BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2007/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2007 |
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020";
Liên tịch Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc thuộc "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án, (dưới đây gọi chung là dự án) thuộc "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi là Đề án tổng thể).
2. Kinh phí thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng thể do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương) chủ trì thực hiện do ngân sách trung ương bảo đảm. Các dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được phân bổ dự toán và triển khai thực hiện.
Các Bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì xây dựng dự án có trách nhiệm phân định rõ nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc phối hợp thực hiện dự án; phân kỳ theo năm và theo từng nguồn vốn làm cơ sở cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trước khi phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.
3. Các dự án được xây dựng theo nguyên tắc kề thừa có hiệu quả các tài liệu, số liệu đã có; có quy chế phối hợp rõ ràng giữa cơ quan chủ trì với cơ quan phối hợp thực hiện dự án trong cung cấp thông tin và điều tra, khảo sát tại thực địa để đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư, tránh trùng lắp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
4. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí của dự án phải theo đúng nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí hàng năm và kết thúc dự án theo quy định hiện hành.
1. Phân định nguồn vốn thực hiện các dự án
a) Nguồn vốn đầu tư phát triển:
- Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật: Mua sắm tàu, thiết bị đồng bộ phục vụ khảo sát biển (bao gồm mua sắm mới hoặc sửa chữa nâng cấp tàu biển và thiết bị hiện có); xây dựng hệ thống trạmquan trắc tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam; xây dựng các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng các khu bảo tồn biển;
- Xây dựng Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững.
b) Nguồn vốn sự nghiệp đào tạo:
Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra và quản lý tài nguyên – môi trường biển Việt Nam.
c) Nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ:
Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học trong quan trắc và công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên các công trình ở vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
d) Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:
- Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên biển Việt Nam.
- Thành lập hệ thống bản đồ biển;
- Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu biển quốc gia;
- Xây dựng hệ thống tài liệu kỹ thuật tài nguyên – môi trường, khí tượng thủy văn biển và các chính sách liên quan đến tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn biển;
- Tăng cường năng lực cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển.
đ) Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:
- Điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên – môi trường, khí tượng thủy văn biển Việt Nam; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường tại các vùng biển;
- Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy, hải sản vùng biển Việt Nam;
- Xây dựng Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam.
2. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án
2.1. Lập dự án:
Căn cứ danh mục dự án thuộc Đề án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 và quy định tại khoản 1 phần II nêu trên, các Bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện dự án.
Đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự án theo quy định, trong đó cần nêu cụ thể các nội dung, nhiệm vụ của dự án, kế hoạch triển khai, thời gian thực hiện (chi tiết nội dung, kinh phí và tiến độ thực hiện đến từng cơ quan, đơn vị phối hợp tham gia thực hiện) và đề xuất nguồn vốn thực hiện dự án cho phù hợp, có thuyết minh chi tiết cơ sở tính dự toán và phân kỳ nguồn vốn triển khai theo từng năm. Tùy theo tính chất của từng dự án, việc lập dự án thực hiện như sau:
a) Đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển:
Việc lập dự án thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng. Đối với dự án do các Bộ, cơ quan trung ương đồng chủ trì, căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công, từng cơ quan có trách nhiệm xây dựng hợp phần dự án được giao, đồng thời tổng hợp chung thành một dự án do các cơ quan đồng chủ trì chịu trách nhiệm.
b) Đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp:
Căn cứ mục tiêu, nội dung và tính chất nhiệm vụ của dự án, đơn vị lập dự toán trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá phù hợp với từng chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với nội dung, nhiệm vụ chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dự toán, việc lập dự toán căn cứ vào khối lượng công việc cụ thể và chế độ tài chính hiện hành.
Đối với dự án do các Bộ, cơ quan trung ương đồng chủ trì, căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công, từng cơ quan có trách nhiệm xây dựng hợp phần dự án được giao, đồng thời tổng hợp chung thành một dự án do hai cơ quan đồng chủ trì cùng trình Thủ tướng Chính phủ duyệt. Việc xây dựng dự án phải đảm bảo có sự phối hợp lồng ghép nội dung dự án giữa 2 cơ quan đồng chủ trì để tránh trùng lắp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
2.2. Thẩm định, phê duyệt dự án:
a) Đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển:
Thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
Đối với dự án do các Bộ, cơ quan trung ương đồng chủ trì, căn cứ nội dung, nhiệm vụ được phân công, từng cơ quan có trách nhiệm xây dựng hợp phần dự án được giao, đồng thời tổng hợp chung thành một dự án do các cơ quan đồng chủ trì cùng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao đơn vị chủ trì thực hiện để làm căn cứ bố trí vốn hàng năm.
b) Đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp:
Đơn vị được giao thực hiện dự án báo cáo Bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì dự án; các Bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm xem xét, hoàn chỉnh dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt dự án, dự toán chi tiết làm căn cứ để các đơn vị triển khai thực hiện.
Đối với các dự án do các Bộ, cơ quan trung ương đồng chủ trì, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương đồng chủ trì dự án tổng hợp và hoàn chỉnh dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt dự toán chi tiết làm căn cứ để các đơn vị triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai dự án, vì lý do khách quan làm thay đổi mục tiêu nhiệm vụ của dự án hoặc do yếu tố rủi ro trên biển, do nhà nước thay đổi chế độ chính sách tiền lương và lý do khách quan khác, các Bộ, cơ quan trung ương chủ trì xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước khi phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án.
3. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước
Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước chi cho các dự án được thực theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:
3.1. Đối với các dự án bố trí bằng nguồn vốn sự nghiệp:
a) Lập dự toán:
Trên cơ sở dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, nội dung và tiến độ thực hiện dự án, đơn vị thực hiện lập dự toán kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của đơn vị mình báo cáo Bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt theo quy định, đồng thời gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước để tổng hợp theo dõi.
b) Phân bổ và giao dự toán:
Căn cứ kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, cơ quan trung ương phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc để triển khai thực hiện dự án chi tiết theo nội dung chi và nhóm mục chi của Mục lục Ngân sách nhà nước, gửi Bộ Tài chính để xem xét thẩm tra.
Sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương giao dự toán cho đơn vị thực hiện, đồng gửi Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước cùng cấp, Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để phối hợp thực hiện.
Đối với các dự án phối hợp, sau khi dự toán được cấp thẩm quyền giao, đơn vị chủ trì thực hiện dự án ký hợp đồng trách nhiệm với đơn vị phối hợp để tổ chức thực hiện.
c) Chấp hành dự toán:
Định kỳ cuối năm và khi kết thúc dự án, các Bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì dự án tổ chức nghiệm thu khối lượng công việc theo giai đoạn (đối với dự án chưa hoàn thành) hoặc nghiệm thu kết thúc dự án (đối với dự án kết thúc) theo quy chế kiểm tra nghiệm thu của Bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án ban hành để làm cơ sở thanh toán, quyết toán kinh phí của dự án.
Trình tự lập, xét duyệt, thẩm định báo cáo quyết toán năm của dự án thực hiện theo quy định hiện hành.
đ) Kinh phí chuyển sang năm sau:
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác khóa sổ kế toán cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, các Bộ, cơ quan trung ương tổng hợp dự toán kinh phí dự án chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện hết, các khoản đã tạm ứng trong dự toán ngân sách, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét chuyển số dư kinh phí sang năm sau theo quy định.
3.2. Đối với dự án bố trí bằng nguồn vốn đầu tư phát triển:
Việc quản lý, cấp phát thanh toán thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước. Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.
4. Công tác báo cáo, thanh tra và kiểm tra
Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm ngân sách, các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện dự án cho Bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án. Các Bộ, cơ quan trung ương tổng hợp tình hình thực hiện các dự án được giao chủ trì báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển), đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các Bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì dự án có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí các dự án, đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí dự án đúng mục đích, có hiệu quả.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc các Bộ: TN&MT, KH&ĐT, TC
- Lưu: VT Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
- 1 Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện dự án thuộc "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Quyết định 533/QĐ-BTNMT năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015
- 3 Quyết định 2010/QÐ-BKHÐT năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết ngày 31/12/2015
- 4 Quyết định 2010/QÐ-BKHÐT năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết ngày 31/12/2015
- 1 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2 Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện dự án thuộc "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3 Quyết định 533/QĐ-BTNMT năm 2016 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015
- 4 Quyết định 2010/QÐ-BKHÐT năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết ngày 31/12/2015