BỘ LAO ĐỘNGTHƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTP | Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2006 |
HƯỚNG DẪN VIỆC BẢO LÃNH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;.
Căn cứ Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp,
Để thống nhất việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau:
1. Bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
a) Bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo lãnh. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
b) Bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh giới thiệu người bảo lãnh có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và được bên nhận bảo lãnh chấp nhận để ký kết hợp đồng bảo lãnh.
2. Phạm vi bảo lãnh:
Bên bảo lãnh thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về trách nhiệm bảo lãnh toàn bộ hoặc một phần những nghĩa vụ sau đây:
a) Thanh toán phí dịch vụ mà bên được bảo lãnh chưa thanh toán, nếu có;
b) Thanh toán chi phí bồi thường thiệt hại cho đối tác nước ngoài và những thiệt hại khác do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;
c) Thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng, nếu hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có thoả thuận phạt vi phạm;
d) Thanh toán tiền lãi trong trường hợp chậm thanh toán Các khoản tiền thuộc phạm vi bảo lãnh được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp Các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
đ) Nghĩa vụ khác của bên được bảo lãnh, nếu Các bên có thoả thuận và thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức Xã hội.
Trong trường hợp Các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định về phạm vi bảo lãnh thì phạm vi bảo lãnh bao gồm toàn bộ nghĩa vụ của bên được bảo lãnh.
3. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh thỏa thuận; nếu không thỏa thuận thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một thời hạn hợp lý do bên nhận bảo lãnh ấn định tính từ thời điểm bên bảo lãnh nhận được thông báo của bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh.
4. Hình thức và nội dung của hợp đồng bảo lãnh
a) Hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản.
b) Hợp đồng bảo lãnh do Các bên lập, bao gồm những nội dung cơ bản sau: phạm vi bảo lãnh; quyền và nghĩa vụ của Các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh; thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; xử lý bảo lãnh.
5. Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
a) Bên nhận bảo lãnh có thể thoả thuận với bên bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
b) Việc cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng bảo lãnh.
c) Việc xác lập, thực hiện biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
1. Quyền của bên bảo lãnh
a) Được Các bên liên quan thông tin đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh.
b) Thoả thuận bảo lãnh toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh phải thực hiện với bên nhận bảo lãnh theo quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này.
c) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh.
d) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh có các biện pháp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho bên được bảo lãnh thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với phía nước ngoài.
đ) Được nhận lại giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình đã giao cho bên nhận bảo lãnh khi hợp đồng bảo lãnh được ký kết, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác về thời điểm trả lại giấy tờ, tài liệu nêu trên.
e) Bên bảo lãnh, người thân trong gia đình bên bảo lãnh được bên nhận bảo lãnh ưu tiên tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt.
g) Trường hợp bên nhận bảo lãnh thực hiện không đúng, không đầy đủ Các nghĩa vụ nêu tại Các điểm a, b, c và d khoản 4 Mục này mà gây thiệt hại cho bên bảo lãnh thì bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và sử dụng số tiền bồi thường thiệt hại đó để bù trừ nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh.
h) Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.
i) Các quyền khác, nếu pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận.
2. Nghĩa vụ của bên bảo lãnh
a) Chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác cho bên nhận bảo lãnh để thẩm tra, xem xét trước khi ký hợp đồng bảo lãnh, nếu có thỏa thuận.
b) Vận động, giáo dục bên được bảo lãnh, gia đình bên được bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh; cùng với gia đình bên được bảo lãnh thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm nhẹ những thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra.
c) Thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong phạm vi đã cam kết.
d) Giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh hoặc người thứ ba theo thỏa thuận để xử lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
đ) Nghĩa vụ khác, nếu pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận.
3. Quyền của bên nhận bảo lãnh
a) Yêu cầu bên bảo lãnh chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và giao giấy tờ, tài liệu chứng minh để bên nhận bảo lãnh thẩm tra, xem xét, nếu có.
b) Yêu cầu bên bảo lãnh đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để xử lý trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh. Trong trường hợp bên bảo lãnh không đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để xử lý thì bên nhận bảo lãnh có quyền khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền.
c) Các quyền khác, nếu pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận.
4. Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh
a) Thông tin đầy đủ cho bên bảo lãnh các quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh.
b) Thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh.
c) Phối hợp với đối tác, người sử dụng lao động và các bên liên quan có biện pháp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho bên được bảo lãnh thực hiện đúng Các hợp đồng đã ký kết.
d) Giữ gìn, bảo quản, không làm hư hỏng, thất lạc giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu có. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh làm hư hỏng, thất lạc giấy tờ, tài liệu của bên bảo lãnh thì phải bồi thường thiệt hại.
đ) Khi bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, bên nhận bảo lãnh phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên bảo lãnh và gia đình của bên được bảo lãnh để vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện đúng hợp đồng và khắc phục thiệt hại do bên được bảo lãnh gây ra.
e) Thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh.
g) Cung cấp cho bên bảo lãnh giấy tờ, tài liệu chứng minh về thiệt hại do bên được bảo lãnh gây ra.
h) Hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu có, khi hợp đồng bảo lãnh được ký kết, trừ trường hợp Các bên có thoả thuận khác về thời điểm trả lại những giấy tờ, tài liệu nêu trên.
i) Ưu tiên tuyển chọn bên bảo lãnh, người thân trong gia đình của bên bảo lãnh đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt.
k) Nghĩa vụ khác, nếu pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh thoả thuận áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại khoản 5 mục I của Thông tư này thì tương ứng với biện pháp bảo đảm được áp dụng, bên nhận bảo lãnh có các quyền, nghĩa vụ của bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp hoặc bên nhận ký quỹ và bên bảo lãnh có các quyền, nghĩa vụ của bên cầm cố, bên thế chấp hoặc bên ký quỹ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp, ký quỹ mà các bên đã ký kết.
III. NGHĨA VỤ CỦA BÊN ĐƯỢC BẢO LÃNH
1.Giới thiệu người bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh để ký kết hợp đồng bảo lãnh.
2. Ký vào hợp đồng
bảo lãnh, nếu bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh yêu cầu.
3. Thực hiện nghĩa vụ đối với bên bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác.
4. Nghĩa vụ khác, nếu pháp luật có quy định hoặc các bên có thoả thuận.
IV. CHẤM DỨT VÀ THANH LÝ HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
1. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo lãnh
a) Bên được bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh.
b) Bên bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh.
c) Việc bảo lãnh được huỷ bỏ hoặc được thay thế bằng các biện pháp bảo đảm khác.
d) Theo thỏa thuận giữa các bên.
đ) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Thanh lý hợp đồng bảo lãnh
a) Thời hạn thanh lý hợp đồng bảo lãnh là ba mươi ngày, kể từ ngày hợp đồng bảo lãnh chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
b) Việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ mức độ thực hiện những nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng bảo lãnh của các bên; trách nhiệm của các bên (nếu có) do phải thanh lý hợp đồng.
Trong trường hợp chấm dứt bảo lãnh theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Mục này thì việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi chung trong văn bản huỷ bỏ, thay thế việc bảo lãnh hoặc văn bản thoả thuận chấm dứt bảo lãnh.
1. Bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh mà bên được bảo lãnh không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Bên bảo lãnh cũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh mà bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo lãnh, nếu các bên có thỏa thuận.
2. Trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh và không đưa tài sản để xử lý theo thỏa thuận thì bên nhận bảo lãnh có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xử lý tài sản của bên bảo lãnh.
Nếu việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được bảo đảm bằng cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ theo quy định tại khoản 5 Mục I của Thông tư này thì bên nhận bảo lãnh có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng cầm cố, thế chấp, kỹ quỹ mà các bên đã ký kết để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.
3. Sau khi đã trừ chi phí bảo quản và các chi phí cần thiết khác có liên quan đến xử lý tài sản, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh được dùng để thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh. Trong trường hợp ngoài nghĩa vụ bảo lãnh còn có nghĩa vụ khác cũng được bảo đảm bằng tài sản của bên bảo lãnh thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Sau khi đã thanh toán xong nghĩa vụ được bảo lãnh mà tiền bán tài sản vẫn còn thì bên nhận bảo lãnh phải trả lại cho bên bảo lãnh. Trong trường hợp số tiền bán tài sản không đủ để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải bổ sung tài sản để xử lý, thanh toán phần còn thiếu đó.
4. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
VI. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỀ HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
1. Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp để xem xét, giải quyết./
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG | |
|
| |
|
|
|
- 1 Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP hướng dẫn nội dung Hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Liên bộ Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.
- 2 Thông tư 02/2010/TT-BLĐTBXH công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 31 tháng 12 năm 2009 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
- 3 Quyết định 395/QĐ-BTP năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 4 Quyết định 480/QĐ-BTP công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013
- 5 Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 6 Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015
- 1 Nghị định 141/2005/NĐ-CP về việc quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
- 2 Bộ luật Dân sự 2005
- 3 Nghị định 81/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
- 4 Nghị định 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
- 5 Nghị định 29/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- 6 Bộ Luật Lao động sửa đổi 2002
- 7 Bộ luật Dân sự 1995
- 8 Bộ luật Lao động 1994
- 1 Bộ luật Lao động 1994
- 2 Bộ luật Dân sự 1995
- 3 Bộ Luật Lao động sửa đổi 2002
- 4 Nghị định 81/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
- 5 Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP hướng dẫn nội dung Hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Liên bộ Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.
- 6 Thông tư 02/2010/TT-BLĐTBXH công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 31 tháng 12 năm 2009 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
- 7 Quyết định 395/QĐ-BTP năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 8 Quyết định 480/QĐ-BTP công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013
- 9 Quyết định 1395/QĐ-LĐTBXH năm 2015 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015