Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ LỢI-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-LB/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1970 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC Y TẾ PHỤC VỤ CÁC ĐỘI CHỦ LỰC LÀM CÔNG TÁC THỦY LỰC DÀI NGÀY Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện Nghị định số 135-CP ngày 05-8-1969, Chỉ thị số 183-CP ngày 24-9-1969 của Hội đồng Chính phủ, Chỉ thị số 122-TTg ngày 08-11-1969 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các đội chủ lực làm công tác thủy lợi dài ngày, liên Bộ Y tế - Thủy lợi hướng dẫn việc tổ chức y tế phục vụ các công trường thủy lợi nói trên như sau.

I. NHIỆM VỤ

Tổ chức y tế công trường có nhiệm vụ thực hiện mọi chủ trương, kế hoạch, nội dung biện pháp công tác y tế của Sở, Ty y tế địa phương áp dụng trong đơn vị mình nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho cán bộ  và đội viên, cụ thể là:

1. Tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh, thể dục, phòng bệnh trong ăn, ở, sinh hoạt, học tập, lao động, nghỉ ngơi, gây một nếp sống vệ sinh, trật tự và khoa học đối với cán bộ, đội viên hoạt động trong công trường.

2. Hướng dẫn xây dựng, bảo quản và sử dụng 4 công trình vệ sinh cơ bản (hố xí, giếng nước, nhà tắm hợp vệ sinh, quầy vệ sinh phụ nữ); thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh trong từng mùa cho thích hợp với điều kiện lao động và từng đối tượng lao động của đơn vị, nhất là đối với lao động nữ.

3. Thực hiện công tác tiêm chủng phòng dịch, quản lý chặt chẽ và dập tắt dịch kịp thời.

4. Tham gia giáo dục và hướng dẫn công tác phòng hộ lao động, sử dụng lao động thích hợp nhằm đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ sức lao động, nhất là đối với lao động nữ.

5. Tổ chức quản lý sức khỏe, bệnh tật chặt chẽ, thực hiện khác, chữa bệnh, cấp cứu được kịp thời với chất lượng tốt.

6. Xây dựng mạng lưới, hướng dẫn công tác chuyên môn đối với y tế, vệ sinh viên ở các đội và tổ sản xuất.

7. Thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn, và các chế độ thống kê báo cáo do cơ quan y tế địa phương quy định.

8. Quản lý thuốc men, dụng cụ y tế và các tài sản khác của y tế công trường chống tham ô, lãng phí.

9. Tham gia quản lý ngày công theo chế độ ở đơn vị.

10. Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo vệ sức khỏe (chế độ vệ sinh phòng bệnh thuốc men, đường sữa…) theo chế độ hiện hành như đối với cán bộ, công nhân viên Nhà nước.

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY

Mỗi công trường có từ 1.000 người trở lên được thành lập bệnh xá công trường để đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ đã quy định trên.

1. Bệnh xá của công trường gồm 2 bộ phận:

a) Bộ phận phòng bệnh có:

- Một y sĩ là bệnh xá trưởng hoặc bệnh xá phó trực tiếp phụ trách vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, vệ sinh trong lao động cho toàn công trường và khám, chữa bệnh (mỗi ngày dành một buổi khám bệnh và một buổi làm vệ sinh phòng bệnh);

- Một y tá giúp y sĩ làm công tác vệ sinh phòng bệnh và phục vụ việc khám bệnh hàng ngày.

b) Bộ phận chữa bệnh tính theo tiêu chuẩn một cán bộ phục vụ 2 giường bệnh, gồm có:

- 1 y sĩ là bệnh xá trưởng hoặc bệnh xá phó trực tiếp phụ trách công tác khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại bệnh xá (Nếu công trường có dưới 1500 người thì y sĩ phụ trách công tác vệ sinh phòng bệnh trực tiếp phụ trách công tác chữa bệnh tại bệnh xá).

- 1 hoặc 2 y tá làm công tác chữa  bệnh tại bệnh xá.

- 1 hoặc 2 hộ lý

- 1 dược tá công tác dược tại bệnh xá.

- 1 hoặc 2 cấp dưỡng

- 1 quản lý

Số cán bộ, nhân viên phục vụ này cố gắng sắp xếp ít ra có một nửa số y sĩ, y tá, hộ lý là nữ để thuận tiện cho việc phục vụ nữ đội viên.

Giường bệnh tính theo tiêu chuẩn 100 cán bộ và đội viên thì có một giường bệnh.

2. Y tế ở đội sản xuất:

Mỗi đội sản xuất từ 100 đến 150 người có một y tá, có túi thuốc thông thường và túi thuốc cấp cứu.

Dưới sự lãnh đạo của bệnh xá, y tá của các đội sản xuất có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, phòng hộ lao động tại nơi ăn ở, làm việc của đội viên trong đội (nhiệm vụ chủ yếu).

- Theo dõi sức khỏe, bệnh tật các đội viên trong đội để thăm bệnh, phát thuốc thông thường và cấp cứu kịp thời.

- Tham gia quản lý ngày công chế độ ở đơn vị.

- Xây dựng mạng lưới, hướng dẫn nội dung công tác và sinh hoạt cho chiến sĩ vệ sinh ở các tổ sản xuất.

Mỗi tổ sản xuất có túi thuốc cấp cứu và bồi dưỡng, lựa chọn một đội viên tích cực, biết làm công tác vận động vệ sinh phòng bệnh và cấp cứu thông thường làm chiến sĩ vệ sinh của tổ để vận động công tác vệ sinh phòng bệnh và cấp cứu tại chỗ.

III. QUYỀN HẠN, QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

1. Ban chỉ huy công trường: Ban chỉ huy công trường có trách nhiệm bảo đảm sức khỏe một cách toàn diện cho các lực lượng trực tiếp sản xuất và anh chị em trong bộ máy gián tiếp; cần làm tốt phong trào thi đua vệ sinh, thể dục phòng bệnh, đồng thời quản lý chặt chẽ tổ chức và hoạt động của công trường. Việc thành lập bệnh xá công trường do quyết định của ban chỉ huy công trường, có sự tham gia ý kiến của Sở, Ty y tế và Sở, Ty thủy lợi.

2. Bệnh xá công trường là cơ quan giúp việc chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của ban chỉ huy công trường và chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn nghiệp vụ công tác y tế của Sở, Ty y tế địa phương;

- Hàng tháng, quý, năm, căn cứ vào chủ trương, kế hoạch công tác chuyên môn của Sở, Ty y tế địa phương và kế hoạch sản xuất của ban chỉ huy công trường để xây dựng kế hoạch nội dung, biện pháp công tác y tế của đơn vị, trình ban chỉ huy công trường duyệt thành kế hoạch chung của đơn vị để thực hiện;

- Có quyền kiến nghị lên lãnh đạo xử lý những việc làm có hại, có vi phạm điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe theo Nghị định số 194-CP ngày 31-12-1964 của Hội đồng Chính phủ;

- Có lịch sinh hoạt thường kỳ của bệnh xá, và giữa bệnh xá với y tế các đội, có kế hoạch và thời gian cụ thể đi xuống các đội sản xuất làm việc ở bệnh xá;

- Giúp ban chỉ huy công trường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cơ sở thực hiện.

Cán bộ lãnh đạo bệnh xá được mời dự các cuộc hội nghị bàn về công tác y tế của Sở, Ty y tế địa phương và các cuộc họp khác có liên quan đến công tác y tế của ban chỉ huy công trường.

Y sĩ phụ trách khám bệnh được quyền khám, cấp đơn, cho nghỉ và bồi dưỡng từ 01 đến 07 ngày. Việc cho nghỉ phải chiếu cố cả hai mặt: bảo đảm sức khỏe người lao động, đồng thời bảo đảm ngày công trên hiện trường. Người y sĩ phải rất đúng mực và có trường hợp khó khăn nên thỉnh thị ban chỉ huy công trường.

Y tá ở các đội được thăm bệnh, phát thuốc và đề nghị ban chỉ huy các đại đội cho nghỉ từ 01 đến 03 ngày. Có kế hoạch hàng ngày đi tuyên truyền, vận động vệ sinh phòng bệnh và phát thuốc tại nơi ở, nơi lao động của cán bộ và đội viên.

Bệnh xá của công trường được gửi bệnh nhân đi khám và chữa bệnh tại bệnh viện của y tế địa phương và thực hiện công tác chuyên môn theo sự hướng dẫn của Sở, Ty y tế địa phương.

Hàng tháng, quý, năm phải báo cáo tình hình sức khỏe, bệnh tật và tình hình hoạt động công tác y tế cho Ban chỉ huy công trường và Sở, Ty y tế địa phương theo mẫu quy định.

3. Sở, Ty y tế địa phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động chuyên môn của y tế công trường, cụ thể là: phổ biến, hướng dẫn về chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác y tế, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; cung cấp cán bộ, thuốc men, dụng cụ y tế; quy định các chế độ chuyên môn kỹ thuật, chế độ báo cáo sinh hoạt, quy định tuyến khám, chữa bệnh cho y tế công trường v.v…

4. Sở, Ty thủy lợi địa phương có nhiệm vụ lãnh đạo ban chỉ huy công trường thực hiện mọi chủ trương biện pháp công tác y tế và tạo mọi điều kiện cho tổ chức y tế hoạt động phục vụ sức khỏe cán bộ, đội viên được tốt.

Trên đây là những điểm chính về tổ chức và hoạt động của y tế công trường, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình của địa phương để vận dụng và giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở, Ty y tế và thủy lợi, hướng dẫn thực hiện. Trong quá trình thực hiện khó khăn trở ngại gì phản ánh để hai Bộ biết để nghiên cứu và bổ sung cho thích hợp.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 
 


Bác sĩ Nguyễn Văn Tín

KT. BỘ TRƯỞNG  BỘ THỦY LỢI
THỨ TRƯỞNG
 


 

Phan Mỹ