- 1 Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 3 Quyết định 67/2004/QĐ-BTC ban hành Quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 129/2007/TTLT/BTC-BKHCN | Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA
Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22-10-2003 của Chính phủ, liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ) như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần, cho vay không lấy lãi hoặc cho vay với mức lãi suất thấp đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân thực hiện.
3. Quỹ là đơn vị hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Quỹ thực hiện nghĩa vụ thuế và được hưởng chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động tài chính của Quỹ trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của các Luật thuế và các văn bản pháp luật hiện hành.
4. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bao gồm nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế, các khoản lãi cho vay, các nguồn khác.
5. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và tại các ngân hàng thương mại theo quy định.
6. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
7. Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản đúng mục đích, hiệu quả phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và các quy định hiện hành của Nhà nước.
8. Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động của Quỹ, chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, xét duyệt và phê duyệt dự toán, quyết toán nguồn ngân sách nhà nước, hoạt động thu, chi tài chính hàng năm của Quỹ và tổng hợp trong báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định hiện hành.
9. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
1. Vốn hoạt động của Quỹ, bao gồm:
1.1. Quỹ có vốn được cấp năm đầu khi thành lập là 200 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Hàng năm Quỹ được cấp bổ sung theo dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bảo đảm vốn hoạt động của Quỹ từ nguồn ngân sách ít nhất bằng 200 tỷ đồng.
1.2. Vốn được huy động các nguồn ngoài ngân sách:
- Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Các khoản lãi cho vay đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
1.3. Quỹ được huy động các nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước để thực hiện cho vay ưu đãi đối với nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ.
1.4. Vốn nhận uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng uỷ thác.
1.5. Vốn thu hồi các khoản tài trợ, cho vay đến hạn.
1.6. Các nguồn vốn khác.
2. Vốn của Quỹ được sử dụng để chi tài trợ và cho vay cho các đối tượng theo các quy định tại thông tư này và các quy định do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành về xét chọn, đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án, chương trình được Quỹ tài trợ, cho vay; chi quản lý hoạt động của Quỹ.
3. Hàng năm, Quỹ phải thực hiện cân đối nguồn vốn và nhu cầu vốn, thực hiện kế hoạch hoá các nguồn vốn.
- Quỹ chủ động vận động và tiếp nhận các nguồn vốn ngoài ngân sách và nguồn vốn khác theo quy định của Quỹ và các quy định có liên quan của Nhà nước.
- Quỹ thực hiện cân đối nguồn vốn và nhu cầu vốn ngân sách cấp để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.
4. Quỹ mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính để rút vốn ngân sách cấp và mở tài khoản giao dịch tại các ngân hàng thương mại theo quy định.
5. Quỹ được phép chuyển vốn dư ngân sách cấp trong năm tài chính sang năm kế tiếp.
6. Mức chi, đối tượng chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành về chi ngân sách Nhà nước.
7. Vốn hoạt động và tài sản của Quỹ phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả theo các phương thức tài trợ của Quỹ. Các trường hợp tổn thất về vốn và tài sản của Quỹ phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định.
8. Bộ Tài chính bố trí và cấp phát vốn ngân sách cấp hàng năm cho Quỹ theo dự toán ngân sách nhà nước, các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước.
Vốn ngân sách cấp cho Quỹ hàng năm được hạch toán vào Mục 153 “Hỗ trợ các Quỹ”, tiểu mục 08 “Chi cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” của Mục lục Ngân sách Nhà nước.
Quỹ lập báo cáo tài chính trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm tra, phê duyệt theo quy định hiện hành.
III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ CỦA QUỸ
Hoạt động nghiệp vụ của Quỹ bao gồm chi tài trợ, cho vay để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
1. Tài trợ
1.1. Đối tượng tài trợ:
1.1.1. Tài trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm:
a) Nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học được tài trợ không hoàn lại 100% kinh phí nghiên cứu khoa học của nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình;
b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất mới phát sinh có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn; nhiệm vụ khoa học và công nghệ có triển vọng nhưng có tính rủi ro được tài trợ không hoàn lại tối đa 100% kinh phí nghiên cứu khoa học của nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình.
Nội dung tài trợ tại các điểm a, b mục 1.1.1 này bao gồm cả kinh phí đoàn ra, đoàn vào, chi trả chuyên gia tư vấn, kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.
c) Tài trợ không hoàn lại tối đa 90% giá trị công nghệ nhập khẩu gắn với làm chủ trong nghiên cứu chế tạo một số công nghệ trong nước chưa tạo ra được, có ý nghĩa kinh tế xã hội quan trọng được Nhà nước khuyến khích chuyển giao. Trường hợp đặc biệt đối với một số tổ chức của nhà nước không tự đảm bảo được kinh phí nhập khẩu công nghệ có tính chất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, nhằm làm chủ công nghệ mới Hội đồng quản lý Quỹ có thể xem xét quyết định mức tài trợ cao hơn 90%, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm.
d) Tài trợ tối đa 100% chi phí xuất bản công trình khoa học đối với kết quả của các đề tài, dự án chương trình nghiên cứu cơ bản và các nhiệm vụ do Quỹ tài trợ (nêu tại điểm a, b mục 1.1.1 này). Tài trợ tối đa 50% chi phí xuất bản công trình khoa học đối với kết quả của các đề tài, dự án chương trình còn lại do Quỹ tài trợ.
đ) Tài trợ tối đa 100% phí công bố công trình khoa học do Quỹ tài trợ trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
e) Tài trợ tối đa 100% chi phí hợp lý có liên quan trực tiếp đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng là kết quả của các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học do Nhà nước tài trợ và của cá nhân người Việt Nam tự đầu tư nghiên cứu.
g) Tài trợ học bổng nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia quy định tại Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và các văn bản khác của Nhà nước. Tài trợ cho các nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi) tham gia hội thảo và có báo cáo trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế.
1.1.2. Tài trợ một phần cho các dự án sản xuất thử nghiệm không nằm trong kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc hướng khoa học và công nghệ ưu tiên của Nhà nước do doanh nghiệp thực hiện theo các quy định hiện hành.
1.2. Nguyên tắc tài trợ
a) Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng quản lý Quỹ ban hành quy định cụ thể về tiêu chí xét chọn, đánh giá nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình được tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ và quy định mức tài trợ, mức thu hồi đối với từng loại nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình thuộc thẩm quyền của mình hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
b) Căn cứ quy định của Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ tổ chức các Hội đồng khoa học và công nghệ để xét chọn nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình được tài trợ và quyết định mức tài trợ, mức thu hồi đối với từng nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình cụ thể thuộc thẩm quyền của mình hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xét chọn phải được thực hiện công khai, dân chủ, bình đẳng theo đúng quy định.
c) Trong quá trình thực hiện, Hội đồng quản lý Quỹ được quyền điều chỉnh mức vốn tài trợ để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo tính hiệu quả của dự án và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
d) Việc tài trợ phải được thực hiện đúng đối tượng, vốn tài trợ phải được sử dụng đúng mục đích và phải được giải ngân theo tiến độ thực hiện của dự án. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lắp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn vốn của Quỹ hoặc nguồn vốn khác của Nhà nước.
đ) Quỹ tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thuộc các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong kế hoạch của Nhà nước.
e) Thời gian thu hồi kinh phí của dự án được tài trợ có thu hồi kinh phí áp dụng theo quy định hiện hành.
1.3. Lập kế hoạch tài trợ
a) Hàng năm, căn cứ kế hoạch vốn và nhu cầu tài trợ của các đối tượng, Cơ quan điều hành Quỹ lập kế hoạch tài trợ cho các đối tượng theo quy định.
b) Kế hoạch tài trợ hàng năm phải được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định.
2. Cho vay
2.1. Đối tượng cho vay:
a) Cho vay không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển được tạo ra trong nước.
b) Cho vay với mức lãi suất thấp đối với các dự án đổi mới công nghệ, chú trọng đến công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Hội đồng quản lý Quỹ quy định tiêu chí xác định các dự án cho vay không lấy lãi, cho vay với mức lãi suất thấp quy định tại điểm này sau khi có sự thống nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính.
2.2. Nguyên tắc cho vay:
a) Đảm bảo cho vay đúng đối tượng, tuân theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy chế do Quỹ ban hành.
b) Các nhiệm vụ, đề tài, dự án chương trình xin vay vốn của Quỹ phải được xét chọn công khai, dân chủ, bình đẳng thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ.
c) Quỹ thực hiện cho vay đối với các nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình khoa học và công nghệ không nằm trong kế hoạch của Nhà nước, có ý nghĩa tầm quốc gia, liên ngành, vùng và do tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.
2.3. Tổng dư nợ cho vay từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp tối đa không quá 20% tổng số dư nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp cho Quỹ.
3. Hoạt động uỷ thác
3.1. Quỹ được nhận vốn uỷ thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tài trợ hoặc cho vay các nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình theo Hợp đồng uỷ thác.
3.2. Nguồn vốn nhận uỷ thác, các khoản tài trợ, cho vay theo hợp đồng uỷ thác phải được theo dõi, quản lý riêng. Kết thúc thời hạn uỷ thác, Quỹ có trách nhiệm thu hồi các khoản tài trợ, cho vay theo uỷ thác và quyết toán nguồn vốn nhận uỷ thác với người uỷ thác theo hợp đồng uỷ thác.
4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức về thực hiện hợp đồng tài trợ, cho vay
4.1. Trách nhiệm của Hội đồng quản lý Quỹ:
a) Quyết định phương thức tài trợ, cho vay của Quỹ.
b) Quy định tiêu chí đánh giá, xét chọn dự án được tài trợ, cho vay từ nguồn vốn của Quỹ.
c) Quy định cụ thể mức tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ cho phù hợp với từng loại hình nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học.
d) Quy định mức lãi suất làm cơ sở để Cơ quan điều hành Quỹ cho vay trong từng thời kỳ phù hợp với từng loại hình nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình, đảm bảo lãi suất cho vay thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại, tương đương với lãi suất tín dụng ưu đãi đầu tư của nhà nước trong cùng thời kỳ;
đ) Ban hành các quy định cụ thể về chế độ thực hiện hợp đồng tài trợ, cho vay làm căn cứ để giải quyết các vi phạm liên quan và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về giải quyết các vi phạm hợp đồng tài trợ, cho vay và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.
e) Giám sát, kiểm tra hoạt động của Cơ quan điều hành Quỹ trong việc thực hiện các quy định của nhà nước và các quy định của Hội đồng quản lý Quỹ.
4.2. Cơ quan điều hành Quỹ thực hiện:
a) Tổ chức họp Hội đồng khoa học và công nghệ để tổ chức đánh giá xét chọn các đề tài, dự án, trên cơ sở đó quyết định tài trợ, cho vay, thời hạn cho vay đối với từng đề tài, dự án cụ thể theo quy định.
b) Quy định thời gian cho vay của từng dự án, nhưng tối đa không quá 36 tháng. Trường hợp đặc biệt, thời gian cho vay quá 36 tháng, Cơ quan điều hành Quỹ trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét quyết định.
c) Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, các quy chế do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành, Cơ quan điều hành Quỹ phải thực hiện ký kết hợp đồng tài trợ, cho vay theo đúng đối tượng quy định.
d) Tổ chức theo dõi và thu hồi các khoản vốn vay, lãi vay đúng hạn theo hợp đồng vay đã ký kết.
đ) Quản lý các kết quả nghiên cứu, xử lý các vi phạm hợp đồng tài trợ, cho vay.
4.3. Trách nhiệm của Ban kiểm soát Quỹ:
a) Kiểm tra và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ về tình hình thực hiện Điều lệ của Quỹ, các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Xem xét, trình cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ.
4.4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được tài trợ, cho vay từ Quỹ:
a) Thực hiện đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng tài trợ, cho vay đã ký, huy động đủ các nguồn vốn như đã cam kết để thực hiện nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình;
b) Sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ tiêu chuẩn; định kỳ có báo cáo tình hình sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Quỹ.
c) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ có nhận tài trợ, vốn vay của Quỹ tiến hành thanh quyết toán với các chủ nhiệm đề tài, dự án và báo cáo Cơ quan điều hành Quỹ. Cá nhân thực hiện nhiệm vụ có nhận tài trợ, vốn vay của Quỹ thực hiện quyết toán trực tiếp với Quỹ theo các quy định của Quỹ.
4.5. Xử lý đối với một số trường hợp tài trợ, cho vay không đúng đối tượng:
a) Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ phải chịu trách nhiệm về các quyết định tài trợ, cho vay không đúng đối tượng. Trường hợp vi phạm sẽ chịu các chế tài xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Đối với các nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình đã được tài trợ không đúng đối tượng, không đúng quy định, không đảm bảo huy động đủ các nguồn vốn, sử dụng kinh phí sai mục đích, sai chế độ tiêu chuẩn quy định, thì Cơ quan điều hành Quỹ báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ quyết định dừng việc thanh toán kinh phí còn lại và thu hồi phần kinh phí sử dụng sai mục đích, sai chế độ.
Ngoài ra trong trường hợp sử dụng kinh phí sai mục đích, sai chế độ thì tuỳ theo mức độ sai phạm cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài, dự án, chương trình còn phải chịu các chế tài xử lý vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
c) Trường hợp nhiệm vụ, đề tài, dự án, chương trình phải ngừng triển khai hoặc không đạt kết quả theo dự kiến do nguyên nhân khách quan (đơn vị chủ trì bị phá sản, chủ nhiệm đề tài, dự án, chương trình bị chết hoặc mất tích, công trình nghiên cứu bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hoả hoạn…) dẫn đến không đảm bảo hoàn trả kinh phí thu hồi, kinh phí cho vay thì được xem xét miễn, giảm kinh phí thu hồi, kinh phí cho vay, lãi suất cho vay, gia hạn thời hạn vay.
- Trong trường hợp này đơn vị chủ trì đề tài, dự án, chương trình phải báo cáo kịp thời cho Cơ quan điều hành Quỹ bằng văn bản (kèm các hồ sơ liên quan như: Quyết định công bố phá sản doanh nghiệp, giấy chứng tử, xác nhận mất tích của chính quyền địa phương, xác nhận của cơ quan phòng cháy chữa cháy, cơ quan phòng chống bão lụt về thiệt hại của đề tài, dự án, chương trình… ) để Cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, xác nhận về quá trình triển khai thực hiện và lý do phải ngừng triển khai các dự án; khả năng hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước tài trợ, cho vay.
- Sau khi kiểm tra xác nhận hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro, cơ quan điều hành Quỹ báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ xem xét quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước xem xét quyết định.
d) Thẩm quyền xử lý rủi ro:
- Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định gia hạn thời hạn cho vay của của các đề tài, dự án, chương trình nhưng tổng thời gian cho vay sau khi gia hạn không được vượt quá thời gian cho vay tối đa của từng loại đề tài, dự án, chương trình.
- Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định xử lý rủi ro đối với các trường hợp miễn, giảm kinh phí thu hồi, miễn, giảm lãi cho vay đối với các đề tài, dự án, chương trình trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quản lý Quỹ.
- Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ gốc cho vay đối với đề tài, dự án, chương trình trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ.
đ) Trường hợp các dự án có thu hồi kinh phí, dự án vay vốn vi phạm hợp đồng, trả nợ thu hồi, nợ vay không đúng hạn, chủ dự án phải chịu lãi phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Đồng thời phải chịu trách nhiệm thực hiện các chế tài về thu nợ và lãi quá hạn theo quy định của pháp luật.
IV. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CỦA QUỸ:
1. Nguồn kinh phí hoạt động của bộ máy Quỹ:
1.1. Nguồn Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo dự toán.
1.2. Thu nhập từ hoạt động nghiệp vụ:
- Thu lãi cho vay của các dự án vay vốn của Quỹ.
- Thu từ các hoạt động hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quỹ;
- Thu phí từ hoạt động uỷ thác (nếu có);
- Thu hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ khác.
1.3. Thu nhập từ hoạt động tài chính:
- Thu lãi tiền gửi;
- Các khoản thu từ dịch vụ tài chính khác.
1.4. Thu nhập từ hoạt động khác:
- Các khoản thu phạt;
- Thu thanh lý, nhượng bán tài sản của Quỹ (sau khi trừ giá trị còn lại và các khoản chi phí thanh lý, nhượng bán);
- Thu chênh lệch do đánh giá lại tài sản thế chấp khi đơn vị, cá nhân chủ trì dự án không trả được nợ; tài sản hình thành từ vốn ngoài ngân sách và vốn khác của Quỹ;
- Thu nợ đã xoá nay thu hồi được;
- Các khoản thu nhập khác.
2. Chi phí hoạt động
2.1. Chi phí hoạt động của Quỹ, gồm:
a) Chi hoạt động thường xuyên cho hoạt động bộ máy, gồm:
- Tiền lương, các khoản có tính chất lương, các khoản trích theo lương, chi nghiệp vụ, đoàn ra, đoàn vào và các khoản mua sắm, sửa chữa thường xuyên Tài sản cố định, chi dịch vụ công cộng, văn phòng phẩm và các khoản chi thường xuyên khác theo chế độ quy định.
- Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ, Hội đồng khoa học và công nghệ.
- Chi tổ chức hội thảo khoa học trong nước và quốc tế theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi mua tài liệu, tư liệu, thông tin tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và duy trì trang Web phục vụ cho các hoạt động của Quỹ;
Chi phí tuyển chọn, xét chọn, thẩm định đề tài, dự án và các nhiệm vụ khác được tài trợ, cho vay: áp dụng theo các quy định hiện hành.
Chi phí đánh giá, kiểm tra, nghiệm thu đề tài, dự án, chương trình được tài trợ, cho vay: áp dụng theo các quy định hiện hành.
Chi phí thu hồi nợ, lãi vay từ nguồn vốn của Quỹ.
Chi thuê địa điểm, văn phòng (nếu có).
Chi phí thường xuyên khác.
b) Các khoản chi không thường xuyên của hoạt động bộ máy, gồm: Chi đầu tư xây dựng cơ bản, và các khoản chi không thường xuyên khác.
2.2. Quỹ được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên như đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động theo quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Chế độ quản lý chi tiêu:
3.1. Căn cứ dự toán chi quản lý hàng năm được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và các khoản thu hợp pháp của Quỹ, Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
3.2. Giám đốc Quỹ có trách nhiệm xây dựng quy chế, định mức chi tiêu nội bộ phù hợp với các quy định của nhà nước trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt làm căn cứ thực hiện, quyết định việc chi tiêu và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quỹ phải gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi quản lý đồng thời gửi cho Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện kiểm soát chi theo quy định.
3.3. Quỹ không được hạch toán vào chi phí các khoản sau:
a) Các khoản thiệt hại đã được Chính phủ hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường;
b) Các khoản chi phạt do vi phạm hành chính do nguyên nhân chủ quan, phạt vi phạm chế độ tài chính;
c) Các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, nâng cấp, cải tạo tài sản cố định thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản;
d) Các khoản chi cho sửa chữa, bảo dưỡng và trang thiết bị các tài sản phúc lợi.
4. Quản lý và sử dụng tài sản
4.1. Đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản cố định phục vụ cho hoạt động của Quỹ được thực hiện theo các quy định như đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự trang trải một phần kinh phí hoạt động.
4.2. Đối với tài sản cố định sử dụng vào hoạt động dịch vụ phải thực hiện trích khấu hao thu hồi vốn theo quy định áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước.
4.3. Quỹ được thanh lý, nhượng bán những tài sản kém, mất phẩm chất, tài sản hư hỏng không có khả năng phục hồi, tài sản lạc hậu kỹ thuật, tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả. Khi thanh lý, nhượng bán tài sản, Quỹ phải định giá tài sản và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
4.4. Số tiền trích khấu hao, số tiền thu được từ chênh lệch do thanh lý, nhượng bán tài sản với giá trị còn lại của tài sản trên sổ sách kế toán và chi phí thanh lý, nhượng bán (nếu có) được để lại bổ sung Quỹ đầu tư phát triển của Quỹ để sử dụng tái tạo lại tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị. Số tiền trích khấu hao tài sản đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn huy động được dùng để trả nợ vay; trường hợp đã trả đủ nợ vay, được bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của Quỹ.
4.5. Đối với các trường hợp tổn thất về tài sản của Quỹ, Quỹ phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý:
- Nếu tài sản bị tổn thất do lỗi của tập thể và cá nhân thì tập thể, cá nhân gây ra phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Nếu tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
4.6. Quỹ phải thực hiện việc kiểm kê tài sản theo quy định hiện hành.
5. Phân phối thu nhập và sử dụng các Quỹ
5.1. Phân phối thu nhập: Chênh lệch thu, chi tài chính hàng năm của Quỹ được phân phối như sau:
a) Trích 25% vào quỹ đầu tư phát triển;
b) Trích trả thu nhập tăng thêm cho người lao động, trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng ổn định thu nhập áp dụng như đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động theo quy định của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Số còn lại sau khi trích lập các quỹ trên sẽ được bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển.
5.2. Mục đích sử dụng các quỹ:
a) Quỹ đầu tư phát triển được sử dụng để đầu tư, mua sắm tài sản, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, kiện làm việc.
b) Quỹ khen thưởng dùng để:
- Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ cho cán bộ viên chức của Quỹ;
- Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể của Quỹ có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ mang lại hiệu quả;
- Thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài Quỹ có quan hệ, đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Quỹ.
c) Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để bảo đảm thu nhập cho người lao động.
d) Quỹ phúc lợi dùng để:
- Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi của Quỹ, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị theo hợp đồng thoả thuận;
- Chi cho các hoạt động thể thao, văn hoá, phúc lợi công cộng của tập thể cán bộ, viên chức của Quỹ;
- Chi trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ viên chức của Quỹ;
- Đóng góp cho Quỹ phúc lợi xã hội và chi các hoạt động phúc lợi khác.
đ) Giám đốc Quỹ phối hợp với Ban chấp hành công đoàn Quỹ để quản lý, sử dụng các quỹ khen thưởng và phúc lợi nêu trên.
6. Lập và phê duyệt kế hoạch tài chính hàng năm của Quỹ:
6.1. Hàng năm vào thời điểm xây dựng dự toán Giám đốc Quỹ lập kế hoạch tài chính của Quỹ bao gồm các nội dung:
- Dự kiến số dư nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, kế hoạch thu hồi vốn, kế hoạch thu hồi lãi vay, dự kiến kế hoạch huy động từ các nguồn khác ...
- Kế hoạch tài trợ, cho vay từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước và ngoài nguồn vốn Ngân sách nhà nước.
- Kế hoạch chi thường xuyên của bộ máy quản lý Quỹ.
- Kế hoạch bổ sung vốn từ Ngân sách nhà nước.
6.2. Giám đốc Quỹ gửi kế hoạch tài chính của Quỹ cho Ban Kiểm soát, Hội đồng quản lý Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ thẩm định và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước.
6.3. Giám đốc Quỹ lập báo cáo quyết toán tài chính của Quỹ gửi Ban kiểm soát, Hội đồng quản lý Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ thẩm định và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để gửi Bộ Tài chính.
1. Quỹ phải tổ chức thực hiện công tác kế toán theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Kế toán. Quỹ thực hiện công tác thống kê theo quy định của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thống kê.
2. Quỹ được áp dụng Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để thực hiện công tác kế toán của Quỹ.
3. Định kỳ hàng năm Quỹ lập và nộp báo cáo tài chính cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính. Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm tra, xét duyệt quyết toán của Quỹ theo quy định hiện hành và tổng hợp vào báo cáo quyết toán năm của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Bộ Tài chính.
4. Hàng năm Quỹ phải thực hiện tự kiểm tra tài chính kế toán theo “Quy chế tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan đơn vị có sử dụng Ngân sách Nhà nước” ban hành theo Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
5. Quỹ chịu sự kiểm tra tài chính của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia phản ánh, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
- 1 Nghị định 23/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia
- 2 Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 3 Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Quyết định 67/2004/QĐ-BTC ban hành Quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5 Nghị định 122/2003/NĐ-CP về việc thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia