UỶ BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 965-UB-ĐM | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1964 |
QUY ĐỊNH CÁC ĐỊNH MỨC TỶ LỆ VÀ NGUYÊN TẮC VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MÁY THI CÔNG TRONG KIẾN THIẾT CƠ BẢN
Kính gửi: | - Các bộ, các cơ quan ngang bộ, |
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã chỉ rõ: "... sử dụng máy xây dựng và công cụ cải tiến một cách rộng rãi hơn, thống nhất kế hoạch sử dụng và kế hoạch sửa chữa, giữ gìn máy chu đáo hơn, đưa mức sử dụng công suất máy xây dựng lên khoảng 50 – 60%..."
Để bước đầu đưa việc sử dụng và quản lý máy thi công đi dần vào nền nếp, từ năm 1962, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đã ban hành tập định mức năng suất máy số 307. Nay Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước lại đã ban hành tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công dùng trong xây dựng cơ bản số 836-UB-ĐM ngày 12-11-1964 để thay thế cho tập định mức năng suất số 307 cũ.
Sau khi ban hành tập chỉ têu và định mức mới, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành tiếp bản thông tư này để thống nhất các nguyên tắc và quy định về việc quản lý và sử dụng máy, nhằm đưa việc sử dụng máy đi dần vào nền nếp. Thông tư này còn quy định các nội dung và định mức tỷ lệ phí của việc quản lý xe máy, của gián tiếp phí cho các khối lượng nhận thầu thi công bằng máy; đồng thời cũng quy định một số nguyên tắc về việc thanh quyết toán trong sử dụng máy thi công.
I. VỀ QUẢN LÝ PHÍ CỦA XE, MÁY THI CÔNG
A. Định nghĩa: Quản lý phí của xe, máy thi công là một kinh phí bao gồm các khoản chi cần thiết cho đơn vị có xe, máy tổ chức thực hiện việc quản lý để bao thầu khối lượng và cho thuê xe, máy (sau đây gọi tắt là quản lý phí máy).
B. Nội dung của quản lý phi máy:
1. Lương của các cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ quản lý xe, máy, phân bổ lương của Ban lãnh đạo chung và bộ máy phục vụ khác của nó nếu đơn vị này có kinh doanh thêm một nghiệp vụ khác.
2. Phụ cấp lương và các khoản phụ cấp khác của bộ phận làm nghiệp vụ quản lý xe, máy như chỉ về lương con, về bảo hiểm xã hội, về thuốc men ở cơ quan, về điện nước sinh hoạt kể cả nước uống, về vệ sinh, về tài xe đi phép, về công tác phí, về phụ cấp hao mòn xe đạp.
3. Hành chính phí gồm văn phòng phí, tiền in hoặc mua số thống kê, tài vụ in sẵn, bưu phí và chi điện thoại, khấu hao máy chữ, máy tính.
4. Phân bổ các dụng cụ và vật rẻ tiền mau hỏng dùng cho hành chính và sinh hoạt tập thể như bàn ghế, tủ, giường phản, ấm chén, thùng đựng nước uống, chậu giặt.
5. Khấu hao và phí tổn sửa chữa các tài sản cố định để quản lý xe, máy, như các nhà chứa và che xe, máy, bệ bục, giá máy, sân bãi để xe, máy.
6. Chi về làm tăng điện cho các bình chứa điện của xe, máy.
7. Chi về rửa máy, lau chùi xe, máy trong đó kể cả lương nhân công làm việc này, phân bổ các dụng cụ như ống cao su, vòi cao áp, bơm hơi, bình tra dầu, dầu mỡ, giẻ lau.
8. Chỉ về an toàn lao động cho các công nhân quản lý xe, maý như quần áo làm việc, găng tay, xà-phòng rửa, khẩu trang.
9. Chi về bảo vệ xe, máy, như phân bổ lương của bộ phận bảo vệ, chi về ánh sáng bảo vệ, về quét dọn nơi chứa để xe, máy, về phòng bão lụt, phòng cháy.
10. Lệ phí khám xe.
11. Phí tổn kiểm kê định kỳ.
12. Chi về hội nghị sơ, tổng kết công tác nghiệp vụ.
13. Một số chi phí khác như về động viên tuyên truyền và khánh tiết...
C. Định mức tỷ lệ về quản lý phí máy: Căn cứ vào nội dung trên đây, nay Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước quy định các định mức tỷ lệ về quản lý phí máy như sau:
1. Bảy phảy năm phần trăm (7,5%) của phí tổn trực tiếp của ca xe máy, nếu bên cho thuê chịu trách nhiệm mọi phí tổn trực tiếp đó.
2. Ba mươi phần trăm (30%) của khấu hao cơ bản của ca xe máy, nếu bên cho thuê không có thợ đi theo máy và không đảm nhiệm tất cả hoặc một phần phí tổn trực tiếp của một ca máy.
D. Phạm vi áp dụng định mức tỷ lệ quản lý phí máy:
Chỉ các đơn vị sau đây mới được nhận khoản quản lý phí:
1. Các công ty hoặc các đoàn thi công cơ giới trực thuộc Bộ, Tổng cục, đã được xác nhận là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập.
2. Các đội thi công cơ giới trực thuộc các Công ty xây lắp đã được xác nhận là một đơn vị hạch toán kinh tế nội bộ.
II. VỀ GIÁN TIẾP PHÍ CỦA CÁC KHỐI LƯỢNG CÔNG TRÌNH NHẬN THẦU THI CÔNG BẰNG MÁY
A. Định nghĩa: Gián tiếp phí của các khối lượng công trình nhận thầu thi công bằng máy là một kinh phí bao gồm các khoản chi để đơn vị thi công bằng máy dùng vào việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi công trên hiện trường (sau đây gọi tắt là gián tiếp phí thi công máy).
B. Nội dung: Gián tiếp phí thi công máy gồm các khoản sau đây:
1. Lương chính, phụ cấp lương và các khoản phụ cấp khác của các cán bộ, nhân viên chỉ đạo và phục vụ thi công.
2. Hành chính phí của bộ máy gián tiếp như văn phòng phí, tiền mua sổ thống kê, tài vụ in sẵn, bưu phí, tiền điện thoại.
3. Phân bổ các dụng cụ và vật rẻ tiền mau hỏng dùng cho hành chính và sinh hoạt tập thể như bàn ghế, tủ, giường chiếu, ấm chén, thùng đựng nước uống, chậu giặt.
4. Phí tổn sửa chữa nhỏ các lán trại, nhà chứa, nơi để xe, máy, kho.
5. Lương phụ của công nhân điều khiển và phụ xe, máy trong các ngày giờ đi dự hội nghị, nghỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn.
6. Phụ cấp lương và các phụ cấp khác của công nhân điều khiển và phụ xe, máy như lương con, tiền bảo hiểm xã hội, tền thuốc men tại công trường, tiền điện nước sinh hoạt và nước uống, tiền vệ sinh, tiền tàu xe đi phép, công tác phí, phụ cấp hao mòn xe đạp, phân bổ chi phí xe ô-tô con của Ban Chủ nhiệm Công ty hoặc Đoàn thi công cơ giới trong đó có cả thuế đường của ngành giao thông.
7. Chi về đo đạc nhỏ và vật rẻ tiền mau hỏng phục vụ thi công như chi phí xác định vị trí, cọc tim phụ, giẻ lau, xà phòng rửa tay.
8. Phí tổn an toàn lao động cho công nhân điều khiển và công nhân phụ xe, máy.
9. Phí tổn bảo vệ, phòng bão lụt cháy cho xe, máy, kho, lán trại.
10. Phí tổn huấn luyện dân quân tự vệ ngay tại công trường theo quy định hiện hành của Nhà nước.
11. Phí tổn sơ, tổng kết tại công trường công tác thi công bằng máy.
12. Chi phí kiểm kê định kỳ hoặc khi hoàn thành công trường.
13. Một số chi phí khác như chi về động viên tuyên truyền; khánh tiết.
C. Định mức tỷ lệ của gián tiếp phí thi công máy: Căn cứ vào nội dung trên đây, nay quy định:
1. Tám phần trăm (8%) của giá trị khối lượng thi công bằng máy đối với cac vùng có phụ cấp khu vực từ 12% trở xuống.
2. Mười phần trăm (10%) của giá trị khối lượng thi công bằng máy đối với các vùng núi cao, hải đảo xa xôi có phụ cấp khu vực từ 15% trở lên.
Định mức tỷ lệ này không áp dụng cho các công trường làm nền đường mà đại bộ phận làm bằng xe, máy. Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu để thông qua Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nội dung và định mức tỷ lệ, rồi Bộ ban hành. Trong khi chờ đợi có tỷ lệ phí riêng, Bộ tạm thời cho áp dụng tỷ lệ phí này.
D. Phạm vi áp dụng định mức tỷ lệ gián tiếp phí thi công máy:
Định mức tỷ lệ gián tiếp phí trên đây chỉ áp dụng cho các khối lượng giao thầu cho một đơn vị chuyên thi công bằng máy, còn các khối lượng được thi công hỗn hợp trong một công trường hay công ty trực tiếp thì vẫn áp dụng các định mức gián tiếp phí cũ tức là;
- 10% của giá dự toán cho các công trình công nghiệp ở thượng du;
- 9,5% của giá dự toán cho các công trình công nghiệp ở trung du và đồng bằng;
- 8,5% của giá dự toán cho các công trình dân dụng không phân biệt ở đâu.
(Thông tư số 3209-UB-CQL ngày 27-12-1959)
III. CÁC CHI PHÍ KHÔNG THƯỜNG XUYÊN CỦA XE MÁY
A. Định nghĩa: Các chi phí không thường xuyên của xe, máy là một số khoản chi không tính được vào đơn giá định mức sử dụng xe, máy, nhưng lại cần thiết cho cả quá trình thi công bằng máy (sau đây gọi tắt là các chi phí khác của máy).
B. Nội dung: của các chi phí khác của máy bao gồm:
1. Chi phí về vận chuyển xe, máy tới công trường và trả xe, máy về nơi đó, có cũng như về di chuyển xe, máy trong phạm vi công trường ngoài cái đã tính vào định mức Nhà nước.
Các chi phí về lắp guốc, cho xe bánh xích để tránh làm hư hại mặt đường cũng được ghi vào đây.
2. Chi phí tháo lắp và chạy thử máy sau khi lắp lại để sử dụng kể cả lần lắp khi giao về nơi có.
3. Chi phí về công trình tạm để che và sử dụng máy, như lán bạt che máy, bệ bục, giá máy.
C. Định mức tỷ lệ các chi phí khác của máy: Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước quy định như sau:
1. Một phẩy năm phần trăm (1,5%) của giá dự toán xây lắp cho các công trình công nghiệp, công trình bê-tông có kết cấu phức tạp, công trình lắp ghép các cấu kiện bê-tông đúc sẵn và kim loại, công trình làm đất, đóng cọc.
2. Một phần trăm (1%) của giá dự toán xây dựng cho các công trình dân dụng thông thường bằng gạch, ngói, bê-tông có sử dụng xe, máy.
Tỷ lệ này không áp dụng đối với công trình nào đó trong điều kiện riêng còn tạm áp dụng tỷ trọng 5% (công nghiệp), 2,5% (dân dụng) để lập dự toán phần phí tổn sử dụng xe, máy, vì trong tỷ trọng đã bao gồm cả các khoản chi này rồi.
D. Về xử lý định mức các chi phí khác của máy:
Trên nguyên tắc, cơ quan chủ quản (bên A) chịu trách nhiệm quản lý các chi phí khác của máy, nếu chi không hết thì nộp lại Nhà nước, hoặc chi thiếu thì xin Nhà nước cấp thêm.
Tùy từng trường hợp cụ thể, các bên A – B hoặc B phụ có thể giao khoán định mức tỷ lệ này, song bên thi công phải mở sổ sách, tài khoản riêng, thu thập chứng từ có thống kê phân tích để tiện cho việc thẩm tra của các cơ quan có trách nhiệm.
Các bên A – B hoặc B phụ cần phải chú ý thực hành tiết kiệm trong việc di chuyển xe, máy để tránh di chuyển máy không hợp lý, quá tốn kém. Nếu xảy ra có sứ quá bất hợp lý làm tăng vốn đầu tư của Nhà nước thì bên nào gây ra bên đó phải chịu trách nhiệm.
NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC TRONG VIỆC SỬ DỤNG XE, MÁY THI CÔNG
1. Việc lập dự toán phần phí tổn sử dụng xe, máy thi công.
Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đã ban hành tập chỉ tiêu và định mức máy thi công mới, cho nên kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1965, không được dùng tỷ trọng 5% hoặc 2,5% để lập dự toán phần phí tổn sử dụng xe, máy thi công, mà phải căn cứ vào tập chỉ tiêu và định mức nói trên để lập dự toán phần phí tổn này.
Trường hợp ở công trình nào chưa đủ điều kiện để lập dự toán theo chỉ tiêu và định mức mà còn phải tạm áp dụng các tỷ trọng, thì chậm nhất là bốn tháng (điều lệ xây dựng và quản lý đơn giá ra ngày 31-12-1963 của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước) phải lập được đơn giá sử dụng xe, máy theo tập chi tiêu và định mức mới nói trên. Bất cứ trong điều kiện nào, việc thanh quyết toán cho các khối lượng làm bằng xe, máy cũng vẫn phải tiến hành theo đúng tập chi tiêu và định mức mới đó, không được khoán trắng theo tỷ lệ.
2. Các phí tổn trực tiếp khác của xe, máy:
Trong việc sử dụng xe, máy để thi công, không quy định định mức tỷ lệ các phí tổn trực tiếp khác như bên xây dựng.
Trên thực tế thi công, nếu cần thiết có khoản chi nào khác thì bên B khai, bên A sẽ chi theo thực tế.
3. Trách nhiệm của các bên hữu quan ở công trường khi xe, máy ngừng hoạt động:
Ngoài các quy định về xử lý các trường hợp máy không làm hết số ca quy định trong một năm và các trường hợp máy ngừng sản xuất đã ghi trong tập chỉ tiêu và định mức mới đó ra, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước lưu ý thêm như sau:
a) Nếu do bão lụt lớn hoặc một nguyên nhân khách quan khác làm cho xe, máy phải ngừng hoạt động thì sẽ xử lý theo các quy định trong thông tư số 139-TTg ngày 28-06-1960 của Phủ Thủ tướng.
b) Đối với các công trường tự làm, việc xử lý mọi trường hợp xe, máy ngừng hoạt động sẽ do Ban lãnh đạo công trường thỏa thuận với Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp cấp phát và báo cáo lên cơ quan chủ quản cấp trên.
Trong tất cả các trường hợp phải xử lý vì xe, máy ngừng hoạt động, nếu các bên A – B hoặc B phụ và Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp cấp phát chưa nhất trí, thì từng bên phải báo cáo lên cấp trên của mình, không được để chậm.
Đối với công trường trọng điểm của Nhà nước thì phải báo cáo thẳng lên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đồng gửi cấp trên ngành mình.
4. Đối với xe, máy thi công nằm trong thiết bị toàn bộ:
Đối với xe, máy thi công nằm trong thiết bị toàn bộ được giao cho bên thi công sử dụng, thì đơn vị này phải:
a) Bảo quản xe, máy theo đúng các chế độ quản lý và đại trung tiểu tu của Nhà nước.
b) Khi giao trả cho cơ quan chủ quản thì phải đảm bảo xe, máy còn hoạt động tốt.
5. Cách ghi một số mục phí tổn cần thiết trong việc sử dụng xe, máy vào dự toán kiến thiết cơ bản.
Đối với các khoản chi về quản lý phí máy (7,5% hoặc 30%) và thuế đánh cho xe, máy, công trường không được cộng vào các phí tổn trực tiếp của khối lượng để nhân tính lấy gián tiếp phí và lãi kế hoạch.
Đối với gián tiếp phí của khối lượng giao thầu lại thi công bằng xe, máy, cũng phải tách ra khỏi giá trị sử dụng máy của khối lượng đó, vì số gián tiếp phí này đã nằm trong gián tiếp phí chung của công trường và do bên thầu chính phải trích trả.
6. Thông tư này thay thế cho các quy định và giải thích từ trước tới nay về các mặt kinh phí và các nguyên tắc sử dụng xe, máy thi công, và có giá trị từ 01-01-1965.
Công trình nào qua ngày 01-01-1965 mà khối lượng thi công phải tiếp tục hoàn thành còn một phần không lớn lắm, thì các bên A – B hoặc B phụ và Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp cùng nhau thỏa thuận thanh quyết toán theo các quy định cũ.
Việc sử dụng xe, máy thi công trong kiến thiết cơ bản có nhiều vấn đề phức tạp, Ủy ban và các Bộ, các ngành sẽ cùng nghiên cứu giải quyết dần từng nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đã ban hành định mức năng suất xe, máy lần thứ hai và ra thông tư này thay thế cho các thông tư cũ song chưa phải đã thật là hoàn chỉnh. Vì vậy, trong quá trình áp dụng thông tư này, đề nghị các Bộ, các ngành, các Ủy ban địa phương sẽ phản ảnh tình hình, nêu vấn đề với Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước để nghiên cứu bổ sung.
ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC |
- 1 Thông tư 2664-BXD/VKT-2 năm 1974 sửa đổi nội dung và định mức tỷ lệ phụ phí sử dụng máy trong xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng ban hành
- 2 Quyết định 836-UB-ĐM năm 1964 về việc ban hành tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công trong ngành xây dựng cơ bản do Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- 3 Thông tư 139-TTg năm 1960 về thể lệ tạm thời về hợp đồng giao nhận thi công xây dựng cơ bản do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 1 Quyết định 836-UB-ĐM năm 1964 về việc ban hành tập chỉ tiêu và định mức kinh tế kỹ thuật máy thi công trong ngành xây dựng cơ bản do Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành
- 2 Thông tư 139-TTg năm 1960 về thể lệ tạm thời về hợp đồng giao nhận thi công xây dựng cơ bản do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 3 Thông tư 2664-BXD/VKT-2 năm 1974 sửa đổi nội dung và định mức tỷ lệ phụ phí sử dụng máy trong xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng ban hành