Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2002/TTLT-BKH-BCN-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2002 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN GIAO NHẬN VÀ HOÀN TRẢ VỐN CHO CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI ĐÃ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐIỆN NGOÀI HÀNG RÀO

Thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 477/CP-KTTH ngày 08 tháng 5 năm 2002 của Văn phòng Chính phủ về việc hoàn trả vốn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư công trình điện ngoài hàng rào, Liên Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp - Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả vốn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đầu tư xây dựng các công trình điện ngoài hàng rào như sau:

Chương 1:

PHẠM VI VÀ TRÁCH NHIỆM GIAO NHẬN CÔNG TRÌNH ĐIỆN NGOÀI HÀNG RÀO

1. Phạm vi giao nhận công trình:

1.1. Giải thích từ ngữ:

-"Bên Giao" là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm: doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.

-"Bên Nhận" là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam hoặc các đơn vị được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam uỷ quyền.

-"Chân hàng rào" là điểm phân chia ranh giới phần đất được sử dụng của Bên Giao theo quyết định cấp đất của cơ quan có thẩm quyền.

-"Điểm cấp điện" là vị trí cầu dao điện mà tại đó được lắp đặt công tơ đo đếm điện năng mua bán giữa bên bán điện và bên mua điện.

-"Điểm đấu điện" là điểm mà tại đó công trình cung cấp điện của Bên Giao đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

-"Công trình điện ngoài hàng rào" là phần công trình được xác định từ Chân hàng rào đến Điểm đấu điện.

1.2. Phạm vi Giao - Nhận tài sản để làm căn cứ hoàn trả vốn:

1.2.1. Phạm vi Giao - Nhận tài sản để làm căn cứ hoàn trả vốn là Công trình điện ngoài hàng rào do Bên Giao đã đầu tư.

1.2.2. Trường hợp điểm cấp điện nằm trong hàng rào thì tài sản từ Chân hàng rào đến Điểm cấp điện sẽ được giao nhận nếu được hai Bên thoả thuận và ghi rõ trong hồ sơ giao nhận. Phạm vi Giao-Nhận được xác định như sau:

a. Trường hợp công trình điện có cấp điện áp nhỏ hơn hoặc bằng 0,4kV thì phạm vi Giao - Nhận tính đến vị trí lắp đặt công tơ đo đếm điện năng.

b. Trường hợp công trình điện có cấp điện áp cao hơn 0,4kV đến 35kV thì phạm vi Giao - Nhận tính đến điểm đấu của đường dây cấp điện vào thiết bị đóng cắt hoặc thanh cái cao thế của trạm biến áp phân phối.

c. Trường hợp công trình điện có cấp điện áp từ 110 kV trở lên thì phạm vi Giao - Nhận là toàn bộ trạm biến áp 110kV (kể cả các tủ trung thế).

1.3. Các trường hợp sau đây không thuộc phạm vi Giao - Nhận:

- Các công trình đã được đầu tư xây dựng với mục đích ban đầu để cung cấp điện cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thực tế tại thời điểm bàn giao được Bên Giao sử dụng với mục đích bán điện.

- Các công trình đã được Tổng Công ty điện lực Việt Nam tiếp nhận và hoàn vốn.

- Các công trình điện đang nằm trong khu vực đền bù giải phóng mặt bằng thuộc diện phải di chuyển.

2.1. 2. Trách nhiệm Bên Giao và Bên Nhận:

Bên Giao:

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định tại Chương II Thông tư này, tham gia Hội đồng định giá tài sản giao nhận, bàn giao và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận của Bên Nhận.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Bên Nhận trong công tác vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa phần công trình điện nằm bên trong hàng rào mà hai Bên đã thoả thuận giao nhận như quy định tại Mục 1 Chương I Thông tư này.

- Tạo điều kiện thuận lợi để Bên Nhận có hành lang tuyến đầu tư các lộ ra từ trạm biến áp 110kV để cấp điện cho khu vực lân cận.

Bên Nhận:

- Tiếp nhận đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định tại Chương II Thông tư này, tham gia Hội đồng định giá, tiếp nhận tài sản và hoàn trả vốn cho Bên Giao.

- Chuyển đổi công tơ đo đếm điện về vị trí phù hợp với phạm vi Giao Nhận.

Chương 2:

HỒ SƠ GIAO NHẬN

Hồ sơ Giao - Nhận bao gồm có hồ sơ gốc theo quy định hoặc hồ sơ thay cho hồ sơ gốc và hồ sơ được lập trong quá trình giao nhận, cụ thể như sau:

1. Hồ sơ gốc theo quy định, bao gồm:

- Bản sao Giấy phép đầu tư.

- Phương án cấp điện được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.

- Văn bản thoả thuận tuyến.

- Văn bản cấp đất, hợp đồng thuê đất có liên quan trực tiếp tới đường dây và trạm.

- Thiết kế kỹ thuật được duyệt.

- Bản vẽ hoàn công công trình.

- Phần công trình bàn giao đã quyết toán và được kiểm toán của một Công ty kiểm toán độc lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Bản đăng ký tỷ lệ khấu hao hoặc thời gian khấu hao tài sản cố định đã được cơ quan Tài chính chấp nhận.

2. Trường hợp không có đủ hồ sơ theo quy định tại Mục 1 nêu trên: Bên Giao phối hợp với Bên Nhận để thực hiện những công việc sau:

- Cung cấp các hồ sơ mà Bên Giao có (trong Mục 1 nêu trên) cho Bên Nhận.

- Lập biên bản đánh giá thực trạng về chất lượng, xác định giá trị tài sản bàn giao theo quy định tại Chương III của Thông tư này.

- Trường hợp chưa có văn bản cấp đất và thoả thuận tuyến thì lập hồ sơ hành lang tuyến đường dây và trạm ngoài hàng rào, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Hồ sơ được lập trong quá trình giao nhận:

- Sơ đồ mặt bằng thực trạng phần công trình sẽ tiếp nhận.

- Sơ đồ đấu nối (một sợi) phần công trình sẽ tiếp nhận.

- Bảng kiểm kê số lượng, chủng loại, chất lượng của thiết bị, vật tư đường dây.

- Biên bản giao nhận theo mẫu quy định tại Thông tư này (phụ lục 1).

- Biên bản xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao được Hội đồng định giá thẩm định theo mẫu quy định tại Thông tư này (phụ lục 2).

4. Số lượng hồ sơ: Bên Giao giao cho Bên Nhận 02 bộ hồ sơ, các bản sao phải được công chứng. Riêng văn bản thoả thuận tuyến, văn bản cấp đất và hợp đồng thuê đất phải là bản gốc.

Chương 3:

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN BÀN GIAO, VỐN HOÀN TRẢ

1. Truờng hợp dủ hồ so: Giỏ trị tài sản hoàn trả duợc xỏc dịnh nhu sau:

Giá trị hoàn trả

Nguyên giá TSCĐ

trên sổ kế toán

Giá trị hao mòn luỹ kế TSCĐ

trên sổ kế toán

 

2. Truờng hợp khụng dủ hồ so: Giỏ trị tài sản hoàn trả duợc xỏc dịnh nhu sau:

Giá trị hoàn trả

Số lượng thực tế của tài sản

Đơn giá từng tài sản

Giá trị hao mòn luỹ kế của TSCĐ.

 

Trong đó:

a. Số lượng thực tế của tài sản được xác định trên cơ sở số liệu kiểm kê thực tế của phần công trình Giao Nhận.

b. Đơn giá của từng tài sản cố định được xác định dựa trên:

- Đơn giá trần của địa phương tại thời điểm đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp địa phương không ban hành đơn giá trần tại thời điểm đầu tư xây dựng công trình thì lấy theo đơn giá định mức của khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh tuỳ theo công trình đầu tư ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam.

- Đối với phần giá trị đền bù giải phóng mặt bằng, chấp nhận theo hoá đơn, chứng từ hợp lệ của Bên Giao.

c. Thời gian đã sử dụng tài sản cố định được tính theo đơn vị tháng và được tính từ thời điểm đưa tài sản cố định vào sử dụng cho tới tháng ký kết biên bản xác định giá trị còn lại của tài sản.

d. Giá trị hao mòn luỹ kế được xác định như sau:

- Trường hợp Bên Giao có đăng ký tỷ lệ khấu hao thì Giá trị hao mòn lũy kế được xác định là nguyên giá tài sản cố định nhân với tỷ lệ khấu hao đã đăng ký nhân với thời gian đã sử dụng tài sản cố định. Nguyên giá tài sản cố định được hiểu là nguyên giá tài sản cố định trên sổ kế toán trong trường hợp đủ hồ sơ hoặc nguyên giá được đánh giá lại trong trường hợp không đủ hồ sơ gốc theo quy định.

- Trường hợp Bên Giao không đăng ký tỷ lệ khấu hao hoặc thời gian khấu hao tài sản cố định với cơ quan Tài chính thì tỷ lệ khấu hao tài sản được tính bằng 7 %/năm.

3. Trường hợp tài sản khấu hao hết mà vẫn còn đang sử dụng: Hai Bên Giao -Nhận xác định số lượng, chất lượng của từng hạng mục để xác định giá trị thực tế còn lại của toàn bộ công trình, báo cáo Hội đồng định giá. Giá trị thực tế còn lại của toàn bộ công trình không vượt quá 10% giá trị tài sản ban đầu.

4. Hội đồng định giá:

4.1. Hội đồng định giá do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình điện ngoài hàng rào quyết định thành lập trong đó Lãnh đạo Sở Tài chính - Vật giá là chủ tịch, Lãnh đạo đơn vị được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam uỷ quyền là uỷ viên thường trực và đại diện Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh (đối với các công trình nằm trong khu công nghiệp) và Bên Giao. Ngoài các thành viên nói trên, trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể mời thêm các tổ chức, chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, tài chính kế toán tham gia.

4.2. Hội đồng định giá có nhiệm vụ:

- Tổ chức thẩm định hoặc thuê kiểm toán xác định giá trị tài sản Giao Nhận. Kết quả thẩm định hoặc kết quả kiểm toán phải được lập biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên. Hội đồng định giá chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ giao nhận tài sản trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt làm căn cứ hoàn vốn.

Chi phí kiểm toán được tính vào giá trị tài sản để bàn giao.

- Tổng hợp, báo cáo hàng tháng về tình hình thực hiện giao nhận và hoàn trả vốn với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương 4:

 TỔ CHỨC TIẾP NHẬN VÀ HOÀN TRẢ VỐN

1. Trình tự tiến hành giao nhận và hoàn trả vốn:

1.1. Lập kế hoạch tiếp nhận và hoàn trả:

a. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh sao gửi Thông tư tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và yêu cầu các doanh nghiệp thuộc diện được hoàn trả vốn công trình điện ngoài hàng rào thông báo chính thức cho Điện lực địa phương về yêu cầu giao nhận và hoàn vốn.

b. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu giao nhận và hoàn trả vốn gửi văn bản yêu cầu đến Điện lực địa phương. Sau thời hạn trên, nếu các doanh nghiệp không có văn bản gửi tới Điện lực địa phương thì coi như không có nhu cầu giao nhận công trình điện và hoàn trả vốn.

c. Sau 15 ngày nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của doanh nghiệp, Điện lực địa phương phải thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm và nội dung làm việc với doanh nghiệp liên quan đến việc Giao - Nhận và định giá tài sản.

1.2. Bên Giao chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Chương II Thông tư này.

1.3. Hai Bên Giao và Nhận cùng tiến hành kiểm kê số lượng, đánh giá chất lượng còn lại của từng tài sản, xem xét hồ sơ gốc, lập biên bản bàn giao tài sản trình Hội đồng định giá xem xét.

1.4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được biên bản bàn giao tài sản do hai Bên Giao-Nhận trình, Hội đồng định giá thẩm định giá trị tài sản giao nhận để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

1.5. Căn cứ vào quyết định phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Hai Bên Giao Nhận tiến hành bàn giao tài sản và hoàn trả vốn.

2. Bên Nhận tiếp nhận tài sản và hoàn thành việc hoàn trả vốn cho Bên Giao trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Định kỳ hàng tháng, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình tiếp nhận và hoàn trả vốn.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc thành lập Hội đồng định giá, phê duyệt giá trị hoàn trả và kiểm tra, theo dõi việc hoàn trả vốn các công trình điện ngoài hàng rào cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Công ty Điện lực và Điện lực tỉnh tổ chức tiếp nhận, hoàn vốn và quản lý tài sản tiếp nhận theo quy định tại Thông tư này.

3. Nếu có những vướng mắc trong quá trình Giao Nhận, Hội đồng định giá cần kịp thời báo cáo Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét giải quyết.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 



Trần Văn Tá

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
 



Hoàng Trung Hải

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
THỨ TRƯỞNG
 



Vũ Huy Hoàng

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo),
- Văn phòng Chính phủ,
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- TCT ĐL Việt Nam,
- Các Sở KH và ĐT,
- Các BQL KCN cấp tỉnh
- Công báo,
- Lưu Bộ KH và ĐT, Bộ CN, Bộ TC.