Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC DU LỊCH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88-TTLB

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1995

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG CỤC DU LỊCH SỐ 88-TTLB NGÀY 27/11/1995 HƯỚNG DẪN VIỆC THU VÀ SỬ DỤNG PHÍ PHỤC VỤ TRONG NGÀNH DU LỊCH

Phí phục vụ trong ngành Du lịch là khoản tiền thưởng của khách cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn do chất lượng phục vụ tốt, đồng thời là biểu hiện thiện cảm của người được phục vụ về thái độ phục vụ của các nhân viên phục vụ.

Nhà nước đã có các văn bản hướng dẫn sử dụng khoản tiền này trong ngành Du lịch (Công văn số 2815-V7 ngày 2-7-1980. Quyết định số 342-CT ngày 9-12-1987 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (này là Thủ tướng Chính phủ), Quyết định số 4-CT ngày 3-1-1990 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và Thông tư số 6-TC/TCĐN ngày 25-2-1990 của Bộ Tài chính. Từ năm 1991 đến nay, do thực hiện các Luật thuế doanh thu, lợi tức... toàn bộ khoản thu về phí phục vụ phải đưa và doanh thu để tính thuế doanh thu, tuy vậy việc thu và sử dụng khoản phụ phí phục vụ còn tuỳ tiện, một số cơ sở thu chưa đúng, hạch toán chưa rõ ràng, sử dụng chưa hợp lý.

Nhằm đảm bảo việc thu, sử dụng phí phục vụ trong ngành Du lịch thực sự trở thành đòn bẩy kinh tế, khuyến khích cán bộ, công nhân viên nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Ngân sách Nhà nước. Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Du lịch hướng dẫn việc thu và sử dụng khoản phí phục vụ như sau:

I- ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI VÀ MỨC THU PHÍ PHỤC VỤ

1- Điều kiện và phạm vị:

a) Điều kiện: Những đơn vị thuộc ngành Du lịch kinh doanh các loại nghiệp vụ: lữ hành, vận chuyển khách, khách sạn, vui chơi giải trí... nếu có đủ các điều kiện sau thì được thu và sử dụng phí phục vụ:

- Có chất lượng phục vụ tốt, được khách hàng hài lòng và tự nguyện trả thưởng thêm ngoài giá dịch vụ.

- Thực hiện niêm yết giá công khai.

- Hạch toán rõ ràng khoản tiền thưởng thêm của khách hàng.

b) Phạm vi: Các đơn vị kinh doanh thuộc ngành Du lịch được phép thu kinh phí phục vụ trên giá các dịch vụ sau:

- Cho thuê buồng ngủ;

- Phục vụ ăn, uống;

- Cho thuê phương tiện vận chuyển có người phục vụ;

- Các dịch vụ: giặt là, may đo, cắt uốn tóc, thẩm mỹ...;

- Tắm hơi;

- Lữ hành, hướng dẫn du lịch, hướng dẫn tổ chức vui chơi giải trí;

- Các dịch vụ khác.

2- Mức thu khoản phí phục vụ:

Các đơn vị kinh doanh du lịch nếu đủ điều kiện ở điểm 1 (a) được phép thu không quá 5% trên giá bán các dịch vụ thuộc phạm vi quy định tại điểm 1 (b)

II. NỘI DUNG SỬ DỤNG PHÍ PHỤC VỤ

Phí phục vụ là khoản tiền trả thêm ngoài giá dịch vụ đã quy định nhưng được cộng vào tổng số tiền dịch vụ mà khách hàng thực trả. Đơn vị phải hạch toán riêng khoản tiền phí phục vụ, giá dịch vụ, hàng hoá ngay trên từng hoá đơn dịch vụ và kê khai nộp thuế doanh thu theo thuế suất của ngành nghề kinh doanh.

Khoản phí dịch vụ thu được sau khi nộp thuế doanh thu theo Luật định được phân phối như sau:

Được trích để chi thưởng cho các cá nhân, tập thể có chất lượng phục vụ tốt, chi tham quan học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và chi cải thiện điều kiện lao động nhưng không quá 50% quỹ lương thực hiện. Khoản chi này được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định lợi tức chịu thuế và không tính vào mức khống chế các quỹ xí nghiệp theo chế độ phân phối lợi nhuận hàng năm.

Số tiền còn lại sau khi nộp thuế doanh thu và trích thưởng nói trên, được hạch toán vào thu nhập của đơn vị để xác định lợi tức chịu thuế và nộp thuế lợi tức theo quy định. Riêng đối với đơn vị kinh doanh thua lỗ thì không được trích chi cho các khoản quy định trên mà phải hạch toán chung vào thu nhập để giảm lỗ.

III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Các đơn vị kinh doanh du lịch cần tổ chức chỉ đạo quản lý chắt chẽ khoản thu này, tổ chức thu đúng tỷ lệ, đúng phạm vi đã được quy định và tổ chức phân chia hợp lý trong nội bộ đơn vị theo chế độ này. Các đơn vị cần tổ chức lại việc ghi chép hoá đơn thanh toán với khách, phí phục vụ phải ghi thành một mục riêng, tiện cho việc theo dõi và quản lý. Các đơn vị có trách nhiệm giáo dục cán bộ nhân viên không được nhận tiền thưởng riêng dưới mọi hình thức.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh những quy định cụ thể của liên Bộ, không được hình thành các quỹ khác để ăn chia dưới mọi hình thức. Cơ quan Thuế có trách nhiệm phát hành hoá đơn cho các đơn vị phù hợp với yêu cầu của Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1995. Các văn bản trước đây trái với những quy định này đều không có hiệu lực thi hành.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Vũ Mộng Giao

(Đã ký)