Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP-BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TT/LB

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 1978 

 

 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG CƠ BẢN CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP DÂN DỤNG CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP PHỤC VỤ NHIỆM VỤ TRUNG TÂM VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Để thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ II và để thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 136-CP ngày 05/8/1976(1) về tăng cường tổ chức, phân công và cải tiến quản lý xây dựng, ngày 23 tháng 5 năm 1978 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã làm việc và thống nhất các quy định sau đây:

1.  Ngành xây dựng chịu trách nhiệm thiết kế quy hoạch xây dựng các điểm dân cư trên địa bàn huyện trên cơ sở quy hoạch sản xuất của các ngành nông nghiệp đã được xác định.

Sau khi đã thiết kế quy hoạch điểm dân cư nông nghiệp của các huyện điểm của trung ương, Bộ Xây dựng sẽ làm việc thống nhất với Bộ Nông nghiệp trước khi trình cấp trên xét duyệt thực hiện. Đối với huyện khác, do Ty, Sơ xây dựng phụ trách thiết kế xây dựng các điểm dân cư có Ty, Sở nông nghiệp địa phương hợp tác nghiên cứu thống nhất trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành xét duyệt.

2. Thiết kế vỏ bao che các công trình công nghiệp và dân dụng kể cả chuồng trại chăn nuôi của ngành nông nghiệp sẽ do ngành xây dựng phụ trách trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế và dây chuyền công nghệ do Bộ Nông nghiệp đưa ra và đã được duyệt.

Nếu là công trình xây dựng hàng loạt như các trạm, trại, kho, xưởng cho các hợp tác xã, xã, huyện, tỉnh, nông trường thì sẽ được thiết kế vỏ bao che định hình, thiết kế mẫu trên cơ sở dây chuyền công nghệ của ngành nông nghiệp đề ra. Các thiết kế định hình, thiết kế mẫu sẽ được liên Bộ Nông nghiệp – Xây dựng thống nhất ban hành, áp dụng trong cả nước. Các Sở, Ty nông nghiệp, xây dựng, sẽ căn cứ vào các thiết kế mẫu và thiết kế định hình để áp dụng. Trong quá trình vận dụng có thể được sửa đổi phần móng công trình cho phù hợp với điều kiện địa chất và phần bao che cho phù hợp với vật liệu địa phương trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình. Trường hợp muốn sửa đổi phần kiến trúc và dây chuyền sản xuất mà ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật xây dựng và công nghệ thì phải được Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp duyệt.

Đối với các công trình xây dựng không áp dụng thiết kế mẫu thì phân cấp như sau. Nếu là công trình trên hạn ngạch thì do Bộ Xây dựng trực tiếp thiết kế; và công trình dưới hạn ngạch do Ty, Sở Xây dựng thiết kế.

3. Ở trung ương, Viện thiết kế quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc Bộ Xây dựng và Viện thiết kế công trình nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu lập đồ án thiết kế quy hoạch xây dựng điểm dân cư mẫu kể cả quy hoạch khu dân cư vùng kinh tế mới, trước khi trình hai Bộ duyệt. Ở địa phương, các Ty, Sở xây dựng chủ động bàn bạc thống nhất với Ty nông nghiệp để vận dụng các thiết kế mẫu và thiết kế định hình của Bộ Xây dựng trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành xét duyệt. Lực lượng thiết kế của Bộ Nông nghiệp được củng cố lại để nhận phân cấp về thiết kế của Bộ Xây dựng. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là vận dụng thiết kế mẫu, định hình của ngành xây dựng và thiết kế các công trình mở rộng, cải tạo. Khi thiết kế phải thực hiện các quy trình, quy phạm, định mức, v.v… về thiết kế mà Bộ Xây dựng đã ban hành và được sự hướng dẫn về kỹ thuật chuyên môn của các Viện thiết kế và nghiên cứu của Bộ Xây dựng.

4. Để kế hoạch hóa công tác thiết kế, thi công xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng của ngành nông nghiệp ở các địa phương, hàng năm các Ty, Sở nông nghiệp sẽ căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành để lập khối lượng và danh sách công trình của ngành mình trong địa phương (bao gồm công trình của tỉnh, thành, huyện, xã, nông trường) để trình Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành xét duyệt ghi kế hoạch đầu tư xây dựng. Đối với các công trình đã được ghi kế hoạch xây dựng và đầy đủ thủ tục xây dựng cơ bản thì Ty xây dựng có trách nhiệm nhận thầu thiết kế và xây lắp không được khước từ. Danh sách và khối lượng công trình nhận thầu xây lắp được ký kết giữa hai Ty, Sở xây dựng và nông nghiệp sẽ được báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành và hai Bộ Nông nghiệp – Xây dựng để hai Bộ lập kế hoạch toàn ngành trong cả nước báo cáo lên Chính phủ.

Trong hai năm 1976 – 1977 ngành nông nghiệp đã xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng của mình với giá trị sản lượng xây lắp 430 triệu đồng đạt 26% kế hoạch 5 năm, ba năm còn lại tuy khối lượng công việc còn nhiều gần gấp đôi nhưng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước, mặt khác kết cấu công trình xây dựng không phức tạp, điều kiện cân đối vật tư vật liệu xây dựng hầu hết là vật tư vật liệu trong nước và tại chỗ, công trình xây dựng được phân bố trong cả nước có thể tận dụng lực lượng xây dựng tiềm tàng của trung ương, địa phương, nên hai Bộ nhất trí tích cực đẩy mạnh xây dựng thực hiện toàn bộ vốn đầu tư xây dựng còn lại. Bộ Nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo làm đủ thủ tục về đầu tư; trên cơ sở đó Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện thiết kế và thi công xây lắp công trình công nghiệp và dân dụng của ngành nông nghiệp trong toàn quốc.

5. Để thực hiện kế hoạch xây dựng công trình, hàng năm sau khi Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cho ngành nông nghiệp trong cả nước, Bộ Nông nghiệp sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để phân công thực hiện, xác định danh mục công trình xây dựng do Bộ Nông nghiệp tự đảm nhiệm, giao thầu cho Bộ Xây dựng trực tiếp thiết kế và thi công và công trình giao cho các Ty, Sở xây dựng thực hiện.

Ở trung ương cũng như ở địa phương ngành nông nghiệp sẽ là bên A làm chủ đầu tư các công trình xây dựng và chịu trách nhiệm về mọi thủ tục cho công tác đầu tư xây dựng như nhiệm vụ thiết kế, địa điểm xây dựng, kế hoạch vốn… trên cơ sở đó sẽ tiến hành hợp đồng với bên B là ngành xây dựng để thiết kế và xây dựng theo tiến độ mà hai bên đã thỏa thuận. Sau khi có đủ thủ tục để xây dựng công trình và sau khi đã ký hợp đồng với ngành xây dựng thì trách nhiệm thực hiện xây dựng công trình thuộc về ngành xây dựng, trong quá trình xây dựng công trình ngành nông nghiệp vẫn có trách nhiệm bên A để đôn đốc. Quy định này được thực hiện trong năm 1979 – 1980 để rút kinh nghiệm cho đến khi đã có thiết kế định hình được tiêu chuẩn hóa các công trình nông nghiệp thì chuyển sang chế độ ngành nông nghiệp không tổ chức ban kiến thiết mà chỉ ủy thác xây dựng toàn bộ công trình công nghiệp và dân dụng cho ngành xây dựng sau khi có nhiệm vụ thiết kế và kế hoạch vốn trong kế hoạch 1981 – 1985. Ngành nông nghiệp chỉ ký hợp đồng ủy thác xây dựng công trình cho ngành xây dựng một lần cho cả công tác thiết kế thi công công trình theo mẫu lựa chọn.

6. Về xây dựng nhà ở cho nông trường và khu kinh tế mới chỉ tiêu Nhà nước đã phân cho ngành nông nghiệp trong 5 năm. Hai năm 1976 – 1977 ngành nông nghiệp đã thực hiện được bao nhiêu rồi, còn lại phải thực hiện trong 1978 – 1980, thì hai Bộ thống nhất phân bổ cho các đơn vị sau đây: các nông trường, các vùng kinh tế mới, các trạm, trại, cơ sở phục vụ nông nghiệp, v.v… (có phụ bản riêng hai Bộ sẽ thống nhất và công bố sau).

Theo ý kiến của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thì vốn đầu tư xây dựng cho các cơ sở nông nghiệp sẽ được đầu tư thẳng cho ngành nông nghiệp và do Bộ Nông nghiệp chủ động phân bố cho các đơn vị cơ sở của toàn ngành. Các đơn vị này sau khi đã có chỉ tiêu sẽ ký hợp đồng thẳng với các Ty, Sở xây dựng để trong năm 1979 – 1980 xây dựng hết diện tích nhà ở đã được Bộ Nông nghiệp phân bổ. Ngành nông nghiệp và ngành xây dựng hợp tác chặt chẽ để thực hiện được chỉ tiêu diện tích nhà ở 4 triệu m2 của nông trường và khu kinh tế mới vì đây là một mặt quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, mặt khác diện tích nhà ở nói trên nằm trong chỉ tiêu 14 triệu m2 nhà ở mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV đã đề ra.

7. Ngoài lực lượng xây dựng cơ bản chuyên ngành của ngành nông nghiệp để khai hoang mở rộng diện tích cải tạo đồng ruộng… ngành nông nghiệp hiện có lực lượng xây dựng cơ bản các công trình công nghiệp, dân dụng, lực lượng này từ trung ương đến địa phương sẽ được củng cố và được quản lý theo ngành xây dựng về mặt chuyên môn, được giao nhiệm vụ xây dựng các cơ sở công nghiệp và dân dụng mở rộng của ngành nông nghiệp xen kẽ với sản xuất hoặc các cơ sở mới, nhỏ, phân tán. Lực lượng này có thể thay thế cho lực lượng sản xuất của ngành xây dựng được hợp lý hơn. Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng xây dựng công nghiệp và dân dụng của ngành nông nghiệp phải thực hiện các chế độ, chính sách, quy trình quy phạm, định mức, v.v… của ngành xây dựng công nghiệp dân dụng và được Bộ Xây dựng thông qua, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo, giúp đỡ về mặt kỹ thuật nghiệp vụ, cũng như đào tạo tăng cường cán bộ công nhân kỹ thuật và cung ứng vật tư vật liệu xây dựng chuyên ngành do Nhà nước giao Bộ Xây dựng quản lý như đối với công ty thuộc Bộ.

8. Để đảm nhiệm được khối lượng xây dựng công nghiệp và dân dụng của ngành nông nghiệp Bộ Xây dựng sẽ tăng cường lực lượng toàn ngành trong đó lấy lực lượng trực thuộc và lực lượng của sở, Ty xây dựng làm nòng cốt. Do đó toàn bộ công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng mới xây dựng của ngành nông nghiệp trên lãnh thổ của địa phương sẽ được Ty, Sở nông nghiệp giao cho Ty, Sở xây dựng phụ trách quản lý theo ngành, Ty, Sở xây dựng địa phương phải nhận thi công xây lắp hết các công trình của ngành nông nghiệp có đủ thủ tục và điều kiện và căn cứ vào tình hình thực lực và lực lượng xây lắp của địa phương mà có kế hoạch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành, phân công, phân cấp cho các lực lượng xây dựng trong địa phương mình để huy động mọi lực lượng xây dựng thực hiện chỉ tiêu kế hoạch xây dựng công nghiệp, dân dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp mà Bộ Xây dựng đã phân công phân cấp.

9. Cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản của Bộ Nông nghiệp là cơ quan nghiệp vụ chuyên môn giúp Bộ Nông nghiệp quản lý chỉ đạo toàn bộ công tác xây dựng cơ bản của ngành nông nghiệp. Về mặt chuyên môn và nghiệp vụ xây dựng công nghiệp và dân dụng sẽ được Bộ Xây dựng hướng dẫn và giúp đỡ theo hướng dẫn quản lý ngành.

10. Ngành nông nghiệp sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chính thức mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật cần xây dựng trong kế hoạch 5 năm 1976 – 1980, lập kế hoạch xây dựng cơ bản dài hạn và tăng cường các tổ chức kế hoạch hóa và chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản từ trung ương đến địa phương.

Trên đây là những quy định đã được thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp và Bộ Xây dựng để tăng cường và đẩy mạnh công tác xây dựng công nghiệp và dân dụng của ngành nông nghiệp trên cơ sở có phân công phân cấp quản lý theo ngành nhằm thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, phục vụ phát triển nông nghiệp mà Đại hội Đảng lần thứ IV đã đề ra. Hai Bộ thông báo cho các Sở, Ty nông nghiệp – xây dựng và các đơn vị trực thuộc hai Bộ nhanh chóng và nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Lâm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Quý

 





(1) In trong Công báo 1976, số 3 (889), trang 47