Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-LB/TT

Hà Nội , ngày 24 tháng 9 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - Y TẾ SỐ 20-LB/TT NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 1992 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT CHO NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG ĐIỀU KIỆN YẾU TỐ ĐỘC HẠI

Căn cứ vào Điều 17 Pháp lệnh Bảo hộ Lao động của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 10-9-1991 quy định "người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hại được bồi dưỡng bằng hiện vật".
Để thi hành Thông tư số 02-TTg ngày 9-1-1963 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật phù hợp với tình hình đổi mới hiện nay;
Sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế ra Thông tư này quy định chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố độc hại.

I - NGUYÊN TẮC BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT

1. Để bảo vệ sức khoẻ, phòng và chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trước hết người sử dụng lao động phải chăm lo cải thiện điều kiện lao động, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động.

Sau khi đã thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, nhưng chưa khắc phục được các yếu tố độc hại thì người lao động phải được bồi dưỡng bằng hiện vật.

2. Chỉ thi hành chế độ này đối với những người trực tiếp tiếp xúc và trong thời gian có làm việc ở những nơi độc hại.

Khi các yếu tố độc hại tại nơi làm việc đã được loại trừ thì cũng ngừng việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật tại nơi đó.

3. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật phải được tổ chức cho người lao động ăn, uống tại chỗ ngay khi nghỉ giữa ca làm việc mà không được phát bằng tiền.

Trường hợp đặc biệt như làm việc phân tán, lưu động, ít người thì phát hiện vật cho người lao động, yêu cầu họ tự giác bồi dưỡng đúng mục đích.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các nghề và công việc được bồi dưỡng bằng hiện vật áp dụng thống nhất cho các đơn vị cơ sở trong cả nước.

II - KIỆN ĐƯỢC BỒI DƯỠNG BẰNG HIỆN VẬT

Người lao động phải làm việc ở những nơi có một trong các yếu tố độc hại sau đây thì được bồi dưỡng bằng hiện vật.

1. Tiếp xúc với môi trường có các hoá chất độc, hơi khí độc, bụi độc... vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép do Bộ Y tế ban hành.

2. Tiếp xúc với môi trường có các yếu tố vật lý như: nhiệt độ, tiếng ồn, phóng xạ, điện từ trường, áp suất, tia chiếu quang học... vượt qua tiêu chuẩn vệ sinh cho phép do Bộ Y tế ban hành.

3. Tiếp xúc với các yếu tố sinh học có hại như siêu vi trùng, vi trùng, ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.

III - MỤC BỒI DƯỠNG HIỆN VẬT

A - HIỆN VẬT VÀ KINH PHÍ

1. Sữa là thực phẩm thông thường dùng để thải độc, các cơ sở có thể thay thế bằng các hiện vật khác (như trứng, chè, hoa quả...) thích hợp với từng nghề bằng giá trị tương đương mà có tác dụng thải độc nhanh.

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sử dụng các loại hiện vật thích hợp thải độc cho những ngành nghề đặc biệt.

2. Làm việc trên 4 tiếng được bồi dưỡng cả định xuất, làm việc từ 2 đến 4 tiếng được bồi dưỡng nửa định xuất.

3. Tiền mua hiện vật được bồi dưỡng: ở cơ sở sản xuất kinh doanh được tính vào giá thành hoặc phí lưu thông nhưng không được tính trong đơn giá tiền lương; ở các đơn vị hành chính sự nghiệp được hạch toán trong chi phí thường xuyên không dựa vào thành phần quỹ tiền lương (theo công văn số 1258-TC/HCVX ngày 14-7-1992 của Bộ Tài chính),

4. Tiền mua hiện vật được tính tương đương theo giá sữa ở địa phương. Khuyến khích các cơ sở có kiện cho người lao động bồi dưỡng nhiều hơn mức quy định.

B - MỨC BỒI DƯỠNG TRONG MỘT CA LÀM VIỆC:

a. Mức chung cho các ngành nghề, kể cả phóng xạ:

Mức bồi dưỡng chung cho các ngành nghề

Lượng hiện vật / 1 định xuất

Mức 1

2/10 hộp sữa đặc có đường loại 475g

Mức 2

3/10 hộp sữa đặc có đường loại 475g

Mức 3

4/10 hộp sữa đặc có đường loại 475g

Mức 4

5/10 hộp sữa đặc có đường loại 475g

b. Mức bồi dưỡng đối với thợ lặn:

Mức bồi dưỡng thợ lặn

Lượng hiện vật / 1 định xuất

Mức 1 từ 3m trở lại

3/10 hộp sữa đặc có đường loại 475g

Mức 2 từ trên 3-12m

6/10

Mức 3 từ trên 12-22m

8/10

Mức 4 từ trên 22-29,5m

10/10

Mức 5 từ trên 29,5-35m

12/10

Mức 6 từ trên 35-39,5m

15/10

Mức 7 từ trên 39,5m

18/10

- Cán bộ y tế thực tập trong buồng cao áp cũng được bồi dưỡng bằng hiện vật như thợ lặn.

IV - PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH

Tất cả những người lao động trong khu vực thuộc các thành phần sản xuất kinh doanh (kể cả quốc phòng) cũng như khu vực hành chính sự nghiệp, nếu phải làm việc trong những điều kiện có hại đến sức khoẻ như đã nêu ở phần II của Thông tư này đều được áp dụng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động.

Sinh viên, học sinh thực tập hoặc học nghề phải làm việc trong môi trường độc hại như người lao động cũng được áp dụng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.

V - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ sở cần soát xét lại và chuyển đổi từ mức bồi dưỡng cũ sang mức bồi dưỡng mới tương ứng theo Thông tư này. Mức 1 và mức 2 cũ (Thông tư 12-TT/LB ngày 29-8-1981 của Liên Bộ) tương ứng với mức 1 mới. Mức 3 cũ tương ứng với mức 2 mới, mức 4 cũ tương ứng với mức 3 mới. Mức 4 mới là mức cao nhất của bồi dưỡng cho phóng xạ.

Trường hợp có ngành, nghề mới nào cần được bồi dưỡng đặc biệt thì phải có sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế.

2. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01-11-1992.

+ Liên Bộ đề nghị các Bộ, UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương phổ biến và đôn đốc các cơ sở trực thuộc, các cơ sở nằm trong lãnh thổ quản lý thực hiện đầy đủ những quy định trong Thông tư này.

Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc tất cả các cơ sở thuộc đối tượng thi hành Thông tư này hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của địa phương.

Bùi Ngọc Thanh

(Đã ký)

Lê Văn Truyền

(Đã ký)