Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ TÀI CHÍNH
-------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2021

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC ÁP DỤNG CĂN CỨ TẠM ĐÌNH CHỈ VÌ LÝ DO BẤT KHẢ KHÁNG DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH THEO ĐIỂM C KHOẢN 1 ĐIỀU 148, ĐIỂM D KHOẢN 1 ĐIỀU 229 VÀ ĐIỂM D KHOẢN 1 ĐIỀU 247 BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm các nội dung sau:

a) Nguyên tắc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh;

b) Tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai;

c) Tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh;

d) Phối hợp quản lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với:

a) Cơ quan điều tra các cấp của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp;

d) Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh

Khi áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các nguyên tắc sau đây:

1. Tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan;

2. Chỉ áp dụng khi có đủ các căn cứ theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch này;

3. Bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan;

4. Bảo đảm thận trọng khi quyết định áp dụng đối với từng vụ việc, vụ án cụ thể, nghiêm cấm việc lạm dụng;

5. Bảo đảm kiểm soát tội phạm, không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc, vụ án khi được phục hồi.

Điều 3. Tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai

1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 hoặc điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố do thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố.

2. Các trường hợp bất khả kháng do thiên tai:

a) Người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang ở vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai;

b) Địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Điều 4. Tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh

1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 hoặc điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố do thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố.

2. Các trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh:

a) Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

b) Người tham gia tố tụng đang bị cách ly y tế theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền do bị mắc bệnh dịch thuộc nhóm A hoặc do thuộc trường hợp khác liên quan đến bệnh dịch thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

c) Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Điều 5. Phối hợp quản lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh

Việc phối hợp quản lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ; phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phục hồi, đình chỉ điều tra đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra; phục hồi, đình chỉ đối với vụ án đã tạm đình chỉ trong giai đoạn truy tố; áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ việc, vụ án tạm đình chỉ; lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ việc, vụ án tạm đình chỉ; thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo đối với các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNNPTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của Viện trưởng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc, hoặc phát sinh những vấn đề cần phải bổ sung thì kịp thời phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng
Lê Huy Vịnh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG




Trung tướng
Nguyễn Duy Ngọc

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Huy Tiến

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Hiệp

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ
TRƯỞNG





Vũ Thị Mai

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu: VT (VKSNDTC, BCA, BQP, BNN&PTNT, BTC), V14.