Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/TT-LB

Hà Nội , ngày 25 tháng 7 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 29/TT-LB NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VIỆC CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ CÁC KHOẢN LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP THƯƠNG BINH - XÃ HỘI

Để gắn việc thu Quỹ Bảo hiểm xã hội với việc chi trả lương hưu, trợ cấp Thương binh - Xã hội ở địa phương, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đối với các đối tượng được hưởng chính sách Thương binh - Xã hội; Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tạm thời việc cấp phát, quản lý và chi trả các khoản lương hưu, trợ cấp Thương binh - Xã hội như sau:

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Nhằm đảm bảo kinh phí chi trả kịp thời lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn địa phương, từ nay nguồn kinh phí cấp phát từ ngân sách Trung ương để đảm bảo cho mục đích này sẽ do Bộ Tài chính chuyển qua hệ thống KBNN trực tiếp bằng hình thức "kinh phí uỷ quyền thuộc ngân sách Trung ương" cho các Sở Tài chính (hoặc Sở Tài chính - Vật giá) quản lý, cấp phát cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp Thương binh - Xã hội. Khoản kinh phí này không phân cấp cho địa phương mà do NSTW bảo đảm.

2. Hàng năm, trên cơ sở xem xét kế hoạch thu, chi Quỹ Bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp Thương binh - Xã hội ở các địa phương, Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định kế hoạch thu Quỹ Bảo hiểm xã hội và chi về lương hưu, các khoản trợ cấp Thương binh - Xã hội cho toàn ngành và từng địa phương trong cả nước, tổng hợp vào ngân sách Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng để trình Quốc hội phê chuẩn. Trên cơ sở đó, xác định phần kinh phí ngân sách Trung ương chuyển về các địa phương (phần chênh lệch giữa thu và chi) để bảo đảm đủ nguồn chi trả Bảo hiểm xã hội.

Trường hợp địa phương quá khó khăn vì chưa thu được để chi trả thì Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời báo cáo Bộ Tài chính xử lý để bảo đảm trả lương hưu và trợ cấp Thương binh - Xã hội đúng kỳ hạn.

3. Với số kinh phí ngân sách Trung ương chuyển về cộng với số thu Quỹ Bảo hiểm xã hội tại địa phương; Sở Tài chính sẽ chuyển kinh phí cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp cho các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện hoặc nếu có sự thoả thuận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính (trên cơ sở kế hoạch thu, chi Bảo hiểm xã hội đối với từng quận, huyện đã được 2 bên thống nhất) có thể chuyển thẳng kinh phí qua hệ thống KBNN cho các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện để đảm bảo chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp Thương binh xã hội trên địa bàn quận, huyện.

4. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương có trách nhiệm: lập kế hoạch thu 8% Quỹ Bảo hiểm xã hội, kế hoạch chi về lương hưu, trợ cấp Thương binh - Xã hội gửi cơ quan Tài chính đồng cấp; tổ chức chi trả trực tiếp cho các đối tượng được hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội và lập báo cáo quyết toán về kinh phí Thương binh - Xã hội theo quy định hiện hành để gửi cho cơ quan Tài chính xét duyệt, tổng hợp vào quyết toán ngân sách Nhà nước.

II. NỘI DUNG CÁC KHOẢN CHI VỀ LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP THƯƠNG BINH - XÃ HỘI

1. Kinh phí uỷ quyền của ngân sách Trung ương chuyển về địa phương qua Sở Tài chính cộng với số thu Quỹ Bảo hiểm xã hội (8%) tại địa phương dùng để chi cho các đối tượng theo chế độ, chính sách của Nhà nước ban hành, cụ thể như sau:

- Chi về lương hưu: gồm các khoản chi trả trợ cấp lần đầu và chi trả lương hưu thường xuyên hàng tháng cho cán bộ CNVC và quân nhân nghỉ hưu.

- Chi về mất sức lao động và tai nạn lao động gồm các khoản: chi trả trợ cấp lần đầu hoặc một lần và thường xuyên hàng tháng cho cán bộ CNV nghỉ việc vì mất sức lao động (kể cả công nhân ngành cao su).

- Chi trợ cấp thương tật cho thương binh, bệnh binh gồm các khoản chi trợ cấp thường xuyên hàng tháng, chi phục vụ cho thương binh, bệnh binh nặng và các khoản chi khác cho thương binh, bệnh binh theo chế độ quy định thuộc ngân sách Trung ương cấp phát.

- Chi trợ cấp một lần cho quân nhân phục viên về địa phương (trừ phần kinh phí do quân đội đã cấp phát).

- Chi trợ cấp cho cán bộ lão thành cách mạng và những người có công giúp đỡ cách mạng gồm các khoản chi trợ cấp ưu đãi, sinh hoạt phí nuôi dưỡng thường xuyên hàng tháng.

- Chi trợ cấp chôn cất và mất người nuôi dưỡng, bao gồm chi lần đầu và một lần, trợ cấp thường xuyên hàng tháng (thường gọi là trợ cấp tuất liệt sĩ, tuất CNVC từ trần).

- Chi trợ cấp cất, bốc và quy tập mồ liệt sĩ theo định mức quy định.

- Chi quản lý phí chi khác theo định mức quy định thuộc nguồn kinh phí ngân sách Trung ương cấp.

2. Ngoài ra, các khoản chi về Thương binh và Xã hội ở địa phương không thuộc nguồn kinh phí uỷ quyền của ngân sách Trung ương chuyển về địa phương bao gồm:

- Những khoản chi bổ sung thêm cho các đối tượng Thương binh - Xã hội do Uỷ ban nhân dân địa phương các cấp quy định ngoài các chính sách chung của Nhà nước (nếu có) như: bù chênh lệch giá, quà ngày lễ, ngày tết, trợ cấp thêm cho gia đình thương binh, liệt sĩ... Các khoản chi này do ngân sách địa phương tự lo liệu, không được trừ vào khoản điều tiết của ngân sách Trung ương hoặc đề nghị ngân sách Trung ương trợ cấp.

- Các khoản chi cho các trại và các đối tượng xã hội thuộc địa phương quản lý.

- Các khoản chi cho bộ máy quản lý, chi phí mua sắm, sửa chữa các trại thương, bệnh binh đã phân cấp cho địa phương quản lý.

3. Ngân sách Trung ương cấp trực tiếp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm các khoản chi cho các cơ sở trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý như:

- Chi cho các trung tâm phục hồi chức năng.

- Chi cho các cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh, các đối tượng hưởng chính sách xã hội đặc biệt, nuôi dưỡng con liệt sĩ...

- Các khoản chi khác.

Đối với một số khoản chi do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang trực tiếp chi trả cho đối tượng như trả lương hưu cấp phát xe lăn, xe lắc, các dụng cụ chỉnh hình khác (nếu có) thì từ nay sẽ giao lại về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương lập dự toán để trực tiếp cấp phát chi phí cho các đối tượng.

III. LẬP VÀ XÉT DUYỆT DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ VỀ THƯƠNG BINH - XÃ HỘI

1. Việc lập, xét duyệt kế hoạch thu Quỹ Bảo hiểm xã hội và dự toán về Thương binh - Xã hội của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương trước mắt vẫn thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

a. Kế hoạch thu Quỹ Bảo hiểm xã hội (8% tổng Quỹ tiền lương) và việc tổ chức thu ở địa phương vẫn tiếp tục thực hiện như đã hướng dẫn tại Thông tư số 22/TT-LB ngày 16-6-1989 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội và một số văn bản hướng dẫn bổ sung của Bộ Tài chính.

b. Dự toán chi về Thương binh - Xã hội, phải phản ánh rõ nội dung từng khoản chi đã nêu ở điểm 1, phần II của Thông tư này và cần phân tích cụ thể về số lượng từng loại đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp Thương binh - Xã hội hàng tháng, trợ cấp một lần, lần đầu (nêu rõ thời gian và mức trợ cấp bình quân một lần, lần đầu) trong năm, quy kế hoạch và tổng số chi cho từng loại đối tượng theo các chế độ trợ cấp hiện hành.

Dự toán chi phải kèm theo bản thuyết minh phân tích, giải thích tình hình chi cho các đối tượng chính sách năm, quý trước và năm, quý kế hoạch.

c. Dự toán chi hàng năm (có dự kiến chia ra hàng quý) và từng quý trong năm kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải chia ra làm hai phần và gửi như sau:

- Phần dự toán chi thuộc nguồn thu Quỹ Bảo hiểm xã hội và kinh phí uỷ quyền do ngân sách Trung ương cấp chuyển về địa phương gửi cho Sở Tài chính xem xét trình uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu) xét duyệt trước khi gửi về Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với các địa phương có nhu cầu chi lớn về Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức làm việc với địa phương để xem xét dự toán nói trên.

- Phần dự toán chi thuộc kinh phí địa phương cấp phát và quản lý gửi cho Sở Tài chính xét duyệt, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách địa phương để trình UBND tỉnh, thành phố, đặc khu xét duyệt, thông báo.

Trường hợp Sở Tài chính địa phương nếu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thoả thuận việc trợ cấp kinh phí trực tiếp cho các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện thì việc lập và xét duyệt dự toán (kể cả quyết toán thu Quỹ Bảo hiểm xã hội và chi Thương binh - Xã hội sẽ do Liên Bộ thoả thuận nhưng phải bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành về trình tự lập, xét duyệt và gửi dự toán.

d. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt dự toán thu, chi hàng quý, hàng năm của các đơn vị trực thuộc, tổng hợp để gửi cho Bộ Tài chính theo quy định hiện hành.

e. Hàng quý, năm Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao chỉ tiêu về thu Quỹ Bảo hiểm xã hội, chi về Thương binh - Xã hội và phần kinh phí uỷ quyền của ngân sách Trung ương chuyển về địa phương (sau khi trừ số thu Bảo hiểm xã hội trên địa bàn địa phương) cho từng tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương.

Chỉ tiêu chi từ nguồn kinh phí uỷ quyền của ngân sách Trung ương được phân làm hai loại sau:

+ Chi Bảo hiểm xã hội: chỉ giao số kinh phí bổ sung để đảm bảo đủ nguồn chi trả (sau khi trừ khoản thu Quỹ Bảo hiểm xã hội trên địa bàn địa phương).

+ Chi cho trợ cấp Thương binh - Xã hội.

2. Cấp phát kinh phí:

a. Kinh phí thuộc ngân sách Trung ương theo hình thức uỷ quyền, cấp phát của hệ thống KBNN vào tài khoản 936 "tiền gửi kinh phí uỷ quyền thuộc ngân sách Trung ương" của Sở Tài chính mở tại Chi cục KBNN, theo mục lục ngân sách Nhà nước như sau:

- Chương 17, loại 13, khoản 02; hạng 03; Quỹ Bảo hiểm xã hội (đối với CNVC Nhà nước).

- Chương 17A, loại 13, khoản 02; hạng 1: chi công tác xã hội (đối với quân nhân và người có công với cách mạng).

b. Kinh phí cấp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chi cho các cơ sở trực thuộc các quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

c. Kinh phí thuộc ngân sách địa phương phát cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn thực hiện theo quy định hiện hành của Sở Tài chính.

3. Việc lập và gửi quyết toán về thu bảo hiểm xã hội, về chi Thương binh - Xã hội của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương tạm thời vẫn thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (bao gồm các biểu quyết toán thu, chi và bản phân tích, thuyết minh quyết toán đính kèm); riêng việc xét duyệt và gửi quyết toán tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định như sau:

a. Bản quyết toán thu Quỹ Bảo hiểm xã hội, quyết toán chi Bảo hiểm xã hội bằng nguồn thu Bảo hiểm xã hội (8% Quỹ lương) và kinh phí uỷ quyền chuyển về địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi cho Sở Tài chính đồng cấp để kiểm tra, xét duyệt; đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 1 bản.

Sau khi xét duyệt, Sở Tài chính làm thủ tục gửi Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp vào tổng quyết toán ngân sách Nhà nước.

b. Bản quyết toán phần kinh phí chi về Thương binh - Xã hội thuộc ngân sách địa phương cấp phát vẫn gửi cho Sở Tài chính theo chế độ hiện hành.

4. Bản quyết toán chi của các cơ sở trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do ngân sách Trung ương cấp phát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tổng hợp và gửi cho Bộ Tài chính theo quy định hiện hành.

5. Sở Tài chính có trách nhiệm cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, KBNN quận, huyện, thị xã về việc đôn đốc trích nộp Quỹ Bảo hiểm xã hội (8% tổng Quỹ tiền lương), việc thực hiện chính sách và chi trả lương hưu, trợ cấp Thương binh - Xã hội cho các đối tượng chính sách, không được sử dụng nguồn kinh phí Bảo hiểm xã hội cho các mục đích khác.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-1990.

2. Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục KBNN phối hợp bàn bạc hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện thống nhất ở địa phương. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu, có bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.

Lý Tài Luận

(Đã ký)

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)