Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG - BỘ NỘI VỤ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 12/2007/TTLT-BTNMT-BNV

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/2007/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 5 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, BỘ PHẬN CHUYÊN MÔN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện các nội dung sau đây:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA CHI CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Bảo vệ môi trường

Chi cục Bảo vệ môi trường thực hiện chức năng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ, có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1.1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt;

1.2. Tham mưu cho Giám đốc Sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ;

1.3. Tham mưu cho Giám đốc Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật; giúp Giám đốc Sở kiểm tra việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư;

1.4. Điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Giám đốc Sở hồ sơ đăng ký hành nghề, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã đăng ký hành nghề quản lý chất thải; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan và các đơn vị thuộc Sở giám sát các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn;

1.5. Giúp Giám đốc Sở phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; trình Giám đốc Sở việc xác nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo đề nghị của các cơ sở đó;

1.6. Đánh giá, cảnh báo và dự báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điều tra, phát hiện và xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường, báo cáo và đề xuất với Giám đốc Sở các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường;

1.7. Làm đầu mối phối hợp hoặc tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh và công tác bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học theo phân công của Giám đốc Sở;

1.8. Giúp Giám đốc Sở xây dựng chương trình quan trắc môi trường, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường theo nội dung chương trình đã được phê duyệt hoặc theo đặt hàng của tổ chức, cá nhân; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường và xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo dõi, kiểm tra kỹ thuật đối với hoạt động của mạng lưới quan trắc môi trường ở địa phương;

1.9. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở;

1.10. Tham mưu cho Giám đốc Sở hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý môi trường đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cán bộ địa chính – xây dựng xã, phường, thị trấn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường theo phân công của Giám đốc Sở;

1.11. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với Thanh tra Sở trong việc thực hiện thanh tra, phát hiện các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn và đề nghị Giám đốc Sở xử lý theo thẩm quyền; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường theo phân công của Giám đốc Sở;

1.12. Quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chi cục theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở và quy định của pháp luật;

1.13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao.

2. Tổ chức của Chi cục Bảo vệ môi trường

2.1. Lãnh đạo Chi cục:

Chi cục Bảo vệ môi trường có Chi cục trưởng; giúp việc Chi cục trưởng có từ 01 đến 02 Phó Chi cục trưởng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng thực hiện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.2. Cơ cấu tổ chức của Chi cục:

Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương và số biên chế hành chính được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ cấu tổ chức cụ thể của Chi cục Bảo vệ môi trường như sau:

a) Đối với Chi cục có khối lượng công việc cần bố trí số công chức hành chính làm việc thường xuyên từ 10 đến 15 người thì có thể thành lập không quá 2 phòng sau đây:

- Phòng Tổng hợp và Đánh giá tác động môi trường;

- Phòng Kiểm soát ô nhiễm.

b) Đối với Chi cục có khối lượng công việc cần bố trí số công chức hành chính làm việc thường xuyên trên 15 người thì có thể thành lập 3 phòng sau đây:

- Phòng Tổng hợp;

- Phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường;

- Phòng Kiểm soát ô nhiễm.

c) Không thành lập phòng trực thuộc ở những Chi cục có khối lượng  công việc cần bố trí số công chức hành chính làm việc thường xuyên dưới 10 người.

Đối với những Chi cục không có phòng trực thuộc, Giám đốc Chi cục trực tiếp phân công và chỉ đạo, kiểm tra công chức hành chính thuộc Chi cục thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

d) Chi cục có thể có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sau đây:

- Trung tâm Quan trắc môi trường: là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên. Mỗi Sở chỉ thành lập một Trung tâm Quan trắc môi trường trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường, phù hợp với các điều kiện thành lập quy định tại khoản 1.2, mục 1 phần III Thông tư này.

Trường hợp đã thành lập Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường để thực hiện nhiệm vụ quan trắc tổng hợp các lĩnh vực thuộc chức năng của Sở thì Trung tâm này có thể trực thuộc Sở hoặc trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường.

- Trung tâm Ứng dụng phát triển công nghệ môi trường hoặc đơn vị sự nghiệp khác thực hiện dịch vụ công về bảo vệ môi trường là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên.

đ) Đối với Chi cục không có Trung tâm Quan trắc môi trường (hoặc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường) trực thuộc Sở có thể thành lập Trạm quan trắc môi trường. Chi cục trưởng được ký hợp đồng lao động để thực hiện các nhiệm vụ quan trắc và phân tích môi trường bằng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Trạm quan trắc môi trường là đầu mối tương đương cấp phòng trực thuộc Chi cục, không có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản.

2.3. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của Chi cục Bảo vệ môi trường do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của các phòng, đơn vị sự nghiệp (nếu có) trực thuộc theo theo đề nghị của Chi cục trưởng.

3. Biên chế của Chi cục Bảo vệ môi trường

3.1. Biên chế hành chính của Chi cục gồm có: Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng và cán bộ, công chức làm việc tại các phòng (hoặc bộ phận) chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục.

3.2. Biên chế sự nghiệp của Chi cục gồm có cán bộ, viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục. Trường hợp thiếu viên chức theo biên chế,

Chi cục được ký hợp đồng lao động bằng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường.

3.3. Biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp của Chi cục do Giám đốc Sở quyết định phân bổ trong tổng chỉ tiêu biên  chế của Sở được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao theo quy định hiện hành. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, Giám đốc Sở phê duyệt kế hoạch biên chế của đơn vị.

III. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1.1. Trung tâm Quan trắc môi trường (hoặc Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường, Trung tâm Quan trắc và Thông tin môi trường, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường) quy định tại Thông tư này là đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập tại Cục (hoặc Tổng cục) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ mà chức năng liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường hoặc tại Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ quản lý nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp này được tham gia cung cấp dịch vụ công về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị quan trắc môi trường của doanh nghiệp nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các tổ chức sự nghiệp công lập khác có chức năng tổ chức việc cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường không phải là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư này.

1.2. Trung tâm quan trắc môi trường quy định tại mục 1 phần III Thông tư này được thành lập, hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Cục (hoặc Tổng cục) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ mà chức năng liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm quan trắc môi trường để phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường của cơ quan; 

b) Có địa điểm làm việc và bảo đảm các điều kiện thực hiện quan trắc và phân tích môi trường;

c) Có phòng thí nghiệm đủ điều kiện phân tích các thông số môi trường cơ bản; có từ 03 cán bộ phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm trở lên, trong đó có ít nhất 01 cán bộ phân tích mẫu trình độ đại học chuyên ngành phù hợp;

d) Có đủ trang thiết bị, dụng cụ và hoá chất lấy mẫu, bảo quản mẫu, đo nhanh hiện trường và vận chuyển phù hợp với tiêu chuẩn và phải đạt độ chính xác cần thiết theo quy định đối với các thành phần môi trường cơ bản (không khí, nước và đất); có đủ lực lượng quan trắc viên hiện trường, trong đó có ít nhất 03 quan trắc viên trình độ đại học chuyên ngành phù hợp với các nhiệm vụ quan trắc, phân tích và tổng hợp số liệu;

đ) Có năng lực bảo đảm thực hiện quy trình, quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm chất lượng/kiểm soát chất lượng (QA/QC) trong quan trắc môi trường; có cán bộ chuyên trách quản lý kỹ thuật và quản lý chất lượng.

1.3. Trung tâm quan trắc môi trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công về bảo vệ môi trường

2.1. Các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có thể tham gia cung ứng một số dịch vụ công về bảo vệ môi trường cho tổ chức, cá nhân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, năng lực chuyên môn và các quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công về bảo vệ môi trường), bao gồm:

a) Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ;

b) Các trung tâm thông tin - tư liệu khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường chuyên ngành;

c) Các đơn vị (đài, trung tâm) quan trắc, dự báo khí tượng, thuỷ văn;

d) Các trung tâm quan trắc và phân tích môi trường;

đ) Các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc đơn vị sự nghiệp;

e) Các liên đoàn địa chất;

g) Các ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia;

h) Các trung tâm bảo tồn và phát triển các nguồn gen, giống động vật, thực vật quý hiếm;

i) Các trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn;

k) Các đơn vị sự nghiệp công lập khác có chức năng cung cấp dịch vụ công về bảo vệ môi trường.

2.2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cụ thể của các đơn vị sự nghiệp thực hiện dịch vụ công về bảo vệ môi trường quy định tại mục 2 phần III Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và quyết định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

2.3. Đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; được Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và quỹ bảo vệ môi trường của Bộ, ngành, địa phương ưu tiên về tín dụng, tài trợ cho việc thực hiện dịch vụ công về bảo vệ môi trường.

2.4. Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường tiến hành trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin miễn phí cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư để thực hiện công tác phản biện, giám sát xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án có nội dung hoạt động liên quan đến các yếu tố môi trường cần bảo vệ và phát triển bền vững. 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng đề án thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường trên cơ sở tổ chức lại Phòng Bảo vệ môi trường (hoặc bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường) và các đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công về bảo vệ môi trường hiện có thuộc Sở theo hướng dẫn của Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị địa phương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ




Trần Văn Tuấn

BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG




Phạm Khôi Nguyên

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND tỉnh,  thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Công báo; Website Chính phủ;
- Lưu: Văn thư Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ.