Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TT/LB

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 1965 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỂM BỔ SUNG VỀ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ

Thi hành điểm 3 Thông tư số 85-TTg/NC ngày 11-09-1964 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung một số chế độ đãi ngộ cần thiết đối với cán bộ xã và để bổ sung một số điểm tại Thông tư số 33-TT/LB ngày 29-06-1962 của Liên bộ Nội vụ - Tài chính - Y Tế trước đây, Liên bộ hướng dẫn một số điểm cụ thể dưới đây.

I. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ KHI ỐM ĐAU, SINH ĐẺ, CHẾT

Các cán bộ chuyên trách xã và những cán bộ không chuyên trách ở xã đang giữ những chức vụ sau đây: ủy viên Ủy ban hành chính xã, đảng ủy viên xã hay chi ủy viên xã ở những xã chưa thành lập Đảng ủy, trưởng phó Ban liên lạc Mặt trận xã, bí thư, phó bí thư Thanh niên, hội trưởng, phó hội trưởng Phụ nữ xã, trưởng phó ban các ban chuyên môn của xã tại chức và thật sự hoạt động, khi ốm đau, sinh đẻ, chết được hưởng một số chế độ sau đây:

1. Chế độ trợ cấp khi ốm đau.

Khi ốm đau được khám bệnh và chữa bệnh tại bệnh viện, bệnh xá địa phương, nếu xét phải nằm điều trị thì bệnh viện, bệnh xá cố gắng sắp xếp cho anh chị em  nằm điều trị ở phòng dành cho công nhân viên chức Nhà nước.

Trong thời gian điều trị ở bệnh viện, bệnh xá được cấp tiền ăn và tiền bồi dưỡng mỗi ngày 1 đồng, thuốc men sẽ cấp theo tình hình bệnh tật, bệnh nặng có thể được bồi dưỡng thêm theo quyết định của y sĩ, bác sĩ điều trị. Tiền ăn, tiền bồi dưỡng và tiền thuốc nói trên do ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ, trường hợp cán bộ xã vừa chữa bệnh, vừa công tác thì bệnh viện, bệnh xá cấp thuốc theo khả năng hiện có và cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong thời gian chữa bệnh. Tiền thuốc do Ty Y tế dự trù và ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ.

Nếu cán bộ xã nói trên xin đơn của y sĩ, bác sĩ mua thêm, thuốc bổ hoặc thuốc đông y để dùng ngoài số thuốc của bệnh viện, bệnh xá đã cấp, hoặc được y sĩ, bác sĩ cấp phiếu mua sữa, đường v.v… để bồi dưỡng trong trường hợp cần thiết, thì tiền mua các thứ đó bệnh nhân tự túc.

Việc giới thiệu đi khám bệnh hoặc nằm  điều trị do trạm y tế, hộ sinh xã đề nghị và Ủy ban hành chính huyện chứng nhận, trường hợp cấp cứu hoặc bệnh nặng thì trạm y tế, hộ sinh xã giới thiệu thẳng đến bệnh viện, bệnh xá, và sau đó Ủy ban hành chính xã sẽ báo cáo lên Ủy ban hành chính huyện xin giấy chứng nhận gửi đến bệnh viện, bệnh xá.

2. Chế độ trợ cấp khi sinh đẻ

Nữ cán bộ xã thuộc diện nói trên, khi sinh đẻ ở gia đình hoặc ở trạm hộ sinh xã thì được hưởng một khoản trợ cấp sinh đẻ, cấp một lần là 7 đồng do ngân sách của tỉnh, thành phố đài thọ.

Trường hợp sinh đẻ phải đi bệnh viện, bệnh xá thì được hưởng tiền ăn, tiền bồi dưỡng và thuốc men như khi bị ốm đau và không hưởng trợ cấp sinh đẻ 7 đồng nữa.

3. Chế độ trợ cấp khi chết.

Cán bộ xã thuộc diện được hưởng các chế độ trợ cấp ốm đau, sinh đẻ nói trên, nếu chết ở gia đình hoặc ở trạm y tế, hộ sinh xã thì được Nhà nước cấp 50 đồng tiền chôn cất.

Trường hợp chết ở bệnh viện, bệnh xá, chết trong khi đi công tác xa gia đình thì được Nhà nước cấp 100 đồng tiền chôn cất.

Các khoản tiền trợ cấp về chôn cất trên đây do ngân sách của tỉnh, thành phố đài thọ.

Số tiền trợ cấp chi về ốm đau, sinh đẻ và chôn cất nói trên, ghi vào loại 6, khoản 66, hạng 3 của dự toán ngân sách địa phương.

Cần chú ý là các trưởng phó ban các ban chuyên môn của xã được quy định ở trên, chỉ bao gồm những chức trưởng, phó ban các ban đã được hội đồng Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức trung ương quy định và những ban do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đề nghị và được Bộ Nội vụ thỏa thuận.

Ủy ban hành chính huyện cần phải quản lý chặt chẽ danh sách những cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của xã thuộc diện được hưởng chế độ khi ốm đau, sinh đẻ và chết quy định trong thông tư này để tránh mọi sự nhầm lẩn trong khi thi hành.

Các cán bộ khác của xã còn lại như ủy viên chấp hành các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, chi ủy viên các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, các chi ủy viên các ban ngành chuyên môn và các cán bộ chuyên môn, kỹ thuật khác của xã khi ốm đau thì được khám và chữa bệnh như nhân dân nhưng được ưu tiên trong việc thu nhận vào bệnh viện, bệnh xá điều trị. Trong thời gian điều trị, các cán bộ này phải trả viện phí. Nếu người nào quá túng thiếu không thể tự túc được thì được ưu tiên trong việc xét miễn hoặc giảm viện phí, do Ủy ban hành chính xã đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định. Số tiền miễn hoặc giảm cho số cán bộ túng thiếu nói trên sẽ do ngân sách của tỉnh, thành phố đài thọ (quỹ cứu tế xã hội). Riêng  đối với cán bộ xã miền núi vẫn được miễn không phải trả tiền viện phí, do ngân sách tỉnh, thành phố đài thọ (quỹ cứu tế xã hội).

II. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ KHÁC

1. Chế độ đi dự hội nghị, lớp huấn luyện do cấp trên tổ chức.

Các cuộc hội nghị hay lớp huấn luyện do các cơ quan cấp trên tổ chức cho cán bộ xã phải được quản lý chặt chẽ để giảm bớt những cuộc họp không cần thiết làm ảnh hưởng đến công tác và sản xuất của cán bộ xã. Chương trình, nội dung, thời gian, thành phần đại biểu, kinh phí chi tiêu v.v… của các cuộc hội nghị hay lớp huấn luyện do các cơ quan địa phương tổ chức phải được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (hoặc Uỷ ban hành chính huyện được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ủy nhiệm ) xét duyệt. Nếu do các cơ quan trung ương tổ chức thì phải được thủ trưởng Bộ hay cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ xét duyệt.

Các ngành chuyên môn ở huyện chỉ được triệu tập cán bộ chuyên môn thuộc ngành mình ở xã về huyện họp nhiều nhất là 3 tháng một lần và mỗi lần không quá một ngày, riêng các cuộc họp tổng kết cuối năm hoặc những cuộc họp bàn nhiều vấn đề lớn có thể đến hai ngày. Trường hợp đột xuất, các ngành ở huyện và tỉnh cần triệu tập cán bộ xã họp bất thường thì phải được Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố xét duyệt.

Ở những nơi có chiến sự mà việc giao thông liên lạc gặp khó khăn, nếu để tỉnh duyệt sẽ chập trễ, thì Ủy ban hành chính tỉnh ủy nhiệm cho Ủy ban hành chính huyện xét duyệt các cuộc hội nghị bất thường cán bộ xã do các ngành ở huyện tổ chức.

Khi được dự hội nghị hay lớp huấn luyện nói trên, tất cả cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của xã được cơ quan tổ chức hội nghị hay lớp huấn luyện đài thọ:

a) Tiền tàu xe đi và về theo thực chi;

b) Tiền phụ cấp ăn dọc đường cả đi và về như khi đi công tác;

c) Tiền ăn ở hội nghị hay lớp huấn luyện từ 0đ50 đến 0đ60 một ngày (theo mức ăn bình thường ở cơ quan tổ chức hội nghị hay lớp huấn luyện). Riêng cán bộ là người dân tộc, nếu ăn cơm nếp thì được cấp gạo nếp, do đó tiền ăn có thể được cấp 0đ70 một ngày;

d) Tiền giấy, bút, tài liệu học tập, phương tiện giải trí như bóng chuyền, cờ tướng, tu-lơ-khơ, nếu cần thiết do cơ quan mở lớp mua sắm, nhưng phải bảo đảm hết sức tiết kiệm;

e) Nữ cán bộ xã đi học, đi họp có con nhỏ dưới 3 tuổi phải mang theo, được gửi con vào nhóm trẻ của nhà trường hay của cơ quan hoặc nhóm trẻ dân lập gần nhất. Kinh phí chi về gửi trẻ vẫn do cơ quan mở lớp huấn luyện hay hội nghị đài thọ;

g) Đối với cán bộ xã là người dân tộc, khi đi dự lớp huấn luyện từ một tháng trở lên mà xa gia đình, những ngày lễ, ngày chủ nhật không thể về thăm được thì cha, mẹ, vợ, con, anh em ruột có thể đến thăm; nếu những người này không phải là công nhân, viên chức có lương thì được phụ cấp tiền ăn mỗi người 0đ60 một ngày trong những ngày lưu trú thăm ở lớp huấn luyện, nhưng số người được phụ cấp nhiều nhất là 3 người, mỗi người không quá ba ngày và mỗi khóa học, mỗi học sinh chỉ được cấp một lần, khoản chi phí này cũng do cơ quan mở lớp huấn luyện đài thọ.

2. Chế độ công tác phí đối với cán bộ xã.

Tất cả cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở xã, khi đi dự hội nghị, dự lớp huấn luyện hay đi công tác do huyện, tỉnh hoặc Trung ương triệu tập hay điều động thì được cấp:

- Tiền tàu, xe đi và về theo thực chi;

- Tiền phụ cấp ăn dọc đường, nếu đoạn đường đi mất một ngày (không kể đi xe hay đi bộ) mà phải ăn ở ngoài cơ quan cả hai bữa cơm thì được cấp 0đ80, nếu chỉ ăn ở cơ quan một bữa thì được cấp 0đ40. Trường hợp đi ra ngoài tỉnh (sang tỉnh khác hay lên Trung ương) thì áp dụng theo như chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức Nhà nước khi đi công tác.

Nếu đi công tác cho xã thì tiền tàu, xe và phụ cấp ăn dọc đường do ngân sách xã đài thọ.

Trường hợp cán bộ xã có xe đạp tự sử dụng trong công tác thì khi đi công tác ra ngoài xã (lên huyện, tỉnh) được hưởng phụ cấp ăn dọc đường như người đi bộ (thí dụ: đoạn đuờng phải đi bộ một ngày và phải ăn cơm ở ngoài cơ quan cả hai bữa, được cấp 0đ80, nếu đi xe đạp tự chi mất nửa ngày và chỉ ăn cơm ở ngoài cơ quan một bữa thì cũng được phụ cấp ăn đường 0đ80 như người đi bộ).

Riêng đối với cán bộ chuyên trách ở xã, nếu có xe đạp tự sử dụng trong công tác thì được cấp phiếu mua phụ tùng xe đạp theo giá cung cấp như công nhân, viên chức Nhà nước.

3. Chế độ trả phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ chuyên trách xã khi vắng mặt.

1. Cán bộ chuyên trách xã vắng mặt vì được cử đi dự các lớp huấn luyện, vì ốm đau phải đi chữa bệnh theo đề nghị của y sĩ, bác sĩ thì được hưởng phụ cấp hàng tháng trong thời gian đi học hay nằm điều trị ở bệnh viện, bệnh xá; nhưng tối đa không quá 3 tháng kể từ ngày đi học hay nằm điều trị.

2. Nữ cán bộ chuyên trách xã, khi sinh đẻ được nghỉ hai tháng và được phụ cấp cả hai tháng. Sau hai tháng nghỉ này, nếu chưa trở lại công tác được vì còn ốm yếu, có chứng nhận của y sĩ, bác sĩ phải nghỉ thêm thì trong thời gian nghỉ thêm này được phụ cấp thêm một tháng nữa, qua tháng thứ tư vẫn chưa trở lại tiếp tục công tác được thì thôi không hưởng phụ cấp.

3. Trường hợp thật cần thiết, cán bộ chuyên trách xã được Ủy ban hành chính huyện hoặc tỉnh cho phép nghỉ về việc riêng dưới một tháng, thì vẫn được hưởng phụ cấp cả tháng, nếu nghỉ trên một tháng, thì từ tháng thứ hai trở đi không hưởng phụ cấp nữa.

4. Cán bộ chuyên trách xã, nếu được huyện, tỉnh điều động đi công tác khác từ một tháng trở lên, thì tiền phụ cấp trả cho số cán bộ chuyên trách được điều động do cơ quan sử dụng trả kể từ ngày điều động. Trong thời gian được điều động, cán bộ đó không hưởng phụ cấp hàng tháng của cán bộ chuyên trách xã nữa.

5. Cán bộ chuyên trách xã, khi không được phân công làm nhiệm vụ chuyên trách ở xã thì thôi không được hưởng phụ cấp hàng tháng, trường hợp được phép thôi việc vào giữa tháng thì vẫn được hưởng phụ cấp cả tháng. Nếu tự ý bỏ việc, mặc dù đã được Ủy ban hành chính huyện và xã kiên trì giáo dục nhưng vẫn không trở lại công tác, thì không được hưởng phụ cấp kể từ ngày bỏ việc.

6. Trường hợp cán bộ chuyên trách xã vắng mặt dưới ba tháng, thì số cán bộ chuyên trách còn lại sẽ đảm nhiệm phần việc của người đi vắng, nếu cần thiết thì có thể sử dụng số cán bộ không chuyên trách trong từng phần việc nhất định. Nếu cán bộ chuyên trách vắng mặt trên ba tháng mà Ủy ban hành chính xã xét thấy cần phải bổ sung người thay thế, thì phải báo cáo đề nghị Ủy ban hành chính huyện xét quyết định và chỉ được trả phụ cấp cho cán bộ thay thế chuyên trách khi có quyết định của Ủy ban hành chính huyện. Tiền phụ cấp trả cho cán bộ chuyên trách mới được bổ sung vẫn do ngân sách của tỉnh, thành phố đài thọ, trong phạm vi tổng số kinh phí của ngân sách đã dự trù để trả phụ cấp cho cán bộ chuyên trách xã.

Để việc trả phụ cấp cho cán bộ chuyên trách ở xã đúng với quy định trên đây, Ủy ban hành chính huyện cần quản lý chặt chẽ số cán bộ chuyên trách ở xã, nhất là trong những trường hợp vắng mặt, thay đổi công tác v.v… Mỗi khi Uỷ ban hành chính huyện có quyết định cho cán bộ chuyên trách xã nghỉ việc, thay đổi công tác, bổ sung người thay thế, cần báo cáo Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố biết để theo dõi.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này bắt đầu thi hành kể từ ngày 01-9-1965.

Những quy định trước đây của Liên bộ về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã tại Thông tư số 33-TT/LB ngày 29-6-1962 của Liên Bộ Nội vụ-Tài chính-Y tế trái với những quy định của Thông tư Liên bộ này đều bãi bỏ.

Những quy định trong Thông tư này cũng áp dụng đối với các cán bộ thị trấn.

Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Thông tư này có kế hoạch cụ thể hướng dẫn các ngành, các cấp huyện, xã thực hiện đầy đủ và sát với hoàn cảnh địa phương.

Các ngành ở Trung ương có hệ thống tổ chức tới cấp xã mà sinh hoạt phí của cán bộ xã do ngành dọc đài thọ (như cán bộ bưu điện xã v.v..) khi quy định chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thuộc ngành mình ở xã thì phải bàn bạc với Liên Bộ Nội vụ - Tài chính để khỏi có sự chênh lệch về đãi ngộ giữa cán bộ các ngành ở xã.

KT.BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ



 

 
Ung Văn Khiêm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG


 

 
Đinh Thị Cần

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG


 

 
Trịnh Văn Bính