Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TT/LB

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC ĐỊNH MỨC LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CHƯA ĐƯỢC XẾP LƯƠNG NĂM 1960 VÌ ỐM ĐAU ĐÃ NẰM ĐIỀU TRỊ TỪ TRƯỚC 01-05-1960 ĐẾN NAY HOẶC NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG, ĐỂ THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ-BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các ông Bộ trưởng các Bộ và thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc hội đồng Chính phủ.
- Các cơ quan, đoàn thể Trung ương,
- Các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

 

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức Nhà nước đã được Hội đồng Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 218-CP ngày 27-12-1961.

Cần định mức lương cho công nhân, viên chức đã nằm điều trị, điều dưỡng ở các bệnh viện, điều dưỡng đường hay tổ chức y tế khác của Nhà nước từ trước ngày 01-05-1960 đến nay, và công nhân, viên chức già yếu mất sức lao động đã được thôi việc theo Thông tư số 13-TTg ngày 07-01-1960 của Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở thi hành một số chế độ trong bản điều lệ nói trên.

Những công nhân, viên chức nay đã nghỉ việc nên không có chức vụ cụ thể để xếp lương như những công nhân, viên chức đang làm việc; vì vậy việc định mức lương chỉ nhằm xác định căn cứ để thi hành điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội đối với anh chị em, không có vấn đề truy lĩnh. Anh chị em có người mới nghỉ công tác, có người nghỉ đã lâu; có cơ quan sử dụng anh chị em hiện nay đã giải thể, vì vậy, yêu cầu của việc định mức lương chỉ tương đối hợp lý, tương đối sát với từng anh chị em.

Sau đây là những quy định định cụ thể:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐỊNH MỨC LƯƠNG

Công nhân, viên chức được định mức lương theo thông tư này phải là những người có đủ điều kiện để hưởng chế độ trong điều lệ bảo hiểm xã hội, đã hay chưa được xếp lương năm 1958 và hiện đang hưởng lương ấy, chưa được xếp lương năm 1960, hoặc là những công nhân, viên chức, có quyết định được nghỉ việc theo Thông tư số 13-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07-01-1960 chưa được xếp lương 1960.

II. CÁCH ĐỊNH MỨC LƯƠNG

1. Đối với những người đã được xếp lương năm 1958 hoặc chưa được xếp thì căn cứ vào bậc lương đã được xếp hoặc chức vụ đã được giao liền kề trước khi ốm đau mà định mức lương thích hợp theo các thang lương, bảng lương năm 1960.

2. Đối với công nhân, viên chức đã thôi việc vì già yếu mất sức lao động theo thông tư số 13-TTg thì cơ quan căn cứ vào chức vụ liền trước khi thôi việc mà định mức lương năm 1960 của những anh chị em cùng chức vụ ở cơ quan, xí nghiệp.

3. Đối với cán bộ chuyên môn ngành y tế, giáo dục, phiên dịch thì việc tính thâm niên cũng theo đúng sự quy định để tính thâm niên khi xếp lương năm 1960; thâm niên tính từ ngày ốm trở về trước, không tính từ 01-05-1960.

III. CƠ QUAN ĐỊNH MỨC LƯƠNG

Cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm định mức lương cho những công nhân, viên chức nói trên là những cơ quan, xí nghiệp đã sử dụng, và quyết định cho công nhân, viên chức nghỉ việc để điều trị hay điều dưỡng hoặc đã quyết định cho công nhân, viên chức thôi việc vì già yếu mất sức lao động theo thông tư số 13-TTg. Gặp trường hợp cơ quan, xí nghiệp đã giải thể thì cơ quan, xí nghiệp nào kế tục quản lý và thanh toán tiền lương, viện phí cho công nhân, viên chức ấy có trách nhiệm định mức lương.

Thông tư này không áp dụng đối với với cán bộ, công nhân, viên chức hiện đã đi an dưỡng và đang hưởng chế độ an dưỡng.

Trong khi thực hiện, các cấp, các ngành phản ảnh cho Liên bộ biết những khó khăn để góp ý kiến giải quyết được kịp thời.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG
 
 


Nguyễn Đăng

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Lê Tất Đắc