BỘ CÔNG AN-UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 01-LB | Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 1966 |
Thi hành Nghị định số 175-CP ngày 11-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng .
Căn cứ vào điều 7 của Nghị định số 175-CP, Bộ Công an và Ủy ban thể dục thể thao quy định cụ thể các chế độ sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sản xuất, sửa chữa súng đạn thể thao quốc phòng như sau:
1. Súng đạn thể thao quốc phòng là của Nhà nước do Ủy ban thể dục thể thao phân phối cho Ban thể dục thể thao các tỉnh, thành và các ngành; Ban thể dục thể thao tỉnh, thành và các ngành chịu trách nhiệm phân phối cho các đội bắn súng thể thao quốc phòng các cơ sở (xã, xí nghiệp, trường học, cơ quan, công trường, nông trường, lâm trường, khu phố, hợp tác xã ) để làm nhiệm vụ luyện tập thi đấu thể thao và khi cần thiết sẽ sử dụng vào việc chiến đấu bảo vệ trị an.
Cá nhân không được quyền có súng đạn thể thao quốc phòng làm của riêng. Bất cứ ai có súng đạn riêng, kể cả cán bộ, chiến sĩ trong quân đội nhân dân và công an nhân dân võ trang, không kể do nguồn gốc nào mà có, đều phải kê khai và nộp cho cơ quan công an hoặc Ban thể dục thể thao cấp tỉnh, thành. Tùy theo phẩm chất của súng đạn, người nộp vũ khí có thể được xét bồi hoàn một số tiền thích đáng. Nếu không chịu nộp, khi phát hiện thấy, sẽ bị xử lý về hành chính, súng đạn bị tịch thu.
2. Súng thể thao quốc phòng, sau khi được phân phối cho các cơ sở địa phương nào đều phải mang súng đạn đến Sở, Ty công an địa phương ấy đăng ký cấp giấy phép. Khi đến đăng ký phải có giấy giới thiệu của Ban thể dục thể thao tỉnh, thành phố, ngành. Khi giấy phép hết hạng phải mang súng và giấy phép cũ đến cơ quan công an kiểm tra, ký gia hạn hoặc đổi giấy phép mới.
3. Các cơ quan, xí nghiệp vv… được phân phối súng đạn thể thao quốc phòng không được tự điều chuyển, đổi chác, bán cho cơ quan khác hoặc bán cho cá nhân. Trường hợp điều chuyển súng cho các đơn vị trực thuộc phải báo cho Ban thể dục thể thao tỉnh, thành phố, ngành mình biết và khi nào Ban thể dục thể thao cấp giấy giới thiệu đến Sở, Ty công an đổi giấy dùng súng mới có giá trị.
4. Các Sở, Ty công an và Ban thể dục thể thao các tỉnh, thành phố và ngành cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý súng đạn thể thao.
5. Các cơ quan, xí nghiệp, thôn xã, khu phố v..v… được phân phối súng đạn thể thao quốc phòng cứ sáu tháng một lần báo cáo về Sở, Ty công an và Ban thể dục thể thao nơi trực tiếp quản lý, các Sở, Ty công an, Ban thể dục thể thao các tỉnh, thành, ngành cứ một năm báo cáo một lần về Bộ Công an, Ủy ban thể dục thể thao trung ương về tình hình súng đạn thể thao của đơn vị, địa phương mình.
Trường hợp xẩy ra tai nạn, hoặc thất lạc, mất súng đạn thì phải báo cáo ngay cho Đồn, Khu, Huyện công an nơi gần nhất, đồng thời phải báo cáo về Sở, Ty công an và Ban thể dục thể thao nơi trực tiếp quản lý.
6. Súng đạn thể thao quốc phòng, ngoài thì giờ luyện tập, công tác và thi bắn đều phải tập trung tại kho của cơ quan, xí nghiệp và được bảo quản chặt chẽ, không để xẩy ra thất lạc hoặc mất súng và cử người phụ trách. Riêng ở xã mới được phép giao cho cá nhân giữ để ở nhà riêng, những người được giao giữ súng đạn do Ủy ban hành chính xã xét duyệt.
Đối với các vận động viên “bắn súng nâng cao” cần có súng để luyện tập thường xuyên phải do Ban thể dục thể thao cấp tỉnh, thành phố, cơ quan xét và khi phát súng cho vận động viên giữ phải thông báo cho Ủy ban hành chính địa phương hoặc cơ quan, xí nghiệp… của vận động viên ấy biết để phối hợp theo dõi, quản lý và phải đăng ký tại Sở, Ty công an.
7. Sau khi tập và bắn đạn thật hoặc bị mưa ướt, phải tiến hành lau chùi súng đạn ngay nếu súng để ở kho hàng tuần, hàng tháng phải kiểm tra và lau chùi sạch sẽ, đặc biệt các bộ phận nòng súng, khóa súng, không được để súng đạn nơi ẩm thấp hoặc phơi ngoài nắng.
8. Không được để súng đạn và giấy phép dùng súng thất lạc mất. Nếu súng đạn bị hư hỏng, thất lạc, mất không có lý do chính đáng, ngoài việc bị xử lý, người sử dụng súng đạn còn phải bồi thường sự gây ra tổn thất.
9. Súng đạn thể thao quốc phòng chỉ được dùng vào việc luyện tập và thi đấu thể thao, khi cần thiết sử dụng vào việc giữ gìn trật tự trị an. Tuyệt đối không được dùng súng đạn thể thao quốc phòng vào việc săn bắn chim, thú, cá… để giải trí, cải thiện sinh hoạt..v.v Trường hợp đặc biệt cần sử dụng súng đạn thể thao quốc phòng vào việc săn bắn chim, thú quý để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học phải được phép của Bộ công an, Ủy ban thể dục thể thao và Tổng cục Lâm nghiệp.
10. Người được mang giữ súng đạn thể thao quốc phòng phải biết những điều tối thiểu về sử dụng súng như: biết bắn súng, biết tháo lắp, bảo quản, lau chùi thông thường và hiểu rõ chế độ sử dụng, bảo quản súng đạn.
11. Khi luyện tập hay công tác, súng đạn phải mang luôn bên người, không đựơc cho người khác mượn hay giữ hộ. Súng đạn thể thao quốc phòng không được mua bán, đổi chác hoặc biếu, tặng cho cá nhân.
12. Nghiêm cấm không được ngắm súng vào hướng có người, không được dùng súng đạn đùa giỡn hay đe doạ người khác. Chỉ được nạp đạn vào nòng súng khi đứng tại vị trí bắt đầu bắn đạn thật ở trường bắn hoặc đang trực tiếp chiến đấu, khi bắn xong hoặc không chiến đấu nữa phải tháo đạn và xem xét lại nòng súng. Ngòai ra không được nạp đạn vào nòng súng nhất là ở những nơi đông người như ở chợ, ở cuộc mít tinh, trên tàu, xe ôtô.v.v…
13. Chỉ được nổ súng trong trường hợp phải tự vệ chính đáng để bảo vệ tính mạng mình và người khác bị kẻ địch ám hại.
14. Muốn bắn đạn thật trong luyện tập, hay trong thi đấu, phải bắn tại trường bắn, nếu không có trường bắn phải chọn nơi có đủ điều kiện bảo đảm an toàn và phải báo cáo cho công an sở tại biết trước khi bắn. Trường hợp để xảy ra tai nạn, gây thương vong cho người, súc vật thì người chỉ huy cuộc bắn đạn thật và người bắn phải chịu trách nhiệm.
15. Không được bắn đạn khác với cỡ súng.
16. Người mang súng đạn khi đi công tác, học tập phải mang theo giấy phép dùng súng của công an cấp, kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan hoặc giấy chứng nhận của Ban thể dục thể thao cấp tỉnh, thành, ngành. Khi các cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm đã được quy định quản lý vũ khí của Hội đồng Chính phủ cần kiểm soát, phải sẵn sàng xuất trình giấy tờ, không từ chối.
17. Vận chuyển súng đạn thể thao quốc phòng từ tỉnh này sang tỉnh khác phải có giấy phép vận chuyển do Sở, Ty công an cấp, theo giấy giới thiệu của Ủy ban thể dục thể thao trung ương hoặc Ban thể dục thể thao tỉnh, thành, ngành. Cơ quan xin vận chuyển cần ghi rõ số lượng các loại súng, đạn, địa chỉ đi đến, thời gian vận chuyển, tên chức vụ người chịu trách nhiệm cuộc vận chuyển, tên người lái xe và số xe.
18. Vận chuyển súng đạn trong phạm vi một tỉnh, không phải xin giấy phép của Sở, Ty công an, nhưng phải có giấy giới thiệu của cơ quan do thủ trưởng cơ quan quản ký, giấy giới thiệu cần ghi rõ nội dung như điều 17.
19. Khi vận chuyển súng đạn, bất cứ xa hay gần, ngoài người lái xe, còn phải có người đi theo bảo vệ. Khi cần phải nghỉ ở dọc đường phải báo cho công an địa phương biết và phải tổ chức việc bảo vệ chu đáo, không được đỗ xe đang chở vũ khí ở chợ hoặc nơi đông người.
20. Ngoài binh công xưởng, các cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí của các lực lượng vũ trang, chỉ có cơ sở, xí nghiệp của Nhà nước được Bộ công an cấp giấy phép mới được sản xuất, sửa chữa súng đạn thể thao quốc phòng , các cơ sở hợp tác xã, tư nhân không được sản xuất sữa chữa súng đạn thể thao.
Các cơ sở được cấp phép sản xuất súng đạn thể thao chỉ được nhận sản xuất theo kế hoạch và hợp đồng của Ủy ban thể dục thể thao. Ngoài ra không được sản xuất súng đạn cho các cơ quan khác, hoặc cá nhân.
21. Việc sửa chữa súng thể thao quốc phòng, nếu bị hư hỏng thông thường, các cơ sở có thể tự mua phụ tùng thay thế, phụ tùng do Ủy ban thể dục thể thao trung ương và Ban thể dục thể thao tỉnh, thành, ngành phân phối.
22. Các cơ sở được phép sửa chữa súng thể thao quốc phòng chỉ được nhận sửa chữa súng đạn thể thao, khi có giấy giới thiệu của cơ quan người đến thuê sửa chữa, kèm theo giấy phép dùng súng của công an cấp và giấy chứng minh của người ấy.
23. Các cơ sở được phép sản xuất, sửa chữa súng đạn thể thao quốc phòng phải chấp hành đầy đủ các thủ tục và sự hướng dẫn kiểm soát của cơ quan công an. Khi có sự thay đổi người, địa điểm, mở rộng hay thu hẹp phạm vi sản xuất, sửa chữa đều phải được phép của cơ quan công an nơi cấp giấy phép trước.
24. Thông tư này thi hành kể từ ngày ký.
KT. CHỦ NHIỆM | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông tư liên tịch 09/1998/TTLT-TDTT-CA quản lý, trang bị, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sửa chữa, mang vào, mang ra khỏi Việt Nam và thanh lý, tiêu huỷ các loại vũ khí thể thao do Uỷ ban thể dục thể thao - Bộ Công an ban hành
- 2 Quyết định 4582/QĐ-BCA năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
- 3 Quyết định 4582/QĐ-BCA năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
- 1 Thông tư liên tịch 09/1998/TTLT-TDTT-CA quản lý, trang bị, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sửa chữa, mang vào, mang ra khỏi Việt Nam và thanh lý, tiêu huỷ các loại vũ khí thể thao do Uỷ ban thể dục thể thao - Bộ Công an ban hành
- 2 Quyết định 4582/QĐ-BCA năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công an trong kỳ hệ thống hóa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013