Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TTLT-BTC-TCHQ

Hà Nội , ngày 12 tháng 1 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 04/2001/TTLT-BTC-TCHQ NGÀY 12 THÁNG 01 NĂM 2001 VỀ HƯỚNG DẪN VIỆC TẬP TRUNG, QUẢN LÝ THU, NỘP THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Thực hiện Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về việc quy định chi tiết việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 hướng dẫn chế độ tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 12/1999/TT-BTC ngày 01/02/1999 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư số 41/1998/TT-BTC. Để đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách Nhà nước và thống nhất việc quản lý thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu, Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan quy định quy trình, thủ tục và trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước và Hải quan trong công tác tập trung, quản lý các khoản thu thuế xuất, nhập khẩu vào ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Các khoản thu thuế và thu khác quy định tại Thông tư này là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, chênh lệch giá và các khoản thu khác của Hải quan theo chế độ quy định (gọi chung là thuế xuất, nhập khẩu) qua các cửa khẩu biên giới, sân bay, bến cảng (gọi chung là cửa khẩu) trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2/ Toàn bộ các khoản thu thuế xuất, nhập khẩu đều phải nộp vào ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Thuế xuất, nhập khẩu có thể nộp bằng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ, dưới các hình thức tiền mặt, ngân phiếu thanh toán hoặc chuyển khoản như quy định tại Thông tư số 41/1998/TT - BTC ngày 31/3/1998 của Bộ Tài chính.

3/ Việc thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu được thực hiện trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước. Trường hợp ở những cửa khẩu, nơi không tổ chức được điểm giao dịch của Kho bạc Nhà nước (do chưa có nơi làm việc hoặc đã có nơi làm việc nhưng không đảm bảo an toàn, có số thu ít, không thường xuyên) thì cơ quan Hải quan trực tiếp tổ chức thu và nộp kịp thời vào Kho bạc Nhà nước.

4/ Chứng từ nộp tiền vào ngân sách Nhà nước về thuế xuất, nhập khẩu là giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp cơ quan Hải quan trực tiếp thu hoặc người nộp không lập được giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước thì cơ quan Hải quan sử dụng biên lai khi thu thuế và viết giấy nộp tiền khi nộp tiền vào Kho bạc Nhà nưóc.

Giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, biên lai thu thuế xuất, nhập khẩu do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) thống nhất in, phát hành và quản lý theo quy định hiện hành.

II - NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

A/ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THU, NỘP THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU

1/ Thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu tại trụ sở Kho bạc Nhà nước

Trình tự và thủ tục thu, nộp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 41/1998/TT-BTC ngày 31/3/1998 và Thông tư số 12/1999/TT-BTC ngày 01/02/1999 của Bộ Tài chính. Cụ thể như sau:

a- Thông báo thu: Căn cứ vào số thuế và thu khác phải nộp ngân sách Nhà nước do đối tượng nộp thuế tự khai trên tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu, cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, ra thông báo thu và các khoản phải nộp gửi đối tượng nộp. Trong thông báo thu phải ghi rõ chi tiết từng khoản nộp và theo đúng chương, loại, khoản, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách Nhà nước.

Căn cứ vào tính chất của từng khoản nộp, cơ quan Hải quan xác định ngay tài khoản nộp trên thông báo thu theo nguyên tắc:

- Các khoản thu ngay vào ngân sách, nộp vào tài khoản 741 "Thu ngân sách Nhà nước".

- Các khoản có tính chất tạm giữ, nộp vào tài khoản 921 "Tạm giữ chờ xử lý".

b- Giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước: Thực hiện theo mẫu giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản được quy định tại Thông tư số 12/1999/TT-BTC ngày 01/02/1999 của Bộ Tài chính.

c- Căn cứ nội dung giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt hoặc bằng chuyển khoản do người nộp thuế, ngân hàng hoặc cơ quan Hải quan chuyển đến, Kho bạc Nhà nước tổ chức thu và hạch toán kế toán, phân chia số thu ngân sách giữa các cấp ngân sách theo đúng tỷ lệ quy định và đúng mục lục ngân sách hiện hành.

Trường hợp giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước ghi sai sót về mục lục ngân sách Nhà nước, cán bộ Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cán bộ Hải quan và đối tượng nộp thuế để điều chỉnh cho đúng và nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

2/ Thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu tại điểm thu của Kho bạc Nhà nước

- Căn cứ vào số thuế phải nộp đã xác định trong thông báo thu của cơ quan Hải quan hoặc tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu, đối tượng nộp lập 05 liên giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt, ngân phiếu thanh toán theo mẫu quy định tại Thông tư số 12/1999/TT-BTC ngày 01/02/1999 của Bộ Tài chính: liên 1 lưu cuống, 04 liên còn lại đem đến điểm thu của Kho bạc Nhà nước tại cửa khẩu để nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

- Khi nhận được 04 liên giấy nộp tiền từ người nộp, kế toán điểm thu của Kho bạc Nhà nước kiểm tra nội dung chứng từ và chuyển trực tiếp cho thủ quỹ để thu tiền.

- Thủ quỹ kiểm tra lại các liên giấy nộp tiền, yêu cầu đối tượng nộp viết bảng kê phân loại tiền, tiến hành thu tiền, vào sổ quỹ, ký tên và đóng dấu "Đã thu tiền" vào các liên giấy nộp tiền; sau đó chuyển trả lại cho kế toán.

- Kế toán ký tên, đóng dấu điểm thu vào các liên giấy nộp tiền và xử lý như sau:

+ Liên 3 gửi trả lại cho người nộp; Liên 4 gửi cơ quan Hải quan tại cửa khẩu;

+ Các liên còn lại (liên 2,5) lưu trong ngày tại điểm thu của Kho bạc Nhà nước làm căn cứ lập bảng kê giấy nộp tiền (Mẫu số 01/BK-TNS đính kèm). Bảng kê giấy nộp tiền được lập thành 3 bản: 01 bản lưu tại điểm thu; 01 bản giao Hải quan tại cửa khẩu; 01 bản kèm chứng từ thu lưu tại cơ quan Kho bạc Nhà nước.

- Căn cứ giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước đã được Kho bạc Nhà nước xác nhận, cơ quan Hải quan đối chiếu với tờ khai hải quan làm thủ tục để đối tượng nộp nhận hàng hoặc thanh toán nợ thuế.

- Cuối ngày, cán bộ Hải quan cửa khẩu và cán bộ điểm thu tiền của Kho bạc Nhà nước đối chiếu, ký xác nhận vào bảng kê. Căn cứ vào bảng kê giấy nộp tiền đã được ký xác nhận kèm chứng từ thu cùng với số tiền thu được trong ngày chuyển về Kho bạc Nhà nước trực tiếp quản lý. Trình tự thủ tục nộp tiền tại trụ sở Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo chế độ hiện hành.

* Trường hợp tại các cửa khẩu hàng hoá xuất, nhập khẩu chủ yếu là hàng hoá phi mậu dịch, tiểu ngạch, hành lý..., quy trình thu như sau:

- Căn cứ vào thông báo thu hoặc tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu, cán bộ Hải quan cửa khẩu lập 03 liên biên lai: liên 3 lưu cuống, 02 liên còn lại chuyển trực tiếp cho cán bộ điểm thu của Kho bạc Nhà nước.

- Cán bộ điểm thu Kho bạc Nhà nước căn cứ vào biên lai, tiến hành thu tiền từ người nộp, vào sổ quỹ; ký biên lai và trả lại cho cán bộ Hải quan.

- Cán bộ Hải quan cửa khẩu gửi người nộp liên 2 biên lai thu thuế kèm tờ khai để làm thủ tục nhận hàng; liên 1 làm căn cứ lập bảng kê biên lai (mẫu số 02/BK-TNS đính kèm).

- Cuối ngày, cán bộ Hải quan cửa khẩu và kế toán điểm thu Kho bạc Nhà nước đối chiếu, ký xác nhận vào bảng kê biên lai. Bảng kê biên lai được lập 03 bản: 01 bản kèm các liên 1 biên lai lưu cơ quan Hải quan; 01 bản lưu tại điểm thu của Kho bạc Nhà nước; 01 bản làm căn cứ lập giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Hàng ngày hoặc chậm nhất sau 5 ngày, Hải quan cửa khẩu căn cứ vào bảng kê biên lai lập giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước; điểm thu Kho bạc Nhà nước chuyển giấy nộp tiền (kèm bảng kê biên lai) và số tiền đã thu được về Kho bạc Nhà nước trực tiếp quản lý.

- Căn cứ vào giấy nộp tiền cùng số tiền do điểm thu chuyển về, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục nhập tiền và hạch toán thu ngân sách Nhà nước theo chế độ quy định hiện hành.

3/ Thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu trực tiếp qua cơ quan Hải quan

Cơ quan Hải quan sử dụng biên lai thu để trực tiếp thu thuế xuất, nhập khẩu từ đối tượng nộp. Định kỳ, căn cứ biên lai thu thuế, cơ quan Hải quan lập bảng kê chi tiết biên lai (Mẫu số 03/BK-TNS đính kèm) và viết giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt để nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước theo chế độ quy định.

Cơ quan Hải quan căn cứ tình hình về số thu; về khoảng cách và điều kiện giao thông từ cửa khẩu đến Kho bạc Nhà nước,... cụ thể từng địa bàn để thống nhất với Kho bạc Nhà nước quy định định kỳ nộp tiền thu thuế xuất, nhập khẩu vào Kho bạc Nhà nước (hàng ngày hoặc chậm nhất là 10 ngày). Cơ quan Hải quan chỉ nộp tiền thu thuế xuất, nhập khẩu đã thu được vào trụ sở Kho bạc Nhà nước, không nộp tiền tại các điểm thu ngoài trụ sở của Kho bạc Nhà nước.

B/ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN VÀ CƠ QUAN KHO BẠC NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TẬP TRUNG, QUẢN LÝ THU THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU

1/ Cơ quan Hải quan

1.1/ Ra thông báo thu kịp thời và hướng dẫn đối tượng nộp lập giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định.

1.2/ Trực tiếp tổ chức thu thuế xuất, nhập khẩu ở các cửa khẩu nơi chưa bố trí được điểm thu của Kho bạc Nhà nước và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại điểm 3 Mục A phần II của Thông tư này.

1.3/ Tạo điều kiện trong việc bố trí địa điểm, phương tiện làm việc và phối hợp với Kho bạc Nhà nước đảm bảo an toàn tài sản, tiền bạc của nhà nước tại điểm thu của Kho bạc Nhà nước tại các cửa khẩu.

1.4/ Định kỳ (tháng, quý, năm), căn cứ vào chứng từ thu đã được Kho bạc Nhà nước ký và đóng dấu, cơ quan Hải quan lập báo cáo thu thuế xuất, nhập khẩu trên địa bàn, đối chiếu với Kho bạc Nhà nước, bảo đảm khớp đúng và chính xác.

Trong quá trình đối chiếu, nếu có chênh lệch, hai bên phải tiến hành kiểm tra đối chiếu chứng từ thu nộp và kịp thời thông báo cho các đơn vị liên quan để thống nhất điều chỉnh số liệu sai sót theo chế độ kế toán quy định.

1.5/ Tổ chức công tác kế toán, hạch toán kế toán và lập báo cáo kế toán và quyết toán theo chế độ quy định.

2/ Cơ quan Kho bạc Nhà nước

2.1/ Phối hợp với cơ quan Hải quan trên địa bàn trong việc bố trí các điểm giao dịch trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước ở những nơi có đủ điều kiện như đã nêu tại điểm 1.3 khoản 1 Mục B nói trên.

2.2/ Tập trung đầy đủ và kịp thời toàn bộ các khoản thu thuế xuất, nhập khẩu vào ngân sách Nhà nước (kể cả các khoản thu do cơ quan Hải quan trực tiếp thu) và phân chia số thu cho từng cấp ngân sách theo đúng tỷ lệ quy định.

2.3/ Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc TW thông báo mẫu dấu điểm giao dịch và chữ ký của của cán bộ Kho bạc Nhà nước tại điểm giao dịch cho cơ quan Hải quan trên địa bàn để đối chiếu và giao dịch.

2.4/ Định kỳ (tháng, quý, năm) Kho bạc Nhà nước phối hợp với cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố đối chiếu số thu thuế xuất, nhập khẩu, đảm bảo khớp đúng số liệu giữa hai ngành (như đã nêu ở điểm 1.4 mục B phần II nói trên).

2.5/ Tổ chức công tác kế toán, hạch toán kế toán và lập báo cáo theo chế độ quy định.

III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2/ Cơ quan Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu quy định tại Thông tư này. Nếu các đơn vị, cá nhân vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp hiện hành. Định kỳ (quý, 6 tháng, năm), cơ quan Hải quan và cơ quan Kho bạc Nhà nước phối hợp đánh giá kết quả công tác thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu và hoạt động của các điểm thu liên ngành trên địa bàn.

3/ Trường hợp các địa phương áp dụng công nghệ tin học để thực hiện công tác tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách Nhà nước, có các thủ tục và quy trình thu nộp riêng, phải lập đề án và báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để xem xét và cho phép thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, cần kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước T.W), Tổng cục Hải quan để phối hợp giải quyết.

Lê Mạnh Hùng

(Đã ký)

Vũ Văn Ninh

(Đã ký)

 

MẪU SỐ: 01/BK-TNS

(Ban hành kèm theo Thông tư số......)

KBNN........

Điểm giao dịch số...

BẢNG KÊ

GIẤY NỘP TIỀN THUẾ XUẤT,
NHẬP KHẨU

Ngày......... tháng...... năm.....

Số...

Đơn vị tính: đồng

Số TT

Giấy nộp tiền

Số tiền

Ghi chú

 

Số

Ngày

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

Số tiền bằng chữ:.......................................................................

Xác nhận của

cơ quan Hải quan

Điểm giao dịch

Thủ quỹ Kế toán Phụ trách

Kho bạc nhà nước

Thủ quỹ Kế toán Kế toán trưởng

MẪU SỐ: 02/BK-TNS

(Ban hành kèm theo Thông tư số......)

Cục Hải quan........

Cửa khẩu..............

Số.....

BẢNG KÊ

BIÊN LAI THU THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU

(dùng cho điểm thu phối hợp giữa Hải quan và KBNN)

Ngày......... tháng...... năm.....

 

 

Đơn vị tính: đồng

Số TT

Biên lai thu

Số tiền

Ghi chú

 

Số

Ngày

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

Số tiền bằng chữ:..........................................................................

Điểm thu KBNN Hải quan cửa khẩu

Thủ quỹ Phụ trách điểm thu Lập bảng Thủ trưởng

MẪU SỐ: 03/BK-TNS

(Ban hành kèm theo Thông tư số......)

Cục Hải quan.......

Số....

BẢNG KÊ

BIÊN LAI THU THUẾ XUẤT, NHẬP KHẨU

(dùng cho trường hợp cơ quan Hải quan tổ chức thu trực tiếp)

Ngày......... tháng...... năm.....

Đơn vị tính: đồng

Số TT

Biên lai thu

Số tiền

Ghi chú

 

Số

Ngày

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

Số tiền bằng chữ:...............................................................................

Lập bảng Kế toán trưởng Thủ trưởng