BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 05-TT/LB | Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 1958 |
VỀ VIỆC THU TIỀN PHÍ TỔN SỬA ĐƯỜNG.
1. Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH VỀ VIỆC THU TIỀN PHÍ TỔN SỬA ĐƯỜNG
Hoà bình lập lại, việc giao thông và vận tải bằng đường bộ ngày càng phát triển để đảm bảo yêu cầu vận chuyển Nhà nước và của nhân dân.
Hiện nay chúng ta đã có một hệ thống đường dài, 6.500 cây số. Hàng năm Nhà nước phải chi ra những khoản tiền lớn làm công việc tu sửa. Số tiền Nhà nước chi ra năm 1957 gấp 4 lần so với năm 1955.
Để giảm bớt sự chi tiêu của ngân sách Nhà nước, để sự đóng góp tu sửa đường sá được công bằng hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành thể lệ thu tiền phí tổn sửa đường vào các xe của cơ quan, xe của các xí nghiệp và xe của tư nhân.
Nhà nước thu tiền phí tổn sửa đường tức là để những người có xe được thiết thực tham gia vào việc tu sửa, bảo quản đường sá cho tốt để việc khai thác công suất xe của mình được cao. Việc những người có xe góp tiền phí tổn sửa đường còn có tác dụng đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan giao thông trong việc sửa chữa bảo vệ đường sá để việc giao thông và vận tải được thuận lợi nữa.
Do đó việc đóng góp tiền tu sửa đường sá chẳng những là một nghĩa vụ mà còn là một vinh dự của những người có xe đóng góp vào công cuộc xây dựng sự nghiệp giao thông của miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy Chính phủ cũng chiếu cố miễn thu tiền phí tổn sửa đường cho một số các loại xe hoạt động có tính cách phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và những loại xe vận tải do người kéo hoặc đẩy, các xe đám ma, xe hồng thập tự, v.v…
Các điều khoản căn bản về thu tiền phí tổn, sửa đường đã được quy định rõ trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ.
Dưới đây Liên Bộ giải thích những điểm cần thiết:
2. GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM QUY ĐỊNH TRONG NGHỊ ĐỊNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
Điều 3 quy định xe của các cơ quan ngoại giao nước ngoài được miễn thu tiền phí tổn sửa đường là những xe của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, cơ quan đại diện các nước. Còn các xe khác của các cơ quan Bộ Ngoại giao,Giao tế, Cục Chuyên gia v.v… thì vẫn phải đóng tiền phí tổn sửa đường.
Khoản c quy định các máy kéo và các xe vận tải (ô tô và xe thô sơ) của các nông trường, lâm trường, xí nghiệp quốc doanh chuyên hoạt động trên các đường riêng do họ tự làm và tự tu bổ thì được miễn thu tiền phí tổn sửa đường. Nếu vì lý do di chuyển địa điểm, đưa đi sửa chữa các xe này chạy ra đường ô tô thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan sử dụng cấp. Giấy chứng nhận chỉ được cấp từng chuyến một, phải ghi rõ số xe và thời gian xe chạy ra đường ô tô. Còn các xe thường xuyên vừa chạy trên đường riêng, vừa chạy trên đường đường ô tô thì thu tiền phí tổn sửa đường như các xe khác mà nghị định Thủ tướng phủ đã quy định. Các nông trường, lâm trường, xí nghiệp phải lập danh sách ghi rõ các xe chuyên chạy trên đường riêng của mình gửi đến các cơ quan Giao thông, Tài chính, Công an địa phương để tiện việc kiểm soát sau này.
Khoản d quy định các xe dùng vào việc đưa đám mà là những xe đã đăng ký kinh doanh vào việc này và phải có giấy của Uỷ ban Hành chính địa phương chứng nhận mới được miễn tiền phí sổn sửa đường. Giấy chứng nhận phải ghi rõ tên, địa chỉ chủ xe, loại xe (ô tô, xe ngựa v.v…) số hiệu đăng ký.
Xe hồng thập tự được miễn tiền phí tổn sửa đường là những xe của cơ quan Y tế chuyên dùng để chở bệnh nhân, tải thương, làm nhiệm vụ cấp cứu… Còn các xe khác của cơ quan Y tế chuyên dùng cho cán bộ, công nhân đi công tác và các xe vận tải đều phải đóng tiền phí tổn sửa đường.
Điều 4 quy định mức thu tiền phí tổn sửa đường của mỗi xe. Liên bộ giải thích thêm một số điểm:
Loại xe 2T5 trở xuống mỗi xe thu 30.000đ một tháng là những xe vận tải hàng hóa, xe chở hành khách loại nhỏ (taxi) xe chở hành khách loại lớn (car), xe du lịch nhưng sử dụng có tính chất kinh doanh nghề này hay nghề khác để lấy lợi như xe quảng cáo, cho đám cưới thuê, cho thuê chuyến v.v… xe ô tô con thu mỗi tháng 10.000đ tiền phí tổn sửa đường là những xe du lịch, xe Jeep, Commandcar của cơ quan, xe du lịch của tư nhân, dùng để đi chơi, đi việc riêng cho gia đình (không có tính cách kinh doanh).
Xe taxi hoặc car chở hành khách không tính theo số chỗ ngồi để xếp hạng trọng tải mà tính theo trọng tải như xe tải để xếp hạng trọng tải từ 2T5 trở xuống hoặc 2T5 trở lên v.v…
Đối với Remorque sẽ định mức thu tiền phí tổn sửa đường riêng.
Điều 6 quy định tiền phí tổn sửa đường do các cơ quan Tài chính và Thuế vụ thu và nộp vào kho bạc Nhà nước. Các điều khoản về việc thu nộp và mẫu mực sổ sách, biên lai do Bộ Tài chính định. Riêng đơn vị Khu Tự trị Việt bắc Uỷ ban Hành chính khu sẽ quy định thể thức thu nộp cho các tỉnh trong khu. Cơ quan phụ trách chung về thu phí tổn sửa đường là các Ty Tài chính các tỉnh. Sở Tài chính các thành phố Hà nội, Hải-phòng, Khu Tự trị Thái Mèo. Các cơ quan Thuế vụ đồng cấp với các Khu Ty, Tài chính nói trên chịu trách nhiệm thu về phần xe kinh doanh.
Để việc thu có kết quả các cơ quan Giao thông vận tải và cơ quan Công an tuỳ theo nhiệm vụ đăng ký xe của mình cung cấp danh sách chủ xe, loại xe và số xe cho các cơ quan Tài chính địa phương phụ trách việc thu tiền phí tổn sửa đường.
Đầu mỗi tháng và mỗi quý, hai cơ quan đăng ký xe nói trên báo cho cơ quan Tài chính, Thuế vụ biết tình hình thay đổi về xe (có đăng ký mới, thay tên, đổi chủ xe, đổi chỗ ở của chủ xe và xe v.v…) để các cơ quan Tài chính, Thuế vụ kịp thời điều chỉnh kế hoạch thu tiền phí tổn sửa đường trong tháng và trong quý.
Ở trung ương, để tiện việc kiểm tra tuỳ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Nha Giao thông và Vụ Trị an hành chính Bộ Công an cung cấp cho Vụ Tổng dự toán và vụ Thuế vụ Bộ Tài chính tài liệu nói trên, và hàng tháng, hàng qúy báo cho hai Vụ này của Bộ Tài chính biết tình hình thay đổi xe cộ trong tháng và trong quý đó.
Điều 7 và điều 10 quy định mỗi khi thu tiền phí tổn sửa đường cơ quan thu phải cấp biên lai cho chủ xe. Chủ xe hoặc người lái xe phải luôn luôn mang biên lai theo xe và có nhiệm vụ xuất trình với các cơ quan và nhân viên kiểm soát giao thông, thuế vụ công an khi cần thiết. Nếu các chủ xe vi phạm điều 7 các cơ quan và nhân viên kiểm soát sẽ tuỳ theo lỗi mà phạt.
Trường hợp vi phạm điều 10 nếu chủ xe cố tình dây dưa, gian lận, thì các cơ quan và nhân viên kiểm soát sẽ chiểu theo điều 10 mà định mức phạt.
Đề nghị các Uỷ ban đôn đốc, lãnh đạo Khu, Ty Giao thông, Tài chính, Thuế vụ nghiên cứu kỹ thông tư này, đặt kế hoạch lãnh đạo việc thi hành nghị định của Thủ tướng Chính phủ được tốt.
K.T BỘ TRƯỞNG | K.T BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông tư 178-TTg năm 1960 về việc thu tiền thủy lợi ở các hệ thống nông giang do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 2 Thông tư 43-TC/TDT/P2 năm 1958 về việc thu phí tổn sửa đường do Bộ Tài Chính ban hành
- 3 Nghị định 145-TTg năm 1958 quy định thể lệ tạm thời thu phí tổn sửa đường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Thông tư 43-TC/TDT/P2 năm 1958 về việc thu phí tổn sửa đường do Bộ Tài Chính ban hành
- 2 Thông tư 178-TTg năm 1960 về việc thu tiền thủy lợi ở các hệ thống nông giang do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 3 Nghị định 145-TTg năm 1958 quy định thể lệ tạm thời thu phí tổn sửa đường do Thủ tướng Chính phủ ban hành