Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-BỘ NỘI VỤ-BỘ TƯ PHÁP-TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 10/TTLN

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1990

 

THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH

HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ TÍN DỤNG

Để góp phần giải quyết tốt một số vấn đề cấp bách về tín dụng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn như sau:

1. Theo tinh thần của Chỉ thị số 313-CT ngày 1-9-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về xử lý tình hình khó khăn của các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng hiện nay thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thành lập Ban xử lý do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân làm trưởng ban; đại diện các ngành Công an, Tài chính, Ngân hàng, Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án, Trọng tài kinh tế và một số đại diện cổ đông, đại diện gửi tiền, một thành viên Ban quản trị làm thành viên. Ban xử lý có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng này thực hiện các chủ trương, biện pháp về thu nợ trả tiền gửi, kê biên và phong tỏa tài sản thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng và của cá nhân thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành và những người có liên quan. Ban xử lý của Ủy ban nhân dân có trách nhiệm giải quyết trước các vấn đề về tín dụng. Nếu các đương sự không đồng ý với biện pháp giải quyết của Ban xử lý thì tùy trường hợp cụ thể mà yêu cầu của đương sự được chuyển giao cho cơ quan Trọng tài kinh tế, cơ quan điều tra, Tòa án để giải quyết theo thủ tục do pháp luật quy định.

Trong các trường hợp Ban xử lý chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về hình sự mà chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa triệt để các biện pháp cưỡng chế hành chính, thì cơ quan điều tra phối hợp với Ban xử lý kiên quyết áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản của người có trách nhiệm trả nợ và bán đấu giá lấy tiền trả cho người gửi.

Nếu Ban xử lý chưa kê biên được tài sản bị phân tán, giấu diếm, thì tiếp tục điều tra và khi phát hiện được cần phải kiên quyết kê biên ngay tài sản đó. Đối với các tài sản đã kê biên được, cơ quan điều tra giao cho Ban xử lý đấu giá mà không cần phải chờ kết quả xét xử vụ án. Các Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Trọng tài kinh tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, Ngân hàng, Ban xử lý để giải quyết tốt việc khấu trừ vào tiền gửi ngân hàng, kê biên, bán đấu giá tài sản và trả cho người bị thiệt hại.

2. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân và Trọng tài kinh tế.

Chủ thể của các hợp đồng về tín dụng có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh, có tài khoản tại ngân hàng, cá nhân không có đăng ký kinh doanh, pháp nhân.

Hợp đồng về tín dụng giữa tổ chức tín dụng với pháp nhân hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh vay tiền nhằm mục đích sản xuất kinh doanh, là hợp đồng kinh tế; tranh chấp về loại hợp đồng này là tranh chấp về hợp đồng kinh tế. Loại tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài kinh tế.

Hợp đồng về tín dụng giữa tổ chức tín dụng với pháp nhân hoặc cá nhân vay tiền không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh là hợp đồng dân sự; tranh chấp về loại hợp đồng này là tranh chấp về hợp đồng dân sự. Loại tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

3. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện.

Do tính chất cấp bách của tình hình, cho nên Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tín dụng, cũng như về chơi hụi (họ), có mức thiệt hại dưới 20 triệu đồng và thuộc trường hợp được áp dụng các khoản của điều luật có mức hình phạt cao nhất từ 7 năm tù trở xuống. Cần chú ý là việc tạm thời giao thẩm quyền cho các Tòa án cấp huyện đối với các vụ án hình sự theo mức thiệt hại này chỉ áp dụng đối với các tội quy định tại các điều 134, 135, 137, 157, 158, 174 Bộ luật Hình sự trong trường hợp không có các tình tiết định khung hình phạt khác (như tái phạm nguy hiểm…).

Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tín dụng có mức thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên. Phạm tội gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng. Phạm tội gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên là phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Tùy trường hợp cụ thể mà Tòa án áp dụng các khoản tương ứng của điều luật đối với kẻ phạm tội.

4. Về tội danh

a. Các tổ chức tín dụng được coi là các hợp tác xã tín dụng; do đó, tiền của các tổ chức tín dụng này là tài sản xã hội chủ nghĩa, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng này là chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; gây thiệt hại về tài sản cho tổ chức tín dụng là gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa; các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban chủ nhiệm tổ chức tín dụng là người có chức vụ của các tổ chức này.

b. Đối với người vay tiền của tổ chức tín dụng:

- Người vay tiền của tổ chức tín dụng nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh, giải quyết các vấn đề về đời sống… có đảm bảo trả nợ sòng phẳng, khi vay tiền không có ý định chiếm đoạt, nhưng khi đến hạn phải trả nợ mới không có ý định trả nợ hoặc bỏ trốn để trốn tránh việc trả nợ, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 135 Bộ luật Hình sự.

- Người vay tiền của tổ chức tín dụng mà có thủ đoạn gian dối (như: đem tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình để thế chấp khi vay tiền; man khai giá trị của tài sản để được vay nhiều tiền; mang một tài sản để thế chấp ở nhiều nơi v.v…) để được vay tiền của tổ chức tín dụng, nếu sau đó chiếm đoạt tiền được vay thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 134 Bộ luật Hình sự; còn nếu không có ý định chiếm đoạt, nhưng không trả được nợ vì những lý do chính đáng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 137 Bộ luật Hình sự.

- Đối với người vay tiền của tổ chức tín dụng nhằm mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh… không có thủ đoạn gian dối khi vay tiền, mà không trả nợ được vì thực sự khó khăn về kinh tế, không có biểu hiện chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ, thì chỉ xử lý về dân sự.

c. Đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban chủ nhiệm tổ chức tín dụng:

- Nếu những người này buông lỏng quản lý, không kiểm tra, kiểm soát… việc thực hiện các quy định của Nhà nước, Ngân hàng về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng, về cho vay, thế chấp tài sản gây mất mát, thất thoát tài sản, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của tổ chức tín dụng, thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

- Nếu những người nói trên cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước, của Ngân hàng về huy động vốn, về lãi suất cho vay… (như: tăng mức lãi suất huy động tiền gửi quá cao so với lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng để cạnh tranh với Ngân hàng, cho vay tiền không có tài sản thế chấp, không thu giữ tài sản thế chấp; cho vay không đúng đối tượng; không làm đúng các quy định về kế toán, thống kê…) thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

- Nếu những người nói trên lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của tổ chức tín dụng (là tài sản thuộc quyền sở hữu của tập thể các cổ đông) thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 133 Bộ luật Hình sự.

5. Về lãi suất tiền gửi, tiền cho vay

Các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Ngân hàng về lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền cho vay. Do đó cần áp dụng các mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời gian tương ứng để tính tiền lãi cho người gửi tiền vào cho tổ chức tín dụng. Khi giải quyết loại việc này cần thông báo cho Ủy ban nhân dân để Ủy ban nhân dân yêu cầu cơ quan Ngân hàng phải có trách nhiệm phối hợp, tham gia đầu trong việc quản lý tài sản ở Ngân hàng, tính toán tiền lãi… chứ không phải Ngân hàng chỉ tham gia với tư cách là người giám định.

Trong trường hợp tổ chức tín dụng nâng mức lãi suất quá cao trái với quy định của Ngân hàng thì phần thu nhập do vượt quá lãi suất quy định là thu nhập không hợp pháp phải được thu hồi để trả cho người gửi tiền.

6. Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban chủ nhiệm tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm chính trước người gửi tiền và trước pháp luật về tài sản của tổ chức tín dụng. Những người này nếu không phạm các tội như đã nêu ở điểm 4 Thông tư này thì cũng phải tham gia trực tiếp với việc đi đòi nợ để lấy tiền trả cho người gửi. Nếu họ trốn tránh trách nhiệm, không chịu đi đòi nợ v.v… thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Khi nhận được yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc của cơ quan thanh tra cấp huyện thì cơ quan Công an áp dụng ngay biện pháp tạm giữ những người đó. Tuy nhiên, trong khi tạm giữ, tạm giam họ, vẫn có thể cho phép họ được đến trụ sở tổ chức tín dụng để tính toán sổ sách, cho họ được đi thu nợ hoặc buộc họ phải đi đòi nợ dưới sự quản lý của cảnh sát, sự giám sát của Ủy ban nhân dân hoặc Ban xử lý, sau đó đưa họ vào nơi tạm giữ, tạm giam.

7. Đối với những người vay tiền với số lượng lớn đã quá hạn, những người cố tình chây ỳ, trốn tránh không trả nợ mặc dù đã được thông báo, nhắc nhở nhiều lần v.v… thì cơ quan điều tra phải tạm giữ họ. Nếu trong thời gian bị tạm giữ mà họ trả được nợ hoặc có người trả nợ thay cho họ hay có người dùng tài sản mình có giá trị tương đương với số tiền còn nợ làm vật bảo đảm cho việc trả nợ của họ, thì trả tự do cho họ.

8. Khi có yêu cầu gia hạn tạm giữ của cơ quan Công an, Viện kiểm sát cần nhanh chóng phê chuẩn. Nếu hết thời gian tạm giữ mà người bị tạm giữ không trả được nợ, thì cơ quan điều tra khởi tố người phạm pháp và áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định tại các điều 70, 71 Bộ luật tố tụng hình sự. Người bảo lĩnh cho người bị tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm trả nợ thay cho người đó. Nếu người bảo lĩnh không trả nợ để cho người bị tạm giữ, tạm giam trốn đi nơi khác thì có thể bị cưỡng chế trả nợ. Đối với những người bị tạm giữ, tạm giam phải có biện pháp đấu tranh kiên quyết để truy thu tài sản, để buộc họ phải trả nợ, thuyết phục, giáo dục những người thân thích của họ có trách nhiệm giúp đỡ họ trả nợ. Cần đề phòng trường hợp những kẻ lợi dụng việc tạm giữ, tạm giam để trốn tránh sự phản ứng của những người gửi tiền, trốn tránh trách nhiệm trả nợ.

9. Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Trọng tài kinh tế, Tư pháp, Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức xã hội, người có tiền gửi và với quần chúng nhân dân để truy tìm những tài sản mà các thành viên tổ chức tín dụng và những người vay nợ đã tẩu tán, giấu diếm hoặc chuyển dịch cho người khác một cách bất hợp pháp. Trong thời gian kể từ ngày thành lập tổ chức tín dụng nếu các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban chủ nhiệm tổ chức tín dụng đã chuyển dịch tài sản cho bố mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em…dưới mọi hình thức v.v… mặc dù có giấy chứng nhận chuyển quyền sở hữu hợp pháp của cơ quan Nhà nước, thì tài sản đó vẫn bị kê biên để xử lý. Trong trường hợp này người được người có tài sản bị kê biên cho, tặng tiền, tài sản và nhờ số tiền, tài sản đó mà mua sắm được các tài sản có giá trị, làm được nhà v.v… phải trả lại số tiền, tài sản đã nhận.

10. Việc kê biên tài sản là một biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn người có trách nhiệm trả tiền, người vay tiền hoặc những người khác phân tán, giấu diếm tài sản, nhằm bảo đảm cho việc thanh toán nợ, cho nên cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Trọng tài kinh tế cần phải kịp thời, kiên quyết kê biên tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của họ và phần tài sản của họ trong khối tài sản chung với người khác, tài sản của họ đang do người khác giữ…

Nếu khi kê biên tài sản mà có người khác (bố, mẹ, vợ, chồng, con…) phản đối việc kê biên vì họ nêu lý do tài sản bị kê biên là của họ, thì cần yêu cầu họ xuất trình các tài liệu chứng minh là tài sản bị kê biên thuộc quyền sở hữu của họ. Cơ quan Công an, Trọng tài kinh tế, Tòa án tùy trường hợp có thể tiến hành kê biên tài sản và giải thích cho họ về quyền khiếu nại quyết định kê biên.

Đối với những nhà mà bố, mẹ, anh, chị, em của người đã thế chấp nhà tuy đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, nhưng họ lại ở chỗ khác hoặc ở chung trong một phần riêng biệt của nhà đã thế chấp và việc thế chấp nhà có xác nhận của Ủy ban nhân dân, thì vẫn kê biên, xử lý để thu tiền trả cho người gửi. Nếu có khiếu nại về việc thế chấp nhà thì Tòa án sẽ giải quyết riêng theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định là người vay tiền, thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban chủ nhiệm tổ chức tín dụng đã mua tài sản (nhà, xe v.v… nhưng họ chưa làm đầy đủ thủ tục trước bạ, sang tên để chuyển quyền sở hữu nên tài sản về người đứng tên chủ sở hữu cũ và khi tài sản bị kê biên mà người này đến đòi lại tài sản đó vậy thì không trả lại, mà vẫn kê biên để bán đấu giá.

Sau khi đã kê biên tài sản, giải quyết các khiếu nại (nếu có) thì tài sản đó cần được đưa ra bán đấu giá ngay.

11. Khi xử lý nhà bị kê biên cần chú ý những điểm sau:

Đối với nhà xây dựng trái phép (xây trên đất không được Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cho phép, xây trên đất mua bán trái phép, cải tạo, cơi nới, mở rộng nhà ở trái phép nhà thuê của người khác v.v…) tùy trường hợp cụ thể Ủy ban nhân dân cấp quận hoặc thành phố căn cứ vào quy hoạch chung để có quyết định xử lý cho phù hợp.

Nếu nhà làm trái phép trên đất được quy hoạch để xây dựng nhà ở, thì Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cho phép bán nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người mua được nhà đó, để họ yên tâm bỏ tiền ra mua.

Nếu nhà làm trái phép trên đất quy hoạch để xây dựng các công trình công cộng nhưng chưa xây dựng, thì cũng cho phép bán nhà đó và Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cho phép người mua nhà được thuê đất. Khi bán nhà phải thông báo cho người mua biết là nhà đó chỉ được phép tồn tại trong thời gian nhất định để người mua căn cứ vào nhu cầu, vào điều kiện cụ thể mà quyết định mua hay không mua theo giá thích hợp với loại nhà này.

Phần diện tích nhà mà người có nhà bị kê biên cơi nới, cải tạo, mở rộng…, dù có giấy phép hoặc không có giấy phép, dẫu bị kê biên, nếu họ là người thuê nhà, thì vận động chủ nhà mua lại phần diện tích đó, sau đó Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cho phép người mua làm thủ tục xác nhận quyền sở hữu đối với phần diện tích mua đó.

Vì nhiều lý do khác nhau mà người muốn mua nhà thường ngại mua trực tiếp nhà của người có nhà bị kê biên, nên nếu nhà bị kê biên đưa ra bán đấu giá mà không có ai mua thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cho Ngân hàng, xí nghiệp quản lý nhà bỏ tiền ra mua theo đúng giá trị của nhà như ý kiến chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, để sử dụng, cho thuê hoặc bán lại cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu.

12. Đối với các cổ đông đã rút hết cổ phần và tiền lãi với mức lãi suất cao thì kiên quyết thu lại số tiền chênh lệch giữa mức lại suất của tổ chức tín dụng với mức lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng theo từng thời kỳ. Nếu họ còn được nhận tiền dưới hình thức phân phối thu nhập thì họ cũng phải nộp lại để trả cho người gửi.

13. Khi giải quyết các việc về tín dụng, cần giải quyết luôn cả vấn đề thế chấp, cầm cố tài sản căn cứ vào hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản đó.

Nếu người vay mang một tài sản thế chấp với nhiều tổ chức tín dụng (tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn số tiền đã vay), thì khi bán đấu giá tài sản thế chấp, các tổ chức tín dụng được nhận lại tiền cho vay từ tiền bán tài sản đó. Nếu tiền bán tài sản không đủ để trả nợ cho tất cả các tổ chức tín dụng đó, thì thanh toán tiền bán tài sản theo điều lệ cho vay.

Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Trọng tài kinh tế thi hành đúng Thông tư này và báo cáo kịp thời những vướng mắc để các ngành hữu quan hướng dẫn giải quyết.