TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO- | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN | Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2004 |
Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ vào Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân;
Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh) và Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Hội thẩm tòa án nhân dân cấp huyện) như sau:
I. VỀ CƠ CẤU, SỐ LƯỢNG HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN
1. Về cơ cấu
Theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính. Do đó, cơ cấu Hội thẩm Tòa án nhân dân cần phải hợp lý, phù hợp với yêu cầu xét xử các loại án nói trên và tình hình đặc điểm xã hội của từng địa phương. Vì vậy, về cơ cấu Hội thẩm Tòa án nhân dân cần chú ý lựa chọn những người thuộc các tổ chức xã hội, các đoàn thể ở địa phương như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ngành giáo dục; các nhà doanh nghiệp; kinh tế, tôn giáo…
2. Về số lượng
Số lượng Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện dự kiến đưa ra bầu thực hiện như sau:
- Đối với Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh: cứ 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì có 3 Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số Hội thẩm của một Tòa án nhân dân tỉnh không dưới 20 người và không nhiều hơn 100 người.
- Đối với Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện: cứ 1 Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện thì có 2 Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện, nhưng tổng số Hội thẩm của một Tòa án nhân dân cấp huỵên không dưới 15 người và không nhiều hơn 50 người.
II. VỀ TIÊU CHUẨN HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN
Khi xem xét lựa chọn giới thiệu nhân sự để bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân, phải căn cứ vào tiêu chuẩn hội thẩm Tòa án nhân dân được quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Cụ thể là:
1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải là:
a) Không có bất kỳ hành vi nào gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nền quốc phòng toàn dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp và pháp luật, các chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt cộng đồng;
c) Kiên quyết đấu tranh chống lại những người, những hành vi có hại đến Đảng, đến Tổ quốc và nhân dân;
d) Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền;
đ) Có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bảo vệ công lý;
e) Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I Quy định số 75-QĐ/TW ngày 25-4-2000 của Bộ Chính trị;
g) Chưa bao giờ bị kết án (kể cả trường hợp đã được xóa án tích).
2. "Có kiến thức pháp lý" là phải có trình độ hiểu biết pháp luật ở mức độ nhất định.
Đối với những người hiện đang công tác tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Điều tra, Thi hành án và những người làm việc tại các tổ chức luật sư, tư vấn pháp lý thì không giới thiệu để bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.
3. "Có sức khoẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao" là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, ngoài thể lực cần thiết, còn bao gồm yếu tố ngoại hình đó là không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của người Hội thẩm Tòa án nhân dân. Tuổi của Hội thẩm Tòa án nhân dân từ 70 tuổi trở xuống đối với nam và từ 65 tuổi trở xuống đối với nữ.
III. VỀ VIỆC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ VÀ GIỚI THIỆU BẦU HỘI THẨM
1. Theo quy định tại Điều 32 và Điều 38 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì việc chuẩn bị nhân sự, hồ sơ nhân sự để đưa ra giới thiệu để bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
2. Việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân tiến hành theo các bước sau đây:
Bước một: Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện căn cứ vào nhu cầu xét xử của đơn vị mình thống nhất với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp về cơ cấu, thành phần, số lượng dự kiến đưa ra bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân trong nhiệm kỳ tới.
Bước hai: Căn cứ vào kết quả thống nhất ở bước một, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì và phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét lại đội ngũ Hội thẩm Tòa án nhân dân đương nhiệm, những trường hợp vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đủ điều kiện thì đưa vào danh sách giới thiệu bầu. Nếu còn thiếu thành phần nào thì Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam hiệp thương với các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến giới thiệu người bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.
Bước ba: Sau khi thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam lập danh sách và hồ sơ nhân sự được giới thiệu để bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân và có văn bản giới thiệu ra Hội đồng nhân dân cùng cấp để bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân.
Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để bảo đảm việc bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân được tiến hành theo đúng pháp luật và đạt kết quả tốt.
3. Hồ sơ nhân sự được giới thiệu để bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân gồm:
- Đơn ứng cử làm Hội thẩm Tòa án nhân dân;
- Sơ yếu lý lịch (có dán ảnh 3 x 4);
- Công văn giới thiệu của cơ quan, tổ chức của người được giới thiệu bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân; trường hợp được giới thiệu bầu lại thì người được giới thiệu bầu lại có báo cáo kết quả công tác xét xử trong nhiệm kỳ vừa qua;
- Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền.
1. Sau khi có kết quả bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc địa phương mình. Trong báo cáo gửi kèm theo Nghị quyết bầu Hội thẩm và danh sách trích ngang, ghi theo mẫu gửi kèm Thông tư này về Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Tổ chức – Cán bộ) để tổng hợp.
2. Để đảm bảo việc tham gia xét xử được tốt, ngay sau khi có kết quả bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân khoá mới, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật.
V. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA THÔNG TƯ
1. Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam để trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Đỗ Duy Thường (Đã ký) | Trần Văn Tú (Đã ký) |
- 1 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân năm 2002
- 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002
- 3 Luật tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi 1995
- 4 Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi 1993
- 5 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 1992
- 6 Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi 1988
- 7 Luật tổ chức Toà án nhân dân 1981
- 8 Luật tổ chức Toà án nhân dân 1960
- 1 Sắc lệnh số 151/SL về việc đặt thể lệ chỉ định các hội thẩm nhân dân và định thành phần toà Phúc thẩm trong trường hợp đặc biệt do Chủ tịch Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà ban hành
- 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân 1960
- 3 Luật tổ chức Toà án nhân dân 1981
- 4 Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi 1988
- 5 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 1992
- 6 Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi 1993
- 7 Luật tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi 1995
- 8 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002