TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/TTLN | Hà Nội , ngày 07 tháng 1 năm 1995 |
Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 186, Điều 188 Bộ luật Hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm như sau:
I - VỀ ĐIỀU 186 BỘ LUẬT HÌNH SỰ:
1. Người Điều khiển phương tiện giao thông vận tải là người có quan hệ trực tiếp đến việc bảo đảm an toàn cho quá trình vận chuyển và sự hoạt động của các loại phương tiện giao thông vận tải, như: người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông vận tải cơ giới hoặc thô sơ, người trực tiếp điều khiển hệ thống tín hiệu giao thông ở sân bay, nhà ga, đường sắt, bến cảng, cầu, phà v.v...
2. "Các quy định khác về an toàn giao thông" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 186 Bộ luật Hình sự cần được hiểu là các quy định có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm an toàn trong giao thông vận tải (như chở hàng hoá cồng kềnh; không chằng buộc hàng hoá đúng quy định; quay xe, rẽ trái, rẽ phải không đúng quy định, giao tay lái cho người không có bằng lái...)
3. Người điều khiển phương tiện giao thông vận tải vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không, thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c khoản 1 Điều 186 Bộ luật Hình sự; phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 186 Bộ luật Hình sự, nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản như sau:
a) Làm chết một hoặc hai người;
b) Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của một đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các nạn nhân từ 41% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ 5 tấn gạo đến 15 tấn gạo;
đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các nạn nhân từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ 5 tấn gạo đến 15 tấn gạo;
e) Gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương từ trên 15 tấn gạo đến 45 tấn gạo.
4. Trong trường hợp gây thiệt hại dưới mức đã hướng dẫn trên đây nhưng người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc đã bị kết án phạt tù về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải mà chưa được xoá án hoặc đồng thời còn phạm thêm tội chống người thi hành công vụ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 186 Bộ luật Hình sự.
5. Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 186 Bộ luật Hình sự mà còn có những vi phạm thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 186 Bộ luật Hình sự, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 186 Bộ luật Hình sự.
6. Tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm a khoản 2 Điều 186 Bộ luật Hình sự: "Điều khiển phương tiện giao thông vận tải mà không có bằng lái" là người phạm tội điều khiển phương tiện giao thông vận tải trong các trường hợp:
a) Không có bằng lái do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại phương tiện đó;
b) Đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi bằng lái;
c) Điều khiển phương tiện giao thông vận tải trong thời hạn bị cơ quan có thẩm quyền cấm điều khiển.
7. "Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" là thiệt hại đã gây ra thuộc một trong những mức sau đây:
a) Làm chết từ 3 người trở lên;
b) Làm chết 2 người và còn gây ra hậu quả thuộc một trong các mức như hướng dẫn tại các điểm b,c,d,đ,e mục 3 phần I Thông tư này;
c) Làm chết 1 người và còn gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của 3 hoặc 4 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
d) Làm chết 1 người và còn gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của 2 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây ra hậu quả theo hướng dẫn tại các điểm c,d,đ mục 3 phần I Thông tư này;
đ) Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của 5 người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
e) Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của 3 hoặc 4 người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây ra hậu quả theo hướng dẫn tại các điểm c,d,đ mục 3 phần I Thông tư này;
g) Gây thiệt hại về tài sản với giá trị tương đương trên 45 tấn gạo.
8. "Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời" được xác định là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo hướng dẫn tại mục 7 phần I Thông tư này tất yếu sẽ xảy ra, nếu không được ngăn chặn kịp thời (thí dụ: Trưởng ga B đã nhận cho đoàn tầu từ A về, lại lệnh cho đoàn tầu khác từ B đi về A, hai đoàn tầu tất yếu sẽ đâm vào nhau, nếu không được ngăn chặn kịp thời...).
9. Khi xét xử các hành vi phạm tội theo Điều 186 Bộ luật Hình sự, ngoài việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được nêu tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự các Toà án còn có thể coi những tình tiết sau đây là những tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Hình sự:
a) Bị cáo hoặc vợ, chồng, cha, mẹ, con bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Người mẹ Việt Nam anh hùng, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ứu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác;
b) Bị cáo là người có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu, công tác đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Bằng lao động sáng tạo, Bằng khen của Chính phủ hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua;
c) Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, hoặc con (kể cả con nuôi) là liệt sỹ;
d) Bị cáo là người tàn tật nặng do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác;
đ) Bị cáo sau khi phạm tội đã lập công chuộc tội;
e) Người bị hại cũng có lỗi;
g) Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
h) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
i) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu v.v... mà người điều khiển phương tiện giao thông vận tải vì mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hoặc phải làm việc quá căng thẳng, quá mệt mỏi, nên đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
II- VỀ ĐIỀU 188 BỘ LUẬT HÌNH SỰ:
1. Hành vi của người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc Điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông vận tải đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản có thể là hành vi trực tiếp đưa vào sử dụng các phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn (như trực tiếp điều động, trực tiếp ký xác nhận tình trạng kỹ thuật bảo đảm đối với các phương tiện giao thông vận tải không bảo đảm kỹ thuật...) hoặc có thể là hành vi không thực hiện trách nhiệm được giao (như người chịu trách nhiệm trực tiếp về điều động biết người khác không có thẩm quyền điều động phương tiện giao thông vận tải không bảo đảm kỹ thuật, nhưng cũng không ngăn chặn mà đồng tình hoặc người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật biết người khác đưa vào sử dụng phương tiện giao thông vận tải không bảo đảm kỹ thuật, nhưng cũng không ngăn chặn mà để cho họ đưa vào sử dụng...)
Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động người không có bằng lái hoặc không đủ những điều kiện khác... quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự cần được hiểu là giữa người điều động và người không có bằng lái hoặc không có đủ những điều kiện khác... phải có mối quan hệ về mặt quản lý, như Thủ trưởng với nhân viên, chủ doanh nghiệp với công nhân, người làm công. Nếu không có quan hệ về mặt quản lý mà chỉ đơn thuần có quan hệ thân thích, ruột thịt như cha con, vợ chồng hoặc thân thuộc như bạn bè... thì không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự.
2. Người nào có một trong những hành vi quy định tại các điểm a,b khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo hướng dẫn tại mục 3 phần I Thông tư này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Hình sự; nếu gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo hướng dẫn tại mục 7 phần I Thông tư này thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 188 Bộ luật Hình sự.
III- VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT KHI CÓ TAI NẠN XẢY RA.
1. Khi có một vụ tai nạn giao thông do một trong các hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 186, khoản 1 Điều 188 gây nên và gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì lực lượng cảnh sát giao thông phải tổ chức bảo vệ hiện trường và tiến hành các hoạt động khẩn cấp ban đầu (như: cấp cứu người bị nạn, tạm giữ người và phương tiện gây ra tai nạn, bảo vệ hiện trường, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông xung quanh nơi xảy ra tai nạn...); đồng thời thông báo ngay cho cơ quan điều tra địa phương để tiến hành các công việc thuộc chức năng của mình. Cơ quan điều tra địa phương cần thông báo ngay cho Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Bảo Việt cùng cấp.
Trong trường hợp xét thấy việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo hướng dẫn tại mục 3 phần I Thông tư này thì cơ quan điều tra cấp huyện tiến hành các công việc như chụp ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường, tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và những người có liên quan đến tai nạn, thu thập các vật chứng khác... nhằm xác định nguyên nhân và điều kiện xảy ra tai nạn, lỗi của các bên.
Trong trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 186 Bộ luật Hình sự, thì cơ quan điều tra cấp huyện vẫn tiến hành điều tra và sau khi kết thúc điều tra phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để truy tố, xét xử theo thẩm quyền.
Trong các trường hợp trên đây, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm sát việc điều tra của cơ quan điều tra cấp huyện.
Nếu xét thấy việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo hướng dẫn tại mục 7 phần I Thông tư này, thì cơ quan điều tra cấp tỉnh có trách nhiệm thụ lý điều tra từ đầu cho đến khi làm xong kết luận điều tra.
2. Việc phối hợp điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người nước ngoài, phương tiện giao thông của người nước ngoài gây ra được thực hiện theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8-9-1988 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế các hướng dẫn trước đây của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ về việc xử lý các hành vi phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải.