Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02TT/LB

Hà Nội , ngày 10 tháng 1 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - TÀI CHÍNH SỐ 02 TT/LB NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP VÀ SỬ DỤNG QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN, QUỸ PHÚC LỢI VÀ CHI PHÍ QUẢN LÝ TRONG GIAO KHOÁN ĐẤT ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP TẠI CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC.

Thi hành Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước. Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi và chi phí quản lý như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG TRÍCH LẬP CÁC QUỸ VÀ CHI PHÍ QUẢN LÝ.

1. Bên giao khoán đất gồm: Các doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện giao khoán đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

2. Bên nhận khoán đất gồm:

- Các hộ gia đình, cá nhân là công nhân, viên chức đang làm việc cho bên giao khoán, hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc được hưởng trợ cấp và thành viên trong gia đình đã đến tuổi lao động.

- Các hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp tại địa phương khác có nhu cầu nhận khoán và sản xuất theo quy hoạch của bên giao khoán.

II. NGUYÊN TẮC VÀ CĂN CỨ TRÍCH LẬP.

1. Nguyên tắc trích lập.

a) Công bằng, dân chủ, công khai và được bên nhận khoán chấp nhận thông qua hội nghị giữa bên giao khoán và bên nhận khoán.

b) Bên nhận khoán có trách nhiệm đóng góp theo thoả thuận trong hợp đồng.

2. Căn cứ trích lập.

a) Căn cứ vào diện tích và điều kiện sinh lời của mảnh đất giao khoán.

b) Căn cứ vào kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất phúc lợi và được người nhận khoán chấp nhận.

c) Căn cứ vào điều kiện kinh doanh của từng doanh nghiệp và sự tác động trong công tác quản lý giữa bên giao khoán với bên nhận khoán để tính thu.

III. MỨC HUY ĐỘNG VÀ PHƯƠNG THỨC THU:

1. Mức huy động: Là mức thoả thuận giữa bên giao khoán và bên nhận khoán được quy định ra tỷ lệ % trên định suất thuế và khống chế tối đa như sau:

a) Quỹ đầu tư phát triển không quá 10% định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp.

b) Quỹ phúc lợi không vượt quá 5% định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp.

c) Chi phí quản lý không vượt quá 15% định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp.

d) Trong trường hợp đặc biệt có nhu cầu chi cao hơn mức thoả thuận nhưng chưa vượt quá mức khống chế tối đa nêu trên, bên giao khoán có nhu cầu thêm phải bàn bạc thống nhất với bên nhận khoán.

2. Phương thức thu: Bên giao khoán thoả thuận với bên nhận khoán để thu các khoản đóng góp một lần trong năm bằng tiền đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và hai lần trong năm đối với đất trồng cây hàng năm.

IV. NỘI DUNG QUẢN LÝ SỬ DỤNG CÁC QUỸ, CHI PHÍ QUẢN LÝ:

1. Nội dung quản lý: Các khoản thu quy định tại thông tư này là để bổ sung cho các nguồn quỹ, kinh phí quản lý của doanh nghiệp. Việc quản lý quỹ đó theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Nội dung sử dụng các quỹ và chi phí quản lý.

a) Quỹ đầu tư phát triển: Để đầu tư, duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi, đường xá nội vùng nhằm phục vụ chung đối với sản xuất trên đất giao khoán.

b) Quỹ phúc lợi: Để xây dựng mua sắm, cải tạo, duy tu bảo dưỡng các công trình phúc lợi công cộng như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

c) Chi phí quản lý đất giao khoán: Dùng để chi mua sổ sách, giấy tờ trả công lao động cho người trực tiếp theo dõi hợp đồng đất giao khoán (không chi phí cho hoạt động công nghiệp chế biến, dịch vụ và phúc lợi xã hội của doanh nghiệp).

V. VỀ KHOẢN THI HÀNH:

1/ Các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước có giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào nội dung thông tư này để có kế hoạch lập và sử dụng các quỹ, chi phí quản lý đất giao khoán.

2/ Hàng năm các doanh nghiệp phải công khai quyết toán việc trích lập và sử dụng các quỹ, chi phí quản lý đất giao khoán với bên nhận khoán và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xét duyệt cùng với quyết toán năm của đơn vị.

3/ Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký, những quy định trái với thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo về Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Tài chính xem xét giải quyết.

Nguyễn Thiện Luân

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)