Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TT/LB

Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHỮA BỆNH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, DÂN QUÂN DU KÍCH, THANH NIÊN XUNG PHONG BỊ THƯƠNG TẬT, BỆNH BINH VÀ QUÂN NHÂN PHỤC VIÊN ĐÃ VỀ ĐỊA PHƯƠNG 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
Các Sở và Ty Y tế
Các Sở và Ty Tài chính

 

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 01 tháng 03 năm 1961, Liên bộ ra Thông tư này quy định chế độ chữa bệnh như sau đối với:

- Thương binh bị vết thương, bệnh cũ trong thời gian tại ngũ tái phát,

- Dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật bị vết thương tái phát,

- Bệnh binh và quân nhân phục viên bị bệnh cũ trong thời gian tại ngũ tái phát.

I. CHỮA BỆNH Ở BỆNH VIỆN

Những anh chị en được thu nhận vào bệnh viện được miễn viện phí (bao gồm tiền ăn, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng) và hưởng chế độ điều trị như cán bộ sơ cấp. Nếu anh chị em chết ở bệnh viện thì được trợ cấp chi phí chôn cất theo chế độ trợ cấp chôn cất đối với công nhân, viên chức Nhà nước (bệnh viện sẽ cùng gia đình anh chị em lo việc mai táng).

II. CHỮA BỆNH NGOẠI TRÚ

Những anh chị em được bệnh viện chữa bệnh ngoại trú (theo tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế quy định) hưởng chế độ như sau:

- Ăn: mỗi ngày 0đ80 ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng; 0đ60 ở các tỉnh khác (do Ủy ban hành chính tỉnh cấp).

- Ở: nếu cần phải trả tiền trọ thì cấp mỗi ngày từ 0đ20 đến 0đ30 tùy theo giá trọ ở địa phương (do Ủy ban hành chính tỉnh cấp).

- Thuốc: tùy theo nhu cầu của bệnh viện và khả năng của bệnh viện.

- Nếu chết: được trợ cấp chi phí chôn cất như trường hợp chết ở bệnh viện.

Nếu bệnh thuộc diện chữa ngoại trú mà bệnh việc xét y tế xã hay khu phố có thể thực hiện được đơn điều trị thì cho đơn và cấp thuốc theo đơn đó để anh chị em về nhà chữa (không hưởng chế độ ngoại trú). Khi tiêm thuốc ở các trạm y tế xã, trạm y tế dân lập, anh chị em được miễn trả tiền công tiêm.

Nếu là bệnh thông thường, bệnh viện, tùy theo khả năng cấp thuốc cho anh chị em mang về sử dụng.

III. ĐIỀU DƯỠNG

Những thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh và quân nhân phục viên bị vết thương hay bệnh cũ tái phát, được thu nhận vào các viện điều dưỡng để phục hồi sức khỏe (theo quy định trong Thông tư số 03-BYT/TT ngày 10 tháng 02 năm 1962 của Bộ Y tế) hoặc vào viện điều dưỡng về bệnh tinh thần kinh do Bộ Y tế quản lý.

Khi vào viện điều dưỡng, anh chị em hưởng theo chế độ đối với cán bộ sơ cấp đi điều dưỡng. Nếu phụ cấp thương tật, phụ cấp sản xuất hay an dưỡng, hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thấp hơn mức sinh hoạt của viện điều dưỡng, thì anh chị em được hưởng theo mức sinh hoạt của viện điều dưỡng; nếu phụ cấp cao hơn, thì anh chị em được hưởng khoản chênh lệch.

Khi sức khỏe đã bình phục, anh chị em sẽ trở về địa phương làm ăn.

Anh chị em chết ở viện điều dưỡng được chôn cất như trường hợp chết ở bệnh viện.

IV. ĐỐI VỚI NHỮNG ANH CHỊ EM BỊ BỆNH TINH THẦN KINH

Những thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bệnh binh và quân nhân phục viên, bị bệnh tinh thần kinh (điên) sẽ được các bệnh viện thu nhận và chữa bệnh. Nếu chưa có điều kiện thu nhận ngay, các bệnh viện cần khám bệnh và cấp thuốc cho anh chị em.

Trong thời gian chưa được thu nhận vào bệnh viện, những anh chị em bị bệnh tinh thần kinh được trợ cấp mỗi tháng 18 đồng hoặc 22 đồng tùy theo mức độ bệnh:

- Hoàn toàn mất trí, không lao động được, không có hành động đập phá, xé quần áo… được trợ cấp mỗi tháng 18 đồng một tháng.

- Hoàn toàn mất trí, không lao động được, có những cơn kích động như đập phá, đánh người, xé quần áo, đi lang thang, cần có người coi giữ… được trợ cấp 22 đồng một tháng.

Những anh chị em đã được hưởng phụ cấp thương tật, phụ cấp sản xuất hay an dưỡng, hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng mà mức phụ cấp hoặc trợ cấp thấp hơn mức 18 đồng hoặc 22 đồng, thì được trợ cấp thêm cho đủ 18 đồng hoặc 22 đồng.

Việc trợ cấp nói trên do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, khu quyết định, căn cứ vào đề nghị của Ủy ban hành chính xã và sự khám xét của Hội đồng giám định y khoa địa phương. Cứ 2 năm một lần, anh chị em được khám xét lại, nếu đã khỏi bệnh thì không được hưởng trợ cấp nữa. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố khu sẽ cấp phiếu lĩnh trợ cấp (đối với bệnh binh) hoặc phiếu lĩnh số tiền chênh lệch (đối với thương binh và quân nhân phục viên đã được trợ cấp mất sức lao động) đính kèm vào sổ phụ cấp thương tật và sổ trợ cấp mất sức lao động, để anh chị em lĩnh hàng quý.

Số tiền trợ cấp nói trên sẽ do người vẫn nuôi nấng anh chị em khi bị điên đi lĩnh thay, quản lý và sử dụng vào việc nuôi nấng anh chị em.

Khi đã được thu nhận vào bệnh viện, viện điều dưỡng thì anh chị em không được hưởng khoản trợ cấp nói trên mà hưởng theo chế độ điều trị ở bệnh viện hay chế độ điều dưỡng.

V. CẤP TIỀN ĂN VÀ ĐI ĐƯỜNG KHI ĐI CHỮA BỆNH

- Tiền ăn và đi đường từ nhà đến bệnh viện tỉnh do anh chị em tự túc. Nếu anh chị em bị ốm nặng Ủy ban hành chính xã cần giúp phương tiện đưa đi.

- Nếu anh chị em được khám và chữa bệnh, rồi trở về nhà hoặc được bệnh viện giới thiệu đến một bệnh viện khác, mà phải đi lại xa, tốn kém, thì được cấp tiền ăn và đi đường.

Tiền ăn và đi đường gồm: tiền ăn dọc đường, tiền tàu, xe ôtô nếu cần (không cấp cước phí xe đạp). Nếu đường đi có xe lửa, thương binh đã được miễn tiền vé thì không cấp tiền đi xe lửa, thương binh được giảm 1/2 vé thì chỉ được cấp 1/2 tiền vé.

Bệnh viện cấp tiền ăn và đi đường cho những anh chị em đã được thu nhận vào chữa bệnh ở bệnh viện rồi trở về nhà hoặc chuyển viện.

Ủy ban hành chính tỉnh cấp tiền ăn và đi đường cho những anh chị em được khám bệnh rồi trở về nhà, được khám bệnh và giới thiệu đến một bệnh viện khác, được chữa bệnh ngoại trú rồi trở về nhà.

VI. CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

a) Khi anh chị em đến khám bệnh, các Phòng khám bệnh cần thu xếp để anh chị em không phải chờ đợi lâu, nhất là đối với những anh chị em ở xa và ở các tỉnh khác tới. Nói chung nên khám cho anh chị em trước, nhưng sau các bệnh cấp và trẻ em.

b) Muốn được khám và chữa bệnh, anh chị em phải có những giấy tờ sau đây:

- giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính xã nếu đi khám và chữa bệnh ở bệnh xá huyện;

- giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính xã hay khu phố, thị xã và giấy giới thiệu của bệnh xá huyện hay y tế khu phố, thị xã nếu đi khám và chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh hay thành phố.

- giấy giới thiệu của Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố và của bệnh viện tỉnh hay thành phố, nếu đi khám và chữa bệnh ở các bệnh viện ngoài tỉnh hay thành phố.

Anh chị em cần mang theo giấy chứng nhận thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, giấy chứng nhận bệnh binh, quân nhân phục viên và các giấy tờ cũ có ghi bệnh mắc phải trong thời gian tại ngũ. Nếu gặp trường hợp cấp cứu, anh chị em không kịp mang đủ giấy tờ nói trên thì sau đó anh chị em phải được chính quyền địa phương xác nhận.

Nếu được xét thu nhận vào các viện điều dưỡng, anh chị em phải có đủ giấy tờ theo quy định của Bộ Y tế.

c) Các khoản chi nói trong Thông tư này đều do ngân sách địa phương đài thọ (phần chi về công tác thương binh, quân nhân phục viên, liệt sĩ). Các bệnh viện sẽ thống kê các khoản chi phí cho từng bệnh nhân lập phiếu thanh toán với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, theo thể lệ hiện hành.

d) Những điều quy định trong Thông tư này chỉ áp dụng đối với anh chị em đã về địa phương bị vết thương cũ hoặc bệnh cũ trong thời gian tại ngũ tái phát. Những anh chị em còn ở trại thương binh và ở các viện điều dưỡng sẽ theo chế độ chữa bệnh ở trại thương binh và viện điều dưỡng.

Những anh chị em làm nghĩa vụ quân sự trở về, nếu không phải là thương binh hoặc không được trợ cấp mất sức lao động theo nhữ đã quy định trong Thông tư số 95-TTg ngày 11 tháng 03 năm 1961 của Thủ tướng Chính phủ, thì không hưởng theo chế độ quy định trong Thông tư này.

e) Các quy định trước đây trái với Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, đã được thể hiện cụ thể trong Thông tư này, đều bãi bỏ.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Tô Quang Đẩu

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Đinh Thị Cần

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG


 
 
 Trịnh Văn Bính