Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/TT-LN

Hà Nội , ngày 20 tháng 12 năm 1991

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 02/TT-LN NGÀY 20 THÁNG 12 NĂM 1991 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Để áp dụng thống nhất các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thống nhất thông qua ngày 12 tháng 8 năm 1991. Sau khi đã trao đổi ý kiến với Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 8 năm 1991 và được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 16/8/1991, cho nên các quy định của luật này được áp dụng đối với tất cả các hành vi phạm tội được thực hiện kể từ ngày 16/8/1991 trở đi.

2. Quy định "Thời hạn cấm là từ 2 năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu là hình phạt chính khác hay trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo" theo đoạn 2 mới của Điều 28 Bộ luật hình sự và quy định "thời hạn tước một số quyền công dân là tù một năm đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc là kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu là hình phạt chính khác hay trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo" theo đoạn 2 mới của Điều 31 Bộ luật hình sự không phải là các quy định về "Một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn" như quy định ở khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự, cho nên vẫn được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 16/8/1991, nhưng sau ngày 16/8/1991 mới bị xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, các quy định mới này có nghiêm khắc hơn các quy định cũ, cho nên trong những trường hợp vụ án đã được xét xử sơ thẩm trước ngày 16/8/1991 mà sau ngày 16/8/1991 mới xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc sơ thẩm lại, thì khi xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc sơ thẩm lại không áp dụng các quy định mới của Điều 28 và đoạn 2 của Điều 31 của Bộ luật hình sự".

3. Theo khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự thì "Điều luật quy định một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành", cho nên, nếu hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 16/8/1991, thì khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm sau ngày 16/8/1991 vẫn áp dụng các quy định cũ của Bộ luật hình sự, chứ không áp dụng các quy định của Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự có nội dụng quy định tội phạm mới hoặc hình phạt nặng hơn, cụ thể là:

a. Không áp dụng quy định về tình tiết định khung hình phạt "phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiệm trọng" và khung hình phạt ở khoản 3 của các Điều 88, 158, 201 và khoản 2 của các Điều 220, 221 của Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung, nghĩa là nếu hành vi phạm tội đã thực hiện trước ngày 16/8/1991 thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội cũng chỉ bị xử phạt tương ứng theo khoản 2 của các Điều 88, 158, 201 và theo khoản 1 của các Điều 220, 221 Bộ luật hình sự khi chưa được sửa đổi, bổ sung.

b. Không áp dụng quy định mới "ở Điều 96a hoặc ở Điều 97 trong trường hợp hình phạt chính không phải là phạt tiền thì có thể bị phạt tiền đến mười lần trị giá hàng phạm pháp" tại đoạn 2 khoản 3 Điều 100, mà chỉ áp dụng quy định cũ, có nghĩa là đối với Điều 96a không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền trong mọi trường hợp, còn đối với Điều 97, trong trường hợp bị xử phạt tù thì mới có thể bị phạt tiền theo mức đã quy định ở điều ấy.

c. Không áp dụng quy định về tình tiết định khung hình phạt "trong trường hợp nghiêm trọng khác" ở đoạn 2 mới của khoản 1 Điều 103. Đối với những hành vi phạm tội này thuộc "trường hợp nghiêm trọng khác" thì kẻ phạm tội cũng chỉ bị xử phạt theo đoạn 1 khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự.

d. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" (Điều 134) và tội "nhận hối lộ" (Điều 226) mặc dù phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

đ. Không áp dụng hình phạt "tù chung thân" đối với tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" (Điều 135) mặc dù phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

e. Không áp dụnng các quy định mới về khung hình phạt tại các khoản 1, 2, 3 Điều 157, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể áp dụng các quy định cũ tương ứng về khung hình phạt tại các khoản 1, 2, 3 Điều 157.

g. Không áp dụng quy định mới "đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về một trong các tội quy định ở các Điều 96a, 97, 166, 167, 169, 173 và 183 mà còn vi phạm" tại khoản 1 Điều 168, có nghĩa là người nào thuộc trường hợp này mà kinh doanh không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép mà chưa xử lý hành chính thì không bị truy tố và xét xử.

h. Không áp dụng Điều luật mới 205a về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân", mà chỉ áp dụng khoản 2 Điều 124 cũ về tội "xâm phạm các quyền tự do hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân" đối với các hành vi lợi dụng có quyền tự do dân chủ nói trên xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân.

i. Không áp dụng quy định mới "Điều 96a, khoản 2 và 3 (tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý)" tại đoạn 2 khoản 1 Điều 246 về tội "che giấu tội phạm" và đoạn 2 khoản 1 Điều 147 về tội "Không tố giác tội phạm", cụ thể là không được truy tố, xét xử các hành vi che giấu hoặc không tố giác tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý thuộc các khoản 2, 3 Điều 96a.

4. Đối với các quy định khác của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 12/8/1991 không được nêu tại các khoản 2, 3 của Thông tư này, thì được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trước ngày 16/8/1991.

5. Khoản 3 mới Điều 42 Bộ luật hình sự quy định: "Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp theo quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì Toà án ra quyết định tổng hợp các hình phạt của bản án. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất mà luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên". Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật theo khoản 3 mới của Điều 42 Bộ luật hình sự được thực hiện như sau:

a. Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Toà án thì Chánh án Toà án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt.

b. Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu), thì Chánh án toà án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt, cụ thể là: nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án cấp huyện khác nhau (trong cùng một tỉnh hay khác tỉnh), thì Chánh án toà án cấp huyện đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án quân sự khu vực khác nhau (trong cùng một quân khu hay khác quân khu), thì Chánh án Toà án quân sự khu vực đã ra bản án sau cùng quyết định tổng hợp hình phạt; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều là của các Toà án cấp tỉnh (hoặc đều là của Toá án quân sự cấp quân khu), thì Chánh án Toá án cấp tỉnh (hoặc Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu) ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt.

c. Trong trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toá án không cùng cấp thì Chánh án Toà án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Toà án cấp cao hơn có trước hay có sau.

d. Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án của Toà án nhân dân, có bản án của Toà án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại các điểm b, c trên đây, cụ thể là: Nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của Toà án cấp huyện và của Toà án quân sự khu vực hoặc là của Toà án cấp tỉnh và của Toà án quân sự cấp quân khu, thì Chánh án Toà án đã ra bản án sau cùng ra quyết định tổng hợp hình phạt ra quyết định; nếu các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các toà án khác nhau và khác cấp, thì Chánh án Toà án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của toà án cấp cao hơn có trước hay có sau (ví dụ: có bản án là của Toà án nhân huyện, có bản án là của Toà án quân sự quân khu, thì Chánh án Toà án quân sự quân khu ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Toà án quân sự quân khu có trước hay có sau bản án của Toà án nhân dân huyện).

đ. Trong trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận, có bản án là của Toà án Việt nam, thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định tổng hợp hình phạt.

6. Khi xem xét việc tổng hợp hình phạt chính của các bản án đã có hiệu lực pháp luật, cần chú ý một số trường hợp sau đây:

a. Theo tinh thần của Điều 44 Bộ luật hình sự thì án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Do đó, không phải tổng hợp hình phạt đối với một người có nhiều hành vi phạm tội và đã bị kết án theo các bản án khác nhau, nếu người đó:

- Đã bị phạt tù nhưng được hưởng án treo;

- Đều bị phạt tù, nhưng theo bản án này thì được hưởng án treo và theo bản án khác thì không được hưởng án treo;

- Bị phạt tù, nhưng được hưởng án treo theo bản án này về bị phạt với hình phạt khác không phải là tù theo bản án khác.

Đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp trên đây, nếu trong thời gian thử thách theo quyết định của bản án nào mà người được hưởng án treo phạm tội mới do vô ý về bị phạt tù hoặc phạm tội mới do cố ý thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án đó và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định ở khoản 2 Điều 42. Trong trường hợp này, nếu trước đây bị cáo còn bị phạt tù theo một bản án khác, thì Toà án cũng tổng hợp các hình phạt của các bản án theo quy định chung.

b. Nếu người được hưởng án treo trong thời gian thử thách lại phạm tội mới do vô ý và bị phạt tù hoặc phạm tội mới do cố ý hay trong trường hợp đã bị phạt tù mà lại phạm tội mới và bị phạt tù, nhưng được hưởng án treo, thì Toà án không tổng hợp hình phạt, mà cần gửi hồ sơ vụ án về tội phạm mới cho Toà án có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

7. Khi tổng hợp hình phạt bổ sung khác loại của các bản án đã có hiệu lực pháp luật cần phải theo quy định tại điểm 2 Điều 43: "Đối với hình phạt bổ sung, Toà án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn luật quy định về mỗi loại hình phạt ấy", có nghĩa là khi tổng hợp các hình phạt bổ sung khác loại của các bản án thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà quyết định một hình phạt bổ sung chung cho các bản án. Ví dụ: Một người bị kết án, theo bản án thứ nhất phải chịu hình phạt bổ sung là cấm cư trú và theo bản án thứ hai là cấm hành nghề...; khi tổng hợp hình phạt bổ sung khác loại của hai bản án này, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà quyết định buộc người bị kết án phải chịu một trong hai loại hình phạt bổ sung là cấm cư trú hay cấm làm nghề...

8. Điều 88 cũ về tội tổ chức: cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép có hai khoản với hai khung hình phạt, nay đã được sửa đổi thành ba khoản với ba khung hình phạt như sau:

- Khoản 1: phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

- Khoản 2: Phạt tù từ năm năm đến mười hai năm

- Khoản 3: phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 201 cũ về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng chỉ có 2 khoản với khung hình phạt, nay cũng được sửa đổi thành ba khoản với ba khung hình phạt như sau:

- Khoản 1: phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù ba tháng đến ba năm;

- Khoản 2: phạt tù từ hai năm đến bảy năm

- Khoản 3: phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Vì mức cao nhất của khung hình phạt theo khoản 1 Điều 88 mới là bảy năm (so với mười hai năm theo khoản 1 Điều 88 cũ) và mức cao nhất của khung hình phạt theo khoản 2 Điều 201 mới là bảy năm (so với mười hai năm theo khoản 2 Điều 201 cũ), cho nên các trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 Điều 88 mới và thuộc khoản 2 Điều 201 mới nay thuộc thẩm quyền xét xử của các Toà án cấp huyện.

Tuy nhiên, đối với các vụ án về các trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 Điều 88 mới và thuộc khoản 2 Điều 201 mới, nếu Toà án cấp tỉnh đã thụ lý hoặc Viện kiểm sát cấp tỉnh đã có quyết định truy tố tại Toà án cấp tỉnh, thì Toà án cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết vụ án hoặc thụ lý vụ án để giải quyết mà không đặt vấn đề chuyển vụ án cho Toà án cấp huyện.

Nguyễn Văn Thìn

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)