Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 119-LT/TT

Hà Nội , ngày 04 tháng 6 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TƯ PHÁP - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 119-TT/LT NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN KÊ BIÊN TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP ĐỂ ĐẢM BẢO THI HÀNH ÁN

Để thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, căn cứ vào Điều 15 Nghị định số 69/CP ngày 18-10-1996 của Chính phủ, Bộ tư pháp, Bộ Tài chính thống nhất hướng dẫn việc kê biên tài sản của các doanh nghiệp để bảo đảm thi hành án như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1- Việc kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án theo trình tự thủ tục hướng dẫn tại Thông tư này được áp dụng đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) gồm:

- Doanh nghiệp Nhà nước;

- Doanh nghiệp của các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Công ty (Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần);

- Doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Hợp tác xã;

- Doanh nghiệp tư nhân.

2- Cơ quan thi hành án chỉ kê biên tài sản của doanh nghiệp phải thi hành án nếu sau khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây mà vẫn không đủ để thi hành án:

- Phong toả tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng, khấu trừ số dư (tiền Việt Nam, ngoại tệ) hoặc vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá trị khác của người phải thi hành án;

- Khấu trừ tài sản, các khoản nợ của người phải thi hành án đang cho cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân khác giữ.

3- Cơ quan thi hành án không được kê biên các tài sản sau đây:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công nhân của doanh nghiệp phải thi hành án;

b) Nhà trẻ, trường học và các tài sản thuộc các cơ sở này của doanh nghiệp;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ đảm bảo an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Tài sản dự trữ của Nhà nước để tại doanh nghiệp;

đ) Tài sản đã cầm đồ, thế chấp hợp pháp;

e) Tài sản đã bị cơ quan có thẩm quyền kê biên;

g) Toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất có giá trị lớn gấp nhiều lần so với tài sản phải thi hành án, cơ sở hạ tầng quan trọng;

h) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các loại hoá chất độc hại nguy hiểm, hoặc loại tài sản không được phép lưu thông;

i) Số nguyên - vật liệu bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín;

k) Phần mềm, các dữ liệu phần mềm máy vi tính, bản quyền phát minh, sáng chế, bí quyết công nghệ, giải pháp hữu ích;

l) Máy móc, công cụ, phương tiện, nguyên - vật liệu dùng để sản xuất các mặt hàng phục vụ an ninh - quốc phòng do Nhà nước đặt.

II- TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÊ BIÊN

1- Trước khi áp dụng biện pháp kê biên, cơ quan thi hành án phải tiến hành xác minh tài sản của doanh nghiệp phải thi hành án. Việc xác minh được thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp phải thi hành án. Căn cứ vào bản án, quyết định của Toà án, quyết định thi hành án, chấp hành viên có quyền yêu cầu chủ doanh nghiệp phải thi hành án cung cấp danh mục và tình hình tài sản của cơ quan, doanh nghiệp. Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu doanh nghiệp phải thi hành án là doanh nghiệp Nhà nước) có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc xác minh tài sản. Trên cơ sở xác minh, chấp hành viên lập bảng kê tài sản, định rõ tài sản nào được kê biên, tài sản nào không được kê biên và kế hoạch tiến hành kê biên.

2- Chấp hành viên phải thông báo cho doanh nghiệp phải thi hành án, chính quyền địa phương (phường, xã) ít nhất 03 ngày trước khi tiến hành kê biên. Thông báo cưỡng chế đồng thời được gửi cho cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp phải thi hành án là doanh nghiệp Nhà nước), Viện Kiểm sát cùng cấp và người được thi hành án biết. Trong trường hợp đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải thi hành án cố tình vắng mặt, Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên nhưng phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và người làm chứng.

3- Về thứ tự tài sản kê biên: trong tổng số tài sản được phép kê biên, tài sản không trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh được kê biên trước. Nếu những tài sản này không đủ để thi hành thì mới kê biên các tài sản dùng cho sản xuất - kinh doanh.

Đối với trụ sở doanh nghiệp, Chấp hành viên chỉ kê biên nếu sau khi đã kê biên các tài sản khác vẫn không đủ để thi hành án. Chỉ được kê biên trụ sở thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp thuê lâu dài, ổn định mà quyền thuê có giá trị và có khả năng phát mại. Trước khi kê biên, Chấp hành viên định thời hạn không quá một tháng để doanh nghiệp phải thi hành án tìm tài sản khác để thi hành. Việc kê biên trụ sở phải được thông báo cho cơ quan quản lý vốn, tài sản Nhà nước có thẩm quyền (nếu doanh nghiệp phải thi hành án là doanh nghiệp Nhà nước). Trong thời hạn kể từ ngày kê biên đến trước khi tổ chức bán đấu giá, doanh nghiệp phải thi hành án vẫn có quyền tìm tài sản khác để thi hành.

Chấp hành viên chỉ chấp nhận đề nghị của đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải thi hành án về việc kê biên tài sản nào trước nếu xét thấy đề nghị đó không gây trở ngại cho việc thi hành án.

4- Trong trường hợp có tranh chấp về tài sản giữa doanh nghiệp phải thi hành án với người khác, Chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên và giao cho doanh nghiệp đang quan niệm, sử dụng tài sản đó bảo quản. Đồng thời, Chấp hành viên phải thông báo cho những người liên quan đến tài sản đó khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày kê biên, nếu những người liên quan đến tài sản đó không khởi kiện, thì tài sản được xử lý để thi hành án.

5- Trên cơ sở tạm tính giá trị tài sản định kê biên, Chấp hành viên chỉ kê biên số tài sản đủ để thi hành án và các chi phí cưỡng chế cần thiết, Chấp hành viên thành lập Hội đồng định giá gồm: đại diện cơ quan tài chính - vật giá, đại diện cơ quan chuyên môn, kỹ thuật hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản và các chuyên gia khác nếu thấy cần thiết do Chấp hành viên làm Chủ tịch, Hội đồng định giá biểu quyết theo đa số. Đại diện doanh nghiệp phải thi hành án, cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước và người được thi hành án được mời tham dự việc định giá nhưng không có quyền biểu quyết. Việc định giá phải tiến hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kê biên. Việc định giá lại được thực hiện nếu các bên đương sự có thoả thuận. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày định giá tài sản, Chấp hành viên phải tiến hành bán đấu giá tài sản, trừ các trường hợp có tranh chấp. Trình tự, thủ tục bán đấu giá theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá.

6- Tài sản đã kê biên được cho doanh nghiệp phải thi hành án hoặc người đang quản lý sử dụng tài sản đó bảo quản, nếu doanh nghiệp phải thi hành án bảo quản thì không được trả thù lao. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên cho giám định chất lượng tài sản trước khi giao bảo quản. Chấp hành viên cho niêm phong hoặc có thể cho phép doanh nghiệp phải thi hành án, người được giao bảo quản tài sản vẫn tiếp tục sử dụng hoặc khai thác lợi ích từ tài sản kê biên, nhưng không được sang nhượng, cho thuê, cho mượn. Cá nhân, cơ quan được giao bảo quản, sử dụng, khai thác tài sản kê biên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tài sản kê biên đó.

7- Chấp hành viên phải lập biên bản kê biên, biên bản giao bảo quản tài sản. Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ kê biên, họ tên Chấp hành viên, họ tên đại diện các đương sự và người chứng kiến, họ tên cá nhân hoặc đại diện cơ quan, doanh nghiệp được giao bảo quản tài sản. Biên bản phải mô tả chi tiết tình trạng từng tài sản kê biên, giá tạm tính, chất lượng tài sản theo kết quả giám định (nếu có). Nếu tài sản kê biên là kim loại quý, vàng bạc, đá quý... thì phải giám định chất lượng ngay và phải được giao cho cơ quan chuyên môn (Ngân hàng, kho bạc) quản lý.

Chấp hành viên, đại diện các bên đương sự, người chứng kiến, cá nhân, đại diện cơ quan, doanh nghiệp được giao bảo quản tài sản ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người từ chối ký vào biên bản thì Chấp hành viên phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản được giao cho người được thi hành án, đại diện doanh nghiệp phải thi hành án, cá nhân, đại diện cơ quan, doanh nghiệp được giao bảo quản tài sản mỗi người một bản.

III- KHOẢN THI HÀNH

1- Cơ quan quản lý vốn là tài sản doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tạo kiện và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc xác minh và tiến hành kê biên tài sản đối với doanh nghiệp phải thi hành án.

2- Nếu sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp phải thi hành án mà phát hiện doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng phá sản thì cơ quan thi hành án phải báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền và những người có quyền lợi liên quan biết để xử lý theo quy định của pháp luật.

3- Đối với người phải thi hành án thuộc các đối tượng: cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang cơ quan thi hành án lựa chọn áp dụng các biện pháp cưỡng chế thích hợp để đảm bảo thi hành án, nhưng trước mắt chưa áp dụng biện pháp kê biên tài sản.

4- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan hữu quan phải báo cáo ngay Bộ tư pháp, Bộ Tài chính để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nguyễn Văn Sản

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)