/2004/TT-BGTVT hướng dẫn đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3 Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1 Quyết định 971/TTg năm 1996 về Quy chế đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu tầu bay và đăng ký thế chấp tàu bay dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 68-CP năm 1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
- 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 1995
- 1 Thông tư 01/2004/TT-BGTVT hướng dẫn đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành