Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM-BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92/TTLB

Hà Nội , ngày 10 tháng 11 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH, BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM, TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT SỐ 92-TT/LB NGÀY 10 -11 -1993 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/CP NGÀY 25/10/1993 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC PHÂN HẠNG ĐẤT TÍNH THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Căn cứ Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp; căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp; Liên bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tài chính và Tổng cục quản lý ruộng đất hướng dẫn như sau:

I. XÁC ĐỊNH TIÊU CHUẨN CÁC YẾU TỐ CỦA TỪNG HẠNG ĐẤT TÍNH THUẾ

1. Yếu tố chất đất: Chất đất là độ phì của đất (loại đất, độ dày canh tác hoặc độ dày tầng đất, hàm lượng mùn...) thích hợp với từng loại cây trồng; đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản còn bao gồm độ muối và nguồn dinh dưỡng của nước. Yếu tố chất đất của các cây trồng chính cụ thể như sau:

a. Đối với đất trồng lúa:

- Đất có độ phì cao (10 điểm) gồm đất phù sa thuộc hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Cửu Long, hệ thống sông Thái Bình, hạ lưu sông Thu Bồn, hạ lưu sông Ba

- Đất có độ phì trung bình (7 điểm) gồm đất phù sa của các sông khác; đất phèn ít và trung bình, đất mặn ít và trung bình của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

- Đất có độ phì thấp (5 điểm) gồm đất phù sa bị úng nước, đất xám, đất dốc tụ, đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước, đất phèn ít và phèn trung bình, đất mặn ít và mặn trung bình không thuộc đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

- Đất có độ phì quá thấp (2 điểm) gồm đất phèn nhiều, đất mặn nhiều, đất trũng lầy, đất cát biển, đất bạc màu... các loại đất này phải cải tạo mới sản xuất được.

b. Đối với đất có mặt nước mặn lợ nuôi trồng thuỷ sản:

- Đất có độ phì cao (10 điểm) gồm đất phù sa, đất cát bùn giàu nguồn dinh dưỡng.

- Đất có độ phì trung bình (7 điểm) là đất phèn ít, có hàm lượng dinh dưỡng thấp.

- Đất có độ phì thấp (5 điểm) là đất có độ phèn trung bình phải cải tạo mới nuôi trồng được.

- Đất có độ phì quá thấp (2 điểm) gồm đất phèn nhiều, đất lầy, đất cát rất nghèo dinh dưỡng phải cải tạo lâu mới nuôi trồng được.

c. Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm và đất trồng cây ăn quả lâu năm:

- Đất có độ phì cao (10 điểm) là các loại đất phù hợp với từng loại cây trồng ở từng địa phương, có tầng dày trên 100 cm, có hàm lượng mùn trên 2,5%.

- Đất có độ phì trung bình (8 điểm) là các loại đất tương đối phù hợp với từng loại cây trồng ở từng địa phương, có tầng dầy từ 70 cm đến 100cm, có hàm lượng mùn từ 1% đến 2,5%.

- Đất có độ phì quá thấp (6 điểm) là đất có tầng dầy dưới 70cm có lẫn cát, đá sỏi nhiều, có hàm lượng mùn dưới 1%, muốn trồng cây lâu năm phải đầu tư cải tạo nhiều mới sản xuất được.

2. Yếu tố vị trí:

a. Đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cỏ, đất rừng trồng: Yếu tố vị trí được xác định từ nơi sản xuất tới nơi cư trú của hộ sử dụng đất. Nơi cư trú của hộ sử dụng đất được xác định là trung tâm của thôn (xóm), ấp, bản nơi có đất, có thang điểm: 7, 5, 3, 1.

b. Đối với đất trồng cây lâu năm (trừ đất rừng trồng) và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: Yếu tố vị trí được xác định từ trung tâm thôn (xóm), ấp, bản nơi có đất tới thị xã, thành phố gần nhất. Riêng đối với các doanh nghiệp được tính từ trụ sở doanh nghiệp tới xã, thành phố gần nhất, có thang điểm: 6, 4, 2 đối với đất trồng cây lâu năm và thang điểm: 7, 5, 3, 1 đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

3. Yếu tố địa hình: theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 và chi tiết tại bảng tiêu chuẩn từng yếu tố để phân hạng đất tính thuế của các cây trồng chính ban hành kèm theo.

Đối với đất trồng cây hàng năm và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có thang điểm: 8, 6, 4, 2.

Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm có thang điểm: 8, 6, 4.

4. Yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết: bao gồm các điều kiện nhiệt độ trung bình hàng năm; lượng mưa trung bình hàng năm; lượng gió, bão, lũ trong năm; số tháng khô hạn, số tháng nóng (gió Lào); lượng sương muối. Những yếu tố này được đánh giá ở hai mức độ hạn chế hoặc không hạn chế đến việc sinh trưởng của cây trồng. Mỗi yếu tố được đánh giá là hạn chế nếu yếu tố ấy diễn ra thường xuyên lặp đi lặp lại hàng năm làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây trồng. Những yếu tố này được tổng hợp đánh giá tiêu chuẩn theo từng loại cây trồng trên đất như sau:

a. Đối với đất trồng lúa:

- Thuận lợi cho việc trồng lúa, không có hạn chế gì (10 điểm) tức là không có yếu tố nào xấu nhất.

- Tương đối thuận lợi cho việc trồng lúa trong đó có 1 điều kiện hạn chế (7 điểm), điều kiện đó xấu nhất như nói ở trên.

- Tương đối thuận lợi cho việc trồng lúa trong đó có 2 điều kiện xấu nhất (5 điểm).

- Không thuận lợi cho việc trồng lúa có ít nhất 4 điều kiện hạn chế (2 điểm) như bão, lũ, sương muối, gió Lào.

b. Đối với đất có mặt nước mặn lợ nuôi trồng thuỷ sản được xác định tương tự như đất trồng lúa.

c. Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm, đất rừng trồng được phân chia làm 3 mức phù hợp với từng loại cây trồng: thuận lợi (10 điểm), tương đối thuận lợi (8 điểm) và ít thuận lợi (6 điểm).

5. Yếu tố điều kiện tưới tiêu (chế độ nước) bao gồm cả phần nhà nước đầu tư và tưới tiêu tự nhiên.

a. Đối với đất trồng lúa và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản được chia làm 4 mức theo bảng tiêu chuẩn của từng yếu tố để phân hạng đất tính thuế kèm theo Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ. Bốn mức tương ứng thang điểm: 10, 7, 5, 2.

b. Đối với đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả lâu năm được chia làm 3 mức: thuận lợi (10 điểm), tương đối thuận lợi (8 điểm), ít thuận lợi (6 điểm) phù hợp với từng loại cây trồng ở từng địa phương.

II. PHÂN HẠNG ĐẤT TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG CHÍNH

1. Đối với đất trồng cây hàng năm: thực hiện phân hạng đất trồng lúa trước; trên cơ sở đó phân hạng đất trồng các loại cây khác.

Khi phân hạng đất đối với đất trồng lúa phải dựa vào tiêu chuẩn hạng đất của 5 yếu tố là chủ yếu và kết hợp với việc tham khảo năng suất bình quân đạt được trong điều kiện canh tác bình thường của 5 năm (1986 - 1990). Năng suất đạt được là yếu tố kiểm tra lại việc phân hạng đất theo 5 yếu tố như sau:

- Ruộng đất được xếp vào cùng một hạng đất tính thuế phải có cùng tiêu chuẩn của 5 yếu tố; trường hợp cùng đạt tiêu chuẩn hạng đất của 5 yếu tố, nhưng năng suất đạt được khác nhau, thì vẫn cùng một hạng đất tính thuế.

- Ruộng đất cùng đạt được năng suất như nhau nhưng khác nhau về tiêu chuẩn hạng đất theo 5 yếu tố, thì ruộng có thang điểm của 5 yếu tố đạt cao sẽ xếp vào hạng đất tính thuế cao, ruộng có thang điểm của 5 yếu tố đạt thấp sẽ xếp vào hạng tính thuế thấp.

Năng suất dùng để tham khảo, kiểm tra việc phân hạng đất tính thuế là năng suất đạt được trong điều kiện thời tiết bình thường với trình độ canh tác và thâm canh trung bình ở địa phương.

Khi phân hạng đất đối với đất trồng các loại cây hàng năm, phải dựa trên tiêu chuẩn hạng đất của 5 yếu tố và kết quả phân hạng đất lúa, so sánh 5 yếu tố của hạng đất trồng lúa ở nơi liền cạnh hoặc gần nhất với 5 yếu tố của đất trồng cây hàng năm khác.

2. Đối với đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản:

Đất có mặt nước vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa trồng cây hàng năm, thì thực hiện phân hạng đất tính thuế như đất trồng cây hàng năm.

Ao, hồ, đầm dùng vào nuôi trồng thuỷ sản, thực hiện phân hạng đất theo trồng cây hàng năm liền cạnh hoặc nơi gần nhất.

Đất có mặt nước mặn lợ chuyên dùng vào nuôi trồng thuỷ sản phải căn cứ vào chất đất, chất nước, vị trí, khí hậu thời tiết, địa hình và điều kiện cấp thoát nước là chủ yếu và kết hợp với việc tham khảo năng suất bình quân đạt được trong điều kiện canh tác bình thường của 5 năm (1986 - 1990) hoặc của các năm gần nhất.

3. Đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi phân hạng đất theo đất trồng cây hàng năm.

4. Đối với đất trồng cây lâu năm (trừ đất trồng cây lấy gỗ và các loại cây lâu năm khác thu hoạch một lần) việc phân hạng đất thực hiện như sau:

- Đất trồng cây lâu năm ở những nơi trồng chuyên canh hoặc trồng phổ biến hoặc đất vườn nằm trong đất khu dân cư, thì dựa vào tiêu chuẩn của 5 yếu tố xác định hạng đất tính thuế cho đất trồng các loại cây lâu năm: cao su, chè, cây ăn quả (cam quýt), dừa và điều (đào lộn hột).

- Đất trồng cây lâu năm nằm xen kẽ đất trồng hàng năm thì phân hạng đất như trồng cây hàng năm liền cạnh.

- Đất vườn hoặc đất trồng nhiều cây lâu năm khác nhau, thì phân hạng đất như đất chuyên trồng cây lâu năm liền cạnh; trường hợp không có các loại đất chuyên trồng cây lâu năm liền cạnh, thì phần hạng đất như đất trồng cây hàng năm liền cạnh.

Đất trồng cây lấy gỗ và các loại cây lâu năm thu hoạch một lần gồm: gỗ, tre, nứa, mai, vầu, bương... và các loại cây khác mà thân cây không còn hoặc không còn khả năng cho sản phẩm sau lần thu hoạch đầu tiên.

Đất trồng các loại cây này không phân hạng, mà thu thuế theo sản lượng khai thác theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ.

III. TRÌNH TỰ PHÂN HẠNG ĐẤT TÍNH THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

1. ở cấp tỉnh:

Căn cứ vào Điều 1 Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ; căn cứ vào tiêu chuẩn từng yếu tố để phân hạng đất tính thuế của các cây trồng chính và hướng dẫn của Liên bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tài chính và Quản lý ruộng đất; Cục thuế phối hợp với cơ quan nông nghiệp và quản lý ruộng đất tỉnh thực hiện:

- Dự kiến cơ cấu hạng đất của đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, mặt nước mặn lợ nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với mức độ các yếu tố phân hạng đất và năng suất cây trồng của từng huyện, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho các huyện trong quý I năm 1994;

- Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định các căn cứ mức điểm tối đa, tối thiểu của từng yếu tố theo từng loại cây trồng chủ yếu, của từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để xây dựng hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các xã.

2. ở cấp huyện:

Căn cứ vào tiêu chuẩn hạng đất và hướng dẫn tại Thông tư này; căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh; căn cứ vào dự kiến cơ cấu hạng đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao, Chi cục thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế (các ngành liên quan) trình Uỷ ban nhân dân huyện dự kiến cơ cấu hạng đất của từng xã, phường, thị trấn, số thuế ghi thu trên cơ sở đó chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phân hạng đất tính thuế.

3. ở cấp xã:

Căn cứ vào Điều 1 của Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ; căn cứ vào hướng dẫn của tỉnh và huyện. Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, đội thuế xã cùng Hội đồng tư vấn thuế xã giúp Uỷ ban nhân dân xã phân hạng đất tính thuế đến từng thửa ruộng của từng hộ sử dụng đất.

Phân hạng đất các loại cây trồng chính trước theo địa bàn thôn, ấp, bản; trên cơ sở đó phân hạng đất đối với đất trồng các loại cây khác. Việc phân hạng đất phải được thực hiện theo từng cánh đồng theo thực tế đất đai, số vụ sản xuất và tham khảo năng suất đạt được trong điều kiện canh tác trung bình và trình độ tham canh trung bình ở địa phương được quy định chi tiết tại Nghị định số 73/CP ngày 25 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ. Chú ý xác định các yếu tố địa hình, vị trí và năng suất theo từng loại cây trồng của từng vùng ruộng đất.

Cơ quan thuế cùng cán bộ ruộng đất, nông nghiệp dự kiến phân hạng đất tính thuế của xã, đưa ra thảo luận xem xét trong hội đồng tư vấn; trên cơ sở đó cơ quan thuế giúp Uỷ ban nhân dân xã tổng hợp kết quả phân hạng đất.

Kết quả phân hạng đất trước khi báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện phải niêm yết cho nhân dân biết để tham gia trong thời gian 20 ngày.

IV. XÉT DUYỆT PHÂN HẠNG ĐẤT TÍNH THUẾ

1. Chi cục thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế huyện (các ngành liên quan) giúp Uỷ ban nhân dân huyện kiểm tra, xét duyệt hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp của các xã và các đơn vị do Chi cục thuế huyện trực tiếp lập sổ thuế. Cá biệt, chưa có sự nhất trí giữa Hội đồng tư vấn thuế huyện với các xã thì Uỷ nhân dân huyện chỉ đạo các xã làm lại. Chi cục thuế giúp Uỷ ban nhân dân huyện tổng hợp, báo cáo Cục thuế và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Cục thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế tỉnh (các ngành liên quan) giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp, xét duyệt hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp của huyện và các đơn vị do Cục thuế trực tiếp lập sổ thuế để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt, báo cáo với Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) trình Chính phủ.

3. Bộ Tài chính cùng với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Tổng cục quản lý ruộng đất kiểm tra việc tổng hợp, xét duyệt phân hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố; chuẩn bị các tài liệu cần thiết để Bộ Tài chính trình Chính phủ phê chuẩn hạng đất tính thuế cho các địa phương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các ngành: thuế, nông nghiệp, quản lý ruộng đất và Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện công tác phân hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 1993. Những quy định về phân hạng đất tính thuế nông nghiệp trước đây chỉ có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1993.

Chu Văn Thỉnh

(Đã ký)

Ngô Thế Dân

(Đã ký)

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)