Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TTLB

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 1958 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC BỎ DẦN CHẾ ĐỘ BÁN CUNG CẤP Ở CÁC XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:
Đồng kính gửi:
 

- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các khu, thành phố và các tỉnh
- Các Ông Giám đốc và Trưởng ty, Trưởng phòng lao động,
- Các Ông Giám đốc và Trưởng ty tài chính.
- Các vị Bộ trưởng các Bộ,
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

 

Nghị định số 182-TTg ngày 07-04-1958 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định ở điều 10 về việc bỏ dần chế độ bán cung cấp ở các xí nghiệp Nhà nước, Liên Bộ ra thông tư này nhằm giải thích và quy định  cụ thể để thi hành:

I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH VIỆC BỎ DẦN CHẾ ĐỘ BÁN CUNG CẤP

Hiện nay, trong các xí nghiệp Nhà nước có nhiều chế độ tiền lương khác nhau: chế độ lương kháng chiến có phần bán cung cấp, chế độ lương khôi phục, chế độ nguyên lương v.v… Vì có nhiều chế độ lương và sự khác nhau chủ yếu là còn chế độ bán cung cấp nên cùng làm một việc trong xí nghiệp mà  người hưởng nhiều người hưởng ít, người không được hưởng, gây thắc mắc trong công nhân viên chức và gây khó khăn trong việc thực hiện các chế độ khác trong xí nghiệp như chế độ làm thêm giờ, chế độ tiền thưởng v.v… Mặt khác, vì chế độ bán cung cấp không đi đôi với việc quy định chế độ sử dụng chặt chẽ và việc giáo dục thường xuyên ý thức tiết kiệm của công nhân nên đã gây ra nhiều lãng phí của Nhà nước.

Để giải quyết tình trạng bất hợp lý nói trên, trong kỳ cải tiến tiền lương này, Chính phụ chủ trương sắp xếp tất cả các công nhân, viên chức trong khu vực sản xuất vào các thang lương của xí nghiệp để hưởng chế độ lương thống nhất và trả lương bằng tiền không có phần bán cung cấp. Các thợ bán cung cấp của những người đang hưởng đã cộng vào tiền lương và trên cơ sở đó mà tăng lương cho khu vực sản xuất 14%. Vì vậy từ nay sẽ bỏ dần các khoản bán cung cấp.

Thực hiện chủ trương trả lương bằng tiền và bỏ dần chế độ bán cung cấp sẽ làm cho chế độ tiền lương được thống nhất về căn bản và có ảnh hưởng tốt đến việc đoàn kết nội bộ công nhân, viên chức trong xí nghiệp. Làm như vậy cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xí nghiệp (thực hiện thống nhất các chế độ lao động và tiền lương, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế) nâng cao ý thức tiết kiệm của công nhân, viên chức trong việc sử dụng của công.

Nhưng chủ trương bỏ dần chế độ bán cung cấp hoàn toàn không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của các ngành, các cấp quản lý xí nghiệp và Công đoàn xí nghiệp đối với việc chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức. Bỏ chế độ bán cung cấp, nhưng phải tùy hoàn cảnh từng xí nghiệp mà xây dựng dần những tổ chức phúc lợi tập thể giúp cho công nhân, viên chức giải quyết những khó khăn trong đời sống hàng ngày.

II. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kể từ ngày thi hành lương mới năm 1958 sẽ bỏ hẳn các khoản cung cấp về nhà ở, điện, nước, giường chiếu. Sẽ quy định chế độ và tiêu chuẩn sử dụng mà người được sử dụng phải trả tiền theo tiêu chuẩn và mức độ sử dụng.

2. Tiêu chuẩn quy định căn cứ vào chức vụ, yêu cầu công tác và khả năng sẵn có của xí nghiệp, có phân biệt phần sử dụng cho cá nhân, cho gia đình để tính tiền khác nhau.

3. Định giá thu tiền có chiếu cố đến mức lương hiện tại. Đối với những người đang hưởng chế độ bán cung cấp ở trong tập thể nhưng lương chưa được tăng hoặc còn phải trả khoản tiền chênh lệch thì tạm thời không thu tiền. Nếu số tiền tăng không bằng số tiền phải nộp thì chỉ thu trong phạm vi số tiền tăng.

4. Việc chuyển chế độ cấp dưỡng tập đoàn sang tổ chức phúc lợi tập thể phải làm dần từng bước, tổ chức thích hợp để đảm bảo đời sống vật chất của công nhân, viên chức ngày được cải thiện.

III. – QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A - VỀ NHÀ Ở:

Căn cứ vào tình hình nhà ở hiện nay tạm thời quy định:

1.Tiêu chuẩn: (đơn vị để tính tiêu chuẩn nhà ở là m2).

- Công nhân, viên chức ở tập thể: trung bình 3m2 50.

- Các giám đốc, quản đốc xí nghiệp nhỏ và xí nghiệp hạng trung được ở một buồng rộng từ 10m2, tối đa không quá 25m2 (tùy hoàn cảnh từng nơi).

- Các giám đốc, quản đốc xí nghiệp lớn (như mỏ than Hông Gai, xí nghiệp trung quy mô, xí nghiệp dệt Nam Định…) được ở hai buồng rộng từ 15m2, tối đa không quá 40m2.

- Các cán bộ phụ trách các bộ phận chủ yếu trong xí nghiệp, các cán bộ kỹ thuật, khoa học, đảm nghiệm công tác yêu cầu có phòng riêng thì tùy theo tình hình nhà cửa của xí nghiệp và yêu cầu công tác cần thiết mà bố trí một chổ ở riêng và rộng hơn công nhân viên, nhưng cũng cần chú ý giữ quan hệ tốt giữa cán bộ và công nhân, viên chức, không nên quá cách biệt nhất là những nơi khan hiếm nhà cửa.

- Các cán bộ, công nhân viên có gia đình ở cùng, xí nghiệp sẽ tùy theo khả năng nhà cửa xí nghiệp mà quy định tiêu chuẩn cho sát về diện tích và điều kiện được cấp nhà.

2. Giá tiền phải trả:

Căn cứ vào tình hình nhà cửa hiện tại, căn cứ vào mức lương hiện nay và trong bước đầu để việc thu tiền được tương đối đơn giản, nay tạm chia thành bốn loại nhà và ấn định bốn mức tiền thu dưới đây:

1. Nhà tranh vách đất …………………………………………… mỗi m2 100đ

2. Nhà gạch xấu, nhà gỗ, nhà kho, nhà lợp tôn …………………. mỗi m2 150đ

3. Nhà gạch thường, nhà gỗ lợp ngói có trần …………………… mỗi m2 200đ

4. Nhà gạch tốt, biệt thự ………………………………………… mỗi m2 300đ

- Gia đình cán bộ, công nhân, viên chức nếu được phép của xí nghiệp bố trí chỗ ở riêng thì ngoài tiêu chuẩn của bản thân công nhân viên phần m2 mà gia đình ở cũng  trả theo giá quy định cho cán bộ nếu là nhà của xí nghiệp, nhưng nếu là nhà xí nghiệp thuê thì phải trả theo giá Chính phủ định. Phần chênh lệch giữa giá tiền thuê và giá Chính phủ định để thu của công nhân viên sẽ do xí nghiệp trả (Ủy ban Hành chính các thành phố và các tỉnh sẽ quy định giá tiền thuê theo tình hình riêng của từng địa phương).

- Xí nghiệp nào đang thu tiền nhà cao hơn giá quy định trên thì cần thu rút xuống cho bằng giá ấy, nếu đã thu thấp hơn thì nâng lên theo giá thống nhất.

- Khoản phụ cấp 4.500 đồng ở Hà-nội và các khoản tiền do các ngành quy định cho những cán bộ, công nhân viên ra ăn ở ngoài cơ quan, xí nghiệp sẽ bãi bỏ từ khi áp dụng lương mới, nhưng được cộng vào thu nhập cũ để tính khoản tiền chênh lệch nếu thu nhập mới thấp hơn thu nhập cũ. ( Nếu cơ quan nào, ngành nào đã trợ cấp trên 4.500đ thì chỉ được cộng tối đa 4.500đ vào thu nhập cũ để tính chênh lệch thôi).

Những công nhân viên ra ăn ở ngoài sau ngày áp dụng lương mới 1958 thì không được cộng khoản phụ cấp ăn ở ngoài vào thu nhập cũ để tính khoản tiền chênh lệch.

B. - ĐIỆN, NƯỚC:

Nơi nào có điện và nước máy thì mỗi cán bộ, công nhân, viên chức được sử dụng theo tiêu chuẩn Bộ Tài chính đã quy định.

Điện: 6 người một ngọn đèn 60w

Nước: mỗi người trả 18m3 một năm và hàng tháng phải trả một số tiền là:

Điện : 200 đồng một người.

Nước : 150 đồng một người.

Những cán bộ, công nhân, viên chức ở buồng riêng hoặc sử dụng điện nhiều hơn tiêu chuẩn kể trên hoặc dùng các đồ dùng bằng điện khác như bàn là, quạt máy, radio, v.v… thì phải trả tiền theo thực tế sử dụng (cách tính tiền cụ thể tạm thời theo quy định trong thông tư số 31-TC-HCP ngày 31-03-1958 của Bộ Tài chính về việc bổ sung và giải thích một số điểm về tiêu chuẩn cung cấp năm 1957).

C. - GIƯỜNG CHIẾU:

Chíếu: không mua thêm, những chiếu đã phát được coi là của riêng.

- Đối với những công nhân viên hưởng lương khôi phục đã thu tiền giường thì nay tiếp tục thu, khi thu đủ tiền theo giá mua, giường đó sẽ thuộc quyền sở hữu của anh chị em.

- Đối với những công nhân viên đang hưởng chế độ bán cung cấp và đang sử dụng giường thì xí nghiệp tiếp tục cho mượn. Công nhân viên có trách nhiệm bảo quản nếu hư hỏng phải tự sửa chữa.

- Giường của công nhân viên đã mượn mang về nhà (ngoài tiêu chuẩn bản thân) xí nghiệp sẽ bán lại với giá thị trường từ 10% đến 20% và được trả dần làm nhiều kỳ trong thời hạn một năm.

C. - CẤP DƯỠNG:

Trong lúc chờ đợi nghiên cứu việc chuyển dần tổ chức cấp dưỡng tập thể hiện nay thành chế độ phúc lợi tập thể, tạm thời quy định mấy biện pháp sau đây:

1. Xí nghiệp cần chú ý lãnh đạo và cải tiến tổ chức cấp dưỡng tập thể hiện nay làm cho nó phục vụ được tốt hơn, không nên hấp tấp giải tán làm cho việc ăn uống của công nhân, viên chức không đảm bảo, không nên giao cho tư nhân hoặc một nhóm người nào thầu nấu ăn lấy lãi vì như vậy mức ăn của công nhân dễ bị giảm sút.

2. Trong lúc chờ đợi nghiên cứu một tổ chức nấu ăn theo hình thức phúc lợi tập thể (nghĩa là một tổ chức do xí nghiệp và Công đoàn phụ trách, công nhân, viên chức có góp một phần, xí nghiệp giúp đỡ một phần) thì tạm thời chưa thu tiền.

Những xí nghiệp khôi phục đang thu khoản tiền chi phí về nấu ăn cũng tạm thời hoãn việc thu tiền, chờ sau sẽ thi hành thống nhất với các xí nghiệp khác.

IV. - MỘT VÀI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này hướng dẫn và thống nhất một số điểm cụ thể và một số nguyên tắc chung, các Bộ, các ngành sẽ tùy theo tình hình đặc điểm của ngành mà áp dụng cho sát như: xác định các hạng xí nghiệp (hạng nhỏ, hạng trung, hạng lớn) phân biệt các phần thuộc về sinh hoạt của công nhân viên để thu tiền và các phương tiện công tác không tính tiền.

2. Các tiêu chuẩn nhà ở trên đây quy định cho các Giám đốc, Quản đốc xí nghiệp, còn các Giám đốc các Tổng cục, các Cục, các Giám đốc và Trưởng ty chuyên môn, các Chủ nhiệm các Công ty doanh nghiệp v.v… sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn nhà ở định chung cho cán bộ các cấp tương đương trong các cơ quan Nhà nước.

3. Đối với các công trường đã có chế độ riêng.

4. Việc bỏ dần chế độ bán cung cấp trong các đơn vị công tác lưu động như các Đoàn thăm dò địa chất, các Đội khảo sát cầu đường, các Đội điều tra rừng, các Đội chiếu bóng lưu động v.v… sẽ do các Bộ sở quan quy định sau khi trao đổi với Liên bộ.

5. Công nhân, viên chức hưởng chế độ lương khôi phục trước đã trả tiền nhà ở,  điện nước, giường chiếu thì nay thu theo giá mới quy định.

6. Thông tư này áp dụng kể từ ngày thi hành lương mới năm 1958 cho khu vực sản xuất.

Trong khi thi hành nếu gặp khó khăn trở ngại gì đề nghị các địa phương, các ngành phản ảnh cho Liên bộ biết để kịp thời giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

 


 
Trịnh Văn Bính

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG



 
 
Nguyễn Văn Tạo