BỘ GIÁO DỤC-NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 45-TT-LB | Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 1963 |
HƯỚNG DẪN CẢI TIẾN TỔ CHỨC CƠ QUAN GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC -BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi: Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.
Thi hành chủ trương cải tiến tổ chức tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước của Đảng và Chính phủ; căn cứ tinh thần Hội nghị Tổ chức toàn ngành Giáo dục vào thượng tuần tháng 05 năm 1963 vừa qua, liên Bộ hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và phương hướng tổ chức bộ máy của cơ quan Giáo dục địa phương, nhằm giúp Ủy ban hành chính khu tỉnh, thành phố chỉ đạo tốt công tác này.
I. TỔ CHỨC GIÁO DỤC CẤP TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (TRỪ CÁC TỈNH THUỘC KHU TỰ TRỊ).
a) Vị trí và nhiệm vụ, quyền hạn của Sở, Ty Giáo dục.
Sở, Ty Giáo dục là cơ quan chuyên môn phụ trách toàn bộ sự nghiệp giáo dục trong địa phương, chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục trong việc tổ chức, chỉ đạo và thực hiện công tác giáo dục theo đúng đường lối, phương hướng, kế hoạch của Nhà nước và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế văn hóa của địa phương.
Sở, Ty Giáo dục có những nhiệm vụ, quyền hạn chính sau đây:
1. Bảo đảm thực hiện đúng đắn và đầy đủ các chủ trương, chính sách, chế độ, luật lệ của Nhà nước; các thông tư, chỉ thị, quyết định của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố về công tác giáo dục.
2. Căn cứ vào phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa của Nhà nước, của địa phương và dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Giáo dục, tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của địa phương để báo cáo Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục xét, trình Chính phủ phê chuẩn. Sau khi đã được Nhà nước phê chuẩn chỉ tiêu kế hoạch giáo dục thì phải bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh. Cụ thể là:
- Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển trường, lớp, học sinh các cấp (từ cấp 1 đến cấp 3), và các loại (Phổ thông, Bổ túc văn hóa, Sư phạm, Mẫu giáo, Vỡ lòng…)
- Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch số lượng cán bộ, giáo viên các loại (kể cả giáo viên quốc lập và dân lập) theo đúng tiêu chuẩn định mức lao động của Nhà nước nhằm phục vụ tốt kế hoạch phát triển trường, lớp, học sinh;
- Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên các loại theo sự phân cấp của Bộ Giáo dục, trên các mặt chính trị, văn hóa, nghiệp vụ nhằm không ngừng nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ, giáo viên để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa;
- Căn cứ các chỉ tiêu kế hoạch, dự trù kinh phí hàng năm cho phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của Nhà nước, của địa phương và sự đóng góp của nhân dân trong địa phương.
3. Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra toàn bộ công tác chuyên môn nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng của công tác giáo dục trong địa phương. Cụ thể là:
- Hướng dẫn và chỉ đạo việc áp dụng chương trình các môn học, sử dụng sách giáo khoa của Bộ Giáo dục cho sát với tình hình đặc điểm của địa phương. Tùy theo từng lúc, có thể biên soạn một số tài liệu cần thiết cho các trường, kết hợp vào chương trình giảng dạy để tuyên truyền động viên thực hiện các trung tâm công tác ở địa phương;
- Hướng dẫn và chỉ đạo việc áp dụng quy chế các loại trường, lớp của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy chế ấy. Nghiên cứu đề xuất với Bộ Giáo dục để có thể điều chỉnh những điều cần thiết cho sát hợp với tình hình địa phương;
- Kiểm tra và chỉ đạo việc kiểm tra trường, lớp các loại, các cấp của địa phương về việc thực hiện các mặt công tác đã được quy định như về chuyên môn giảng dạy, về chủ trương chính sách, chế độ v.v… nhằm kịp thời động viên khen thưởng và uốn nắn những thiếu sót lệch lạc, giải quyết những khó khăn để giúp các trường hoàn thành tốt các mặt công tác. Đối với các trường, lớp chuyên nghiệp thuộc các ngành khác thì có quan hệ hợp tác tương trợ bằng cách giúp đỡ kinh nghiệm giảng dạy, tài liệu và cán bộ v.v…
- Tổ chức và chỉ đạo tổ chức và các kỳ thi hết cấp, chuyển cấp, tốt nghiệp và sơ kết, tổng kết các học kỳ, niên học để rút ra những kinh nghiệm, ưu khuyết điểm bổ sung cho những năm sau.
4. Giúp Ủy ban hành chính quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, giáo viên các loại, các cấp trong địa phương; nắm chắc tình hình tư tưởng, chính trị và trình độ nghiệp vụ của họ, trên cơ sở đó mà đề ra những chủ trương, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng, cất nhắc và xử lý đúng đắn, kịp thời, làm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn luôn trong sách về tư tưởng, vững vàng về chính trị và không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ.
5. Theo dõi, giúp Ủy ban hành chính quản lý chặt chẽ tổ chức bộ máy và biên chế của ngành giáo dục ở địa phương. Thường xuyên nghiên cứu cải tiến công tác, cải tiến tổ chức và cải tiến lề lối làm việc, cho tổ chức bộ máy được luôn luôn gọn, nhẹ, mạnh và có hiệu suất công tác cao.
6. Thường xuyên liên hệ, giúp đỡ các tổ chức bảo trợ học đường và kết hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để phục vụ tốt cho công tác giáo dục.
7. Ngoài ra, Sở, Ty Giáo dục còn có nhiệm vụ làm báo cáo, thống kê, sơ kết, tổng kết các chủ trương công tác và trên cơ sở phân cấp, mà quản lý ngân sách, tài sản thuộc ngành Giáo dục, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thu học phí và trả lương cho giáo viên dân lập: phụ trách công tác hành chính, quản trị, nhân sự của cơ quan và các trường trực thuộc.
b) Tổ chức bộ máy.
Để cải tiến tình hình tổ chức bộ máy công kềnh, có nhiều cấp trung gian không cần thiết hiện nay, để là cho nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện đầy đủ trong tổ chức và trong sinh hoạt của cơ quan, với phương châm làm cho tổ chức bộ máy được tinh giản, gọn, nhẹ (bớt phân tán, trung gian như đặt thêm cấp cấp phòng), có hiệu lực làm cho cấp trên, cấp dưới không bị tầng cách bức, giữa cán bộ lãnh đạo và bị lãnh đạo được sát nhau, như vậy, tổ chức của Sở, Ty Giáo dục có thể hình thành các tổ công tác sau đây:
1. Ty Giáo dục ở miền đồng bằng.
- Tổ kiểm tra chỉ đạo mẫu giáo vỡ lòng và cấp 1.
- Tổ kiểm tra chỉ đạo cấp 2, 3.
- Tổ tổ chức cán bộ và đào tạo bồi dưỡng.
- Tổ kế hoạch tổng hợp.
- Tổ hành chính quản trị.
2. Ty Giáo dục ở miền núi.
- Tổ kiểm tra chỉ đạo chuyên môn.
- Tổ tổ chức cán bộ và đào tạo bồi dưỡng.
- Tổ kế hoạch tổng hợp.
- Tổ hành chính quản trị.
3. Sở Giáo dục Hà-nội và Hải-phòng.
- Tổ kiểm tra chỉ đạo Mẫu giáo Vỡ lòng.
- Tổ kiểm tra chỉ đạo cấp 1, 2.
- Tổ kiểm tra chỉ đạo cấp 3.
- Tổ tổ chức cán bộ và đào tạo bồi dưỡng.
- Tổ kế hoạch tổng hợp.
- Tổ hành chính quản trị.
c) Lề lối làm việc.
Tổ công tác không phải là một cấp hành chính mà chỉ là một hình thức làm việc. Tổ hoạt động theo phương châm: đề cao ý thức trách nhiệm các nhân kết hợp với tinh thần hợp tác tương trợ, động viên nhau thi đua hoàn thành tốt chương trình công tác của cơ quan. Mỗi tổ công tác có một tổ trưởng do thủ trưởng cơ quan chỉ định. Tổ trưởng không có quyền quyết định công tác, ký các giấy tờ, chỉ có trách nhiệm:
- Triệu tập và điều khiển các cuộc sinh hoạt của tổ;
- Bàn bạc với anh em trong tổ về kế hoạch tiến hành công tác mà thủ trưởng giao cho các thành viên trong tổ;
- Tùy theo khả năng của mình, hướng dẫn giúp đỡ anh em trong tổ về nghiệp vụ chuyên môn;
- Tập hợp và báo cáo tình hình thi đua thực hiện chương trình công tác lên thủ trưởng cơ quan.
Thủ trưởng làm việc trực tiếp với cán bộ theo chương trình kế hoạch và nội quy công tác của cơ quan và theo sự phân công rành mạch cho từng cán bộ, nhân viên trong cơ quan. (Chương trình, kế hoạch công tác phải có chất lượng, có mức độ, có chỉ tiêu cụ thể, có trọng tâm và thời gian hoàn thành, việc phân công thì nên kết hợp phân công giữa chuyển đề và địa bàn hoạt động để đi sâu từng mặt đồng thời nắm được toàn diện).
II. TỔ CHỨC GIÁO DỤC CẤP KHU TỰ TRỊ VÀ CẤP TỈNH THUỘC KHU.
1. Trong khi chờ đợi Chính phủ xác định lại vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan giáo dục cấp khu và cấp tỉnh thuộc khu, thì vẫn thi hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định trước đây.
2. Về tổ chức bộ máy giáo dục ở cấp khu và cấp tỉnh thuộc khu, thì sẽ tiến hành như điểm “b” quy định tổ chức bộ máy của Sở, Ty Giáo dục, cụ thể:
- Ở cấp khu có thể hình thành các tổ công tác như sau:
Tổ nghiên cứu ngôn ngữ văn tự.
Tổ kiểm tra chỉ đạo chuyên môn.
Tổ tổ chức cán bộ và đào tạo bồi dưỡng.
Tổ kế hoạch tổng hợp.
Tổ hành chính quản trị.
- Ở cấp tỉnh thuộc khu thì hình thành các tổ công tác như quy định cho các Ty Giáo dục miền núi ở điểm “b".
3. Về lề lối làm việc thì giống như quy định ở điểm “c” của Sở, Ty Giáo dục.
III. TỔ CHỨC GIÁO DỤC CẤP HUYỆN.
a) Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức giáo dục huyện:
Tổ chức giáo dục huyện là bộ phận chuyên môn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính huyện và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Sở, Ty Giáo dục. Nó có nhiệm vụ:
1. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục phổ thông, Bổ túc văn hóa, Mẫu giáo, Vỡ lòng trên cơ sở được phân cấp quản lý.
2. Tổ chức huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên cấp 1, Bổ túc văn hóa, Mẫu giáo, Võ lòng trong những đợt tập trung ngắn hạn (dưới một tháng).
3. Trên cơ sở phân cấp, tiến hành quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên các cấp, các loại trong phạm vi huyện.
4. Làm báo cáo, thống kê, giải quyết công tác hàng ngày theo quy định của Ủy ban hành chính huyện và sự hướng dẫn của Sở, Ty Giáo dục.
Ngoài ra tổ chức giáo dục huyện còn có trách nhiệm theo dõi việc thu học phí và trả lương cho giáo viên dân lập trong huyện.
b) Tổ chức bộ máy.
Tổ chức bộ máy giáo dục huyện phải đơn giản, bỏ hình thức tổ chức phòng và lập bộ phận giáo dục huyện gồm một số cán bộ có năng lực bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ đã quy định trên. Bộ phận giáo dục huyện có một cán bộ chuyên môn giáo dục phụ trách do Ủy ban hành chính huyện chỉ định sau khi thống nhất ý kiến với Sở, Ty Giáo dục.
c) Lề lối làm việc.
- Bộ phận giáo dục huyện không phải là một cấp hành chính vì vậy không có con dấu riêng;
- Bộ phận giáo dục huyện làm việc có chương trình kế hoạch cụ thể, có phân công rành mạch. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là kiểm tra đôn đốc, cho nên có thể dành nhiều thời gian (khoảng 2/3 thì giờ) đi xuống cơ sở;
- Hàng tuần, hàng tháng, bộ phận giáo dục huyện phải có lịch công tác, lịch sinh hoạt, quy định thời gian gặp cán bộ, giáo viên và học sinh vào những buổi nhất định để khỏi bị động và nhỡ việc của đôi bên;
- Quan hệ giữa Sở, Ty và bộ phận giáo dục huyện: về báo cáo thống kê gửi Sở, Ty Giáo dục, nên hết sức đơn giản, mỗi học kỳ làm báo cáo thống kê hai lần (đầu học kỳ và cuối học kỳ). Ngoài báo cáo thống kê định kỳ, Sở, Ty Giáo dục có thể triệu tập cán bộ phụ trách giáo dục huyện để phản ảnh tình hình và truyền đạt các chủ trương công tác. Việc triệu tập hạn định mỗi tháng một lần từ một đến hai ngày. Các công văn chỉ thị về nghiệp vụ có liên quan đến các trường thì Sở, Ty Giáo dục có thể gửi trực tiếp cho trường, đồng gửi cho huyện để huyện có cơ sở kiểm tra tình hình thực hiện.
a) Vị trí, nhiệm vụ của tổ chức giáo dục cấp xã.
Tổ chức giáo dục cấp xã là bộ phận chuyên môn, giúp Ủy ban hành chính xã thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch về công tác giáo dục của cấp trên trong phạm vi xã.
Nhiệm vụ cụ thể của nó là:
1. Theo dõi sự thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, kế hoạch công tác giáo dục.
2. Xây dựng chỉ tiêu phát triển giáo dục trong phạm vi xã theo sự hướng dẫn của cấp trên.
3. Liên hệ và giúp đỡ các tổ chức bảo trợ học đường làm tròn nhiệm vụ.
4. Theo dõi, giúp đỡ việc bảo quản, gìn giữ và xây dựng các trường sở phục vụ cho con em ở trong xã. Đối với các trường lớp do huyện, tỉnh hoặc Bộ Giáo dục quản lý mà đóng ở xã thì tổ chức giáo dục xã có trách nhiệm giúp đỡ bảo vệ trường sở.
b) Tổ chức bộ máy.
Tổ chức giáo dục xã là Ban Giáo dục gồm có:
- Một ủy viên Ủy ban hành chính xã làm trưởng ban;
- Một hay hai phó ban sẽ cử trong số cán bộ phụ trách Bổ túc văn hóa xã, Hiệu trưởng cấp 1, 2;
- Một số ban viên khác sẽ cử trong giáo viên Mẫu giáo, Vỡ lòng, cán bộ Bổ túc văn hóa của các hợp tác xã. Ngoài ra có thể cử thêm đại biểu của giới thanh niên, phụ nữ vào trong Ban.
c) Lề lối làm việc.
Ban Giáo dục xã không có biên chế riêng, Ban hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Do đó việc phân công như sau:
- Trưởng ban phụ trách chung;
- Một phó ban phụ trách công tác phổ thông;
- Một phó ban phụ trách Bổ túc văn hóa;
- Một ủy viên phụ trách công tác Mẫu giáo;
- Một ủy viên phụ trách công tác Vỡ lòng;
- Một ủy viên phụ trách liên hệ với các ban bảo trợ học đường;
- Một ủy viên phụ trách theo dõi trường sở;
- Một số ủy viên khác thì tùy theo khối lượng công tác còn lại mà phân công cho thích hợp.
Ban giáo dục xã làm việc có chương trình, kế hoạch cụ thể. Hàng tháng sinh hoạt từ một đến hai lần để kiểm điểm tình hình, đề ra biện pháp giải quyết và báo cáo lên trên.
Trường học là cơ sở của ngành Giáo dục, nó có trọng trách trong việc giảng dạy và giáo dục thế hệ trẻ trở thành “những người lao động làm chủ nước nhà, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có văn hóa và kỹ thuật, có sức khỏe, những người phát triển toàn diện để xây dựng xã hội mới”.
Với vị trí quan trọng như vậy, cho nên vấn đề củng cố nhà trường về mọi mặt có một ý nghĩa to lớn và cấp thiết. Một yêu cầu chủ yếu trong việc củng cố nhà trường xã hội chủ nghĩa là kiện toàn cấp lãnh đạo trường, gồm những người vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, đủ năng lực và uy tính đảm nhận những nhiệm vụ nặng nề trên.
Mặt khác các tổ chức trong nhà trường cũng phải được kiện toàn theo phương châm; gọn, nhẹ, mạnh. Đi đôi với việc cải tiến tổ chức cần coi trọng cải tiến lề lối làm việc nhằm hướng mọi hoạt động của nhà trường đi vào nề nếp, bỏ những sinh hoạt, hội họp không cần thiết để dành nhiều thì giờ đi sâu nghiên cứu giảng dạy, phục vụ tốt cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
B. KIỆN TOÀN CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, GIẢM NHẸ BIÊN CHẾ
Để bảo đảm tốt những nhiệ vụ quy định trên đây cho các cấp giáo dục, một vấn đề cấp thiết được đặ ra là phải kiện toàn cán bộ lãnh đạo, vì hiện nay cán bộ lãnh đạo các cấp giáo dục, nói chung, còn yếu và thiếu, cho nên Ủy ban hành chính các cấp cần quan tâm để bổ sung đầy đủ cán bộ về số lượng và chất lượng. Mặt khác trong phạm vi khả năng cán bộ của ngành giáo dục ở địa phương, Ủy ban hành chính các cấp cần sắp xếp bố trí hợp lý lực lượng cán bộ trong các cơ quan chỉ đạo giáo dục theo hướng tổ chức mới.
Về biên chế thì trên cơ sở cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu suất công tác, của cán bộ nhân viên mà tiến hành giảm nhẹ biên chế trong cơ quan, đơn vị. Đó là một trong những yêu cầu tất yếu của công tác cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy. Trong khi chờ đợi Nhà nước nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn biên chế cho các cơ quan ở địa phương, Ủy ban hành chính các cấp căn cứ vào khối lượng công tác, tình hình đặc điểm của từng nơi, với tổng số biên chế của Nhà nước quy định cho địa phương mà phân phối thỏa đáng cho các cơ quan giáo dục các cấp.
Trên đây là một số điểm chính về nhiệm vụ, quyền hạn và phương hướng tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của các cơ quan giáo dục địa phương, nhằm đảm bảo yêu cầu thống nhất tổ chức chung toàn ngành giáo dục.
Liên Bộ yêu cầu Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố nghiên cứu để lãnh đạo thực hiện cho phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm gì chưa rõ, đề nghị cho liên Bộ biết để góp thêm ý kiến.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |