Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70/TTLB

Hà Nội , ngày 28 tháng 9 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - Y TẾ SỐ 70/TTLB NGÀY 28/9/1995 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM TRONG THÔNG TƯ SỐ 25/TTLB NGÀY 21/11/1991 CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - Y TẾ HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH DỰ ÁN 3844 (PAM) DO TỔ CHỨC LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI VIỆN TRỢ

Căn cứ văn bản số 7231/QHQT ngày 26/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế ký kết với PAM về kế hoạch hành động thực hiện dự án 3844/I (mở rộng), công văn số 7388/QHQT ngày 31/12/1994 của Văn phòng chính phủ về việc lập Ban chủ nhiệm dự án PAM 3844/I và cơ chế bán bột mì và kế hoạch hành động thoả thuận giữa CHXHCNVN và chương trình lương thực thế giới về "hỗ trợ cho chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu", Liên Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn chế độ quản lý tài chính dự án 3844 (PAM) do tổ chức lương thực thế giới viện trợ; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm trong thông tư số 25/TTLB cho phù hợp với tình hình hiện nay như sau:

1/ Sửa đổi, bổ sung điểm 1 mục I phần B:

Khi có giấy báo hàng về, Ban quản trị Trung ương của dự án (BQTTW) đến Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế thuộc Bộ Tài chính để làm thủ tục xác nhận là hàng hoá viện trợ, làm thủ tục nhận hàng và thực hiện thanh toán qua Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính thực hiện thanh toán qua Ngân sách Nhà nước trị giá ngoại tệ của hàng hoá quy đổi ra đồng Việt nam theo tỷ giá mua do Ngân hàng Ngoại thương công bố tại thời điểm xác nhận (quy định tại thông tư số 22 TC/VT ngày 20/3/1995 của Bộ Tài chính). Riêng hàng hoá là bột mì Bộ Tài chính thực hiện thanh toán qua ngân sách Nhà nước theo giá đấu thầu thực tế của từng chuyến hàng (quy định tại điểm 2 mục I phần B dưới đây).

2/ Sửa đổi điểm 2 mục I phần B:

Với hàng hoá là bột mì: BQTTW tổ chức tiếp nhận bán theo phương thức đấu thầu, đấu giá công khai. Khoản chênh lệch giá bột mì cao hơn so với gạo. BQTTW và Ban chủ nhiệm dự án lập kế hoạch điều hoà, phân phối cho các địa phương để bổ sung cho dự án sau khi có sự tham gia của Bộ Tài chính (Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

3/ Sửa đổi, bổ sung điểm 3-b mục II phần B:

Chi đào tạo, chi hội nghị và chi công tác kiểm tra, đánh giá dự án được quản lý theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính, có xét đến đặc điểm của công tác quản lý viện trợ và các điều đã cam kết với tổ chức PAM. Trong trường hợp cụ thể phải chi vượt quá mức quy định thì phải báo cáo liên bộ quyết định.

4/ Ban quản trị dự án các cấp được tổ chức bộ phận kế toán chuyên trách để ghi chép, phản ánh kịp thời, đầy đủ tình hình thu, chi của dự án và thực hiện báo cáo quyết toán, báo cáo kết thúc dự án theo quy định tại Thông tư số 22 TC/vt ngày 20/3/1995 của Bộ Tài chính.

Các quy định tại thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Những điểm còn lại của thông tư Liên Bộ số 25/TTLB ngày 21/11/1991 không được sửa đổi, bổ sung tại thông tư này vẫn còn hiệu lực. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì, các đơn vị, địa phương phải phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)